Người tình trăm năm:

Nhạc sỹ An Thuyên: Một ngày bằng mấy trăm năm

Thứ Năm, 12/02/2009, 16:04
Có lẽ, với người nghệ sỹ, khái niệm "người tình" không phải là một khái niệm xa lạ. Thi sỹ coi những vần thơ là người tình, nhạc sỹ lấy những làn điệu âm nhạc làm người tình tri âm tri kỷ. Có ai sống nổi mà không có người tình. Người tình một giây phút thoáng chốc, hay người tình sống với nhau trăm năm đầu bạc răng long.

Người tình sống với nhau trọn nghĩa vợ chồng hay người tình chỉ mãi là người tình trong tương tư, trong mộng tưởng, trong sâu kín cõi hồn riêng tư của mỗi người.

Trong một buổi chiều xuân nắng hanh vàng cuối giờ làm việc bận bịu của một Thiếu tướng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội, nhạc sỹ An Thuyên đã dành cho tôi những khoảnh khắc riêng tư hiếm hoi để nói về "người tình".

- Thưa nhạc sỹ An Thuyên, có hay không khái niệm "Người tình trăm năm"?

- Theo tôi nghĩ, có tới một nghìn lẻ một quan niệm người tình trăm năm tùy vào từng người, từng hoàn cảnh vì nó còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khách quan, chủ quan.

Có những mối tình gắn kết hai người lại trong cả cuộc đời, nhưng cũng có những mối tình chỉ là trong mộng, là đơn phương, là phút chốc thoáng qua nhưng nó cứ đeo đẳng dai dẳng cả cuộc sống mình.

Có lẽ chính cái tình được và cái tình không được đó đã làm cho cuộc sống của con người đẹp hơn. Người tình trăm năm nói đúng hơn là người tình lý tưởng, không có một người con gái cụ thể nào đó và có lẽ cái đẹp của cuộc sống chính là sự lý tưởng đó, nó làm cho con người sống với khát vọng ở phía trước.

- Với riêng bản thân ông thì ý nghĩ về sự thoáng qua trong chốc lát hay sự trọn vẹn suốt cuộc đời thú vị hơn?

- Tôi thích sự tổng hòa của những trạng huống. Cái tình phút chốc cũng mang tới cho mình sự phong phú trong tâm hồn. Nói cho cùng thì tôi thấy ít có những mối tình như cha ông vẫn nói, có thể có nhưng hiếm.

Nếu có thì đó chính là do sự tổng hòa của những mối quan hệ, trong đó có cả sự góp sức không nhỏ của cái thoáng chốc, cái được, cái mất, cái thực, cái hư… để cuộc đời của mỗi người có sự bất ngờ, phấp phỏng.

- Có nghĩa là ông không tin có "Người tình trăm năm" trong cuộc đời này?

- Tôi từng được đọc một chuyện tình của nhà thơ Ximônốp dành cho người yêu, một diễn viên kịch và điện ảnh mà tôi tin rằng ông đã tìm được "Người tình trăm năm" khi ông yêu si mê cô ấy một cách kỳ lạ ngay cả khi bắt gặp cô chung sống với người khác.

Nhưng có lẽ nhân loại lại phải cảm ơn người đàn bà đó vì chính cô là nguồn sáng tạo vô hạn cho Ximônốp có những bài thơ bất hủ như "Đợi anh về". Đến khi chết, ông di chúc lại rằng hãy để những bức thư gửi cho người đàn bà ông yêu xung quanh thi hài ông và đốt nó để tất cả những lời tình yêu của ông trong các bức thư đó theo ông xuống suối vàng ôm chặt mối tình của ông với cuộc đời ông đến ngàn năm.

Nếu có người tình trăm năm thì chắc Ximônốp đã có. Với tôi, "tình trăm năm" còn được hiểu bao hàm cả tình yêu cuộc sống, con người, trong đó cả tình yêu đối với những người con gái mình đã quen biết, cũng đã có những lúc mơ mộng, khát khao đốt cháy mình. Nhưng để có một người con gái cụ thể nào đó theo quan điểm của thi ca, của ca dao thì hình như chưa có.

- Với ông, người bạn đời có thể coi là "Người tình trăm năm" hay không?

- Ở một khía cạnh nào đó thì nên coi như thế. Bởi vì phải có tình yêu rồi mới có hôn nhân và nên vun đắp tình yêu đó vì nhiều lẽ: con cái, cháu chắt… Còn cả sự biết ơn, vì có người đàn bà tốt phía sau thì người đàn ông mới làm nên việc lớn.

- Nhiều người vẫn cho rằng với một cuộc hôn nhân, tình yêu chỉ có thể kéo dài được chừng… 5 năm, sau đó người ta sống với nhau chỉ vì cái nghĩa vợ chồng?

- Tôi nghĩ 5 năm cũng đã là… hơi nhiều. Nói cho cùng thì đàn ông luôn luôn là những kẻ tham lam và ích kỷ, họ không yên ổn một chỗ nhưng nếu cứ luôn đi tìm một điều gì mới mà không biết điểm dừng thì cũng nhàm chán, nó như một con ốc bị trờn ren.

- Trong bài hát "Ca dao, em và tôi" với quan niệm "Một ngày bằng mấy trăm năm hỡi người", ông đã dành "cái ngày đó" cho ai?

- Năm 1988, tôi được Nhà hát Nhạc Vũ kịch mời viết vở nhạc kịch "Trương Chi". Tứ của bài hát "Ca dao, em và tôi" bắt nguồn từ khúc "Aria Trương Chi" mà tôi đã viết cho vở nhạc kịch ấy.

Ý đầu tiên của bài là "Cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ" là nói về nỗi đau của chàng ca sĩ của dòng sông Trương Chi, khi chàng đi gặp Mị Nương về thì tan vỡ tình yêu, thất vọng giữa một con người lý tưởng và một con người trong đời thực. Hai con người đó ai cũng hình dung về người yêu của mình khác, gặp nhau thì vỡ mộng yêu đương.

Tôi ấn tượng với câu nói Mị Nương cứ lặp đi lặp lại là "Hoàng Tử của em đâu, người này không phải là Trương Chi". Trong vở kịch, khi trở về bến sông, Trương Chi thốt lên "Cắt nửa vầng trăng", đây cũng chính là câu đầu tiên của Aria Trương Chi mà tôi đã viết.

Đến năm 1997 thì tôi đã phát triển hoàn thiện cũng như lược bớt đi các yếu tố kỹ thuật để bài hát giản dị và dễ hiểu hơn. Tư tưởng chính của bài "Ca dao, em và tôi" là hãy yêu những gì xung quanh mình, những gì cuộc sống mình có, đừng ảo tưởng hão huyền về những điều xa vời.

Hai con người khát khao về "Người tình trăm năm" trong mộng nhưng đó chỉ là sự lý tưởng hóa để rồi vỡ mộng yêu đương. Tất nhiên, trong bài hát có hình ảnh một người con gái có thật thời trai trẻ của tôi, người con gái tôi quen trong những lần đi thu thanh ở quê hương xứ Nghệ.

Người con gái đầu tiên trong đời làm tôi rung động nhưng cũng vô cùng trong sáng vì yêu mà chưa hề một lần cầm tay và cũng chưa có một lời tỏ tình. Hình bóng đó đã đeo đuổi tôi vì nó đẹp, nên thơ và trong sáng. "Một ngày bằng mấy trăm năm" là thế, mặc dù với người con gái ấy tôi chưa có "ngày nào" cụ thể cả (cười)!

Tuy nhiên, cũng phải cảm ơn nghệ thuật, không phải là người trong nghề tôi mới nói, nhưng tôi thiết nghĩ chính nghệ thuật đã làm thi vị hóa cho tình yêu trở nên đẹp hơn rất nhiều. Nói như thế để thấy rằng, trong nghệ thuật có cái cụ thể và cũng có cái rất trừu tượng.

Nếu chỉ là chuyện đàn ông đàn bà thì mọi thứ trở nên trần trụi, nghệ thuật đã làm cho tình yêu trở nên thiêng liêng

Hoàng Thiên Kim
.
.