Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Sự nghiêm ngắn của lòng nhân ái

Thứ Ba, 30/12/2008, 16:00
Giản dị, dân dã đã trở thành nét phong cách mang tính đặc thù trong nếp sống và làm việc của Bác Hồ. Ông Nguyễn Văn Lưu, nguyên Chánh Văn phòng Chủ tịch nước những năm 1945-1947, nhớ lại: "Trong trí nhớ của tôi, hình ảnh sinh hoạt bình thường của Bác đã để lại sự cảm phục, kính trọng, có tác dụng nêu gương của một vị Chủ tịch nước sống giản dị chan hòa. Hình ảnh đó không những chỉ cao đẹp mà còn có phần vĩ đại nữa.

Muốn trị quốc tốt, phải biết tu thân. Chân lý này đã luôn luôn được Bác Hồ quán triệt ngay từ những bước đầu hoạt động cách mạng "dấn thân vô là phải chịu tù đầy" (thơ Tố Hữu). Ngay cả khi đã ngồi lên vị trí lãnh đạo đất nước, Bác Hồ vẫn không ngừng tu dưỡng cả về tinh thần lẫn vật chất để giữ gìn đạo đức cách mạng "rằm xuân lồng lộng trăng soi" (thơ Bác Hồ).

Theo hồi ức của ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên Thư ký của Bác Hồ, tháng 6/1946, với tư cách khách mời của chính phủ Pháp, sang Paris, Bác Hồ vẫn duy trì một nếp sống giản dị vốn có mà khước từ mọi khoản trọng đại theo nghi lễ chính thức: Không ngủ trên giường mà ngủ trên sàn, ăn sáng vào lúc sáu giờ, giặt lấy quần áo lót…

Sau này, nhớ lại giai đoạn đó, ông Vũ Đình Huỳnh tâm sự thật: "Lúc đầu tôi cũng thấy Bác có vẻ như lập dị. Ai lại giữa một thành phố hoa lệ, một Thủ đô Ánh sáng như Paris mà Bác lại cứ khư khư giữ những thói quen ở trong nước.

Nhưng sau đó thì tôi hiểu Bác muốn cho tất cả chúng tôi theo gương Bác để tự kiềm chế mình trước mọi cám dỗ của cuộc sống ở đây, đồng thời cũng nhắc nhở chúng tôi rằng nước mình còn nghèo, mà cái nghèo đó thì không phải dễ dàng nhanh chóng khắc phục, còn phải chịu đựng nó lâu dài, vậy thì thói quen sống giản dị, khiêm tốn là thói quen tốt, cần rèn luyện để giữ nó…".

Giản dị, dân dã đã trở thành nét phong cách mang tính đặc thù trong nếp sống và làm việc của Bác Hồ. Ông Nguyễn Văn Lưu, nguyên Chánh Văn phòng Chủ tịch nước những năm 1945-1947, nhớ lại: "Trong trí nhớ của tôi, hình ảnh sinh hoạt bình thường của Bác đã để lại sự cảm phục, kính trọng, có tác dụng nêu gương của một vị Chủ tịch nước sống giản dị chan hòa. Hình ảnh đó không những chỉ cao đẹp mà còn có phần vĩ đại nữa.

Trong tình hình chính trị kinh tế của dân ta hồi đó, việc Bác sinh hoạt bình thường như cán bộ nhân dân chứng tỏ Bác hiểu rất rõ, rất sát đời sống vật chất của nhân dân và cán bộ, đồng thời thể hiện tấm lòng chân thành của Bác, tấm lòng của một lãnh tụ muốn cùng chịu gian khổ với nhân dân… Bác đã vượt lên trên những tập quán thông thường về cách sống của một vị Chủ tịch nước hay một vị lãnh tụ; chính những tập quán, lề thói đó lại thường vô hình ngăn cách lãnh tụ với nhân dân, với thực tế đời sống của xã hội…".

Bác Hồ thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (1952).

Nắm rất chắc những nguyên tắc cách mạng, nhưng Bác Hồ trong bất luận hoàn cảnh nào cũng luôn luôn giữ bụng liên tài trong việc xây dựng nhân lực cho đất nước.

Cũng theo hồi ức của ông Vũ Đình Huỳnh, trong chuyến sang Pháp mùa hè năm 1946, Bác Hồ rất hồ hởi với những trí thức người Việt ở bên đó và luôn mở rộng vòng tay với tất cả những ai thực lòng muốn phụng sự dân tộc: "Bác là thế, với người mới biết như anh Trần Hữu Tước, Bác đã tin là tin, cho đi ngay với mình, dù là đi vào nơi "hang hùm". Anh Tước là bác sĩ tai mũi họng nổi tiếng thật, nhưng thành phần gì, chịu ảnh hưởng Pháp tới đâu, tôi không biết. Bác lại càng không biết. Chủ trương đại đoàn kết toàn dân của Bác không phải là sách lược nhất thời mà là quan niệm đầy tính nhân văn cộng sản, mọi con người đều có thể tiến bộ nếu như có một mục tiêu cao quý tập hợp họ lại".

Chính tấm lòng và ý thức như thế nên cách mạng Việt Nam trong những tháng năm sau ngày 2/9/1945 đã tập hợp được rất nhiều lực lượng xung quanh ngọn cờ ái quốc thương dân của mình. Ngay cả với cựu hoàng Bảo Đại (Vĩnh Thụy), Bác cũng có thái độ cực kỳ nhân ái và khoan dung. Bác căn dặn Thư ký Vũ Đình Huỳnh:

- Nhớ đừng để ông Vĩnh Thụy thiếu thốn. Chúng mình quen chịu khổ, thiếu không sao, chứ ông ấy thiếu thì khổ lắm đấy!

Chung quy mọi sự cũng vì lợi ích của cách mạng: "Lôi kéo được ông ta về phía mình là tốt lắm. Để bọn khác lợi dụng ông ta là lắm chuyện phiền. Ông ta hiện giờ rất có ích cho cách mạng…". (Lời Bác nói với ông Vũ Đình Huỳnh)…

Là một vĩ nhân có lòng thương đồng loại vô hạn, Bác Hồ cũng là người luôn chủ trương duy trì nghiêm các nguyên tắc hành xử "quân pháp vô thân", không tự tư tự lợi, trong mọi việc. Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Bác Hồ đã luôn nhắc nhở những công bộc của chế độ mới thấu hiểu tinh thần chí công đó, không chỉ bằng những văn bản mang tính pháp quy mà cả bằng những cuộc trao đổi trong đời thường.

Theo hồi ức của ông Vũ Đình Hòe, năm 1946, tới dự buổi lễ tuyên thệ của lớp thẩm phám đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau khi ông Hòe với tư cách Bộ trưởng Tư pháp nhắc nhở về việc "cách đây mấy tháng, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh đảm bảo tự do cá nhân", Bác Hồ đã quay người lại với các thẩm phán và thân mật dặn dò: "Các ông là thẩm phán của dân, xử án vì dân. Hãy luôn luôn làm đúng những khẩu hiệu mà tự mình viết kia: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư"…

Muốn tốt việc riêng, phải lo tốt việc chung. Muốn công chuyện cách mạng phát triển thuận lợi, phải biết cách thúc đẩy công chuyện của toàn xã hội suôn sẻ. Nhà văn Nguyễn Công Hoan, từng được phân công phụ trách công tác kiểm duyệt báo chí sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã ngộ ra điều đó sau lần gặp đầu tiên với Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch. Ông kể:

"… Tôi đã trình bày với Bác được đầy đủ, ngắn gọn và mạch lạc tình hình công tác của tôi.

Để tôi nói hết, Bác hỏi:

- Còn gì nữa không?

Tôi nghĩ, rồi đáp:

- Thưa Cụ, hết ạ!

Bác hỏi;

- Thế còn báo L'Entente?

Báo L'Entente (Lăng-tăng-tơ) là của tụi Pháp, nghĩa là Đồng minh. Tôi nói:

- Thưa Cụ, nó cũng xin phép, nhưng lại viết đơn bằng chữ Pháp, cháu bắt nó phải viết bằng quốc ngữ. Nó phải nghe theo. Nhưng nó chỉ gửi đến kiểm duyệt có số đầu. Cháu viết công văn bắt nó tiếp tục đưa kiểm duyệt. Nhưng nó không đưa.

Bác hỏi:

- Chú có tức không?

- Thưa Cụ, có ạ.

Bác cười. Bác cho tôi hút thuốc lá rồi hỏi:

- Một mình chú đã làm ngần ấy công việc rồi, thế sao trong một tháng mà còn cho phép đến 30 tờ nữa ra. Có phải không?

Về việc cho phép 30 tờ báo, tôi đã không trình bày với Bác bởi vì không phải việc của tôi. Nhưng thấy Bác hỏi ba tiếng "Có phải không?", thì tôi đáp:

- Thưa Cụ, phải ạ, đúng thế đấy ạ!

Bác lắc đầu:

- Phải nghĩa là phải lẽ, đúng lẽ, chứ không nghĩa là đúng sự việc. Ba mươi ngày cho ra ba mươi tờ báo, thì một năm cho ra bao nhiêu tờ báo. Chú sẽ làm ăn thế nào?

Tôi lúng túng. Bỗng sực nhớ ra, tôi đáp:

- Thưa Cụ, nhưng chưa thấy cả 30 tờ ra đời. Chắc là vì chưa có giấy, chưa thành lập được tòa soạn. Cháu cho rằng họ ra nhiều thế, thì tờ nào viết kém sẽ đình bản ngay.

- Chú mong thế à?

Rồi Bác lắc đầu:

- Phải giúp họ tiến bộ mà sống chứ?

Câu nói đã làm tôi sửng sốt. Thật là một bài học quá mới đối với tôi lúc bấy giờ…".

Ngẫm cho cùng, đó vẫn là bài học chưa quá cũ đối với các "công bộc" của nhân dân ngay cả trong ngày hôm nay

Phan Lương
.
.