Điện ảnh Việt và những ảo tưởng:

Những "cô gái ôm bom" của điện ảnh Việt Nam

Chủ Nhật, 08/08/2010, 15:53
Lần ngồi trà dư tửu hậu cách đây không lâu với người bạn là một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng trong showbiz Việt, anh hài hước với người viết: "Thời buổi này kinh doanh quần áo không còn lời nhiều nữa, mà chỉ có thiệt và kinh doanh mấy đôi cánh bán cho mọi người là ngon lành nhất!".

Sau một vài giây suy nghĩ đắn đo, tôi mới nghiệm ra được thâm thuý của anh, vì một lẽ đơn giản… dạo này có nhiều nghệ sĩ chúng ta "bay cao quá" nên thiết kế và bán những đôi cánh cho họ là hợp lý và nhiều lợi nhuận nhất.

Bay cao và bay xa…

Một trong những scandal gần đây nhất của điện ảnh Việt là chuyện bộ phim “Thượng Hải” trình chiếu tại các rạp ở Việt Nam với dàn diễn viên tên tuổi: Châu Nhuận Phát, Củng Lợi, John Cusak… Chất lượng bộ phim thì không có gì nhiều để ầm ĩ, ngoài chuyện hai diễn viên Việt Nam trước đó là Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kỳ từng tuyên bố rầm rộ với giới truyền thông về chuyện họ tham gia đóng trong bộ phim bom tấn này.

Với rất nhiều chi tiết kịch tính nằm trong những bối cảnh hoành tráng mà hai diễn viên này mau mắn tiết lộ, các khán giả Việt Nam xem phim trong tâm trạng hồi hộp vì sắp được diện kiến những diễn viên của chúng ta sánh vai với các tên tuổi nổi tiếng của thế giới.

Nhưng từng khuôn hình của bộ phim này cứ lần lượt trôi qua mà không thấy hai cô nàng diễn viên của chúng ta đâu, đến khi khán giả ồ lên ngạc nhiên vì "bắt gặp" được hình ảnh của hai diễn viên Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kỳ xuất hiện thì họ cũng kịp thất vọng vì mọi thứ trôi qua chỉ trong vài giây đồng hồ ngắn ngủi. Vai diễn của cả hai đều là những vũ công biểu diễn trên sân khấu của một bar rượu, nhạt nhoà và đơn giản.

Nói theo ngôn ngữ của dân trong nghề là vai quần chúng mà không có thoại, mướn bất cứ diễn viên nữ nào cũng được chứ không nhất thiết là êkíp đoàn phim phải thuê Lý Nhã Kỳ và Vũ Thu Phương bay từ Việt Nam sang tận phim trường Thái Lan để diễn xuất. Thậm chí trước ngày phim trình chiếu không lâu ở Việt Nam, người viết đã thử liên lạc với Vũ Thu Phương để hỏi về vai diễn của cô trong bộ phim “Thượng Hải”, cô còn nhã nhặn từ chối: "Vì có những ràng buộc trong hợp đồng với nhà sản xuất nên Phương không thể tiết lộ gì cả!".

Chỉ xuất hiện thấp thoáng, chưa đến 3 giây trong phim "Thượng Hải", nhưng Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kỳ đã "khoe" quá nhiều khiến khán giả hồi hộp rồi thất vọng!

Thậm chí Vũ Thu Phương còn cho biết là trước ngày khởi chiếu 16/7 ở Việt Nam, nhà sản xuất sẽ sang tận Việt Nam để tổ chức họp báo và giải thích về vai diễn của cô. Nhưng rốt cuộc, tất cả mọi thứ đều rơi vào im lặng cho đến khi phim được chiếu ra…

Có thể hiểu được cảm giác của Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kỳ sau những ngày tham gia đóng trong một phim lớn như thế của Hollywood. Có thể họ được quay rất nhiều lần, có thể họ được căn dặn kỹ lưỡng đến từng chi tiết khi xuất hiện trong một bối cảnh hoành tráng…

Nhưng quay là một chuyện, và lên hình như thế nào là một chuyện khác. Việc đạo diễn khi xây dựng một bối cảnh lớn, thực hiện rất nhiều test chỉ để đảm bảo làm sao chọn ra test tốt nhất là bình thường. "Thà quay dư để về có nhiều lựa chọn dựng phim còn hơn là quay thiếu…", đó chính là châm ngôn của đạo diễn trong những phân đoạn quan trọng.

Cái lỗi lớn nhất của Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kỳ là cứ tưởng mình quay nhiều, được dặn dò nhiều là mình sẽ xuất hiện nhiều trong phim. Mà không hề biết, điều quan trọng nhất là chất lượng bộ phim, nếu cảnh quay nào (dù là tốn kém đến mấy) nhưng không còn thích hợp với đường dây câu chuyện và chủ đề tư tưởng của phim thì đạo diễn thẳng tay mà cắt chứ không hề tiếc nuối.

Đây có lẽ là bài học kinh nghiệm xương máu không chỉ dành cho Vũ Thu Phương, Lý Nhã Kỳ mà còn với nhiều diễn viên Việt Nam khác khi có cơ hội đứng trước việc tham gia dự án phim nước ngoài. Hãy bình tĩnh, và biết mình đang đứng ở vị trí nào để phát ngôn.

Những giấc mơ tươi đẹp?

Thỉnh thoảng mọi người vẫn đọc ở đâu đó thông tin về các diễn viên Việt Nam chúng ta hụt vai diễn trong các bộ phim của Hollywood, phim lớn có, nhỏ có… Nhưng điều quan trọng là tất cả những lời phát biểu của các diễn viên đều không có bất cứ nguồn tin nào kiểm duyệt. Như Đỗ Hải Yến đã từng bày tỏ cảm giác sốc đến mức trầm cảm vì đã lọt đến vòng casting cuối cùng của bộ phim nổi tiếng “Hồi ức một Geisha”, nhưng sau đó vì êkíp làm phim bị thay đổi nên Yến cũng không được chọn.

Khán giả nghe nhưng cũng không biết thực hư thế nào. Rất nhiều đạo diễn Việt Nam chúng ta khi chọn dòng phim nghệ thuật để làm, cũng mơ một ngày được rạng danh trên "đấu trường quốc tế". Có ước mơ là thêm động lực để phát huy khả năng sáng tạo và nhiệt huyết trong công việc, nhưng có nhiều người đặt ước mơ ở vị trí quá cao mà không bao giờ với tới. Những câu đại ngôn vì thế xuất hiện này càng nhiều trên mặt báo chí.

Điện ảnh Việt chỉ mới đặt những bước chân chập chững vào nghề, hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng từ lâu rồi vẫn có một số ít đạo diễn làm các phim nghệ thuật luôn tự hào về tên tuổi của mình vang lừng, nhưng nói thật một điều, nếu ai đó có dịp đi đến các LHP quốc tế nổi tiếng trên thế giới hỏi về một tên tuổi đạo diễn phim nghệ thuật nổi tiếng của Việt Nam thì chắc ai cũng hiểu câu trả lời là như thế nào. Chấp nhận mình vô danh để cầu tiến trong sự nghiệp còn hơn là ảo ưởng mình nổi tiếng để rồi chẳng biết thật ra mình nổi tiếng với ai!

Một trong những niềm vui đáng kể của giới chuyên môn làm phim tại Việt Nam là bộ phim "Bi, đừng sợ!" của đạo diễn trẻ Phan Đăng Di đoạt được 2 giải trong hạng mục Tuần lễ phê bình phim quốc tế của LHP Cannes 2010. Ít nhiều chuyện đoạt giải này cũng đã để lại một khoảnh khắc trong bạn bè đồng nghiệp quốc tế trong việc biết đến điện ảnh Việt.

Nhưng trong một thông tin không chính thức thì bộ phim này vẫn chưa được xét duyệt về nội dung bởi cấp quản lý của Việt Nam. Sự nhanh nhảu không cần thiết của đạo diễn Phan Đăng Di trong việc "lo sợ" tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn của mình không đến kịp Cannes 2010 hóa ra lại không cần thiết. Việc một bộ phim hay thật sự thì sớm hay muộn bộ phim đó cũng sẽ tỏa sáng mà chẳng có bất cứ điều gì có thể làm lu mờ được giá trị đích thực của nó.

Đó là lí do có rất nhiều tác phẩm điện ảnh thế giới được làm ra từ cách đây vài chục năm nhưng vẫn là những tác phẩm kinh điển mà khán giả điện ảnh ở thời đại nào cũng phải ngưỡng mộ. Cả hai giải thưởng của bộ phim "Bi, đừng sợ!" cũng chỉ là những giải thưởng không chính thức của Cannes 2010.

Và nếu dịch sát nghĩa thì "Bi, đừng sợ!" đoạt giải SACD (Hội Quản lý tác quyền điện ảnh và sân khấu) và giải ACID-CCAS (Hội Phát hành điện ảnh độc lập và quỹ Xã hội nhân viên ngành điện và gas). Trong dịp gặp gỡ trước khi Cannes 2010 diễn ra, người viết có trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (một trong những khách mời chính thức của BTC Cannes 2010) anh thẳng thắn: "Ở tuổi này, tôi đến Cannes vẫn với tư cách là một người học trò đi học những cái hay của LHP quốc tế lừng danh này!".

Nếu là một khán giả mê điện ảnh, sẽ có không ít người nhận ra một mô típ quen thuộc trong các bộ phim bom tấn hay các phim dành riêng cho khán giả trẻ của Hollywood là gần như luôn luôn xuất hiện một diễn viên gốc Á trong phim.

Điều này có thể lý giải rất đơn giản- bởi vì nhà sản xuất đang nghĩ đến lợi nhuận từ thị trường châu Á. Việc họ cho phép một (hoặc vài) diễn viên gốc Á xuất hiện chỉ là muốn cho khán giả châu Á thấy được sự quen thuộc của một vài nhân vật trong phim. Một chiêu thức trong việc kéo khán giả châu Á đến rạp.

Châu Á đã và đang có những tên tuổi lớn như Lý Liên Kiệt, Thành Long, Củng Lợi, Châu Nhuận Phát, Chương Tử Di, Châu Tấn, Kim Thành Vũ, Jang Dong Gun… nhưng phải nhìn nhận các tên tuổi điện ảnh của châu Á cũng chỉ nổi tiếng ở một chừng mực nhất định. Ngay như các tên tuổi đạo diễn thành danh tại Hollywood cũng không phải là quá nhiều với Lý An, M. Night Shyamalan, Ngô Vũ Sâm…

Được vinh danh ở hạng mục đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất của Oscar 2007 (và một đề cử Quả cầu vàng trong cùng năm) dành cho vai diễn trong phim “Babel”, nữ diễn viên người Nhật Rinko Kikuchi đã một bước lên tháp ngà của sự nổi tiếng dù không đoạt được giải thưởng điện ảnh danh giá này.

Tuy nhiên, được đề cử Oscar không có nghĩa là từ nay những vai diễn của cô nàng diễn viên sinh năm 1981 đều là những vai lớn trong những phim lớn. Bằng chứng là trong phim “Thượng Hải” trình chiếu tại Việt Nam, một nữ diễn viên từng được đề cử Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhưng Rinko chỉ đóng có vài phân đoạn, và thoại thì được dăm ba câu… Không biết các nghệ sĩ trong làng điện ảnh Việt Nam nghĩ gì về câu chuyện có thật này?

Việt Nguyễn
.
.