Nhạc sĩ Phú Quang: Lê Dung đến với âm nhạc như là định mệnh

Chủ Nhật, 30/01/2011, 14:05
Lê Dung đúng là một tài năng hiếm thấy trong đời sống âm nhạc. Ngay từ những ngày đầu tiên anh em chúng tôi hợp tác làm âm nhạc với nhau, tôi đã nhận xét: "Vấn đề lớn nhất đối với giọng hát của em khi trình bày bất kỳ một ca khúc nào không phải chuyện "thêm vào" mà là "bớt đi". Em giống như một người con gái đẹp đeo quá nhiều dây chuyền. Em phải bỏ bớt đi hoặc là em đeo lần lượt thì tốt hơn".

- Thưa nhạc sĩ Phú Quang, đã tròn 10 năm ngày mất của NSND Lê Dung. Sự ra đi của bà, như sự thừa nhận của rất nhiều người, là đã để lại một khoảng trống lớn trong đời sống âm nhạc. Khoảng trống ấy, theo ông, trong đời sống âm nhạc hôm nay đã có ai "lấp" được hay chưa?

+ Ngay thời điểm Lê Dung vĩnh biệt chúng ta, tôi đã nói, 10 năm sau chúng ta cũng khó mà có thể tìm thấy được người thay thế vị trí của Lê Dung. Vì ở Lê Dung hội tụ quá nhiều điểm hoàn hảo: là người phát âm Tiếng Việt cực chuẩn, chất giọng đẹp và kỹ thuật tốt. Lê Dung là ca sĩ có học nhất Việt Nam, theo quan điểm của tôi. Nay đã qua 10 năm, đúng là chưa có ca sĩ nào làm được như Lê Dung, bằng giọng hát tuyệt vời của mình, chinh phục trái tim hàng triệu khán giả mọi lứa tuổi.

- Nhạc sĩ gặp Lê Dung lần đầu khi nào và ông có ấn tượng gì về Lê Dung khi đó?

- Tôi gặp Lê Dung lần đầu tiên khi cố ấy chưa tròn 20 tuổi. Bài đầu tiên tôi thu âm cho Lê Dung là ca khúc: "Anh ở đầu sông em cuối sông" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Lê Dung hát xong, tôi bảo, em phải học yêu đã rồi mới có thể hát hay những bài hát về tình yêu được. Lê Dung cười. Sau khi đi học ở Nga về, cô ấy gặp lại tôi và hóm hỉnh: "Giờ thì em đã hiểu những điều anh nói trước đây". Tôi đùa lại: "Bây giờ thì có khi em còn là sư phụ của anh ấy chứ". 

- Trong sự nghiệp của mình, Lê Dung đã trình bày thành công rất nhiều ca khúc của ông. Vậy, đâu là những kỷ niệm sâu sắc nhất của ông với người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh này?

- Lê Dung đúng là một tài năng hiếm thấy trong đời sống âm nhạc. Ngay từ những ngày đầu tiên anh em chúng tôi hợp tác làm âm nhạc với nhau, tôi đã nhận xét: "Vấn đề lớn nhất đối với giọng hát của em khi trình bày bất kỳ một ca khúc nào không phải chuyện "thêm vào" mà là "bớt đi". Em giống như một người con gái đẹp đeo quá nhiều dây chuyền. Em phải bỏ bớt đi hoặc là em đeo lần lượt thì tốt hơn".

Ý tôi muốn nói là Lê Dung quá nhiều năng lượng và cô ấy cần phải học khả năng tiết chế, cả cảm xúc lẫn kỹ thuật trong mỗi bài hát, để đạt đến sự tự nhiên, tinh tế. Lúc đầu không phải Lê Dung nghe ngay đâu, thậm chí cô ấy còn tự ái. Nhưng khi hiểu ra lời tôi nói rồi thì Lê Dung tiếp thu triệt để.

Có một kỷ niệm rất hay là có một nhạc sĩ Việt kiều về nước gặp tôi để tìm một ca sĩ hát thu âm những tác phẩm của mình. Tôi giới thiệu Lê Dung, nhạc sĩ này tỏ ra không thích. Nhưng tôi thuyết phục anh ta hãy gặp và nghe Lê Dung. Sau cuộc gặp gỡ ấy, người nhạc sĩ này đã hoàn toàn tin những lời tôi nói. Và anh ta đã trao cho Lê Dung 50 ca khúc của mình, trả cátsê thu âm đến 800.000 đồng  1 bài, trong khi thị trường âm nhạc lúc đó mỗi ca sĩ chỉ được trả 200.000 đồng 1 bài.

Lê Dung là người nhạy cảm, thông minh, thẳng thắn và hết sức đáng yêu khi hát. Cô ấy là đỉnh cao. Sau này chỉ có vài học trò của Lê Dung phảng phất chút hình ảnh của Lê Dung khi hát. Nhưng Lê Dung thì chỉ có một. Không phải ai cũng nghe được Lê Dung hát đâu, vì giọng hát của cô ấy có đẳng cấp, nó chỉ chịu phục vụ những tai nghe có nhạc cảm tốt, có hiểu biết. Vậy nên cô ấy cô đơn cũng là điều dễ hiểu. Người làm nghệ thuật như cái cây, càng vươn cao thì càng cô đơn.

- Thưa nhạc sĩ, Lê Dung có phải là người hát hay nhất ca khúc của ông, đến giờ phút này hay không?

+ Chắc chắn như vậy. Không có đêm nhạc nào của tôi có Lê Dung tham gia mà chỉ hát một bài. Bao giờ cũng ít nhất là 3 bài. Vì không ngớt khán giả yêu cầu. Mỗi khi Lê Dung hát "Khúc mùa thu" của tôi phổ thơ Hồng Thanh Quang thì sau đêm diễn thế nào cũng có 5 đến 10 phụ nữ xinh đẹp nước mắt chứa chan lên bắt tay và cảm ơn nhạc sĩ.

Đó là những ấn tượng có lẽ tôi không bao giờ quên được, gắn liền với Lê Dung và cũng là gắn liền với số phận bài hát của tôi. Lê Dung cũng thường nói với tôi là những bài hát của tôi thường "vận" vào Lê Dung. Bài "Khúc mùa thu" gắn với một mối tình đẹp và buồn nhất của Lê Dung. Lúc Lê Dung hát bài "Ngày mai" (phổ thơ Nguyễn Khắc Thạch) của tôi là lúc Lê Dung đang buồn vì tình yêu đổ vỡ, chia ly.

Khi tôi đưa cho Lê Dung bài hát "Trở về giấc mơ xưa" phổ thơ Giáng Vân, Lê Dung hơi ngần ngại. Cô đọc xong phần lời thì đề nghị tôi đổi lời hai câu cuối. Tôi đã đổi hai câu "Rồi mai em chết/ Còn gì trên đời" thành "Rồi mai ai biết/ Còn gì trên đời". Nhưng dường như vẫn có một định mệnh gắn liền với Lê Dung. "Trở về giấc mơ xưa" là bài hát cuối cùng tôi thu âm cho Lê Dung. Hai tháng sau thì Lê Dung mất. Lê Dung mất đúng vào thời điểm tôi tổ chức 3 đêm nhạc.

Một khán giả Việt kiều trước đó có gặp tôi và nói họ rất muốn được gặp Lê Dung. Tôi bảo, anh hãy đợi mấy hôm nữa đến chương trình của tôi, anh sẽ được nghe Lê Dung hát. Nhưng Lê Dung đã từ biệt chúng ta trước ngày chương trình bắt đầu. Đó là một tổn thất quá lớn, một mất mát dường như quá sự chịu đựng của chúng ta, những người yêu mến giọng hát của cô.

Trong đêm diễn đầu tiên, tôi buồn bã thông báo với khán giả rằng Lê Dung không còn để hát cho chúng ta nghe nữa. Từ hàng ghế khán giả, tôi nghe một tiếng nấc rất to, đó là tiếng khóc của vị khán giả Việt kiều nọ đã đợi rất lâu để được gặp Lê Dung nhưng không thành.

- Thưa nhạc sĩ, không chỉ trong âm nhạc mà cả trong đời thường, NSND Lê Dung là người luôn sống tận cùng cho những điều mình đam mê, tin tưởng và dám trả giá cho những lựa chọn của mình. Một người đàn bà làm nghệ thuật như thế thường phải gánh chịu nhiều thiệt thòi…

+ Tôi phải khẳng định ngay rằng Lê Dung là giá trị thật. Lê Dung sống như một sự "bóc trần" chính con người của mình, không cần đến những thứ phù phiếm nào khác. Cô ấy yêu ai là yêu hết lòng, yêu tận cùng, không toan tính. Sống tận cùng tất nhiên là phải chịu nhiều thua thiệt.

Nhưng cuộc đời đáng yêu ở chỗ có những cái tưởng là thua thiệt nhưng lại là cái được. Cái được của Lê Dung là cô đã quyết liệt sống, quyết liệt yêu, quyết liệt làm nghệ thuật và cô có được những khoảnh khắc thăng hoa. Bản năng ấy cộng với tài năng trời cho, Lê Dung đã vươn tới đỉnh cao nghệ thuật.

Có một số học sinh của Lê Dung kể với tôi rằng, sinh thời Lê Dung là người không nhân nhượng với những cái sai của học sinh. Lê Dung từng mắng học trò của mình ngay trong một cuộc thi hát. Lê Dung không chấp nhận sự cẩu thả, quấy quá trong nghệ thuật. Cô rất nghiêm khắc.

- Không thể có sự so sánh thỏa đáng nào trong nghệ thuật, nhưng để nói một điều gì với các nghệ sĩ trẻ hôm nay về NSND Lê Dung, nhạc sĩ sẽ nói điều gì?

- Tôi chỉ muốn nói rằng một số ca sĩ trẻ hôm nay để mình lệ thuộc vào nhiều thứ phù phiếm quá. Họ chỉ cố làm sao cho mình xinh đẹp, bắt mắt. Họ lệ thuộc vào các giá trị vật chất hơn là nâng mình lên bởi những giá trị tinh thần. Hãy nhìn Lê Dung, cô ấy đã để giọng hát và trái tim của mình tự do, bay trên mọi lệ thuộc, cám dỗ.

Nghệ sĩ chân chính là như vậy, họ dám đặt cược số phận mình vào nghệ thuật. Lê Dung không phải người đàn bà đẹp, nhưng chính là giọng hát đã làm nên nhan sắc của cô ấy. Hồi Lê Dung mất, vì quá đau buồn, tiếc thương Lê Dung, tôi đã viết: "Nếu đời này còn có một cõi nữa thì anh mong ở nơi đó sẽ tiếp tục hát cho những người yêu mến em"…

- Xin cảm ơn nhạc sĩ Phú Quang

B.N.T.
.
.