Khi báo chí qúa đà câu khách:

Phải tự biết sai

Thứ Năm, 10/11/2011, 16:27
Chọn nghề báo, tất là đã chọn cho mình cái nghiệp. Đương nhiên, điều này có thể không đúng với một nhóm nhỏ những người xem nghề báo là công cụ để trục lợi. Thế nên, chúng ta cạnh tranh thông tin trên từng câu nói, bài phỏng vấn, thân phận đặc biệt của nhân vật… Thời điểm mà báo mạng đang rộn ràng như lân gặp pháo, thì cuộc chiến thông tin lại càng quyết liệt hơn. Thế nhưng, lắm khi chúng ta đã… lố.

1. Một sáng cách đây hơn tháng, tôi vào Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM. Bệnh viện ken kín người, nắng trên đầu rất gắt. Dự tính là gặp vợ chồng anh Phan Văn Lợi, quê quán ở An Giang, hiện đang làm công nhân tại Bình Dương. Con trai đầu lòng của vợ chồng anh là cháu Phan Văn Bảo Nam, 16 tháng tuổi đang nằm điều trị tại bệnh viện này. Cháu bị hôn mê sâu do tụ máu bầm não. Tình trạng rất tồi tệ, cháu đã chết lâm sàng. (Cũng ngay trong sáng ấy, cháu đã mất).

Anh Lợi và vợ là công nhân của một xưởng gỗ, do tính chất công việc thường xuyên phải tăng ca, nên hai vợ chồng gửi con tại một điểm giữ trẻ tư nhân gần nơi anh chị làm việc. Tiền công cho mỗi tháng là 1 triệu đồng, có lúc, anh chị gửi cháu qua đêm tại điểm giữ trẻ này.

Một sáng, khi đang làm việc thì anh Lợi nhận được điện thoại của người giữ trẻ thông báo là con trai anh đang bị hôn mê tại nhà trẻ. Tức tốc, vợ chồng anh đưa cháu lên Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị.

Sau khi mọi chuyện diễn ra, điểm giữ trẻ đã bị cơ quan chức năng đóng cửa. Bảo mẫu của điểm giữ trẻ đã bị triệu tập để phục vụ công tác điều tra. Đồng thời, bảo mẫu cũng đã hỗ trợ 6 triệu đồng tiền viện phí cho vợ chồng anh Lợi.

Anh Lợi sinh năm 1982, vợ anh sinh 1989… Đọc những thông tin trên, không quá khó để cảm nhận nỗi đau mà vợ chồng anh Lợi đang gánh chịu. Họ khó khăn, nên mới buộc rời quê hương là An Giang lên Bình Dương mưu sinh, thu nhập của hai vợ chồng nhiều hơn 3 triệu đồng/tháng. Họ khốn khó, nên mới phải gửi con vào điểm giữ trẻ với giá 1 triệu đồng/tháng. Họ đau đớn, khi cậu con trai đầu lòng lâm vào thảm cảnh trên. Đứa con đầu lòng, bao giờ cũng là tài sản quý giá nhất của những bậc làm cha làm mẹ.

Nhưng, nói đi thì phải nói lại. Biết kiếm đâu một điểm giữ trẻ, sẵn sàng trông giữ con em mình qua đêm với giá 1 triệu đồng/tháng. Đương nhiên, họ cũng không giàu có gì nên mới phải biến căn nhà của mình thành nơi giữ trẻ. Họ thừa biết điểm giữ trẻ không hợp pháp luôn sẽ đối mặt với những bất trắc khi có chuyện xảy ra.

Đời sống công nhân là vậy, môi trường sống của công nhân là vậy… Như tiền nhân đã đúc kết “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Tuy nhiên, đã có những buổi ăn rất khéo, có những lần đã co rất kỹ nhưng khốn khó vẫn hoàn khốn khó.

Trước đây, chúng ta đã quen với thông tin điểm giữ trẻ tự phát cho các cháu uống thuốc ngủ để đỡ mất công trông coi. Rồi những đoạn clip khủng khiếp ghi lại cảnh bảo mẫu vừa tắm vừa đánh, vừa cho ăn vừa vả các cháu bé…

Và giờ, lại thêm một lần trăn trở khi chứng kiến cảnh cháu bé 16 tháng tuổi tên Nam bị hôn mê sâu đã chết lâm sàng.

Bác sĩ Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, sau khi xem giấy giới thiệu, thẻ nhà báo của tôi đã nói rất chân tình: “Em nghĩ, nếu thời điểm này, chúng ta đưa tin, sẽ có lợi cho gia đình nạn nhân hay không?”.

Từ ngày Nam nhập viện đến nay, đã có rất nhiều nhà báo đến xin tiếp xúc với bố mẹ Nam. Có người làm nhanh thì độ một giờ. Người tiếp xúc lâu thì khoảng một buổi. Lãnh đạo Khoa Cấp cứu đã có phản ứng với lãnh đạo bệnh viện, về việc xin chụp ảnh Nam, gặp bác sĩ phỏng vấn, trao đổi với bố mẹ Nam đã ảnh hưởng đến ít nhiều đến quá trình điều trị Nam. Dẫu rằng, cơ hội cứu sống Nam đã trở thành vô vọng.

“Người ta mất con, người ta đã đau đớn lắm rồi. Giờ mình gặp để nhắc lại nỗi đau đó, liệu có hay không, hả em? - bác sĩ Phó Giám đốc tiếp tục hỏi. Lần này, tôi lặng im.

Vẫn biết, nghề báo là chuyển tải thông tin đến cho bạn đọc, nhưng có những thông tin đánh đổi bằng nỗi đau của người khác.

Sau khi trao đổi cùng bác sĩ Phó Giám đốc, tôi xin phép ra về, bỏ hẳn ý định ban đầu khi đến bệnh viện. Bác sĩ Phó Giám đốc có vẻ cũng ngại, nên bảo: “Nếu em muốn, anh sẽ mời gia đình bé Nam đến trao đổi với em. Còn chuyện kêu gọi ủng hộ thì em cứ yên tâm, bảo hiểm sẽ chi trả 100% viện phí, có khó khăn gì thêm thì phía bệnh viện sẽ có hướng giải quyết cho cháu Nam”. “Dạ, thôi ạ. Nãy giờ nói chuyện với bác sĩ, em đã hiểu thêm nhiều điều”, tôi đáp.

Nhiều năm viết báo, khi tư duy được đề tài, hầu như những đoạn ghi chép đã hình thành sẵn trong đầu, cách viết, văn phong cũng đã rõ mồn một. Chỉ cần gặp người cần gặp để trao đổi tất là đã có một bài báo đúng hướng chuyển đến bạn đọc. Tuy nhiên, đã có rất nhiều đề tài bị hủy bỏ bởi những lý do như khi trao đổi ngoài lề với bác sĩ Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bỏ một đề tài là điều cánh làm báo không ai muốn. Nhưng đôi khi, bỏ một đề tài đem lại cho người viết báo sự thanh thản kỳ lạ.

2. Khi vụ thảm sát tại tiệm vàng Bắc Giang xảy ra, dư luận đã choáng váng bởi tính chất dã man của vụ việc. Đi đâu, gặp ai, làm gì cũng nghe người ta bàn tán xôn xao. Tin về kẻ sát nhân Lê Văn Luyện được cập nhật đến từng chi tiết. Thậm chí, có trang báo mạng còn gửi đến bạn đọc những bài báo rất… kỳ, kiểu “Trước khi gây án, Luyện đã ăn mì tôm”(?!).

Bởi đây là vụ việc được dư luận quan tâm, nên người làm báo vắt hết suy nghĩ ra để phục vụ cho bạn đọc cũng là điều đương nhiên. Nhưng cảm giác là, giới làm báo đã đi quá đà.

Nhất là khi, một tờ báo mạng có cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 27 tấm ảnh ghi lại cảnh cháu Bích, nạn nhân duy nhất còn sống sót trong vụ cướp tiệm vàng, đón sinh nhật lần thứ 9 tại bệnh viện. Những bức ảnh được ghi là độc quyền, một kiểu độc quyền đanng phổ biến trong giới truyền thông. Những bức ảnh không được xử lý, cháu Bích hiện hữu trong các bức ảnh trên không được kỹ thuật xóa hoặc làm nhòa khuôn mặt… Ban biên tập của trang báo này còn cho in đậm dòng chữ “Phóng viên Báo X là phóng viên duy nhất”… Để khẳng định vị thế quan trọng của phóng viên tờ báo mạng này.

Liệu dòng chữ “27 bức ảnh độc quyền, xúc động đến rơi lệ tại sinh nhật bé Bích” có đánh động được cảm xúc nơi độc giả, hay chỉ tạo nên phản ứng ngược đối với đạo đức của người làm báo(?!). Và hiện tại, những bức ảnh về cháu, đã lan tỏa trên mạng Internet. Khi ra viện, trở về với cuộc sống thường nhật, đọc được những thông tin ấy, Bích sẽ như thế nào, hỡi các đồng nghiệp thân mến của tôi(?!).

Chúng ta viết những bài báo thương cảm cho thân phận cháu Bích, lên án cái ác của hung thủ là điều cần thiết. Nhưng, điều đó không có nghĩa là cứ lao nhanh về mục tiêu nâng số lượng người truy cập, nâng bản in của báo, bất chấp mọi giá, kiểu như “Cháu Bích đêm đêm nằm mơ dỗ em khóc”.

Để làm gì vậy(?!). Trong lúc, mọi thứ đang nhờ thời gian xóa dần vết hằn thương đau trong ký ức.

Câu hỏi này, không mong câu trả lời, chỉ mong những người cùng theo nghề báo như tôi, thử một lần ngồi tự vấn.

3. Tôi vẫn biết rằng, những người mà tôi gọi là đồng nghiệp không thích những bài viết của tôi về vấn đề này. Nhiều khi, nhận được tin nhắn than phiền về bài viết của một vài đồng nghiệp, bản thân tôi cũng không vui vẻ gì. Nhưng, làm báo phải biết cách đặt mình vào thân phận của nhân vật.

Điều này dễ lắm, chúng ta cứ hoán đổi nếu đau thương của người khác lại chính là đau thương của chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào.

Biết rằng, làm báo cần thông tin. Cũng biết rằng, thông tin phải mới lạ, hấp dẫn thì mới kéo được bạn đọc đến gần tờ báo mà chúng ta đang công tác. Tuy nhiên, trên cả thông tin là tình người, là tính nhân văn.

Dẫu sao đi chăng nữa, tôi vẫn tin rằng những độc giả nghiêm túc, những người bỏ tiền hoặc thời gian để truy cập tin tức đủ trình độ để bài xích hoặc dè bỉu các thông tin quá đà. Và cả những mạng giật gân giúp các nhân vật trong làng giải trí, vốn thừa cái để khoe và quá ít cái để nói.

Chúng ta đã và đang sai, cứ thẳng thắn thừa nhận với nhau một lần

Nguyệt Lãng- Hoàng Nhân- Trí Minh (thực hiện)
.
.