Đi bán đi buôn:

Nhạc sĩ Vũ Quốc Bình: "Làm ăn thì có thắng, có bại"

Thứ Năm, 29/08/2013, 10:35
Ai cũng vậy chứ không riêng giới nghệ sĩ. Tôi không nghĩ nghệ sĩ không nên kinh doanh. Khi nghệ sĩ kinh doanh họ có một lợi thế mà không phải ai bước vào nghề cũng có, đó là mối quan hệ sâu rộng và chút ít tên tuổi. Nếu khéo khai thác họ sẽ có những thành công nhất định.

- Chuyện nghệ sỹ đi kinh doanh không phải là ít, hình thức kinh doanh thì đa dạng từ nhà hàng, quán ăn, cà phê đến bất động sản và cả công ty thủy sản… Theo anh thì vì đâu mà thời gian qua người nghệ sỹ lao vào kinh doanh nhiều như thế, chắc cũng gì chuyện cơm áo gạo tiền, anh nhỉ?

- Thật ra chuyện nghệ sĩ kinh doanh cũng đã có từ lâu chứ không phải thời điểm này. Khi cảm giác muốn dừng chân hay cần một sự ổn định nào đó cho cuộc sống sau ánh đèn sân khấu, họ nghĩ đến việc kinh doanh. Nghệ sĩ cũng là con người và họ cũng có những nhu cầu rất bình thường cho cuộc sống của họ và người thân. Còn vấn đề thời gian gần đây nghệ sĩ chuyển sang kinh doanh khá nhiều thì theo ý kiến cá nhân tôi có lẽ do tình hình ngành kinh doanh giải trí đã tập trung vào một số tập đoàn hùng mạnh. Họ khống chế phần lớn các hoạt động giải trí nên hàng loạt các nghệ sĩ độc lập mất phương hướng và bế tắc. Họ phải làm một cái gì đó để trước là nuôi mình, sau đó là nuôi nghề.

- Nhưng theo anh thì người nghệ sỹ đi kinh doanh liệu có ổn không? Mới đây tôi nghe có nghệ sỹ từng kinh doanh thất bại, nói như khuyên nhủ rằng: Nghệ sỹ không nên dính đến chuyện kinh doanh! Anh nghĩ sao về điều này?

- Làm ăn thì có thắng, có bại. Ai cũng vậy chứ không riêng giới nghệ sĩ. Tôi không nghĩ nghệ sĩ không nên kinh doanh. Khi nghệ sĩ kinh doanh họ có một lợi thế mà không phải ai bước vào nghề cũng có, đó là mối quan hệ sâu rộng và chút ít tên tuổi. Nếu khéo khai thác họ sẽ có những thành công nhất định.

- Phải thừa nhận rằng có nhiều nghệ sỹ kinh doanh thành công, nhưng gần đây cũng có nhiều trường hợp vướng nợ nần, phá sản. Có lần anh chia sẻ với tôi rằng do tính-nghệ-sỹ nhiều quá nên khó kinh doanh thành công. Mới đây tôi lại nghe ý kiến rằng những trường hợp thành công là do người nghệ sỹ chỉ lấy danh ra kinh doanh, người kinh doanh thật sự là người khác! Anh chia sẻ gì về những ý tôi vừa nêu?

- Vấn đề này thì chúng ta nên nói rõ một chút. Tôi đã nghe một số lời nói có vẻ mỉa mai là nghệ sĩ A, nghệ sĩ B làm gì có tiền... Chúng ta quên rằng tên tuổi của nghệ sĩ là thương hiệu, là tài sản vô hình được luật pháp đảm bảo. Có khi tài sản ấy lớn gấp nhiều lần khối tái sản hữu hình của một người nào đó hùn vốn. Nói như thế cho công bằng vì một nhà tài chính muốn hùn vốn với một nghệ sĩ cũng cân nhắc rất kỹ điều này. Không ai dại gì bỏ tiền vào một thương vụ mà họ không thấy lãi. Nhưng như tôi đã nói trước đó, kinh doanh là một trò chơi không dễ và không phải ai cũng chiến thắng. Không riêng gì nghệ sĩ, khá nhiều bậc thầy về kinh doanh đã tuyên bố phá sản không chỉ một lần trong đời.

- Tính-nghệ-sỹ, tôi hiểu là làm theo ngẫu hứng, thích thì mới làm, đụng đâu làm đấy, mọi tính toán đều theo kiểu xuề xòa… Nhưng kinh doanh thì đụng đến tiền bạc, những con số nên cần phải tính toán tỉ mỉ… Cũng vì lẽ đó mà có người bảo nghệ sỹ không nên kinh doanh. Anh nghĩ sao?

- Tôi không đồng ý lắm với điều này. Người nghệ sĩ có thể xuề xòa về thời gian, không quan tâm lắm đến tiền bạc nhưng tôi chưa thấy người nghệ sĩ thực sự nổi tiếng nào thiếu trách nhiệm. Anh hãy theo dõi khi họ hoạt động nghệ thuật thì sẽ hiểu. Họ vắt kiệt sức cả mấy tuần lễ liền vì một sản phẩm nghệ thuật là chuyện bình thường. Và với chuyện kinh doanh tôi nghĩ cũng thế mà thôi. Trách nhiệm và lòng tự trọng sẽ lấp đầy những khiếm khuyết của họ, nếu có!

- Tôi thấy cũng còn có một lý do rằng người nổi tiếng thì cái tôi lớn, nghĩ cái gì mình cũng làm được và chuyện kinh doanh là trong tầm tay. Có chuyện đấy chứ anh? Vì tôi nghĩ, suy cho cùng con người thì luôn tự huyễn hoặc mình như thế!

- Con người thì luôn tự huyễn hoặc mình như thế, anh đã nói thế thì cũng đừng nên trách người nghệ sĩ. Không có gì bất hạnh bằng mang danh nghệ sĩ mà sống nhàn nhạt, thiếu dấu ấn. Có thể nghệ sĩ huyễn hoặc, hoang tưởng một cách ngây thơ nhưng nhờ thế họ dám làm những điều người khác không dám nghĩ hoặc nghĩ mà không dám làm. Thì việc thành công hay thất bại  đương nhiên là một phần của cuộc chơi. Theo tôi, dù thất bại còn hơn chẳng làm gì hết và cứ ngồi than thời than vận rồi để thời gian trôi đi hoài phí.

Và cuối cùng, lý do quan trọng nhất khiến người nghệ sỹ gặp khó trong chuyện kinh doanh đó là vì… không biết kinh doanh! Thực tế là có người chưa bao giờ đụng đến việc mình sắp kinh doanh nhưng do ma lực của của đồng tiền, do bạn bè lôi kéo… nên cũng lao vào. Đương nhiên kinh doanh kiểu ấy thì “lành ít, dữ nhiều” rồi!?

Nhưng nếu không lao vào kinh doanh thì đến bao giờ người nghệ sĩ biết kinh doanh đây! Tiền bạc chỉ là một phần của kế hoạch thôi. Thật ra chưa bao giờ nghệ sĩ kinh doanh để mong muốn kiếm thật nhiều tiền… Mục đích chính là để ổn định cuộc sống. Mà sự ổn định luôn cần một giới hạn an toàn nhất định. Nếu họ đừng bốc đồng lao vào quá sức mà hãy tĩnh tâm và bước từ từ theo khả năng, tôi tin thất bại sẽ là khá nhỏ

Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng (thực hiện)
.
.