Trách nhiệm thông tin - Thông tin hỗn loạn sẽ kéo theo sự hỗn loạn, thông tin thiếu minh bạch sẽ nảy sinh sự hồ nghi

Những câu chuyện không cũ

Thứ Sáu, 17/06/2016, 16:59
1. Trên tầng thượng nhà tôi là bồn chứa nước inox của một nhãn hiệu, thương hiệu này từng làm mưa làm gió trên thị trường - một doanh nghiệp Việt Nam.

Bất ngờ, có tờ báo lớn loan tin chất liệu sản xuất bồn của thương hiệu này có chứa chất gây ung thư, chuyện đã mười mấy năm rồi. Thông tin ấy nhanh chóng đẩy thương hiệu bồn inox vào tình huống khốn đốn. Họ đưa ra bao nhiêu kết quả kiểm nghiệm, kiểm định rằng chất liệu sản xuất của họ an toàn. Họ cũng mời không biết bao nhiêu cơ quan truyền thông khác nói rõ lại giúp họ.

Điều lạ lùng là tờ báo loan tin không đúng về họ vẫn cứ im lặng. Bây giờ thì không biết thương hiệu ấy còn vững mạnh và phát triển như ngày trước nữa hay không, vì hiện tại đã có thêm nhiều thương hiệu khác trên thị trường.

Nước tương là thức chấm quen thuộc song hành cùng nước mắm. Ấu thơ của tôi là bát cơm nóng chan nước tương đâm ớt, mùi cơm và mùi nước tương thật sự quyến rũ.

Thông tin nước tương có chứa chất gây ung thư thành cơn bão quét sạch những nhãn hàng nước tương truyền thống tồn tại hàng chục năm trên thị trường. Thay vào đó, là một nhãn hiệu nước tương mới xuất hiện. Hầu như, các cơ quan truyền thông của nước ta đều rất nhiệt thành tham gia vào cuộc đấu tố nước tương năm đó.

Câu chuyện nước tương hiện tại chắc cũng không còn ai quan tâm nữa, câu chuyện nước tương có chứa chất gây ung thư cũng không ai nhớ nữa.

Minh họa: Hữu Khoa.

Một hãng xúc xích của Việt Nam cũng đang khóc ròng vì thông tin có chứa chất gây ung thư. Thông tin này được đưa ra từ một cơ quan không có chức năng tuyên bố chất lượng sản phẩm có chứa chất gì.

Vẫn thói quen cũ, truyền thông lao vào xâu xé thông tin ấy. Doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc, thành phẩm không tiêu thụ được. Đến khi các cơ quan chức năng trưng ra kết luận sản phẩm của họ rất ổn thì câu chuyện đã được đẩy đi rất xa so với khả năng kiểm soát của họ.

Điều lạ lùng nhất, những cơ quan truyền thông loan tin sản phẩm của họ gây ung thư vẫn lặng im như không có chuyện gì xảy ra cả.

Tôi không thể trích dẫn thêm những thông tin này vì nó nhiều quá.

2. Những trái bưởi của người nông dân từng chất đống rồi vứt bỏ, vì mẩu tin trên báo: Ăn bưởi có khả năng gây ung thư.

Cơn hoảng loạn ung thư của người Việt đã khiến tất cả sản phẩm, thành phẩm của doanh nghiệp và người nông dân được đặt vào tầm ngắm và biến thành dị dạng trong mắt người tiêu dùng.

Tôi đã viết không biết bao nhiêu bài báo để nêu rõ quan điểm, phải hết sức bình tĩnh khi đưa thông tin liên quan đến sản phẩm, thành phẩm có khả năng gây ung thư. Vì trên thực tế, loại thông tin này rất dễ được tiếp nhận nhưng khi cần cải chính thì lại vô cùng gian nan. Như nói về các cú đấm của truyền thông về chương trình chống thực phẩm bẩn chẳng hạn.

Cái gốc vẫn là làm sao để thực phẩm bẩn không tồn tại, người nông dân có thể sinh lợi từ mảnh vườn, chuồng nuôi của chính mình, mà xã hội không phải lo lắng về nỗi ám ảnh thực phẩm bẩn.

Chọn giải pháp ra rả suốt ngày về hóa chất, về phương thức sản xuất phản khoa học thì vô hình trung chỉ đang mạnh tay đẩy người nông dân vào tình trạng tuyệt vọng nhanh hơn.

Đáng tiếc, thay vì làm đúng trách nhiệm của truyền thông, của các bộ, ngành là tìm hướng thoát cho người nông dân thì họ lại giống như đang tìm cách lùa người nông dân vào một thứ định kiến rất khủng khiếp - định kiến kẻ có tội.

Trong cuộc trao đổi với giáo sư Võ Tòng Xuân cách đây ít lâu, ông nói với tôi rằng: "Người nông dân Việt Nam tự do nhất thế giới, muốn làm gì thì làm".

Câu nói ấy thật đau xót, bởi người nông dân vẫn phải đóng thuế cho nhà quản lý, vẫn phải chịu tiền thuế từ các sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu… Ấy vậy mà đổi lại họ muốn làm gì thì làm.

Vừa hoang mang, cô độc trong nỗi lo vất vả mùa màng thất bát, giá cả bấp bênh. Người nông dân còn đang phải chịu đựng sự thiên kiến của đám đông chỉ biết đổ lỗi chứ không cần xét lại chính bản thân mình.

Tôi nhớ cô Út, người phụ nữ giúp tôi chăm bẵm con trai. Cô Út nói: "Năm nay chanh được mùa lắm mà không ai mua, giá chỉ 1 ngàn đồng/kg". Ngày trước ở quê, nhà tôi từng bán chôm chôm cho thương lái với giá 500 đồng/kg, với điều kiện phải chở ra tận đường nhựa.

May mắn ngày đó chôm chôm chưa bị loan tin ngâm hóa chất Trung Quốc để giữ tươi lâu. Còn bây giờ, vườn chanh của nhà cô Út đang đối mặt với tin đồn chanh ngâm trong nước rửa chén để bóng vỏ.

Chúng ta hy vọng gì từ một chương trình chiều chuộng thị dân như: "Nói không với thực phẩm bẩn", hy vọng hay không là tùy quan điểm mỗi người.

Cá nhân mình, tôi chỉ thương đôi bàn tay chai sần của ba mẹ tôi, đôi bàn tay nuôi tôi khôn lớn, cho tôi học hành. Và giờ đây, tôi bất lực khi chứng kiến một đám đông hung hãn tấn công người nông dân thay vì hướng dẫn họ đến một tương lai tươi mới.

3.Không chỉ có thông tin liên quan đến sức khỏe được đưa cẩu thả, mà có thông tin còn được ngụy tạo để biến tin đồn thành tin xác thực. Kiểu như, người ta bịa chuyện về người nông dân ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) dùng chổi quét rau để lừa dối người tiêu dùng vậy.

Tạo nên hoang tin thì rất dễ, nhưng khi truyền thông không ý thức được trách nhiệm thông tin thì họ sẽ khiến rất nhiều cá nhân bị ảnh hưởng, tổn thương. Mà sự tổn thương này có khi vĩnh viễn không thể phục hồi được.

Nó từa tựa như những tin đồn hủy hoại danh dự của cá nhân nào đó mà chúng ta từng chứng kiến trong thực tế.

Có kiểu tung tin từ các cơ quan truyền thông có động cơ, cũng có lúc là không có động cơ. Nhưng dẫu là có động cơ hay không, thì thông tin cũng như mũi tên đã rời khỏi dây cung, vĩnh viễn không quay về được nữa.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.