Tai bay vạ gió

Chủ Nhật, 01/06/2008, 08:00
Cơn bão nhiệt đới Nargis ở Myanmar cho tới ngày hôm nay đã khiến hơn 78 nghìn người chết. Hơn 56 nghìn người vẫn mất tích. 2,5 triệu người bị mất nhà cửa và phương kế sinh nhai… Còn tại huyện Vấn Xuyên thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, con số người bị chết vì cơn động đất mạnh tới 7,8 và 8 độ Richter ngày 12/5 đã vượt quá 51 nghìn người.

Và số người chết có thể sẽ lên tới trên 70 nghìn người vì hiện vẫn còn tới hơn 29 nghìn người bị coi là mất tích và nói cho cùng, họ có rất ít cơ may sống sót vì đã hơn 10 ngày trôi qua sau cơn động đất. Ít nhất cũng đã có 30 nghìn người khác bị thương vì động đất… Những tin tức này đang làm nhói đau trái tim nhân loại.

Thảm họa kinh hồn

Hiện nay ở Myanmar vẫn còn tới 56 nghìn người  bị mất tích sau cơn bão khủng khiếp mang tên Nargis. Thiệt hại kinh tế có thể lên tới hơn 10 tỷ USD… Còn tại Trung Quốc đã có hơn 7.000 dư chấn tiếp tục làm rung chuyển nhiều địa phương sau cơn động đất kinh hoàng ngày 12/5.

Khu vực xảy ra dư chấn nằm trong một dải địa hình núi hẹp có chiều dài chừng 300 km, chạy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, qua các thị trấn Lí Huyện - Vấn Xuyên - Mậu Huyện - Bắc Xuyên - Bình Vũ - Thanh Xuyên…

Công tác cứu hộ đã và đang được tiến hành rất tích cực nhưng những tia hy vọng về những người sẽ được cứu sống ngày càng trở nên mong manh hơn. Đại diện của chính quyền Trung Quốc cho rằng, rất có thể tổng số nạn nhân chết trong cơn động đất ngày 12/5 sẽ lên tới trên 70 nghìn người.

Theo những tính toán sơ bộ, mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay có thể giảm khoảng 0,2% vì những thiệt hại vật chất do cơn động đất ở Tứ Xuyên gây ra. Hơn 10 nghìn ha cây lương thực và hơn 20 nghìn ha rau bị phá huỷ. 100 nghìn ha trồng lúa phải chuyển sang trồng rau hoa màu khác do mất nguồn nước tưới vốn có. Cơn động đất cũng đã làm 14.207 công ty tại Tứ Xuyên và các khu vực xung quanh thiệt hại tổng cộng 9,5 tỷ USD…

Chính phủ Myanmar đã bắt đầu tiến hành quốc tang vào ngày 20/5, còn ở Trung Quốc, quốc tang đã được tiến hành từ ngày 19 tới ngày 21/5 để tưởng niệm những nạn nhân xấu số bị thiệt mạng. Cả Trung Quốc lẫn Myanmar sẽ còn phải mất rất nhiều công sức và của cải để đối phó với vô số những hệ lụy sinh ra từ các đại thiên tai vừa rồi.

Nguy cơ bệnh dịch bùng phát trên diện rộng luôn luôn thường trực. Tại Myanmar, Hội Chữ thập Đỏ quốc tế cảnh báo rằng, số người chết sẽ  còn tăng hơn nữa nếu tiếp tục tình trạng thiếu nước sạch và các điều kiện vệ sinh cần thiết. Các bệnh dịch nếu bùng phát ở Myanmar còn có thể lan sang cả các nước láng giềng (Chính phủ Thái Lan đã phải đặt 9 tỉnh giáp giới với Myanmar sẵn sàng đối phó với các dịch bệnh do hậu quả của cơn bão Nargis gây ra)…

Vụ động đất ở Tứ Xuyên cũng đã tàn phá hạ tầng cơ sở trên diện rộng, khiến sinh hoạt của những người sống sót đang bị đình trệ hoặc gặp rất nhiều khó khăn. Theo những tính toán sơ bộ, động đất đã làm hư hại khoảng 7.800km đường ống dẫn nước, 839 bể chứa nước và hơn 1.200 cơ sở xử lý nước sinh hoạt. Những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong chuyện này là Miên Trúc, Thập Phương…

Người dân tìm kiếm người thân của mình dưới căn nhà đổ nát ở Đô Giang Yển (Tứ Xuyên, Trung Quốc).

Do người dân ở Tứ Xuyên đang phải sống trong hoàn cảnh hết sức tạm bợ và thiếu thốn, trong những điều kiện tự nhiên không thuận lợi, giữa những xác người và động vật chết bắt đầu đến thời điểm phân hủy nên nguy cơ bùng phát những loại dịch bệnh như tiêu chảy, viêm gan A, uốn ván... đang ngày một cao.

Theo các cơ quan chức năng của Trung Quốc, mối đe dọa nhỡn tiền nữa của vụ động đất vừa qua là tình trạng lở vỡ đã đưa khoảng 20 triệu m3 đất tràn xuống các sông, hồ ở Tứ Xuyên, tạo thành các tụ nước lớn rất nguy hiểm ở hàng loạt các huyện và các thành phố.

 Nguy hiểm nhất là tụ nước dài 9km, rộng 200-250m, sâu 40m với lượng nước tích tụ lên tới 30 - 40 triệu m3 ở huyện Bắc Xuyên và 3 tụ nước với lượng nước mỗi tụ khoảng 10 triệu m3 ở huyện Thanh Xuyên… Các cơ quan chức năng Trung Quốc đã buộc phải sơ tán hàng nghìn người dân ở các khu vực hạ lưu đến nơi an toàn…

Động đất cũng đã làm gia tăng những nguy cơ đứt gãy địa chất dọc di sản văn hóa Long Môn, một trong bốn hang động lớn nhất Trung Quốc, nằm cách thành phố Lạc Dương (tỉnh Hà Nam) khoảng 30km về phía Nam.

Trong mùa mưa, lượng mưa gia tăng kèm theo những cơn dư chấn sẽ làm tăng những hiểm họa địa chất tại những vùng núi bị ảnh hưởng của động đất, có thể gây nên những tổn thất lớn… Rồi mối nguy hiểm của một vài nhà máy hóa học đã bị động đất phá huỷ (cùng cả các công nhân đang làm việc ở đó) cũng đang đòi hỏi phải có những biện pháp giải quyết hữu hiệu và cấp bách… --PageBreak--

Các cơ sở hạt nhân nằm ở gần những khu vực động đất đang được đặt trong tình trạng báo động cao (vì những lý do chiến lược và lịch sử, trên địa bàn tỉnh Tứ Xuyên có mật độ các căn cứ hạt nhân quân sự khá dày đặc).

Chung tay hành thiện

Khó ai có thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy qua TV những hình ảnh được truyền đi từ các khu vực đã gặp phải các thảm họa. Thê thảm nhất là cảnh những trẻ em gặp nạn! Tại Tứ Xuyên, những công trình bị cơn động đất lịch sử vùi lấp nhiều nhất là các trường học và bệnh viện.

Các con số thống kê sơ bộ cho thấy, có hơn 7 nghìn ngôi trường học ở Tứ Xuyên đã bị động đất làm sập. Có những ngôi trường đã bị chôn sống rất nhanh sau khi động đất bắt đầu cùng cả nghìn học sinh và thầy cô giáo.

Cho tới ngày hôm nay, ở cạnh những ngôi trường như thế, những thân nhân còn sống sót vẫn tiếp tục thắp hương cầu khấn cho vận may đến với con em mình để khỏi phải chết trong  những đống đổ nát còn lại…

Không nỗi đau nào riêng của ai, tấm lòng quốc tế đã rộng mở trước những tấn bi kịch vì thiên tai của những người vô tội. Tuy nhiên, công việc đã làm được vẫn còn rất hạn chế do mức độ thảm khốc hiếm thấy của các thiên tai. Cộng đồng quốc tế đã sát cánh với Myanmar và Trung Quốc trong những nỗ lực giải quyết hậu quả nặng nề của các thiên tai.

Ngày 22/5, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã tới Thủ đô Rangoon của Myanmar bàn bạc với chính quyền sở tại về việc gia tăng sự giúp đỡ quốc tế cho các nạn nhân cơn bão Nargis. Trước đó, các nhà lãnh đạo Myanmar cũng đã đồng ý để Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cử các đội chuyên gia y tế đến giúp và chấp thuận để ASEAN giữ vai trò điều phối hoạt động cứu trợ của nước ngoài cho các nạn nhân cơn bão Nargis. ASEAN cũng sẽ phối hợp với Liên hợp quốc để tổ chức một "hội nghị cam kết viện trợ quốc tế" cho Myanmar

Còn ở Trung Quốc, từ ngày 19/5, các đội cứu trợ y tế quốc tế cũng đã được phép tới thực hiện sứ mệnh nhân đạo tại các vùng bị động đất. Các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã góp được khoảng 10,8 tỷ nhân dân tệ (1,55 tỷ USD) ủng hộ cho các nạn nhân động đất… 166 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế đã bày tỏ  sự sẵn sàng giúp đỡ Trung Quốc giải quyết các hậu quả của động đất.

Chủ động phòng chống

Sau khi xảy ra vụ động đất ở Tứ Xuyên, trên không ít blog ở Trung Quốc xuất hiện những thông tin cho rằng, đã có những điềm báo trước về thảm họa đó nhưng đã không được chú ý đúng mức. Thí dụ như hiện tượng cóc bỗng nhiên tràn ra đầy đường hay chuyện những con gấu trúc ở vườn bách thú thành phố Thành Đô bỗng nhiên tỏ ra rất bồn chồn…

Có blogger đưa tin rằng, vài tuần trước khi xảy ra động đất ở Tứ Xuyên, ở cách trung tâm địa chấn đã có hiện tượng hàng triệu con bướm bay rợp trời… Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiêm túc, những thông tin trên chỉ là do hoang tưởng mà có.

Thực chất, động đất, núi lửa, cũng như những cơn bão như kiểu Nargis thường là các hiện tượng thiên nhiên rất khó đoán định trước. Và vì thế, thiệt hại do chúng gây nên luôn luôn là to lớn và bất ngờ. Đó là thực trạng chung của thế giới. Cũng chính vì thế nên chủ động phòng, chống thảm họa thiên nhiên đang là một trong những nhiệm vụ được xác định là cấp bách nhất ở nhiều quốc gia.

Chính phủ Thái Lan chẳng hạn, ngày 21/5 vừa qua đã ra chỉ thị thành lập  ngay một Ủy ban phòng chống thảm họa thiên nhiên do một Phó Thủ tướng đứng đầu.

Riêng ở nước ta, thiên tai đang có xu hướng ngày càng dữ dội và bất thường hơn, đặc biệt là từ những năm 90 của thế kỷ trước. Từ năm 1995 tới nay, tính trung bình mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại khoảng 1,2 tỉ USD vì thiên tai (bằng khoảng 2% GDP).

Đặc biệt, năm 2006, 10 cơn bão, 4 đợt áp thấp nhiệt đới cùng 9 đợt lũ quét đã làm nước ta chết tới 339 người, mất tích 247 người và bị thương hơn 2.000 người. Thiệt hại tài sản năm 2006 vì thiên tai lên tới mức kỷ lục đau lòng: gần 20 nghìn tỉ đồng!

Năm nay đã có nhiều cơ quan chuyên môn dự báo rằng, diễn biến thời tiết ở  nước là rất bất thường bởi chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Hơn bao giờ hết Việt Nam cần chủ động triển khai các công tác phòng, chống bão lũ.

Có rất nhiều việc cấp bách cần làm một cách thường xuyên. Và rất cần có một quy hoạch cụ thể, xây dựng các công trình kiên cố như điện, đường, trường, trạm, nhà cửa cho người dân tại các vùng nguy hiểm hay bị bão lũ đổ bộ vào như khu vực miền Trung, các tỉnh miền núi và đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long…

Nguyễn Hoàng Thu
.
.