Những kẻ ám sát bóng đá

Thứ Năm, 08/05/2008, 08:30
Chưa có trường hợp chết người, nhưng còn máu thì đã chảy và chảy rất nhiều trên các khán đài Việt. Máu của khán giả, máu của trọng tài và máu của cầu thủ, đã từng đổ xuống bởi những hành vi côn đồ của các "siêu quậy" - những hooligan "made in Việt Nam".

Không phải ngẫu nhiên, trong đội hình phát triển bóng đá mà Liên đoàn Bóng đá châu Á coi như "khuôn vàng, thước ngọc" cho các thành viên học tập, yếu tố khán giả được đặt ở vị trí tiền đạo. Bóng đá cần người hâm mộ như cá cần nước để vùng vẫy, như chim cần bầu trời để cất cao đôi cánh và tiếng hót.

Dẫu vậy, không phải lúc nào những tiền đạo-khán giả cũng lập công, mà nhiều khi, họ cũng tự "đốt lưới" đội nhà bằng những hành vi cổ vũ quá đà và quá đáng, thậm chí đôi lúc nó khiến người ta phải lưỡng lự có nên gọi đấu trường là chiến trường hay không bởi tính chất quá khích. Bóng đá thế giới bị ám ảnh bởi bóng đêm bạo lực và bóng đá Việt cũng vậy.

Có thể những cổ động viên (CĐV) quá khích ở làng bóng Việt chưa thể sánh bằng những ultra của Italia, hooligan của Anh, Barra brava của Argentina, trên phương diện quy mô, tổ chức, đặc biệt là ở mức độ điên cuồng, coi bạo lực là lẽ sống, coi những hành động quậy phá, côn đồ, đánh nhau trên những khán đài là sự kiêu hãnh và niềm đam mê. Tuy nhiên, không phải vì thế mà sân cỏ Việt chưa từng bị bôi xấu, hủy hoại và sống trong sự sợ hãi của nạn hooligan, cũng như không có nguy cơ bị biến thành sân khấu tồi tệ của bạo lực khán đài.

1. Không phải đợi tới khi chứng kiến vụ hỗn chiến giữa một số CĐV quá khích của SLNA và Thể Công trên sân Vinh vừa qua, làng bóng Việt mới biết đến độ dữ dằn của những hooligan "made in Việt Nam", hay mới giật mình bởi cái khái niệm "ultra" những tưởng ở trời Tây xa xôi hoá ra lại gần thật gần bóng đá mình. Chắc chắn vụ loạn đả trên sân Vinh này không phải là lần đầu tiên xuất hiện những hình ảnh tồi tệ của bạo lực sân cỏ trong làng bóng Việt. Cái lần đầu tiên đó thuộc về…

13 năm trước khi những CĐV quá khích của CAHP và CAHN đụng độ nhau sau trận chung kết Cup QG 1995. Một trận đấu mà các khán đài sân Hàng Đẫy ken chặt khán giả của cả hai đội và "khét mùi khói súng" với những tấm băng rôn mang nội dung khủng bố, đại loại như "đội này kính viếng đội kia", "đội kia chia buồn với hương hồn đội này". Và khi trận đấu kết thúc, cái sự căng thẳng và bầu không khí đối địch giữa các nhóm CĐV quá khích trong thời gian hai đội thi đấu, đã biến thành những màn đấu võ ngoài sân Hàng Đẫy. 

Tiếng chuông cảnh báo về nạn hooligan đã được rung lên từ hồi đó, nhưng có vẻ như nó không được coi trọng đúng mức. Để rồi mỗi mùa giải sau, bạo lực vẫn còn đất sống trên những khán đài. Đó là thứ bạo lực của những tấm băng-rôn thóa mạ cầu thủ đối phương, khủng bố tinh thần CĐV đội khách; những câu chửi bậy đồng thanh nhằm vào đội bạn hay trọng tài, những tiếng thét gào dọa giết "vua sân cỏ".

Đó là thứ bạo lực của những cơn "mưa vật thể lạ" những guốc dép, chai lọ, vật cứng ném tràn xuống sân. Đó là thứ bạo lực của những cuộc không kích bằng túi đựng bùn nhơ, mắm tôm trao đi, đổi lại giữa khu vực CĐV của đội nhà, đội khách. Đó là thứ bạo lực của những đống lửa được châm lên trên các khán đài.

Và tất nhiên, đó còn là thứ bạo lực từ những cuộc ẩu đả giữa các nhóm CĐV quá khích, những cuộc quây đánh, rượt đuổi cầu thủ đội khách và trọng tài. Thậm chí không loại trừ cả việc kéo tới khách sạn để gây hấn hay dùng xe gắn máy đuổi theo những "khách phương xa" để "thương mến" tặng cho vài bạt tai làm quà mang về.

Hàng Đẫy của những CAHN, Thể Công; Chùa Cuối của Nam Định; Lạch Tray của Hải Phòng; Vinh của SLNA; Quy Nhơn của Bình Định; Cao Lãnh của Đồng Tháp; Thanh Hoá, những cái sân từng "chết danh" chảo lửa trong cái lạnh xương sống của những đội khách và CĐV khách, bởi khán giả ở đây cuồng nhiệt lắm mà quá khích cũng nhiều. Chưa có trường hợp chết người, nhưng còn máu thì đã chảy và chảy rất nhiều trên các khán đài Việt. Máu của khán giả, máu của trọng tài và máu của cầu thủ, đã từng đổ xuống bởi những hành vi côn đồ của các "siêu quậy".

Chẳng nói đâu xa, trước khi những CĐV Thể Công bị một số chủ nhà xứ Nghệ "nóng đầu" đánh thành thương, thì người ta cũng đã từng chứng kiến CĐV xứ Thanh ôm đầu máu sau trận đấu giữa Hà Nội.ACB và Thanh Hoá ở vòng 2. Hay mùa trước, những cầu thủ SLNA có lẽ vẫn chưa quên được những thời khắc kinh hoàng khi họ bị một số hooligan Thanh Hoá "truy sát" sau trận đấu với đội chủ nhà. Xa hơn một chút là mùa 2006, người ta có lẽ vẫn còn nhớ cái hình ảnh trợ lý trọng tài Châu Đức Thành ôm đầu máu trên sân Long An. Rồi thì mùa 2005, tổ trọng tài điều khiển trận đấu Thép-Cảng và Đà Nẵng bị hành hung trên đường về. Mùa 2004 còn dày đặc các vụ việc bạo lực và quậy phá của các hooligan hơn, như vụ CĐV sông Lam bị fan quá khích Thể Công lùng đánh, vụ một số CĐV thành Nam "khủng bố" các cầu thủ LG.Hà Nội.ACB bằng mắm tôm, ná bắn bi ve và cả… nước tiểu, v.v...

2. Rất nhiều văn nghệ sĩ vốn đã mang thêm máu bóng banh, đã từng so sánh sân khấu với… sân cỏ để mà tìm nét tương đồng, để mà xưng tụng bóng đá trở thành một môn "nghệ thuật thứ 8".

Thế nhưng, chắc chắn có một sự khác biệt rất lớn giữa khán giả của các loại hình nghệ thuật với người hâm mộ, CĐV của sân cỏ. "Những gì diễn ra trên sân khấu không phải là một cuộc đối đầu trực tiếp. Nó khiến cho người xem mang một tâm thế khách quan khi thưởng thức. Còn sân cỏ là một cuộc tranh giành thắng thua.

Người xem tới sân ít nhiều phải có cảm xúc chủ quan, ủng hộ đội này, yêu đội kia và điều này cũng dễ dẫn tới xung đột", nghệ sĩ Đức Trung, Chủ tịch Hội CĐV Thể Công phân tích.

Quả vậy, những "thần dân" của vương quốc bóng đá tới sân không chỉ đơn thuần thưởng lãm và thưởng thức vẻ đẹp của bóng đá, mà còn cổ vũ và thể hiện tình yêu, lòng trung thành, cũng như cảm thấy mình là một phần của đội bóng: sẻ chia niềm vui với những chiến tích vang dội hay nỗi buồn khi không thể chạm đỉnh vinh quang cùng với đội bóng của mình.

Chính bởi sự đồng hành đó, người ta chẳng thể bắt những "tín đồ túc cầu giáo" tới sân vận động theo cái quy chuẩn "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, vỗ tay vừa phải" như trong những "thánh đường" nghệ thuật. Phải hò hét, phải hát hò, phải cuồng nhiệt, phải bốc lửa…, mới là fan bóng tròn.

Dưng khi sự cổ vũ, cổ động bị những CĐV quá khích biến thành những hành vi bạo lực, thì cũng là lúc nó từ khước cái ý nghĩa tốt đẹp ban đầu và đẩy tính văn hoá về con số âm. "Cho tới thời điểm hiện tại, khi mà sự cố trên sân Vinh đã được Liên đoàn xử lý bằng những án phạt, nhưng lòng tôi vẫn chưa thể nguôi ngoai được nỗi buồn và sự xót xa với những gì đã xảy ra.

Tất cả những nỗ lực xây dựng một Hội CĐV chuyên nghiệp của chúng tôi hoá thành "công dã tràng" bởi một thiểu số CĐV quá khích. Họ không chỉ làm tổn hại hình ảnh của Hội CĐV của mình, ảnh hưởng tới đội bóng Thể Công, mà còn bôi xấu vẻ đẹp chung của bóng đá. Không cuộc họp nào của Hội CĐV mà chúng tôi không nhắc nhở các thành viên về việc cổ vũ, cổ động một cách văn hoá. Ấy vậy mà…

Lượt về gặp lại SLNA trên sân nhà Mỹ Đình, thì tôi không lo lắm vì phía đội Thể Công đã có bài học này nên họ sẽ tăng cường công tác an ninh, an toàn. Cái mà tôi lo là khi SLNA tới làm khách sân Hàng Đẫy của Hà Nội.ACB và Hoà Phát kia. CĐV xứ Nghệ liệu có tránh được va chạm với những khán giả Hà Nội không?", ông Chủ tịch Hội CĐV Thể Công buồn bã nói với người viết. Và tôi chia sẻ cái cảm xúc đắng đót này của ông. Cái cảm xúc đã thành hình khi ông đứng giữa "vòng vây bạo lực" trên sân Vinh để rồi xót xa.

Nỗi xót xa không phải bởi mình là một nghệ sĩ tên tuổi, một người của công chúng mà bị những người đáng tuổi con, tuổi cháu hỗn hào gọi bằng "thằng già", mà vì công sức của ông cùng cộng sự trong suốt 3 tháng qua gây dựng Hội CĐV Thể Công bỗng chốc bị xoá nhoà, bị huỷ hoại bởi một cảnh tượng tồi tệ mà ông nói rằng, cả đời xem bóng đá bây giờ mới tận mục sở thị.

Không mấy ai biết, trước khi xảy ra sự cố trên sân Vinh, ông đã từng làm đơn đề nghị LĐBĐVN tặng bằng khen cho một số Hội CĐV vì tổ chức quy củ, cổ động nhiệt thành, xây dựng nét đẹp trên những khán đài, trong đó có Hội CĐV Thể Công. Giờ thì hy vọng đó của ông và của những CĐV Thể Công chân chính bị dập tắt một cách phũ phàng bởi những hành vi của những kẻ quá khích. "Nói mình chưa tận tâm tận sức cho công việc của Hội nên để xảy ra cơ sự này, thì không hẳn. Nhưng có lẽ tôi đã nhiều tuổi để làm việc này chăng?", ông hỏi mà tôi nghe như có tiếng thở dài. Tiếng thở dài của một nhiệt tâm bị bội phản. Tiếng thở dài đó của ông Trung cũng một phần nói lên cái hậu quả nặng nề mà bạo lực gây ra cho sân cỏ: sự hủy hoại niềm tin của những CĐV chân chính!

3. Người viết đã rất nhiều lần nghe các bậc đàn anh, đàn chú hâm mộ bóng đá kể về những kỷ niệm đẹp đẽ trên các khán đài sân cỏ xưa. Dẫu rằng chưa đến cái tuổi "hoài cổ" để mà cho rằng, "cái gì ngày xưa cũng đẹp, cũng lãng mạn", nhưng trong lòng không khỏi tự hỏi: Phải chăng khán giả xưa và nay khác nhau nhiều quá trong cách đối xử với sân cỏ?

"Khác nhiều lắm. Họ đến với sân bóng để cổ vũ và thưởng thức, cũng như hòa nhịp đập trái tim với vẻ đẹp của bóng đá và tinh thần thể thao cao thượng. Không hề có tư thù, không hề có va chạm bạo lực như bây giờ", đó là câu trả lời của ông Trung.

Cũng trong một lần ngồi nói chuyện gần đây với cựu danh thủ Thể Công, ông Nguyễn Trọng Giáp, người viết cũng đem câu này ra hỏi ông, thì lại nhận được một góc nhìn khác: "Khán giả thì thời nào cũng nhiệt tình, nhưng cách thể hiện thì khác nhau. Nếu ngày xưa, việc người hâm mộ cổ động một cách nhẹ nhàng, khiêm tốn và có trật tự, thì thời này, với những trống, chiêng, kèn, rồi thì cờ quạt, biểu ngữ "du nhập" theo kiểu cổ động của nước ngoài, thì việc cổ vũ sôi động hơn, "nhiệt" hơn".

Nhưng liệu chính cái sự nhiệt hơn, cái bầu không khí nóng bỏng, kích động, những tiếng reo hò, chửi bới đó, đã biến những khán đài trở thành những chảo dầu để cho những con người điên rồ được thể châm bùng lên ngọn lửa bạo lực hay không? Câu hỏi này thì ông Giáp không trả lời, nhưng sự im lặng phải chăng cũng là một cách trả lời?

Tất nhiên, người viết không tin rằng, đây là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng bạo lực trên các khán đài sân cỏ Việt.

Có rất nhiều lý do dẫn tới nạn hooligan. Thẳng thắn mà nhìn nhận, không phải tất cả những CĐV tới sân bóng bây giờ đều xuất phát từ tình yêu bóng đá, mà có những kẻ tới sân, khoác lên mình chiếc áo cổ động, nhân danh tình yêu và lòng trung thành với đội bóng để cố tình làm nổi mình lên trước đám đông bằng những hành vi quá khích và những scandal.

Bên cạnh đó, còn là sự nóng nảy bồng bột, tâm lý a dua, a tòng của những fan trẻ khi hành động mà không nghĩ tới hậu quả. Mặt khác, người ta cũng không thể phủ nhận tư tưởng cục bộ địa phương vẫn tồn tại trong khá nhiều CĐV.

Từ đó một số người đã mù quáng đánh đồng giữa tình yêu đội bóng và tình yêu quê hương để rồi hằn học và hành xử bạo lực với đội bóng và các CĐV đối phương như thể đó là một phương cách bảo vệ hình ảnh, thể hiện sự yêu thương và niềm kiêu hãnh với quê hương bản quán, cũng như khẳng định "rừng nào cọp nấy".

Thế nhưng, chính họ đã quên đi một chân lý thật giản đơn: Chẳng có tình yêu nào nảy mầm trên mảnh đất của bạo lực, tị hiềm và hận thù. Cuộc sống cũng vậy mà bóng đá cũng thế! Không nên và không thể điền thêm 2 chữ "bạo lực" trong nội hàm của việc "cổ động", những khán giả-tiền đạo của bóng đá Việt ơi!

Chi Mai
.
.