Nhà văn, nhà biên kịch Trần Thị Hồng Hạnh: Tôi biết cái giá của mình

Thứ Tư, 10/11/2010, 15:30
Trần Thị Hồng Hạnh được coi là người đa diện, vì công việc làm báo khá vất vả, nhưng chị vẫn viết tiểu thuyết và đặc biệt là các kịch bản phim truyền hình dài tập của chị liên tiếp được đưa vào sản xuất. Những "Mùa hè sôi động", "Xúc xắc tình yêu", "Tình ca phố"… được phát sóng trên HTV là một minh chứng cho khả năng làm việc không giới hạn của chị. Trần Thị Hồng Hạnh cho rằng, nghề viết kịch bản có thể kiếm được tiền, nhưng phải thật chăm chỉ!

"Tôi viết văn, đi làm báo trước khi viết kịch bản một cách kiếm tiền. Trước tiên là yêu thích, sau đó là vì niềm yêu thích của mình có thể đem lại tiền cho mình. Tôi bắt đầu từ năm 2005, tôi cũng có viết kịch bản phim truyện, hiện giờ đạo diễn Vương Đức đang giữ một kịch bản phim truyện của tôi và chúng tôi đang kiếm kinh phí để thực hiện nó.

Sở dĩ tôi viết nhiều kịch bản phim truyền hình vì… nó dễ bán ra tiền hơn. Làm biên kịch không ăn lương của công ty nào, có thuận lợi là mình có thể từ chối những đề tài mình không muốn viết mà không sợ bị ai phiền trách, kỷ luật mình. Nhưng cũng không ít khó khăn. Cái lớn nhất chính là đôi khi xảy ra những tranh chấp, mâu thuẫn thì mình không có công ty đứng ra bênh vực, giúp đỡ.

Hiện nay tôi đang cùng một nhóm tác giả làm việc theo ê kíp. Tôi viết đề cương chi tiết, các bạn bổ sung, tôi hướng dẫn các bạn triển khai, rồi tôi là người chỉnh sửa cuối cùng. Nghề viết kịch bản này, nếu chăm chỉ thì sống được. Mức giá các công ty trả cho tôi là 6 đến 7 triệu/1 tập, không bao gồm thuế thu nhập cá nhân.

Nếu làm một phim 30 tập (là dạng phổ biến nhất của phim truyền hình hiện tại) thì với khả năng viết liên tục 3 ngày/tập thì sau ba tháng kịch bản sẽ hoàn thành. Vì tôi làm việc độc lập, làm hoàn toàn tự do, viết đề cương rồi chào bán đơn vị sản xuất, khi họ đồng ý thì mới bắt đầu thực hiện tiếp những công đoạn sau nên tôi chưa bao giờ sợ bị trả giá, chưa bao giờ bị phá giá.

Vì tôi biết giá và nêu giá của mình, được thì làm, không thì thôi. Không trả giá, không đôi co, đã làm thì hợp đồng rõ ràng, người mua không theo hợp đồng thì đền hợp đồng cho tôi. May mắn là các đối tác của tôi rất đàng hoàng.

Bạn hỏi, đâu là áp lực lớn nhất của những nhà biên kịch trẻ? Tôi nghĩ, đó là thời gian, sự chuyên tâm, sự cụt vốn văn hóa và đời sống khi phải viết quá nhiều. Bạn hỏi, phim truyền hình bây giờ được ví như cơm bụi ăn hằng ngày, quá quen và đôi khi nhàm chán. Vì kịch bản dở và lực lượng làm kịch bản quá yếu?

Tôi nghĩ không chỉ có thế, vì nhiều thứ lắm, muốn phim tốt lên phải phát triển đồng bộ. Bây giờ người ta hay lấy lý do là không có kịch bản hay để làm công việc là "Việt hóa" kịch bản phim nước ngoài. Tôi nghĩ như vậy sẽ rất khó có sức sáng tạo và người biên kịch sẽ bị kiềm tỏa trong câu chuyện cũ. Tốt nhất là kể một câu chuyện Việt Nam, nói về người Việt, do người Việt viết"

PV
.
.