Tay ba!

Thứ Năm, 15/04/2021, 08:58
Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte, từ hơn 2 thế kỷ trước, được cho là đã nói rằng: “Trung Hoa là một con sư tử đang ngủ. Hãy để cho nó ngủ, bởi khi thức giấc, nó sẽ làm thế giới rung chuyển”.


Giờ đây, hơn ai hết, người Mỹ cảm nhận rất rõ rằng con sư tử ấy đã thức giấc và với những móng vuốt cùng tham vọng vô tận của mình, dần từ đối tác trở thành đối thủ của Mỹ. Ông Joe Biden đã lựa chọn phương thức khác hẳn với người tiền nhiệm của mình: tái xác lập lại các liên minh nhằm kiềm chế “con sư tử” hung dữ vừa thức giấc này.

Đó chính xác là những điều mà chính quyền của Tổng thống Biden đang làm. Xoay trục sang châu Âu; thúc đẩy sự hình thành trên thực tế cơ chế “Bộ Tứ kim cương” Mỹ - Nhật - Úc - Ấn Độ. Và củng cố quan hệ 3 bên với 2 đối tác, 2 đồng minh hàng đầu của Mỹ ở Đông Bắc Á: Nhật Bản, Hàn Quốc.

Một đề nghị không thể từ chối

Đấy là mối quan hệ với không ít thăng trầm kéo dài nhiều thập niên trong lịch sử.

Vào đầu những năm 1960 của thế kỷ trước, khi Trung Quốc vừa mới sở hữu vũ khí hạt nhân và cuộc chiến tranh Việt Nam đang trên đà leo thang, chính quyền của Tổng thống Johnson đã tìm cách thúc đẩy quan hệ với cả Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm mục tiêu chống lại phong trào cộng sản ở châu Á. Nhưng, để có thể củng cố mối quan hệ tay ba này, nhiệm vụ của chính quyền Johnson khi ấy là “sửa chữa” mối quan hệ song phương giữa Nhật Bản với Hàn Quốc, vốn đã tiếp tục căng thẳng sau những ân oán trong Thế chiến 2.

Ông Joe Biden có những phương thức khác hẳn với người tiền nhiệm của mình. Ảnh: L.G

Mỹ có trong tay một “con bài tẩy” để giải quyết vấn đề nan giải này: sức mạnh quân sự và kinh tế vượt trội ở thời điểm đó. Ai trả tiền, người đó có quyền đặt nhạc! Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục các cuộc đàm phán kéo dài hơn 13 năm, kể từ 1951, nhằm bình thường hóa quan hệ song phương, các nhà ngoại giao Mỹ đã truyền đi một thông điệp khá đơn giản: nếu như Nhật Bản và Hàn Quốc thiết lập được một mối quan hệ hữu nghị, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ cả về quân sự lẫn kinh tế cho cả hai đối tác này.

Đơn giản, đấy là một đề nghị không thể từ chối! Ngày 22-6-1965, tại dinh Thủ tướng ở Tokyo, các đại diện Nhật Bản và Hàn Quốc ký Hiệp ước về quan hệ cơ bản giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, thường được gọi tắt là Hiệp ước Nhật - Hàn. Hiệp ước này tạo nền tảng cơ bản để khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc với Nhật Bản, vốn bị gián đoạn từ năm 1945.

Đến những năm 1980, chính quyền của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tiếp tục đường hướng chính sách thúc đẩy quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc. Với sự khuyến khích của Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc Choon Do-hwan và Thủ tướng Nhật Bản Nakasone Yasuhiro đã tiến hành các cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong các năm 1983 và 1984. Mỹ cũng cam kết bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc, tái cam kết sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Nhật Bản, đồng thời kêu gọi Tokyo đóng vai trò lớn hơn trong đảm bảo an ninh ở châu Á.

Đến cuối những năm 1990, Mỹ bắt đầu một bước mới trong quan hệ với hai đồng minh ở Đông Bắc Á: quan hệ tay ba Mỹ - Nhật - Hàn. Để thúc đẩy mối quan hệ này, đã hình thành Nhóm giám sát và hợp tác 3 bên (TCOG) cũng như thực thi “Quy trình Perry” (mang tên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry), là những cơ chế đối thoại cấp cao cho đến cấp chuyên gia nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách của 3 bên có điều kiện thảo luận, trao đổi để tăng cường hợp tác giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc...

“Cái gai” trong cuộc chơi 3 bên

Tuy nhiên, Mỹ sẽ phải nỗ lực hơn nhiều nếu như muốn chính sách củng cố quan hệ với các đồng minh Đông Bắc Á của ông Biden mang lại kết quả, bởi mối quan hệ Nhật-Hàn thời gian gần đây đã có những biểu hiện tranh chấp gay gắt, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Trong suốt hơn 3 thập niên sau khi ký Hiệp ước Nhật - Hàn, hai bên vẫn tiếp tục tranh cãi về các diễn giải khác nhau đối với hiệp ước này, vốn miễn cho Nhật Bản mọi khoản bồi thường do thời gian chiếm đóng Triều Tiên trong Thế chiến 2.

Năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc bất ngờ đưa ra phán quyết rằng các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian chiến tranh. Sau phán quyết gây tranh cãi này, tình hình quan hệ giữa hai bên nhanh chóng đi theo chiều hướng xấu. Cả Seoul và Tokyo cùng loại nhau ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế tối huệ quốc trong quan hệ thương mại. Trong khi Tokyo áp đặt hạn chế xuất khẩu nguyên vật liệu đầu vào trọng yếu đối với ngành công nghiệp bán dẫn quy mô lớn của Hàn Quốc cùng nhiều mặt hàng khác, thì ở Hàn Quốc diễn ra chiến dịch tẩy chay trên quy mô toàn quốc các mặt hàng sản xuất tại Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng là đối tượng của chiến dịch bài xích ở Hàn Quốc...

Tranh chấp giữa hai bên lên đến đỉnh điểm khi tháng 8-2019, Seoul thông báo có khả năng sẽ rút khỏi Hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quan trọng với Tokyo, vốn được ký kết từ 2016; Hàn Quốc sẽ chỉ tiếp tục hợp tác với Nhật Bản trong thông tin quân sự, thông qua thỏa thuận chia sẻ thông tin 3 bên, trong đó Mỹ đóng vai trò trung gian.

Hành động này đã đe dọa cấu trúc liên minh Mỹ - Nhật - Hàn trong bối cảnh địa chính trị Đông Bắc Á thường xuyên “báo động đỏ” do những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi Hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản hết hiệu lực, Seoul đã quyết định gia hạn hiệp ước này, một động thái khiến Mỹ thở phào, trút đi gánh nặng ngàn cân đe dọa phá hỏng quan hệ tay ba Mỹ - Nhật - Hàn.

Trong suốt cả năm 2020, quan hệ song phương giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã không có bước cải thiện nào đáng kể. Mới nhất, Sách Trắng quốc phòng của Hàn Quốc công bố hồi tháng 2-2021 đã không còn gọi Nhật Bản là “đối tác” nữa, một tín hiệu đáng lo ngại đối với quan hệ hai bên. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, hạn chế đi lại đã làm giảm hơn nữa cơ hội giao lưu giữa người dân hai nước lại càng khiến cho khả năng khôi phục quan hệ Nhật - Hàn hết sức khó khăn.

Nhật Bản vẫn là một cường quốc kinh tế.  Ảnh: L.G

Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn

Trong suốt 4 năm ở Nhà Trắng, ông Trump đã không ít lần nghi ngờ giá trị của những đồng minh ở Đông Bắc Á, nhiều lần tranh cãi về những khoản chi phí dành cho việc duy trì quân đội Mỹ ở cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản. Những động thái đó đã làm suy giảm khả năng của Mỹ trong việc đảm nhiệm vai trò bất thành văn là một bên (chủ chốt) xây dựng cầu nối giữa Seoul và Tokyo. Điều này dẫn tới một thực trạng là quan hệ tay ba Mỹ - Nhật - Hàn đã rơi vào tình thế ảm đạm nhất trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ ông Trump.

Nhận thức rõ những tổn hại do người tiền nhiệm gây ra, chính quyền Tổng thống Biden tìm cách tái sắp đặt lại mối quan hệ đồng minh 3 bên. Điều quan trọng là không để cho một trong hai đối tác cảm thấy Mỹ thiên vị cho bên kia.

Thế nhưng, hiển nhiên là do các yếu tố vị trí địa lý, lịch sử, chế độ chính trị cũng như quy mô của các nền kinh tế của mỗi bên khác nhau nên giá trị của từng đồng minh Đông Bắc Á đối với Mỹ cũng khác nhau.

Bị Trung Quốc vượt mặt (để trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới) nhưng Nhật Bản vẫn là một cường quốc kinh tế. Nhưng, nền kinh tế này phụ thuộc ngày càng nhiều vào thị trường, nguồn vốn và chuỗi sản xuất của Trung Quốc. Bởi vậy, Nhật Bản tính toán rất thận trọng khi lựa chọn vị thế của mình, đảm bảo giành được những lợi ích lớn nhất trong bối cảnh cuộc đối đầu Trung-Mỹ đang diễn ra gay gắt.

Lựa chọn tối ưu của Tokyo là xây dựng mối quan hệ vừa đủ với Mỹ để tránh rơi vào thế bị động trong quan hệ Trung-Nhật, làm con bài mặc cả với Trung Quốc; đồng thời vẫn phải duy trì vai trò là một đồng minh tin cậy của Mỹ để đối phó với những thách thức an ninh nổi lên trong thời gian gần đây trên Bán đảo Triều Tiên.  

So với Nhật Bản, Hàn Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ về quân sự nhưng lại bị phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về kinh tế. Mỹ là đồng minh duy nhất, còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Seoul. Hàn Quốc không thể và cũng không muốn phải lựa chọn giữa một trong hai bên. Giữ vị thế trung lập tương đối giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một lựa chọn hợp lý của Seoul.

Để phục vụ cho sách lược xây dựng lại mối quan hệ đồng minh ở đông Bắc Á, không chỉ tích cực làm trung gian hòa giải mối quan hệ khó khăn giữa Nhật Bản với Hàn Quốc, Mỹ còn phải tích cực lôi kéo cả Nhật Bản và Hàn Quốc trở lại quỹ đạo đồng minh chí cốt với chính Mỹ. Cuối tháng 2, Mỹ và Nhật Bản đã ký thỏa thuật chia sẻ chi phí cho quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản. Đến đầu tháng 3, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Hàn Quốc về việc sẽ ký Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự song phương (SMA) lần thứ XI với thời hạn 6 năm.

Vẫn là những đòn bẩy kinh tế đã được sử dụng hồi mấy thập niên trước và đến thời điểm hiện nay, chúng vẫn còn có tác dụng.

Đồng tiền (của Mỹ) đi trước là đồng tiền khôn!

Yên Ba
.
.