Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: Nhiều khi nước mắt tràn đẫm gối

Thứ Ba, 21/04/2009, 15:12
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị bạo bệnh đã 11 năm nay. 11 năm chịu đựng cái bi kịch lớn nhất của số phận mình là nằm liệt giường, bàn chân không cất được lấy một bước nhỏ trên đôi chân lãng du xưa, những ngón tay run trên bàn tay tài hoa xưa không cầm nổi cây bút để viết nên dù một chữ cái.

Trong cơn đau đớn hành hạ triền miên của thể xác, Hoàng Phủ Ngọc Tường không thể thiếp ngủ cùng những cơn đau ấy. Ông nằm thiêm thiếp trên giường, không đi lại, không tận cùng một đời sống phiêu lãng, chỉ có trí óc ông miên man trong thênh thang một cõi vô hạn.

Ông vẫn sống, lay lắt như một cái cây khô đã chết gục vẫn gượng trổ nhói lên những mầm lá xanh để duy trì sự sống. Ông vẫn tồn tại, mơ hồ và mong manh thắt ruột như một cụm nắng mùa đông chỉ chợt lụi.

Trong thế giới chỉ còn chỗ cho những ý nghĩ sống và tồn tại, những hoài niệm chảy trong ký ức cũ mới, trong những phát hiện kỳ lạ của các góc nhìn khác về vạn vật xung quanh, Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn làm việc, vẫn tư duy và sáng tạo không ngừng. Ông viết bút ký, lý luận phê bình, và làm thơ. Những bài thơ buồn… như chính cuộc đời của một nhà văn trĩu nặng suy tư.

Có thể hình dung, trong 11 năm ấy, ông đã sống với tất cả những ý nghĩa của sự sống, làm việc, cảm nhận và yêu thương. Trong 11 năm ấy, ông đã cho ra đời 5 tập sách và 2 tập sẽ ra mắt vào năm 2011. Điều gì đã làm nên một Hoàng Phủ Ngọc Tường kỳ lạ như vậy? Mặc dù nằm liệt giường, tình trạng sức khỏe rất yếu, song nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vui vẻ và rất nhiệt thành khi cố gắng hết mức có thể để dành những tình cảm yêu mến cho ANTG Giữa tháng và cuộc trò chuyện này.

- Thưa nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường! Dạo này sức khoẻ của ông trộm vía có tốt hơn nhiều không?

- Cám ơn cô đã quan tâm, sức khỏe tôi cũng bình thường, không được hoàn hảo để thực hiện những ý định lớn, nhưng cũng làm việc được.

- Thú thật, trong "những bi kịch cuộc đời" của Hoàng Phủ Ngọc Tường, thì không có bi kịch nào khủng khiếp và đáng sợ hơn sự đau ốm, mà ốm nặng đến mức đành phải giam cầm mình trong 4 bức tường nhà trong khi đó bản thân ông là một kẻ lãng du ưa đi đây đó. Đã 11 năm rồi, có những lúc, văn đàn, bạn hữu, những người hâm mộ và yêu quý Hoàng Phủ Ngọc Tường thắt lòng lo lắng cho bệnh tình lúc nóng lúc lạnh của ông. Cảm giác của ông về tất cả những điều này trong suốt 11 năm qua như thế nào?

- Cô đã nói đúng hoàn toàn, trong những bi kịch lớn nhất của cuộc đời tôi, giai đoạn bi kịch nhất không gì có thể so sánh được chính là khoảng gần 11 năm bệnh tật vừa qua. Quả nhiên tạo hóa sinh ra con người có đôi chân để đi đây đi đó, thế mà tôi cứ phải nằm nguyên một chỗ giữa bốn bức tường vì bệnh liệt. Đúng như cô nhận xét, bản tính tôi vốn thích rong ruổi đó đây, và chính trước khi phải nằm yên, tôi lại vừa trở về từ Điện Biên Phủ, vừa uống rượu và múa xoè với những cô gái Thái từ một mảnh đất chiến trường xưa. Không thể nào quên được trong giai đoạn đó, nhiều bạn bè cũng tìm cách thăm hỏi và giúp đỡ tôi. Nghĩ đến họ, nhiều khi tôi tràn nước mắt ướt đẫm gối. Ở xứ ta, mỗi lần thấy một người bỗng nhiên chết lặng đi, người ta lại đua nhau réo gọi thật lớn tên của người mà họ tưởng là sắp chết. Cứ y như người nọ sắp đi xa, và réo gọi để sống lại. Tôi đã từng nhìn thấy trong tình trạng hôn mê hình ảnh của một người có đuôi (tức là quỷ Sa tăng) hoặc hình ảnh của một cụ già râu bạc (tức là ông thánh Phêrô), người gác cổng thiên đường. Tôi sắp đi qua mặt họ thì nghe có tiếng gọi tên mình và tôi đã quay trở lại. Đấy chẳng qua là hiện tượng của địa ngục hoặc thiên đường mà tôi đã vẽ nên trong tâm thức hằng ngày, và tiếng gọi kia chính là sự nhắc nhở của bạn bè.

Sự nhắc nhở ấy hóa ra cũng tạo nên một sức mạnh gọi là "ý lực", giống như sức mạnh của một mũi tên đang bay, và sức mạnh ấy đã giữ bước chân trần thế của tôi ở lại cõi dương. Còn gì nữa mà không dám nói thẳng ra chính gia đình, bạn bè đã làm cho tôi nuối tiếc cuộc sống đi không dứt và ở lại cõi đời này.

- Cuộc sống vốn dĩ mong manh, sự sống cũng trở nên mong manh hơn bao giờ hết đối với bệnh tật của ông. Vậy mà trong 11 năm qua, ông đã vượt qua những giây phút mong manh ấy để quên đi những đau khổ của bệnh tật, để vượt lên tất cả những đau đớn thể xác, để bày tỏ lòng ham sống và yêu cuộc sống một cách mãnh liệt nhất. Điều gì đã giúp Hoàng Phủ Ngọc Tường làm nên những phép lạ?

- Cảm ơn cô đã quá khen. Tôi không coi đó là những "phép lạ" hay "kỳ tích", đó chỉ là một sự cố gắng bình thường, ai làm cũng được. Cái gì đã làm nên sự cố gắng thì cũng lại là sự cố gắng khác. Gắng sống đến bình minh. Tôi chỉ biết cố gắng, cố gắng và cố gắng…

- Vợ ông, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chia sẻ rằng, như một phép lạ, sau cơn đột qụy năm 1998, ông  đã qua được và từ đó đến nay dù nằm yên một chỗ, ông vẫn sống với tất cả ý nghĩa của sự sống: Làm việc, cảm nhận và yêu thương. Và sức viết của ông, nếu bệnh tật không ngăn cản, gần như đó là những khoảng không giới hạn của tư duy. Trong tình cảnh này, ông đã tiếp cận cuộc sống để sáng tạo văn chương như thế nào?

- Vừa thoát được cơn đột quỵ để tiếp tục sống, đó là sự mong ước cháy bỏng của Mỹ Dạ, các con và bạn bè. Và tôi đã vượt qua được cơn hiểm nghèo đó. Trong một thời gian dài gần 11 năm, tôi phải nằm một chỗ, chỉ tiếp cận cuộc sống bằng cách nhớ lại. Tôi nhớ lại những gì đã xảy ra và viết lại. Nhớ lại như vậy gọi là cuộc du lịch nội tâm.

Song những gì tôi viết ra đã khác với tình trạng hồi tưởng lúc đầu. Tôi đã đem tất cả sản phẩm hồi tưởng ấy ngâm vào trong dung dịch của hiện hữu để nó mềm ra, trở thành nguồn nguyên liệu mới của văn học rồi mới đem dùng nó để viết bút ký.

Cứ "làm mới" như vậy là cốt để nung nấu cả thế giới thực hữu sang thế giới văn học, phục vụ cho nhà văn viết bút ký. Giống như một công nghệ luyện kim, phải đủ độ nóng cần thiết. Ôn Như Hầu cũng có nói: "Lò cừ nung nấu sự đời"…

- Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ơi! Có lúc nào ông rơi vào tình trạng chán sống và tuyệt vọng không? Những lúc như vậy Hoàng Phủ Ngọc Tường làm gì để cưỡng lại những cơn thiếp ngủ mệt mỏi ấy?

- Tôi không hề thấy chán cuộc sống vì biết vốn thời gian của tôi không phải giàu có gì để muốn tiêu xài bao nhiêu thì cứ việc tiêu xài. Tôi có nhớ trong tiểu thuyết "Terres Des Hommes", nhà văn Pháp Saint Exupery kể lại chuyện của một viên phi công đi lạc trong sa mạc; anh ta bị kiệt sức và gục ngã, bỗng nhiên chợt nghĩ đến những người thân, những bạn bè tốt ở đời vào lúc này cũng nhớ đến anh, mọi người không một ai tin rằng anh đã gục ngã và nằm im… Chỉ nghĩ như vậy, anh ta liền cố gắng đứng dậy và đi tiếp.

Những lúc mệt thiếp đi trong cuộc sống bệnh tật, tôi lại tự đánh thức mình bằng thông điệp ấy của Saint Exupery, và tôi lại trỗi dậy. Nhờ ơn trời, tôi đã dậy được.

- Trên giường bệnh lúc này ông đang viết cái gì vậy? Cả ngày mai và những ngày sắp tới nữa, bạn đọc, những người luôn yêu quý và chờ đợi ở Hoàng Phủ Ngọc Tường những phép nhiệm mầu?

- Từ khi nằm một chỗ, tôi đã cho ra mắt bạn đọc 5 tập sách, có cái vừa viết, có cái đã viết trước đó. Đó là các tập được xếp lần lượt theo thứ tự thời gian như sau "Ngọn núi ảo ảnh" - tập bút ký; "Trong mắt tôi"- tập lý luận phê bình; "Rượu Hồng Đào chưa uống đã say"- Tập bút ký; "Cây đàn Lia của Hoàng tử bé"- Tập viết riêng về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn; "Miền cỏ thơm". Sắp tới, tôi sẽ in tập bút ký cuối cùng vào năm 2011 và tập thơ vào năm 2012. Xin cảm ơn Như Bình và báo An ninh Thế giới Giữa tháng đã quan tâm

.
.