Báo chí và điện ảnh:

"Phép thắng lợi tinh thần"?

Thứ Hai, 22/05/2006, 08:00

Trong số 12 phim truyện tham dự cuộc bình chọn "Cánh diều vàng" của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005, có tới 9 bộ phim chưa từng được biết đến. Vậy mà toàn bộ các giải thưởng, từ phim cho tới đạo diễn, quay phim, diễn viên, âm nhạc... đều nằm trong các tác phẩm này. Một sự kỳ quái mang tầm cỡ... gì nhỉ?

Ai mà không biết tác phẩm vĩ đại "A.Q chính truyện" của đại văn hào Lỗ Tấn. Trong tác phẩm đó, Lỗ Tấn đã miêu tả A.Q là một kẻ cô độc ít học, không thành công trong cuộc sống, nhưng bỗng vụt trở nên vui vẻ vì trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào khi thua cũng tìm được cách tự an ủi mình, và đắc chí với niềm an ủi "tự cung tự cấp" đó.

Cái ấy gọi là "phép thắng lợi tinh thần". Một thuật ngữ đã được định hình, đã được đặt tên và đã được thiên hạ... cười. Đấy là một loại thắng lợi giả dối, hão huyền tự tưởng tượng ra, tự phong cho mình nhằm trốn tránh thực tại.

Nhưng thời đại đã đổi khác, và A.Q hình như không còn là một cá nhân. Nó có thể hẳn là một... môn nghệ thuật.

Trong số 12 phim truyện tham dự cuộc bình chọn "Cánh diều vàng" của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005, có tới 9 bộ phim chưa từng được biết đến. Tôi không quan tâm tới vài trăm người trong một buổi chiêu đãi nào đó vì đối với dân số gần một trăm triệu của quốc gia này, đó cũng là con số không.

Vậy mà toàn bộ các giải thưởng, từ phim cho tới đạo diễn, quay phim, diễn viên, âm nhạc... đều nằm trong các tác phẩm... tuyệt tích này. Một sự kỳ quái mang tầm cỡ... gì nhỉ?

Nếu ban giám khảo dạy tôi, mà tin chắc họ sẽ dạy: "đây là giải nghề nghiệp, giải chuyên môn, giải của những người có học" thì tôi đành mở sách ra xem lại cuộc tranh luận giữa Hải Triều và Hoài Thanh (hai học giả vô cùng có học) cách đây hơn nửa thế kỷ  về "nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh"? Nếu tôi nhớ không nhầm thì quan điểm vị nhân sinh đã thắng trong sự ủng hộ của Đảng.

Một vấn đề tưởng đã xong như thế, đã dứt khoát như thế mà bây giờ đang âm thầm (hoặc ngang nhiên) trở lại. Chúng ta đang vịn vào chuyên môn, vào những đặc thù văn hóa chỉ chúng ta biết để phủ nhận vai trò của quần chúng nhân dân.

Tôi cũng hiểu rằng có những giá trị đích thực không dành cho đám đông. Tôi cũng biết thừa là không thể đếm số vé rồi trao giải. Nói thẳng thắn, khỏi phải dạy tôi điều đó. Số đông có thể vô nghĩa một lần, hai lần, thậm chí ba lần. Nhưng nếu số đông vô nghĩa hoàn toàn thì phải nghiêm khắc coi lại.

Lênin có nói một câu: "Điện ảnh là nghệ thuật quan trọng nhất". Hồi tôi còn đi học, câu này luôn luôn được treo lên mỗi dịp kỷ niệm hay lễ lạt trang trọng của giới làm phim. Tôi tin rằng lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản nói thế vì hiểu rõ tính quần chúng của ngành nghệ thuật này (chứ không phải tính kỹ xảo) và tính... bác học của nó.

Xin tiền Nhà nước làm phim, xin tiền Nhà nước tổ chức chấm phim, sắp tới có kế hoạch xin tiền Nhà nước tài trợ cho chiếu phim, điện ảnh Việt Nam đang chìm vào đại dương "tự sản tự tiêu" bất tận. (May quá, đấy là điện ảnh nhựa. Còn điện ảnh truyền hình đã mau chóng xã hội hóa và hiện nay nó đang lớn mạnh từng ngày).

Ai cũng bảo hình thức "Cánh diều vàng" sao chép giải Oscar. Lấy đâu ra sự sao chép đó? Khi gần như toàn bộ người xem trên thế giới, nếu quan tâm tới điện ảnh, đều đã thưởng thức các tác phẩm của giải Oscar trước khi công bố rồi. Họ nhìn lên sân khấu để kiểm tra cảm xúc của mình, và qua đó rút ra các bài học cần thiết.

Còn người xem Việt Nam, khi nghe đọc tên các tác phẩm đoạt giải "Cánh diều vàng" ở trong trạng thái hoàn toàn dửng dưng. Tất cả những điều họ biết về các bộ phim này đều do... đọc trên báo chí. Nhà báo là tầng lớp duy nhất "dịch" điện ảnh ra tiếng Việt cho khán giả... đọc trong những bài viết vài trăm chữ của mình. Kinh ngạc!

A.Q luôn luôn là một nhân vật đáng thương. Lỗ Tấn dù rất yêu A.Q cũng phải đưa anh ta đến chốn pháp trường vì ông hiểu rằng như thế có lợi cho... văn học!

Chỉ văn học thôi ư?

Giải Cánh diều vàng 2005

Công trình nghiên cứu lý luận xuất sắc: Tính hiện đại và tính dân tộc trong Điện ảnh Việt Nam, tác giả Ngô Phương Lan.
Đạo diễn phim hoạt hình hay nhất: đạo diễn Nguyễn Thị Phương Hoa, tác phẩm “Ếch chơi trăng”.
Đạo diễn phim tài liệu nhựa xuất sắc: Lê Hồng Chương, tác phẩm “Còn lại với thời gian”.
Phim khoa học xuất sắc: “Sự sống ở rừng Cúc Phương”, đạo diễn Nguyễn Văn Hướng.
Đạo diễn phim khoa học xuất sắc: đạo diễn Nguyễn Văn Hướng.
Phim truyền hình ngắn tập xuất sắc: “Một lần đi bụi”, đạo diễn Trần Quốc Trọng.
Đạo diễn xuất sắc thể loại phim truyền hình ngắn tập: đạo diễn Đỗ Đức Thành, phim “Bảy ngày và một đời”.
Phim truyền hình dài tập xuất sắc: “Dưới cờ đại nghĩa”, đạo diễn Tường Phương, Phương Nam.
Đạo diễn phim truyền hình dài tập xuất sắc: Nguyễn Quang, phim “Mạnh hơn công lý”.
Biên kịch phim truyện nhựa xuất sắc: Bùi Thạc Chuyên - Nguyễn Thị Minh Ngọc, phim “Sống trong sợ hãi”.
Giải âm thanh cho phim hay nhất: kỹ sư âm thanh Nguyễn Huy Căn, phim “Giải phóng Sài Gòn”.
Giải nhạc phim hay nhất: nhạc sĩ Trọng Đài, phim “Đi trong giấc ngủ”.
Nam diễn viên phụ xuất sắc: Mai Văn Thịnh, vai Năm Đực, phim “Sống trong sợ hãi”.
Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Nguyễn Như Quỳnh, vai mẹ Pao, phim “Chuyện của Pao”.
Thiết kế mỹ thuật xuất sắc: Nguyễn Ngọc Tân, phim “Giải phóng Sài Gòn”.
Quay phim xuất sắc: Trần Hùng - Cordelia Beresford, phim “Chuyện của Pao”.
Đạo diễn phim truyện nhựa xuất sắc: Bùi Thạc Chuyên, phim “Sống trong sợ hãi”.
Nam diễn viên chính xuất sắc: Trần Hữu Phúc, vai Tải, phim “Sống trong sợ hãi”.
Nữ diễn viên chính xuất sắc: Đỗ Thị Hải Yến, vai Pao, “Chuyện của Pao”.
Giải Báo chí phê bình điện ảnh dành cho phim truyện nhựa xuất sắc: “Sống trong sợ hãi”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Phim truyện nhựa xuất sắc: “Chuyện của Pao”, đạo diễn Ngô Quang Hải

Lê Hoàng
.
.