Khen chê phù phiếm:

Quả trứng con gà

Thứ Ba, 24/09/2013, 15:35

Không ai vì lời khen mà lớn lên, không ai vì tiếng chê mà nhỏ lại.
Đám đông luôn thừa thãi về thời gian, và người Việt lại mang tâm lý phổ biến “luận chuyện mình thì dễ, xét chuyện người thì khó”.
Lại có câu, “Lời nói đọi máu”.

Tuân Tử đúc kết với đại ý: Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy. Tuân Tử, một trong Bách gia chư tử đã đúc kết thì hiếm mà sai. Tuy nhiên, ý thức hệ ở mỗi thời điểm mỗi khác, nhận thức của con người cũng không thể nằm ngoài quy luật của thế thời.

Nhạc sĩ tài danh vừa tuyên bố sẽ rời sân khấu. Thật ra thì đã là nghệ sĩ, làm sao có chuyện dừng cuộc chơi. Nhạc sĩ tài danh đưa ra lời từ giã này sau vụ va vấp về những nhận định của nhạc sĩ đối với những nghệ sĩ khác.

Phàm là người, đều muốn nhận được lời khen. Có cá nhân, nghe khen mãi thành hỏng. Có cá nhân, nghe khen mãi sinh ra ảo tưởng… Thực tế đã chứng minh điều này, không cần phải lạm bàn quá sâu. Bọn trẻ tếu táo, “khen cho nó chết” là vì vậy.

Trung ngôn nghịch nhĩ, hay sự thật mất lòng. Lời nói thật bao giờ cũng như vết dao cắt, không phải ai cũng muốn thụ hưởng. Vì vậy, muốn nói thật cũng phải biết cách nói, không cứ sấn sổ nói thì đều được khen ngợi.

Người đứng tuổi, đưa ra lời khuyên cho kẻ đương thời cần phải cẩn trọng hơn rất nhiều lần. Tư duy mỗi thời mỗi khác, quan điệm mỗi lúc mỗi thay đổi.

Hơn nữa, cảm quan của mỗi người trong từng lĩnh vực khác nhau, chủ yếu dựa vào trình độ tri thức. Không thể nào lấy cái mình thích để áp đặt vào người, đây là một sai lầm mà không phải ai cũng có thể nhận biết.

Rất nhiều cuộc tranh cãi đầy tào lao đã diễn ra, chỉ xoay quanh chuyện  “anh phải thích thần tượng của tôi, vì thần tượng của tôi là siêu việt. Còn thần tượng của anh, chỉ là trò vớ va vớ vẩn mà thôi”.

Vậy đó, lẽ ghét yêu khó lường lắm. Những gì thuộc về cảm xúc đều có diễn biến rất phức tạp và không rõ ràng. Tôi vẫn nghĩ, chúng ta tôn trọng người khác, tức là chúng ta tôn trọng cá nhân mình. Tất nhiên, trong một xã hội đều có những chuẩn mực chung, miễn sao lẽ ghét yêu đừng nằm ngoài những chuẩn mực đó.

Không chỉ có chuyện đáng tiếc của nhạc sĩ tài danh, đã từng diễn ra những cuộc ầm ĩ vô bổ khác, giữa người nổi tiếng này và người nổi tiếng kia. Xoay đi ngoảnh lại cũng thương yêu hờn giận.

Đáng tiếc, có những cuộc chiến mà người khơi mào không phải là người phát ngôn, vì quyền quyết định đó nằm trong tay người “gõ bàn phím, bình thiên hạ”.

Lại một lần nữa phải nhắc, điều này phụ thuộc vào quan điểm cá nhân, tôi không có ý tranh luận. Với riêng mình, chọn nghề báo, tôi ngại nhất là chuyện, người ta nói thế này, mình lại viết thế khác. Làm gì cũng được, chứ làm chuyện này tôi tuyệt không thể làm được. Gieo điều tiếng ngoài chủ ý của nhân vật, chỉ nhằm cho bài viết thêm phần khiêu khích là điều không hay chút nào.

Nhưng dẫu sao, thì không có lửa, khói sẽ không hiện hữu. Biết từ chối khi được hỏi về người này người kia cũng là một cách phòng tránh có hiệu quả những lần khẩu chiến không hồi kết.

Người thông minh, là người biết nói khi cần thiết, biết nói với ai và biết nói về điều gì. Tự dưng tôi nghĩ, khen chê cá nhân nào đó, cũng như câu chuyện quả trứng và con gà.

Chỉ tốn thời gian, mà không mang lại điều tốt đẹp gì ngoại trừ thị phi. Nói, cũng phải biết cách lựa lời

Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng (thực hiện)
.
.