Nghệ thuật 'Cha truyền con nối":

Những chú chim quăng mình vào bão

Thứ Sáu, 04/12/2009, 15:43
Tôi vẫn luôn tin rằng, con đường chênh vênh trong nghệ thuật là con đường sắp đặt của số phận. Và, thế hệ sau, dẫu đứng trên vai của thế hệ trước để bước nhanh hơn, nhưng đôi khi những sai lầm thì vẫn giẫm chồng lên vết chân nhau. Như những chú chim quăng mình vào bão, những đứa con của nhiều nghệ sỹ, được cảnh báo về những gian khó, vẫn tiếp tục hành trình tìm kiếm vinh quang.

Ăn cơm nghệ thuật quả là cực khổ. Nhưng dứt khỏi con đường nhiều cám dỗ ấy cũng không dễ chút nào. Lắm khi rời bỏ, như một cuộc ly dị nhiều ràng níu và đau đớn, rồi một ngày đẹp trời bỗng chốc lại thèm muốn, tìm cách quay về để sống chung.

Đình Trí, cậu con trai nghệ sỹ cải lương Lệ Thủy, được ba mẹ gửi qua Australia để học ngành kiểm toán. Đình Trí đã từng có ý nghĩ sẽ lập nghiệp tại nước ngoài. Về Việt Nam, anh đã đi làm cho một công ty kiểm toán với mức lương nhiều người ước mơ. Nhưng, sân khấu ca nhạc đã lôi anh lại, bắt anh làm một nghệ sỹ.

Đình Trí nói, từ nhỏ anh đã mê ca hát, nhưng mẹ anh thì cản. Mẹ anh không muốn anh đi tiếp vòng quay của bà, vinh quang có thể nhiều người nhìn nhưng đắng cay thì hiếm ai hay. Thời trước, đôi khi cay đắng một mình, trong lòng đau mà miệng vẫn phải ca bài hạnh phúc. Mẹ anh thường xuyên vắng nhà, bà ra khỏi nhà lúc chưa ăn cơm chiều và về nhà lúc anh đã ngủ mất. Mà trong suy nghĩ của mẹ anh, con trai thì cần làm những công việc mang tính ổn định, để lo cho tương lai. Nhưng nghề ca hát đã khiến Đình Trí dứt bỏ tất cả, bắt đầu chặng đường của một nghệ sỹ, từ con số không. Cái bóng quá lớn của nghệ sỹ Lệ Thủy cũng là một áp lực không nhỏ. Và, Đình Trí cũng gặp không ít khó khăn cho hành trình của mình. Nhưng anh vẫn rất tự tin. Coi đó như số phận.

Nhìn Tôn Thất Thái Sơn, con trai của NSND Thanh Hoa xuất hiện trong hầu hết các cuộc thi ca hát, dù tuổi đời không còn quá trẻ, có cảm giác chàng trai này đang phải mang một gánh nặng của một người con nghệ sỹ. Gánh nặng là bởi anh được thừa hưởng chút ít năng khiếu từ mẹ, được sống trong bầu không khí ca hát từ nhỏ và cũng được học một lớp thanh nhạc ở một trường nghệ thuật nào đó. Rồi anh cũng tham gia ca hát, nhưng ít được biết tới. Mà làm nghệ sỹ thì cần phải có danh tiếng. Cái bóng của người mẹ nghệ sỹ thành công đã làm anh vất vả. Bởi, là con ca sỹ thì không được phép hát dở. Mà có hát hay đi nữa, anh cũng sẽ bị so sánh, rằng hát không được như mẹ mình.

Tôn Thất Thái Sơn tham gia rất nhiều cuộc thi và chỉ nhận được một giải thưởng khiêm tốn trong cuộc thi hát ở Hà Nội. Và, quả thực, Tôn Thất Thái Sơn sẽ còn phải mất nhiều thời gian nữa, để có chỗ đứng thực sự trong nghệ thuật, điều mà ở tuổi của anh, mẹ anh đã làm được từ lâu. Thậm chí, ở tuổi của anh, mẹ anh đã là một nghệ sỹ nổi tiếng. Nhưng không ai có thể ngăn cản anh. Trừ khi anh không muốn "quăng mình vào bão". Hoặc anh muốn kiếm một công việc khác, như kinh doanh chẳng hạn, để có thể lo cho vợ con mình và coi ca hát như một niềm vui trong cuộc sống.

Nếu đến những quán cà phê nhỏ xinh như Cooku's Nest trên đường Tú Sương, quận 3, TP Hồ Chí Minh, có thể nghe được tiếng hát của Huy Luân, con trai diễn viên Kim Xuân, với những bản nhạc xưa lãng mạn. Huy Luân hát rất có tình, nhưng anh vẫn chưa thực sự có chỗ đứng trên sân khấu ca nhạc thành phố, ở nơi mà sau mỗi tháng lại xuất hiện một ngôi sao mới và các ca sỹ phòng trà muốn "hóa rồng" thì cần phải có ngoại hình đẹp và chịu đầu tư cho việc quảng bá, lăng xê.

Kim Xuân chia sẻ, chị không thích con theo nghiệp ca hát. Con trai chị đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa, vợ chồng chị muốn con làm kỹ sư, nhưng Huy Luân tự chọn con đường đi cho mình. Kim Xuân nói chị tôn trọng con, nhưng chị vẫn muốn con làm một công việc khác bên cạnh công việc ca hát. Còn Huy Luân vẫn lặng lẽ đưa mẹ đi diễn và lặng lẽ hát trong những phòng trà, quán cà phê nhỏ. Sự nghiệp nghệ thuật của Huy Luân dường như cũng bình lặng hơn nhiều người.

Nghệ thuật không phải là nghề thủ công, để cha truyền con nối và tạo thành một thương hiệu sản phẩm gia truyền. Nghệ thuật là sự vượt lên của những cá thể tài năng và người ta sẽ chỉ nhìn vào những phẩm chất cao quý ấy thay vì nhìn vào những gì thuộc về "nền tảng". Ngay cả một gia đình nghệ thuật lớn như gia đình NSƯT Thành Lộc, thì những nghệ sỹ tài danh như anh, như Hữu Châu được biết đến như những nghệ sỹ độc lập chứ không phải bởi truyền thống làm nghề. Những đứa cháu của nghệ sỹ Bảo Quốc cũng phải tự mình bươn chải để tìm kiếm danh tiếng và tiền bạc, mà cái danh của người đi trước chỉ như một yếu tố cộng thêm để khán giả dễ nhớ đến mà thôi.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nghệ sỹ không muốn con mình theo nghệ thuật. Bởi có lẽ họ hiểu hơn ai hết những cực nhọc mà họ đã trải qua. Nhưng khi những chú chim lao mình vào bão, nghĩa là những đứa trẻ chấp nhận một cuộc chơi có phần nghiệt ngã. Nhưng còn lại sau bão, chúng sẽ là kẻ mạnh. Và khi ấy, hành trình của hào quang sẽ lại bắt đầu…

Thiên Ý
.
.