Phía sau người đàn ông thành đạt:

Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Có một người đàn bà nhẫn nại phía sau

Thứ Hai, 23/03/2009, 13:58
Nhiều lần tôi tự hỏi rằng, có phải hôn nhân là tạo hoá sắp xếp, là trời định, là những gì thuộc về cơ duyên và số phận. Hai người không giống nhau thì sẽ thuộc về nhau.

Đã nhiều lần tự vẩn vơ khi nghĩ rằng vì sao nhà văn Nguyễn Quang Lập và chị Nguyễn Thị Hồng lại là một đôi vợ chồng khi nhìn bề ngoài hai người quá khác xa nhau, như là những mảng đối lập rõ nét.

Nếu tính cách nhà văn Nguyễn Quang Lập sắc sảo, riết róng, cực đoan, mạnh mẽ thì chị Hồng là một người phụ nữ đặc sệt miền Trung, hiền lành nhân hậu thật thà.

Nếu nhà văn Nguyễn Quang Lập ham văn chương, nghệ thuật thì chị Hồng suốt ngày chỉ biết làm lụng, cặm cụi quán hàng nhặt từng đồng tiền nhỏ, chịu thương, chịu khó chăm chồng chăm con.

Nhưng cứ nghĩ, nếu vợ của nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng là một nữ nghệ sỹ, một cô văn công, hay một ca sỹ, một doanh nhân thương nhân nào đó… cứ cho là như thế, thì tôi không thể nào hình dung được hôn nhân của họ sẽ ra sao, đời sống vợ chồng của họ  thế nào khi từ xưa đến nay, cuộc đời của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Quang Lập đã in bóng dáng người vợ lam lũ tảo tần một mực ẩn nhịn phía sau chồng, vì chồng con, hy sinh cho chồng cho con.

Tôi ở cùng khu nhà với vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Lập. Là hàng xóm của anh chị, nên cuộc sống của anh chị tôi là người gần gũi. Chị Hồng cao ráo, gương mặt phúc hậu hiền lành, thời trẻ, chị là người đàn bà mặn mòi hương sắc.

Nhưng làm vợ của một nhà văn đã vất vả muôn nỗi gian truân bởi riêng bản thân cuộc sống của một nhà văn đã mang nặng những trắc ẩn, đã không sung sướng, nhẹ tênh như bất kỳ một cuộc đời khác. Đằng này chồng chị, nhà văn Nguyễn Quang Lập dễ hơn chục năm nay lại bị tai nạn liệt nửa người, nên cuộc sống của một người vợ như chị càng vất vả hơn, nhiều thiệt thòi hơn.

Ngày xưa, khi anh Lập chưa bị tai nạn, dù uống rượu say đến mấy, dù quá chén với bạn bè tới cỡ nào, anh vẫn là một người bố chỉn chu và mẫu mực, đưa đón 3 đứa con học hành đến nơi đến chốn, anh vẫn là chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất quan trọng trong cuộc đời chị.

Nhưng từ ngày anh ốm, gánh nặng gia đình đổ lên đôi vai chị. Tần tảo sớm hôm, chị Hồng lầm lũi với quán bán đồ ăn sáng. Để chuẩn bị được cho một bữa bán hàng, chị đã phải thức dậy từ 4h sáng, thổi bếp tổ ong, đi chợ mua hàng về chế biến nấu nướng.

Dậy từ sáng sớm tinh mơ, bán hàng cho đến tận đêm khuya mới trở về nhà. Vừa bán hàng quán, vừa lo chợ búa nấu nướng ngày 3 bữa cơm cho chồng và các con, chị Hồng dường như không có lấy giây phút thảnh thơi nào để nghĩ đến bản thân mình, chưa nói là dành cho mình.

Cuộc sống chị gắn liền với gia đình, với công việc nội trợ, và việc kiếm sống vất vả lam lũ. Ngày anh Lập còn khoẻ, anh chị còn đèo nhau đi chơi đây đó nhà bạn bè, còn có được chút thời gian rảnh rỗi bên nhau. Từ ngày anh ốm, anh chị hầu như không có lấy giây phút nào được thong thả bên nhau.

Chị đầu tắt mặt tối với hàng quán, với nội trợ hằng ngày vì anh chị có 3 con lớn đều đang độ tuổi đi học. Bao nhiêu yêu thương lo lắng, anh chị dành cho các con, sấp ngửa với miếng cơm manh áo cũng vì các con. Thương vợ, xót xa vợ thức khuya dậy sớm bán hàng ăn quá vất vả, anh đã khuyên chị đổi kinh doanh sang hàng hoá tạp phẩm.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập có một sức sống, sức sáng tạo không mệt mỏi. Anh là người luôn luôn đi tìm cái mới, đầu óc luôn vận động không ngừng nghỉ và luôn tạo ra được những cơn sốt Nguyễn Quang Lập trên nhiều diễn đàn mà mới đây nhất là diễn đàn Blog với chuyên mục "bạn văn" gây không ít đàm thoại và tranh cãi, người khen, kẻ chê cũng rất nhiều.

Vấn đề khen chê không quan trọng, quan trọng là ở nhà văn Nguyễn Quang Lập luôn có sự sáng tạo và anh luôn mang đến cho độc giả những người mến tài năng của anh, yêu quý tính cách anh, nể phục sức lao động của anh những điều mới mẻ.

Tôi nghĩ, nhà văn Nguyễn Quang Lập có tài danh đến đâu, có sáng tạo đến đâu thì cũng trên một nền tảng gia đình vững bền mà ở đó, anh luôn được thụ hưởng tình yêu thương, đức hy sinh của người vợ.

Nếu không có một gia đình yên ấm, không có một người vợ hiểu chồng, thương chồng, và sẻ chia những lúc nguy nan cũng như lúc bĩ cực với chồng như chị Hồng, thì Nguyễn Quang Lập lấy đâu năng lượng để sống và làm việc. Tôi nghĩ, trong cuộc hôn nhân của anh chị, nhà văn Nguyễn Quang Lập tha hồ làm người nổi tiếng, lên báo, lên tivi, lên mạng với những bài phỏng vấn sắc sảo gây chú ý.

Còn chị Hồng vợ anh, lặng lẽ trong ngôi nhà, tựa như chiếc tủ đựng quần áo chỉ biết im lặng, như chiếc bếp gas sẵn sàng đỏ lửa cho những bữa cơm gia đình, như chiếc giường rộng lúc nào cũng đủ chỗ cho bố con ngả lưng, như một thứ đồ vật cũ kỹ, giản đơn và quá đỗi bình thường mà lắm khi có thể trong những cơn say sưa, nhà văn lãng tử Nguyễn Quang Lập vẫn có thể bỏ quên nơi góc nhà.

Nhưng đồ vật ấy, chiếc tủ ấy, bếp lửa đỏ ấy, chiếc giường ấm ấy là những thứ không thể thiếu trong cuộc sống của nhà văn Nguyễn Quang Lập và các con. Nếu thiếu đi thì cuộc sống của nhà văn Nguyễn Quang Lập không còn là cuộc sống thực đúng nghĩa nữa, mọi cái sẽ thiếu hụt, khiếm khuyết, và cuộc sống của nhà văn Nguyễn Quang Lập và các con hẳn sẽ là những khoảng trống lớn không gì bù đắp nổi.

Vợ chồng có thể là những mảnh ghép hoàn toàn khác nhau, nhưng thiếu đi những mảnh ghép khác nhau ấy sẽ không thành một gia đình hoàn hảo. Ai đó từng đúc kết rằng, vợ chồng không giống nhau, tính cách khác nhau thì hôn nhân mới hạnh phúc bền vững có lẽ không sai

Khánh Thy
.
.