Phụ nữ - những người canh giữ bếp lửa gia đình

Thứ Ba, 15/03/2005, 07:11
12 cuốn sách về gia đình trong 12 năm nghiên cứu gia đình và phụ nữ đã cho nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, nguyên Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học về gia đình và phụ nữ, một kết luận: Dù xinh đẹp và tài năng, người phụ nữ Việt Nam hiện đại không thể thay thế vai trò của người chồng.

Ông nói: Bình đẳng giới thực ra không mới mẻ ở Việt Nam. Trong mọi chính sách và văn bản của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX đều ghi rất rõ, đó là sự giải phóng phụ nữ và nam nữ bình quyền. Sau hơn 10 năm nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay tốt hơn rất nhiều nơi trên thế giới vì chúng ta có truyền thống thờ đạo mẫu, tôn trọng phụ nữ.

Tất nhiên, nó mới chỉ là bình đẳng tương đối vì vẫn tồn tại quan điểm phụ quyền. Người phụ nữ phải đóng vai trò kép, vừa là “nội tướng”, vừa phải đi làm để kiếm tiền. Chính vì thế bình đẳng giới chỉ là tương đối.

- Chúng ta rất dễ đi từ thái cực này sang thái cực khác trong việc tiếp cận một quan điểm. Với việc du nhập các quan điểm bình đẳng giới từ phương Tây thì sao, thưa ông?

- Các quan điểm giới được du nhập vào Việt Nam rất rầm rộ. Chúng có rất nhiều điểm tiến bộ, nhưng cũng có rất nhiều thứ lai căng từ một xã hội khác biệt ở phương Tây nên bị phản ứng từ phía truyền thống văn hóa Việt Nam, một trong số đó là quan điểm nữ quyền.

Điểm khác biệt lớn là ở Việt Nam người phụ nữ vẫn là người chủ gia đình. Và gia đình ở Việt Nam vẫn có vai trò cực kỳ quan trọng, trở thành một tế bào của đời sống xã hội nên phụ nữ là người quyết định sự tồn tại của gia đình Việt Nam. Hạnh phúc gia đình Việt Nam khác với hạnh phúc của các gia đình phương Tây.

- Ông vừa nói đến những phản kháng trong quan điểm nữ quyền, vậy phải chăng ở Việt Nam người phụ nữ đã thực sự được giải phóng về mặt tình yêu và tình dục?

- Tình dục là lĩnh vực bình đẳng nhất trong bình đẳng giới ở Việt Nam. Chúng tôi đã có những cuộc điều tra và thấy khá bất ngờ. Là đất nước nhiệt đới, nhu cầu và quan niệm tình dục của người phụ nữ Việt Nam khá cởi mở và tự nhiên. Nếu có sự e lệ thì chỉ nằm trong một bộ phận nhỏ giới trí thức, phụ nữ nông thôn và sự e lệ đó là những động thái văn hóa mà thôi.

- Phụ nữ Việt Nam hiện có trong tay mình cả thế giới, họ xinh đẹp và tài năng, như thế đã đủ để hạnh phúc?

- Chưa đủ đâu. Vào thời điểm này họ có đầy đủ cơ hội để phát huy được những sở trường để đạt những thành tựu. Nhưng họ cũng phải hy sinh rất nhiều thứ, trong đó có sự đố kị của dư luận xã hội và gánh nặng chăm lo gia đình. Họ sẽ phải tăng thêm gánh nặng trên đôi vai mình, vừa phải lo toan cho gia đình vừa phải cố gắng để thăng tiến, để đạt được những  mục tiêu. Đó là chưa kể đến việc có những người phụ nữ phải dâng hiến thân xác, phải tìm những cách khác để thăng tiến. Cho nên, chúng ta có thể nhìn thấy những người phụ nữ xinh đẹp và thành đạt nhưng lại cô đơn ngay bên cạnh mình.

- Vậy thì thưa ông, phải chăng vị trí của người phụ nữ trong xã hội được nâng cấp hàng ngày, chỉ có sự thua thiệt trong tình yêu và hạnh phúc là vẫn cũ xưa?

- Đó chính là sự thiệt thòi của phụ nữ do du nhập quan điểm giới. Bởi vì nơi xuất phát của quan điểm giới là một xã hội khác, nơi đó những người no vợ đủ chồng như tôi và anh chỉ khoảng 12% thôi. Người ta thích tự do, thích sống thử và không muốn ràng buộc. Còn phụ nữ Việt Nam thì lại là những người quyết định sự tồn tại của một gia đình. Khi người phụ nữ dần dần tháo bỏ những thiên chức của mình trong gia đình thì sẽ gặp sự phản ứng của chồng và các con, đó là phản ứng tất yếu. Và khi các chức năng của một gia đình dần bị mai một và mất đi, thì việc giải tán gia đình sẽ xảy ra. Điều không mấy vui là người thua thiệt vẫn luôn là phụ nữ.--PageBreak--

- Hiện nay nhiều người cho rằng người phụ nữ thành đạt, nhất là có vị trí cao hơn, kiếm nhiều tiền hơn chồng sẽ dần “tiếm ngôi” người chủ gia đình, dẫn đến khinh thường chồng. Và đó là một trong những lý do tan vỡ hôn nhân. Có phải đó là mặt trái khác của việc bình đẳng giới không?

- Điều quan trọng không phải là họ kiếm được nhiều tiền hơn hay vị trí cao hơn chồng mà người chồng có thích nghi được điều đó hay không? Vì chúng ta vẫn còn quan niệm đàn ông tạo ra quyền bình đẳng cho phụ nữ trong khi họ sinh ra là đã bình đẳng rồi. Người chồng có chấp nhận được việc vợ đi làm về muộn, không nội trợ và có chấp nhận việc họ đi lại với những người đàn ông khác (trong phạm vi trong sáng) hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào từng người, không có mẫu số chung.

- Nghĩa là cùng với sự thăng tiến của phụ nữ thì quan niệm về vai trò của người đàn ông trong gia đình cũng cần được định vị lại?

- Đúng vậy. Người đàn ông cần phải biết chia sẻ với vợ trong mọi lĩnh vực: sản xuất vật chất, cùng hưởng thụ đời sống tinh thần, chia sẻ công việc gia đình và kiến tạo hạnh phúc.

- Theo ông, người phụ nữ có thể thay thế vị trí người chồng trong gia đình?

- Tất nhiên, hiện cũng có những người phụ nữ cực đoan đến mức không cần chồng cho mình và cha cho các con. Như thế, chắc chắn những đứa con lớn lên sẽ bị thiếu hụt về tính cách, dễ cực đoan, trầm cảm, giàu nữ tính… Người phụ nữ không thay thế được người đàn ông nhưng qua nghiên cứu về ly hôn chúng tôi thấy rằng, các cuộc hôn nhân sẽ khó có thể cứu vãn nếu người vợ viết đơn ly dị. Vì họ là người quyết định một gia đình theo đúng nghĩa tồn tại hay biến mất. Nguyên nhân có thể là họ ngoại tình, có thể gia đình hiện tại không phù hợp với họ nữa…

Toàn Loan (thực hiện)
.
.