Trách nhiệm thông tin - Thông tin hỗn loạn sẽ kéo theo sự hỗn loạn, thông tin thiếu minh bạch sẽ nảy sinh sự hồ nghi

Ở một hướng thông tin khác

Thứ Tư, 22/06/2016, 17:11
Có một thực tế không bàn cãi, khó phủ nhận về hiện trạng niềm tin của đám đông vào tin đồn trên mạng xã hội. Tôi nghĩ rằng bây giờ ra đường quả thật rất khó xin một người xa lạ nào đó 10.000 đồng (mười ngàn đồng) nhưng nhiều người đều rất dễ dàng tin tuyệt đối vào những đoạn tin kinh hoàng, thất thiệt trên mạng Internet.

À còn nghi ngờ ư? Cảm ơn về sự cảnh giác của bạn thế nhưng khi có hàng vạn người chia sẻ một điều thất thiệt thì nó sẽ hạ gục tất thảy mọi cái còn gọi là "lăn tăn". Trong một chương trình bàn luận về mạng xã hội, có nhà nghiên cứu xã hội cho rằng 1 tin xấu có thể hạ gục được 4 tin tốt lành. Bi kịch!

Theo vô số nghiên cứu về nhân chủng học thì con người về cơ bản là thích hóng chuyện và đều có nhiệt tâm chia sẻ tin đồn. Sử gia Mitchell Stephens nói: "Nhân loại đã liên tục trao đổi tin tức, xuyên suốt mọi lịch sử và trải qua các nền văn hóa...". 

Tin tức thỏa mãn khát vọng căn bản của con người, nó là nhu cầu nội tại, là bản năng. Về cơ bản con người luôn tò mò với những gì đang xảy ra bên ngoài kinh nghiệm trực tiếp của mình. Và khi không được trực tiếp chứng kiến biến cố này, nọ thì sẽ tạo ra một "khoái cảm" thông tin, một cảm giác an toàn hoặc phẫn nộ hộ nạn nhân.

Có một câu châm ngôn, đại ý rằng: "Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ biết bạn là người như thế nào". Thời đại của công nghệ thông tin, hãy lên mạng ngắm nghía những gương mặt mang hình đại diện rất thánh thiện trên Facebook ngồi sau bàn phím khiến mọi đánh giá bỗng ngớ ngẩn và lúng túng.  Có lẽ để hợp thời đại thì nên có một chút thay đổi là: "Hãy cho tôi xem bạn share cái gì, tôi sẽ biết bạn là người như thế nào".

Một cô đăng ảnh hở hang trên "phây"? Cô ca sỹ dính scandal anh kim cương? Một chuyện ngoài đường ngoài chợ nào đấy được mô tả bằng 30 giây video-clip? 

Lúc ấy thì đừng bảo chỉ đàn bà mới hay nói xấu nhau. Lúc ấy, nào là chuyện đạo đức, rồi thì các chi tiết thêm mắm giặm muối, những phát ngôn kiểu: "Con ấy thế nào, tôi biết" (nhà tôi cách nhà nó 2 dãy phố và hay gặp nó chạy thể dục trong công viên, dắt theo cả chó cơ mà).

Một xã hội mạng mong manh lớn như thổi được hình thành từ những bản năng thông tin giản dị như thế. Và đám đông ngây thơ lẫn cả tin biến thành một thứ công cụ đắc lực cho các công ty, các nhãn hàng "phang" nhau dưới thắt lưng, công ty bé cạnh tranh bằng các thủ pháp tung tin đồn nhảm, nhét chất bẩn chụp ảnh đăng Facebook hay dân tộc chủ nghĩa, chụp mũ cho thêm tý liên quan chữ "lạ" là không cần phải bàn, ra đi không kịp trăng trối. Và mỗi sáng thức dậy, cư dân mạng vẫn đều đặn theo quán tính miệt mài chia sẻ (share).

Minh họa: Hữu Khoa.

Có một dạo người ta râm ran cái mốt mở đầu câu chuyện bằng cụm: "Các mẹ ơi, biết gì chưa?". Câu này mô tả hoạt động của các mẹ trên mấy diễn đàn bỉm sữa, một hoạt động rất đặc trưng và cao quý của phụ nữ. Nhưng rồi cái phong trào "Các mẹ ơi, biết gì chưa" ấy, nó lây lan sang nhiều lĩnh vực, người phát ngôn từ mọi giới tính.

Các mẹ ơi, biết gì chưa? Virus Ebola đã về đến Hà Nội rồi đấy. Các mẹ ơi, biết gì chưa? Trong nước lèo hủ tíu có thịt chuột, ăn bưởi là ung thư hay cả những sự vô trách nhiệm lẫn thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin cho báo giới đẩy nhiều doanh nghiệp vào sự khốn cùng. 

Ví dụ gần đây nhất về lô xúc xích của Vietfood "bị" cho vào kho vì đội quản lý thị trường cho rằng trong đó có chất gây ung thư. Tất nhiên, trong cơn hoảng loạn của chiến dịch đánh thực phẩm bẩn thì đó là một thông tin sốt dẻo tràn ngập các mặt báo. 

Cư dân mạng có "món ăn" mới hăng hái chia sẻ đầy cảnh giác. Kết quả không có chuyện như vậy, chất bảo quản mà bị gọi là gây ung thư được phép sử dụng và thấp hơn nhiều với qui định. 

Chờ được vạ má đã sưng, doanh nghiệp thực phẩm thiệt hại hàng chục tỷ đồng và thậm chí còn không có nổi một lời xin lỗi cho phải phép. Hung tin ác ý đã đạt được một level mới, một ngưỡng cao và đầy thị uy.

Mô-típ ném đá trên mạng vô cùng quen thuộc.

Người ta hay kể cho nhau nghe những chuyện định kiến làng xã, những cô gái cạo đầu bôi vôi hay bỏ xứ mà đi vì miệng lưỡi người làng. Bây giờ, chẳng cần biết gì đủ để phán xét hay sáng tác. Họ bật máy tính lên, giống với việc ra cái ao đầu làng, ngồi xổm xuống, bắt đầu chẩu mỏ lên và share, bịa đủ thứ chuyện trên đời. Có thêm tý like, tý share, phần thưởng quả nhiên không tồi.

Hậu quả như thế nào ư? Chỉ có nạn nhân là tường tận. Có lẽ ngoài các trách nhiệm kiểu bảo vệ môi trường, nghe nhạc có ý thức thì bây giờ mỗi cá nhân nên tự biết ý thức về cả việc chia sẻ thông tin trên mạng. Bởi mạng xã hội là con dao rất nhiều lưỡi, tốt có, xấu có và ai cũng là một nạn nhân dự bị của nó. 

Hoàng Minh Trí
.
.