Tết của những người nổi tiếng:

Nhà văn Tô Hoài: Tết năm nay viết được ít lắm

Thứ Tư, 21/01/2009, 14:00
Tết Kỷ Sửu năm nay, nhà văn Tô Hoài thượng thọ 90 tuổi. Cụ bà, vợ nhà văn Tô Hoài cũng đã ở tuổi 85. Sống thượng thọ và trộm vía rất khỏe mạnh, minh mẫn như vợ chồng Tô Hoài quả thật là xưa nay hiếm. Những ngày này, nhà văn Tô Hoài đang chuẩn bị “dời đô” lên 21 Đoàn Nhữ Hài để gặp vợ, quây quần với cụ bà và chuẩn bị đón Tết và hưởng lộc ngày xuân.

Đã mấy năm nay, nhà văn Tô Hoài không “đóng đô” ở 21 Đoàn Nhữ Hài rồi mà “rời dinh” về Nghĩa Tân, Cầu Giấy. Hai vợ chồng già đâm ra xa nhau, cách trở. Mỗi khi cụ bà Tô Hoài nhớ chồng, lại đi một cuốc xe ôm từ Đoàn Nhữ Hài về Nghĩa Tân, Cầu Giấy để thăm ông, thăm gia đình con gái.

Nhà văn Tô Hoài khoe, mặc dù cụ bà đã ở tuổi 85 nhưng sức khoẻ vẫn còn tốt lắm, đi lại cứ nhoay nhoáy. Sở dĩ, về già, vợ chồng nhà văn Tô Hoài bỗng dưng sống cảnh "Ngưu lang Chức nữ" như vậy là vì ông mắc chứng tiểu đường.

Nhà văn Tô Hoài có vợ chồng cô con gái lớn làm nghề y, con rể là bác sỹ, con gái là dược sỹ nên đón bố về Nghĩa Tân, Cầu Giấy để tiện bề chăm sóc thuốc thang. Nói là bệnh tật như vậy nhưng xem ra ở tuổi 90, nhà văn Tô Hoài vẫn đi lại nhanh nhẹn, đầu óc minh mẫn, tinh anh, nói chuyện hóm hỉnh và sắc sảo lắm.

Gặp tôi đến nhà, nhà văn Tô Hoài khoe ngay ông vừa đi dự hội thảo văn học chỗ nọ chỗ kia. Mỗi lần đi là Hội Nhà văn lại cho xe ôtô tới đón. Gặp bạn văn, gặp đồng nghiệp là nhà văn Tô Hoài lại mủm mỉm cười, nói chuyện rất dí dỏm. Mặc dù ở tuổi 90 nhưng xem ra nhà văn lão tướng Tô Hoài vẫn còn ham đọc và ham viết lắm.

Ông hóm hỉnh kể chuyện viết bài Tết. Độ dăm năm trước, Tết năm nào giao thừa năm mới, nhà văn Tô Hoài cũng được mời lên vô tuyến hoặc Đài phát thanh phát biểu và nói chuyện Tết. Năm nào, dịp này, nhà văn Tô Hoài cũng chuẩn bị một bài phát biểu dí dỏm và hấp dẫn để chúc mừng năm mới.

Nhưng độ dăm năm lại đây, có lẽ tại nhà văn Tô Hoài già rồi, ốm yếu rồi nên mọi người cũng chẳng bắt tội ông già này nữa. Những cái Tết trước, mùa Tết là mùa viết bài bội thu của nhà văn Tô Hoài. Báo nào cũng đặt cho nhà văn lấy một bài Tết để chưng lên số báo năm mới.

Chuyện viết báo Tết của nhà văn Tô Hoài thì khỏi phải nói, như là một lực điền cày trên cánh đồng chữ mênh mông, không bao giờ cạn nguồn. Nhưng độ dăm ba cái Tết lại nay, nhà văn viết ít hơn. Như Tết Kỷ Sửu này chỉ viết có 3 bài thôi. Báo khoa học đời sống, nhà văn Tô Hoài viết về một cái Tết ở Thanh Hóa. Báo Đô Thị có bài về cây Phật Thủ đêm giao thừa và “một bài nữa gửi cho anh Hữu Ước của cháu là bài "Dạo chơi chiều ấy ở đường Cổ Ngư".

Hai bài viết này, nhà văn Tô Hoài rất tâm đắc. Bài "Cây Phật Thủ đêm giao thừa" viết về một loại cây mà người Việt mình rất ưa thích. Cây Phật Thủ là loại cây rất Tết, hoa rất Tết. Phật Thủ là tay Phật, người ta cúng ở chùa bao giờ cũng có cây Phật Thủ.

Người Hà Nội trên mâm ngũ quả ngày Tết có quả Phật Thủ là dấu hiệu của điềm lành đến nhà trong năm mới. Cây Phật Thủ chính là của người Mường, người Mán, người ta trồng ở dọc suối rất nhiều. Người nông dân ở vùng Hoài Đức, Phùng, Sơn Tây rất thích bày quả Phật Thủ trên mâm ngũ quả ngày Tết.

Còn bài "Dạo chơi chiều ấy ở đường Cổ Ngư" tôi viết về con đường Cổ Ngư xưa, con đường Tết người Hà nội hay đi dạo, hồi xưa, người ta đánh cá rất nhiều ở hai bên con đường này.

Thứ hai nữa là đền Hồ Tây ở Quán La. người ta hay bắt ốc ở Hồ Tây Quán La bây giờ đã thay đổi nhiều rồi, việc bắt ốc thì vẫn còn nhưng bây giờ người ta làm món ốc chiên bơ đấy, chứ không chỉ còn là ốc luộc chấm tương như ngày xưa nữa đâu. 

Còn Tết của gia đình, năm nào cũng vậy, tôi bao giờ cũng có ý tưởng thế này. Tết là những gì cũ thì sẽ mới. Bỏ cái cũ đi để rộng mở tâm hồn đón nhận cái mới. Hồi còn trẻ, và cả bây giờ, Tết là lúc tôi suy tư về mình, về việc đời nhiều hơn. Tôi tự kiểm điểm những việc đã làm được, những việc chưa làm, tự nghĩ để tiếp đây trong tương lai sẽ như thế nào.

Tết muôn đời vẫn vậy nhưng không bao giờ cũ kỹ hay tẻ nhạt. Vì chỉ có đến Tết con người mới có dịp sống những giây phút cho riêng mình như trang trí nhà cửa, mua sắm, chợ búa, cỗ bàn, thăm hỏi lễ nghĩa. Hàng trăm năm nay rồi mọi việc vẫn lặp đi lặp lại vậy, nhưng tâm trạng con người vẫn háo hức đợi Tết.

Trong gia đình tôi, giao thừa là tất cả các con cháu tụ tập. Con gái lớn của tôi vào xóm để quẩy nước đổ vào bể cho may mắn phong lưu. Gia đình nhà tôi đều giữ phong tục này lúc giao thừa. Các con cháu đều đi quẩy nước về đổ đầy bể và chúc cho nhau may mắn.

Với riêng tôi, trong những cái Tết gần đây, tôi nghĩ nhiều về bạn bè, những người cùng thời với tôi, người còn, kẻ mất, nhớ về quá khứ, và cảm giác lúc nào cũng buồn buồn man mác. Tôi cũng định viết về bạn bè, tha thẩn về những ký ức.

Nghĩ và muốn vậy nhưng bây giờ, tôi viết được ít lắm. Năm nay tôi sẽ làm tổng tập Tô Hoài một ngàn năm Thăng Long. Để làm được tổng tập này, tôi cũng bận mù trời rồi, cộng với tuổi cao sức yếu, nên có viết ít đi cũng là lẽ thường 

.
.