Nỗi niềm mai trắng

Thứ Hai, 31/10/2011, 15:05
Thành lập từ 10/10/2001, tập trung một đội ngũ đông đảo diễn viên được đào tạo bài bản qua trường lớp, Mai Trắng đang là một trong những vũ đoàn nổi tiếng tại TP.HCM cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Từng đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có 2 giải A tại Liên hoan múa TP.HCM năm 2011, nhưng trưởng nhóm Mai Trắng, chị Huỳnh Hồng Diễm cho biết, hầu hết các thành viên đều phải chuẩn bị cho mình nhiều công việc khác để đảm bảo cuộc sống sau này.

Liên lạc với Hồng Diễm, khi thì chị đang ở nước ngoài, lúc lại bận dạy học sinh, gặp chị, chúng tôi nửa đùa nửa thật mà rằng: Nghệ sĩ múa than khó sống được bằng nghề nhưng xem ra Mai Trắng vẫn sống khỏe với múa. Hồng Diễm thẳng thắn, vặn lại: Chị thấy nghề múa sống khỏe thật sao?

Thực tế, ngay với Mai Trắng, hoạt động có thương hiệu cả chục năm, khách mời khá thường xuyên của nhiều đài truyền hình, các chương trình lễ hội nhưng đến giờ này cũng mới chỉ tính là tạm ổn. Hồng Diễm nhớ lại, cách nay đúng 10 năm, Mai Trắng được thành lập do mấy chị em diễn viên Nhà hát Bông Sen tách ra, lấy tên loài hoa thanh quý, đặc trưng đất phương Nam.

Thể loại nhóm tập trung vào chỉ có múa dân gian, cũng tương đối ngặt nghèo, kén khách so với thị hiếu chung. Ban đầu show diễn ít, sau tăng dần lên. Đến nay, vũ đoàn có gần 20 thành viên chính thức, đều được đào tạo bài bản, tốt nghiệp các trường múa trong nước. Công việc đều đều theo mùa.

Múa dân gian của vũ đoàn Mai Trắng.

Mùa cưới thì múa phục vụ đám cưới, mùa lễ hội nhiều show diễn phục vụ lễ hội. Múa minh họa cho các ca sĩ… Riêng với tiết mục múa độc lập, nơi vẫn được coi là sân chơi cho nghệ sĩ có tài thể hiện tài năng thì chỉ tạm gói gọn trong các chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch, mà các chương trình này không hẳn nhiều.

Hồng Diễm chia sẻ: Múa thường vất vả, thù lao không cao. Nhìn sang cát sê của bạn diễn nhiều thể loại khác cũng dễ tủi. Một tiết mục múa minh họa của đài truyền hình, thù lao từ 2 triệu đến 2,5 triệu cho 10 đến 12 thành viên tham gia. Tổ chức tập dượt, biểu diễn, chia thù lao cho mỗi người không được bao nhiêu. Đó là không kể, lâu nay, nhiều người hay có cái nhìn chưa thật chính xác về múa minh họa.

Thực tế, trừ những vũ đoàn, nhóm múa nhỏ, chỉ đi múa phục vụ đám cưới, nhà hàng, múa minh họa các chương trình nhỏ lẻ, nếu muốn giữ được thương hiệu, được mời diễn ở các chương trình lớn, vũ đoàn đều phải có các diễn viên cứng tay nghề, có những nét đặc thù riêng. Chỉ có điều, tuổi đời diễn viên rất ngắn. Xưa nay, ở Mai Trắng, diễn viên ngấp nghé 30 tuổi là tính chuyện làm thêm nghề nào đó để ổn định lâu dài. 35 tuổi đi múa là hơi khó, trừ khi có nhan sắc đặc biệt.

Ngay với Hồng Diễm, gắn bó với Mai Trắng từ những ngày đầu nhưng rời nghiệp diễn cũng đã nhiều năm nay. Ngoài công việc quản lý vũ đoàn, mỗi tuần chị đều đặn đến với 2 lớp học trò của Trường Múa thành phố và dành thời gian cho cửa hàng nhỏ ở 399/35 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM.

Ngay cửa hàng cũng mang dấu ấn nghề nghiệp của chủ nhân bởi hàng hóa bày bán chỉ toàn phục trang phục vụ diễn viên múa, nghề múa. Cửa hàng vừa là phương tiện kiếm thêm thu nhập nhưng cũng vừa để thỏa mãn đam mê của Hồng Diễm. Với các thành viên khác, việc lựa chọn thêm một công việc khác ngoài múa như một điều tất yếu để chuẩn bị cho những ngày hết đứng trên sân khấu. Đặc biệt, để chuẩn bị một cuộc sống đảm bảo hơn trong tương lai, một thành viên khác còn chọn việc học đại học một chuyên ngành không liên quan đến múa.

Nhưng dù chọn công việc nào, ngành nghề nào thì tất cả đều có chung một điểm: Yêu thích nghệ thuật múa, nhất là múa dân gian. Với họ, biểu diễn để kiếm sống nhưng được đứng trên sân khấu biểu diễn đã là một hạnh phúc. Một sân khấu chuyên biệt, một điểm đến đặc trưng dành cho nghệ thuật múa nói chung, múa dân gian nói riêng vẫn chỉ là ước mơ ngoài tầm tay. Có lẽ thế nên, khi Liên hoan Múa TP. HCM được tổ chức, nhiều nghệ sĩ đã cả mừng.

Mai Trắng cũng thế. Họ hào hứng tham gia, dẫu rằng tác phẩm có đoạt giải cũng chỉ bằng một phần kinh phí, công sức họ đầu tư, chưa kể, tác phẩm chưa chắc đạt giải thưởng. Những sân chơi đặc thù để những nghệ sĩ múa thể hiện tài năng, tôn vinh người làm nghề vẫn đang còn là một khoảng trống chưa dễ gì lấp đầy

Nguyễn Hoa
.
.