Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Tôi kiên trì với con đường của chính mình

Thứ Tư, 29/01/2014, 13:13
Tôi thấy tôi phù hợp và kiên trì với con đường âm nhạc của mình, tôi được yêu và cảm nhận tình cảm của khán giả, làm điều mình thích, đôi khi tôi than phiền chuyện vặt vãnh này khác cho vui chứ nhìn chung tôi nghĩ mình đã thật sự may mắn sống được với nghề!

- Nhìn lại một năm hoạt động nghệ thuật của mình vừa qua với thành công của “Cánh cung 3” và liveshow “Cánh cung”, hẳn anh có nhiều cảm xúc?

- Chỉ có thể nói là tôi đã may mắn có được những nguồn động viên khích lệ hay những cảm hứng công việc tuyệt vời, may mắn vì mọi điều mong muốn đã diễn ra tự nhiên và tốt đẹp. Lúc này tôi cảm thấy rất vui và khá thoải mái.

- Hầu như từ lúc “Cánh cung 3” phát hành cho đến bây giờ tôi đã nghe không biết bao lần vài ca khúc trong album. Đó là “Chuyện mặt trời - Chuyện của chúng ta”, “Biết mãi là bao lâu”, “Người buông neo”, “Người câu bóng”. Tôi thích nghe những bài hát chậm buồn ấy để tìm sự suy tư và lắng đọng tâm hồn. Về điều này, có phải cũng là cái đích mà “cánh cung” của anh nhắm tới khán giả?

- Thú thật, bản thân tôi cũng còn hiểu khá mơ hồ về những đích trừu tượng mà có thể tôi đã nhắm đến, nhưng rõ ràng là tôi thích viết những tác phẩm mà qua đó khán giả có thể suy tư, chia sẻ hay giải quyết điều gì đó phức tạp hơn những điều phổ thông vốn mỗi người có thể tự giải quyết. Muốn thế thì chúng ta đều cần không gian và thời gian lắng đọng, thích hợp.

Ở Cánh cung 3, tôi viết về lương tâm con người, ảo tưởng, hay tình yêu của con người. Tôi chắc chắn cho rằng đó là những vấn đề mà chúng ta vẫn muốn cùng nhau thấu hiểu, giải quyết những gì khiến mỗi người chúng ta cảm thấy khó xử bởi những điều đó, lúc này hay lúc khác trong đời sống.

- Nhịp sống càng ngày càng tất bật, vội vã khiến chẳng còn mấy ai “dừng lại” suy nghĩ về mình, về thời gian, có khi chỉ là đơn vị một ngày cũ vừa qua. Nhưng cũng trong bối cảnh đó, sự sâu sắc, mang hơi hướng triết lý trong âm nhạc của anh lại có chỗ đứng nhất định. Có bao giờ anh thử lý giải về điều này chưa, thưa anh?

- Tôi sợ những tác phẩm không có vấn đề gì, nghe chúng tôi cảm thấy mệt, phí thời gian. Một ví dụ sinh động thế này, có lần tôi thấy một cô gái đẹp ăn mặc rất thời trang trên phố, giày cao gót, môi đỏ, da trắng, tóc suôn dài, đeo kính đen sạch bong. Thế nhưng tôi đi qua lúc nào đó và giật mình tự hỏi tại sao tôi đã đi qua dễ dàng như thế dù tôi chắc chắn cô ấy đẹp. Tôi cũng nhớ ra có những khi tôi gặp cô gái bình thường thôi nhưng tôi dễ bị thu hút bởi đôi mắt nhìn, bởi giọng nói, lời nói hay cái gì đó toát ra từ con người ấy…

Tôi lý giải rằng cô gái đẹp mà tôi vừa đi qua theo cách phổ thông, cô ấy dễ lẫn với những cô gái na ná như vậy trên đường phố, đẹp nhưng chưa rõ có gì hay. Tác phẩm cũng như một con người, con người ấy phải có đường nét hay đặc điểm gì đó đặc biệt khó lặp lại ở người khác, nếu nó đẹp hay nó hay, cái đẹp cái hay đó thường gây ấn tượng lâu bền hơn, không có cái na ná với nó.

- Anh chia sẻ là sẽ không viết về tình yêu sau “Cánh cung 3” nữa, anh cần hướng đến những gì mang tính tư duy, trải nghiệm, mang màu sắc triết lý nhân sinh hơn… Tôi hiểu đó là con đường đúng của anh nhưng vẫn thấy tiếc về điều đó. Thứ nhất vì anh không quá già để buộc phải hướng đến điều gì đó sâu xa lúc này và ngay cả khi anh viết về tình yêu tôi vẫn thấy sự tư duy, trải nghiệm, sâu sắc, mang tính triết lý nhân sinh rồi. Anh nghĩ gì về điều tôi chia sẻ?

- Tôi nghĩ phong cách nội dung mà tôi viết ở Cánh cung 3 cũng có thể sẽ là phong cách nền tảng cho những tác phẩm sau đó của tôi. Nghĩa là tình yêu trai gái không còn là trung tâm tác phẩm nữa, nó là cái cớ để tác giả xây dựng các hình tượng mới lạ hơn, đưa đến cho khán giả. Chẳng hạn bài hát Chuyện của mặt trời - Chuyện của chúng ta, tôi vẫn nghĩ nó là một bản tình ca đôi lứa tuyệt vời, nhưng nó cũng đã không chỉ là tình ca đôi lứa mà còn là tình ca của chúng ta với cầu nối tương quan sinh động hơn là một đôi lứa. Ấy là tương quan giữa những gì tạm là chân lý với những gì luôn bất ổn. Với tác phẩm dạng đó, tôi không thể xem nó thuần túy là bài hát về tình yêu đôi lứa được…

Vậy nói đúng hơn thì tôi muốn các tác phẩm sau này tích hợp nhiều hơn những nội dung và tình yêu đôi lứa vẫn sẽ xuất hiện nhưng nó sẽ chỉ nên chiếm một lớp không gian nào đó trong tác phẩm. Chuyện này mới nghe nhiều người sẽ thấy băn khoăn nhưng như bạn thấy đấy, nếu khán giả muốn tiếp cận một bài hát của Đỗ Bảo như một bài hát về tình yêu thì những tác phẩm ấy vẫn sẽ đáp ứng sâu sắc tâm lý đó ở khán giả. Tôi thích các lớp không gian cảm xúc sinh động và linh hoạt, ngoài việc chúng ta chân thực.

Nhìn lại 20 năm sáng tác của mình, anh nhận ra điều gì?

- Tôi thấy tôi phù hợp và kiên trì với con đường âm nhạc của mình, tôi được yêu và cảm nhận tình cảm của khán giả, làm điều mình thích, đôi khi tôi than phiền chuyện vặt vãnh này khác cho vui chứ nhìn chung tôi nghĩ mình đã thật sự may mắn sống được với nghề!

- Năm sau khán giả sẽ lại tiếp tục đón nhận sản phẩm mới nào đó của anh chẳng hạn chứ không phải đợi đến chu kỳ 4, 5 năm sau như “Cánh cung” chứ?

-  Điều này thì tôi không biết chắc, tôi phải đợi dù tôi cũng mong sẽ có đĩa nhạc mới sớm hơn. Tôi viết nhạc không nhanh, sản xuất mỗi album xong tôi thường phát sợ khi nghĩ lại những gì mình đã bỏ ra, thời gian, suy nghĩ, sức lực, từng công việc nhỏ hay to… Đó là khoảng thời gian mà trí sáng tạo của tôi thường trống rỗng

Thực hiện: Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng
.
.