Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!

Ông bầu Phước Sang: Giáp mặt cái chết, mới biết giữ tình yêu

Thứ Hai, 04/05/2009, 15:51
Phước Sang bất chợt gặp thần chết vào lúc anh không ngờ nhất, khi những dự án anh đang thực hiện còn ngổn ngang trong phòng làm việc. Sáu tháng tìm đường về với cuộc sống cho anh những trải nghiệm quý giá và thay đổi mạnh mẽ trong con người anh. Gã lãng tử mê việc hơn mọi chuyện hiểu được giá trị của gia đình và tìm được sự yên bình bên cạnh những đứa con.

- Quả là bệnh tật không từ một ai và thường đến vào lúc không ngờ nhất. Khi mọi thứ ập đến, anh nghĩ tới điều gì?

- Tôi không nghĩ được gì. Vì tôi đột quị trong phòng làm việc. Khi ấy mình có nghĩ là mình sẽ rơi vào tình trạng như thế đâu. Vào thời điểm đó, mọi dự án phim ảnh cũng như sân khấu đều đang cần nỗ lực rất lớn để đạt hiệu quả. Tôi luôn làm việc tới 19 tiếng mỗi ngày và hoàn toàn không nghe cơ thể mình cảnh báo về sự quá tải. Và rồi tôi gục xuống, đến mức mình không kiểm soát được gì cả. Trôi bồng bềnh trong tự nhiên.

- Bao lâu sau thì anh tỉnh lại? Khi bắt đầu biết được mình đang trong khủng hoảng, anh có tuyệt vọng không?

- Tôi không nhớ chính xác. Nhưng quả là tôi không hề tuyệt vọng. Tôi thấy mình đang đứng trên tầng cao thứ 90 của tòa nhà chọc trời. Chỉ cần buông mình là chấm hết, rơi xuống vực. Khi ấy tôi chỉ có một ý thức rất quyết liệt, mình phải vượt qua khủng hoảng này. Tôi nghĩ mình còn quá nhiều thứ phải làm. Nên mình không được chết. Và quyết liệt sống.

- Cái gì làm nên cuộc hồi sinh kỳ diệu như vậy nhỉ? Có khi nào anh nghĩ lại điều đó không?

- Khi ấy mình nhận thức rất rõ, mình phải sống để gặp con mình. Con trai tôi khi đó mới sinh ở Mỹ và tôi muốn khỏe thật nhanh để được gặp con. Rồi còn bao nhiêu người đang chờ mình, mình thấy có trách nhiệm với những điều đó. Trước giờ tôi quán xuyến mọi việc của sân khấu, phim ảnh và cả kinh doanh. Về sau này thì mình mới biết là quá tải, chứ khi trước cái gì cũng nghĩ mình phải làm và phải chăm sóc thật kỹ từng khâu một.

- Kỳ nghỉ cuối cùng của anh trước khi đột quị là khi nào, anh có nhớ không?

- Chính xác là tôi chưa bao giờ có một ngày nghỉ. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình cần nghỉ ngơi.

- Một cuộc hồi sinh ngoạn mục chỉ sau 6 tháng. Điều gì là thay đổi lớn nhất trong cuộc sống của anh?

- Tôi ngoài 40 tuổi mới có con, nên điều quan trọng nhất mình biết được là cần dành thời gian cho con cái và gia đình. Trước thì tôi chơi cũng đủ rồi, mọi thứ trên đời mình cũng đã đi qua, nên giờ thì hiểu cả. Xưa căn nhà ở Thảo Điền tôi cũng ít khi về, hàng xóm chỉ thấy mấy người giúp việc. Còn giờ thì sắp xếp lại, có thì giờ về nhà ăn cơm bà xã nấu vào buổi tối. Trước tôi tham gia đội bóng nghệ sỹ, đá hăng lắm. Nhưng giờ sức mình không khỏe, nên thú giải trí hàng ngày là chơi với hai con. Trước tôi luôn làm mọi thứ một mình, giờ thì tôi chia sẻ cho nhiều người quản lý, để mình dành thời gian nghĩ chuyện chiến lược thay vì phải chăm bẵm từng chi tiết. Và tôi biết điểm dừng khi cơ thể cảnh báo mình trước những cơn stress.

- Còn thay đổi trong tư duy nghệ thuật? Có người nói, trước biến cố, anh chủ trương dòng phim hài hơi... chợ. Còn sau biến cố thì anh tập trung vào những bộ phim có chiều sâu hơn, nhưng cũng khó có được sự đông đúc nơi rạp chiếu. Phải chăng nhân sinh quan của anh cũng khác đi nhiều?

- Không hẳn thế. Tôi làm kinh doanh thì tôi hướng đến những mục tiêu rõ ràng. Trước biến cố thì tôi cũng đã đầu tư cho "Áo lụa Hà Đông" rồi, một phim nghiêm túc và rõ ràng tạo được dấu ấn lớn. Nhưng nếu có sự thay đổi, thì tôi thấy là càng ngày tôi càng muốn đi vào những bộ phim có tính nhân văn cao hơn. Và phải lạ. Phim ảnh phải mang đến cho người ta một điều lạ lùng, ngạc nhiên nhưng không xa lạ. Ngay "Huyền thoại bất tử", tôi muốn làm phim về võ Bình Định, một dòng võ chỉ có ở Việt Nam và dường như điện ảnh Việt Nam chưa bao giờ nhắc tới.

- Vậy thì năm 2009 anh sẽ thay đổi điều gì?

- Có rất nhiều điều để nói. Như kế hoạch làm phim truyền hình, kịch bản đã được duyệt, 100 tập. Sân khấu thì vẫn tiếp tục guồng quay của nó. Còn phim ảnh, lĩnh vực tôi dành nhiều thời gian nhất, cũng đang trong quá trình tuyển lựa kịch bản. Có một kịch bản rất hay của một nhà văn Công an về đề tài chiến tranh, tôi rất muốn làm, nhưng có lẽ thời gian này chưa làm được. Đó cũng là điều tôi suy nghĩ. Nếu khi nào chuẩn bị đủ phương tiện và kinh phí, tôi sẽ làm phim chiến tranh.

- Anh có thấy sợ khi nghĩ về biến cố cũ không?

- Không. Nó là bài học quý về cuộc sống và cách sống. Qua biến cố, mình hiểu mình, hiểu người hơn.

- Xin cảm ơn anh!

Hoài Phố (thực hiện)
.
.