Hơn cả nhận trách nhiệm

Nhận trách nhiệm rồi sao nữa (?!)

Thứ Hai, 10/07/2017, 07:13
Không chỉ là “nhận trách nhiệm”, điều mà nhân dân mong đợi hơn cả ở các vị tư lệnh ngành là tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp đúng đắn để giải quyết tồn tại trong lĩnh vực mà các bộ trưởng phụ trách...

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp Quốc hội này, đã có gần 200 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 58 lượt đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. 

Quan sát các phiên chất vấn, tranh luận, chúng tôi nhận thấy nhiều đại biểu Quốc hội đã chuyển đến lãnh đạo các bộ, ngành, Chính phủ những câu hỏi cũng là nguyện vọng của nhân dân xuất phát từ tình hình thực tế, đây là tín hiệu rất đáng mừng, tín hiệu tích cực. Hơn một vị tư lệnh ngành cũng đã nhận trách nhiệm trước những tồn tại đang diễn ra, tuy nhiên nhân dân mong đợi nhiều hơn là nhận trách nhiệm.

Tại các phiên chất vấn bộ trưởng của kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV vừa qua, đã có khá nhiều lời “nhận trách nhiệm” của các bộ trưởng khi để xảy ra nhiều yếu kém, tiêu cực ở lĩnh vực mà họ phụ trách. Đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến...

Thừa nhận khuyết điểm, đó là sự khảng khái cần có của một tư lệnh ngành, dẫu biết rằng những khuyết điểm đó, những trách nhiệm không thể hoàn thành đó, có thể lỗi hoàn toàn không thuộc về người đứng đầu.

Ngay từ bé, mỗi người thường được người lớn, thầy cô dạy đi dạy lại một bài học vỡ lòng rằng: có lỗi phải nhận lỗi, đó mới là người tốt. Chưa hết, sau khi nhận lỗi xong thì phải hứa không tái phạm và phải sửa chữa lỗi lầm đó như thế nào! Bài học này đã như là một chân lý, thúc đẩy sự tiến bộ của con người, xã hội. Bài học đó không phân biệt đối tượng người giàu nghèo, địa vị sang hèn ra sao,... nếu người đó muốn hướng đến là một người tử tế.

Tại các kỳ họp Quốc hội, việc có bộ trưởng này, tư lệnh kia thừa nhận khuyết điểm đã không còn là điều gì mới mẻ, nếu không nói là đã rất nhiều kỳ họp Quốc hội diễn ra như thế. Nhưng vấn đề không phải là chuyện “nhận trách nhiệm” và có trách nhiệm là “truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp”, mà đó là việc khuyết điểm sẽ được bộ trưởng khắc phục sau đó như thế nào?!

Công bằng mà nhìn nhận, có rất nhiều điều mà bộ trưởng nhận trách nhiệm và sau đó quyết liệt hành động để tạo nên những chuyển biến tích cực; song, cũng có tư lệnh nhận trách nhiệm xong rồi... để đấy, thậm chí nhiệm kỳ sau chất vấn vẫn thế! Và cũng có khi tư lệnh ngành lại đổ “do, bởi, tại, bị” khi lĩnh vực mình tồn tại nhiều yếu kém. 

Như chuyện Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trưởng ngành không bao giờ giải quyết hết được mọi việc mà phải cả bộ máy chính trị vào cuộc, khiến các đại biểu bức xúc như vừa qua.

Minh họa: Lê Phương.

Thậm chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn trả lời trên truyền hình rằng, nông sản dư thừa là tại nông dân cứ thấy cái gì lợi là làm. Một phát biểu được đánh giá là rất thiếu trách nhiệm của người đứng vai trò lãnh đạo một ngành đang có quá nhiều vấn đề “nóng” như hiện tại. 

Và với tư duy ấy, không biết rồi đây những yếu kém trong nông nghiệp, chuyện được mùa mất giá và nông sản trong tình trạng phải “giải cứu” không biết sẽ còn diễn biến như thế nào?!

Bộ trưởng thì trả lời, không thể giải quyết hết được mọi việc mà phải nhờ cả bộ máy chính trị. Còn thứ trưởng thì bảo, lỗi tại nông dân! Phải chăng vì thế mà mỗi câu chuyện “được mùa, mất giá” cứ lập đi lập lại nhiều năm qua như là điệp khúc mà không hề có dấu hiệu dừng lại, nếu không nói là đang trên đà gia tăng?!

Phải chăng là phải chờ có cả bộ máy chính trị vào cuộc, chứ ngành nông nghiệp thì không thể làm nổi, cho dù đó là chuyện đưa ra những dự báo, cảnh báo kịp thời đến bà con nông dân về tình hình thị trường, hơn là “chữa cháy” khi chuyện đã rồi bằng những chiến dịch giải cứu đầy cảm tính!?

Và thay vì ngành nông nghiệp các cấp, nhất là các sở, các hội nông dân địa phương  phải sát cánh cùng bà con trong canh tác; kịp thời có những định hướng trong chăn nuôi, trồng trọt sao cho mang lại hiệu quả kinh tế nhất cho bà con thì ngược lại, hầu như bà con phải “tự bơi”. 

Bà con thích nuôi trồng gì, bao nhiêu cũng được; nuôi trồng xong rồi tự đi lo bán, bán không được thì phải đổ đi. May mắn báo chí thông tin thì nông nghiệp nhảy vào “giải cứu”...

Đó là cái kết đã và đang diễn ra. Thật không thể tưởng tượng rằng ở một đất nước nông nghiệp nhưng nền nông nghiệp lại nhỏ lẻ, manh mún và hoạt động theo kiểu tự phát như thế. Không ít người hỏi, với vấn đề như thế này, ngành nông nghiệp các cấp đóng vai trò gì? Tư lệnh ngành đóng vai trò gì? Hay là đang phải chờ “cả bộ máy chính trị vào cuộc” và tại vì đó là “lỗi của nông dân”?!

Ở ngành Y tế cũng vậy, người ta thấy có những tồn tại căn cơ nhất của ngành, như chuyện quá tải bệnh viện tuyến trên nhưng mấy đời bộ trưởng vẫn chưa thể giải quyết được.

Bộ Y tế của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, từng hứa sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng bệnh nhân nằm chung giường vào năm 2015, nghĩa là đã quá thời hạn giải mật lời hứa đến 2 năm. Song đến bây giờ, để giải được lời hứa ấy thật vô cùng khó khăn. Thậm chí, tình hình còn hệ trọng hơn, bệnh nhân không còn nằm ghép trên giường nữa mà phải nằm hẳn dưới gầm giường.

Câu chuyện bệnh nhân chui ra từ gầm giường bệnh chào khi bộ trưởng đến thăm là thực tế đầy xót xa về thực trạng này. Phải thừa nhận rằng, Bộ trưởng Kim Tiến đã có nhiều nỗ lực giải quyết tình trạng, song bây giờ, cho đến nhiệm kỳ thứ hai rồi, tình hình vẫn chưa được cải thiện. 

Hồi cuối năm ngoái, Bộ trưởng đến thăm Bệnh viện K Tân Triều và chứng kiến trọn vẹn cảnh 4 người bệnh cùng nằm trên 1 giường cá nhân. Và chắc chắn, hình ảnh đó đang không chỉ có riêng ở Bệnh viện K!

Còn nhớ khi đó, Bộ trưởng Kim Tiến có hỏi các bác sĩ rằng: “Cho 4 anh nằm 1 giường, các anh có chịu được không?”. Câu trả lời, tất nhiên là không chịu nổi rồi. Song, phải làm sao đây khi đó không phải là lỗi của bệnh viện, cũng không phải là lỗi của các bác sĩ ở bệnh viện đó? Vậy vấn đề quá tải bệnh viện tuyến trên là gì? Giải quyết ra sao?... đến giờ vẫn mịt mù lắm.

Không chỉ riêng về ngành Y, việc tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp đúng đắn để giải quyết tồn tại trong lĩnh vực mình, đó mới thật sự là điều mà mọi người mong chờ ở các tư lệnh ngành hơn là những lời hứa và những lần “chịu trách nhiệm” trước Quốc hội.

Hoàng Lãm
.
.