Người Hà Nội:

Nhạc sỹ Phú Quang - Đẹp bởi vẻ đẹp ẩn náu

Thứ Hai, 16/06/2008, 14:00
Vẻ đẹp của Hà Nội chính là vẻ đẹp ẩn náu trong mỗi mái phố rêu phong, trong những quán cóc liêu xiêu ven đường, trong hương thơm dịu nhẹ của mùa hoa sấu rụng. Hà Nội đẹp bởi vẻ đẹp ẩn náu, không phô trương, không rực rỡ, không lòe loẹt. Hà Nội đẹp từ vòm cây, từ tán lá xanh, từ những viên đá cũ mòn trên vỉa hè...

Nếu xét theo một quan điểm khó khăn, nghiệt ngã nhất thì Lý Công Uẩn cũng đâu phải là người Hà Nội. Ông vốn sinh ra ở châu Cổ Pháp, Bắc Ninh, lớn lên làm quan tại đất Ninh Bình, ông lên đây ông thấy Hà Nội đẹp quá, thanh lịch quá, là nơi tụ khí thiêng của trời đất nên ông mới quyết định ra chiếu dời đô về Hà Nội, đặt tên là Kinh đô Thăng Long.

Đất nước này là những cuộc chiến tranh, những sự phiêu bạt. Ngay cả tôi, được xem là người Hà Nội gốc nhưng nếu xét quan điểm khắt khe nghiệt ngã ấy thì quê gốc gác sâu xa là ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây, cùng quê với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Thế nhưng gia đình tôi mấy đời ra Hà Nội, có đến 200 năm ở Hà Nội, nên mình cũng tự nhận mình là người Hà Nội thôi.

Nhưng tôi nghĩ rằng có người Hà Nội gốc. Cái gốc ở đây không phải là những điều ghi trong lý lịch mà ở chính trong phong cách, tâm thái, tâm hồn của mỗi con người sinh ra và lớn lên ở đây. Hà Nội là vùng đất tâm linh, là đất kinh kỳ, khí thiêng của trời đất đã tạo ra những con người Hà Nội, tính cách của người Hà Nội không thể trộn lẫn vào đâu được. Nếu tiếp xúc kỹ bạn sẽ nhận ra ngay.

Cái để làm nên một Hà Nội gốc, Hà Nội cổ kính trầm tư, thanh lịch đó chính là bởi văn hóa của Hà Nội. Chứ thực ra kinh tế thì đất nước mình có gì là ghê gớm đâu. Các cụ ngày xưa có câu: "Chẳng thơm cũng thể hoa lài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Tôi cho Hà Nội là vùng đất thiêng, vùng đất tâm linh. Hà Nội có 5 cái hồ tuyệt đẹp. Có những con phố cổ đông đúc nhộn nhịp nhưng vẫn giữ được nét rủi rải trầm tư của một dòng chảy chậm nơi đô thị. Có cầu Thê Húc, có Tháp Bút, có Hồ Gươm, tất cả những cái đó hiển hiện một cách rõ ràng một Hà Nội cổ kính và thanh lịch.

Tôi nghĩ vẻ đẹp của Hà Nội chính là vẻ đẹp ẩn náu trong mỗi mái phố rêu phong, trong những quán cóc liêu xiêu ven đường, trong hương thơm dịu nhẹ của mùa hoa sấu rụng… Nếu bạn đi nhiều nơi trên thế giới, hay đơn giản nhất nếu bạn từng đi đến nhiều vùng đất khác nhau trong cả nước, Hà Nội vẫn luôn giữ được một nét riêng biệt. Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, của cả nước; Hà Nội cũng phát triển một cách nhanh chóng, phồn hoa và đô hội, thế nhưng người Hà Nội nhìn Hà Nội vẫn là một cách nhìn khác, một cách cảm khác.

Hà Nội đẹp bởi vẻ đẹp ẩn náu, không phô trương, không rực rỡ, không lòe loẹt. Hà Nội đẹp từ vòm cây, từ tán lá xanh, từ những viên đá cũ mòn trên vỉa hè.

Có hay không người Hà Nội thanh lịch? Tôi nghĩ có chứ, người Hà Nội thanh lịch lắm chứ. Hà Nội cũng là nơi tập hợp rất nhiều những dòng chảy văn hóa tụ về, là nơi tập trung của rất nhiều người ở nơi tứ xứ. Thế nhưng ở trong lòng Hà Nội rồi, ăn nước Hà Nội, hít thở không khí Hà Nội, họ trở nên là những người Hà Nội. Đó chính là đặc trưng để làm nên văn hóa Hà Nội.

Tôi nhìn thấy rất nhiều những người Hà Nội trên mỗi con phố, trong những lần gặp gỡ. Tôi thấy nét thanh lịch ấy ở ván cờ bên vỉa hè mấy ông già râu tóc bạc phơ chụm vào nhau đánh cờ và thưởng chè chén. Hay món quà sáng bừng cốm sen thơm cô hàng gói cho khách qua đường bằng lá sen tươi. Hay những gánh hàng hoa cô hàng hoa, anh hàng hoa chở hoa vào phố.

Mỗi sáng, tôi nhìn thấy những bà cụ, những thiếu phụ mua hoa ở gánh hàng hoa, có thể cô bán hoa không phải là người Hà Nội gốc, người mua hoa cũng không phải là người Hà Nội gốc nhưng tôi nhìn thấy họ là người Hà Nội với đầy đủ nét tinh tế, thanh lịch. Tôi nhìn thấy những bông hoa còn ngậm sương, ngái ngủ trên vai cô gái bán hoa. Điều đó không đẹp, không Hà Nội sao.

Ngày xưa mẹ tôi kể rằng, bà ngoại tôi dạy con gái rất kỹ. Mẹ tôi phải đi trên hai hàng gạch men để chân thẳng, không bị vòng kiềng. Mà nói chung con gái thời đó đều phải học đi học đứng học ăn học nói như vậy, "công dung ngôn hạnh" phải được đặt lên hàng đầu.

Bà ngoại tôi xuất thân là con quan, được dạy dỗ rất chu đáo. Lần đầu tiên về nhà chồng, run quá múc bát canh lên, để ngửa cái muôi. Khi bê bát canh lên, bà nội tôi vừa nhai trầu, vừa thủng thẳng: "Tại sao lại có cái thuyền nó bơi trong bát canh nhà mình con nhỉ". Đấy, các cụ nhắc khéo con cái, dạy dỗ con cái cũng theo cái cách rất Hà Nội, rất tinh tế nhẹ nhàng.

Khách đến nhà, tiễn khách thì bao giờ chào khách cũng phải kèm theo câu "cụ lại nhà", "bác lại nhà", "cậu mợ lại nhà".

Nếu bạn nói với tôi bạn không nhìn thấy sự thanh lịch của người Hà Nội, bạn hoài nghi người Hà Nội gốc, tôi sẽ nói rằng đấy là bạn chưa sống nhiều, chưa đằm mình trong Hà Nội để hiểu và cảm nhận hết những vẻ đẹp ẩn náu của Hà Nội.

Cái để làm nên Hà Nội thanh lịch là vẻ đẹp tinh thần ẩn náu khắp mọi nơi, ẩn náu trong vạn vật đất trời. Sự bình yên ở Hà Nội là cái vĩnh cửu, bất biến. Có một ai đó đã nhận xét rằng: "Hà Nội giống như một ngoại ô bị bỏ quên của thế kỷ XX".

Tôi là người viết khá nhiều các bài hát về Hà Nội. Nhưng cũng có những bài hát của tôi, khi vang lên không hề có một từ nào nói về Hà Nội, thế nhưng người hát vẫn nhận ra họ đang hát về Hà Nội, người nghe cảm nhận rằng họ đang nghe bài hát về Hà Nội. Đó là những bài "Nỗi nhớ mùa đông", "Mơ về nơi xa lắm", "Thương lắm tóc dài ơi".

Tôi sống ở Hà Nội, nhà ở Thụy Khuê, mấy đời cụ kị của tôi đều ở đây, ven Hồ Tây, thế nhưng tôi cũng phiêu dạt nhiều, cũng đi nhiều nhưng mỗi khi lòng buồn bã nhất, xác xơ nhất, hay hạnh phúc nhất tôi muốn trở về Hà Nội. Nếu ai đó hoài nghi không có người Hà Nội gốc, người Hà Nội chưa chắc đã thanh lịch thì mặc họ. Những ý niệm của tôi về Hà Nội và người Hà Nội đã khắc sâu vào tâm trí tôi, đã mặc định rồi

Lê Nguyễn Cầm Thy
.
.