Tiệc tùng... nhan sắc

Nhà thiết kế Hoàng Ngân: “Công chúng nên thoáng hơn một chút”

Thứ Hai, 12/03/2012, 16:30
Đương nhiên, khi người ta muốn vui, người ta mới cần tổ chức tiệc tùng. Xưa, những tài chủ giàu mạnh, khoản đãi quan khách hay để mua chuộc người tài về quy dưới trướng, họ tiệc tùng theo cách ba ngày tiểu yến, năm ngày đại yến. Đại khái, ba ngày thì vui sơ sơ. Năm ngày thì vui hết cỡ.

Tiệc tùng nhiều đến mức, kẻ sĩ được khoản đãi ban đầu thì ngại, sau lại cảm kích mà cúi đầu bái tạ, về ngồi dưới ghế tài chủ chờ sai bảo.

Nay, người ta có thể tiệc tùng bất cứ lúc nào với người quen, người không quen. Thậm chí là kẻ đang có hiềm khích.

Tiệc tùng cần có người đứng ra khoản đãi, là tiệc tùng thông thường.

Còn tiệc tùng cần có người hy sinh phẩm hạnh là tiệc tùng nhan sắc.

Phẩm hạnh mất đi rất khó kiếm lại. Nhưng có sao đâu, vấn đề là họ muốn chiêu đãi và dư luận luôn ngong ngóng thụ hưởng.

- Được biết trang phục biểu diễn gần đây của Thu Minh do chị thiết kế, song có vẻ như yếu tố sexy đã bị đẩy lên quá đà để phù hợp với “thương hiệu” và dòng nhạc Thu Minh theo đuổi. Nhiều khán giả tỏ ý ái ngại về điều này. Cảm giác của chị ra sao?

- Thiết kế đồ cho ca sĩ, nhất là ca sĩ Việt, có một số khó khăn chung. Nhà thiết kế khi làm việc thường muốn xây dựng hình ảnh riêng cho ca sĩ đó, nhà thiết kế hiểu biết nhiều về phong cách, xu hướng, họ có thể xây dựng cho ca sĩ một hình ảnh nhất định và cứ thế mà đi theo. Đấy là cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên ở Việt Nam khó ở chỗ là nhiều khi ca sĩ họ thích cái này, thích cái kia, mỗi thứ một chút, dù sao thì hai bên vẫn phải có sự dung hòa.

Thực ra tôi làm đồ cho Thu Minh không phải mới gần đây đâu, mà từ trước kia rồi. Làm cho Thu Minh, giữa tôi và Thu Minh luôn nói chuyện với nhau trước để đưa ra giải pháp, phương án cho bộ đồ đó, bài hát đó, buổi trình diễn đó. Thế nhưng tôi lại không phải là người thiết kế duy nhất cho Thu Minh nên tôi không xây dựng cho Thu Minh một phong cách nhất quán để đi theo xuyên suốt được.

Phải nói là hơi tội cho Minh vì trang phục biểu diễn khi được chụp đằng sau cánh gà nó không đúng với chức năng trên sân khấu, nghĩa là phải nhìn bộ đó khi Minh đang biểu diễn trên sân khấu, kết hợp cùng vũ đạo với nhóm múa thì mới mang lại hiệu quả thẩm mỹ.

- Những năm trước, đã xảy ra vô số trường hợp người mẫu lộ hàng, hớ hênh trên sân khấu, như Bebe Phạm, Hà Anh, Vũ Thu Phương, Võ Hoàng Yến, mới đây nhất là Thái Hà. Với nhiều kinh nghiệm từ sàn diễn catwalk chuyên nghiệp, chị có thể lý giải được vì sao ngay cả những người mẫu chuyên nghiệp lại không thể kiểm soát được trang phục trên người mình?

- Là một nhà thiết kế, tôi biết khi diễn các bộ sưu tập, có thể có những sự cố như tuột dây áo ngực, đứt hẳn hoi, nhất là với những bộ ngực lớn, áo bị kéo chùng xuống, gặp những sợi dây áo có thiết kế mỏng mảnh, chưa kể trong các show thời trang lớn, người mẫu ra vào thay đồ phải nhanh gọn nên nhiều khi cài dây vội vàng, không chặt, nên khi lên sân khấu sẽ để xảy ra sự cố lộ ngực.

Còn ca sĩ mặc đồ ngắn quá để lộ nội y thì tôi nghĩ là có thể tránh được. Là một người biểu diễn, bạn phải hình dung được bộ đồ mình đang mặc khi lên sân khấu nó sẽ thế nào, chưa kể còn phải tổng duyệt sát ngày diễn nữa. Người bình thường mua đồ còn phải mặc soi đi soi lại chứ đừng nói nghệ sĩ phải mặc biểu diễn trước hàng trăm, hàng ngàn người, khi đó nghệ sĩ phải hình dung được những sự cố có thể xảy ra. Ở đây nói chỉ trích thì cũng không phải, vì mình không thể phân biệt được đâu là sự cố ngoài ý muốn, đâu là sự cố tình. Một phần thông cảm, nhưng một phần tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng những nghệ sĩ là người của công chúng thì phải biết ý tứ với trang phục của mình, không được cẩu thả với hình ảnh của mình, để xảy ra những sự cố trang phục như vậy thì lỗi vẫn thuộc về người nghệ sĩ đó.

- Có nghệ sĩ lý giải cho cách ăn mặc kiệm vải của mình rằng để phù hợp với một môi trường biểu diễn nhất định nào đó như quán bar, vũ trường, loại nhạc mà nghệ sĩ đó hát (dance, pop)... Lý do này, theo chị có thuyết phục?

- Tôi nghĩ, công chúng nên thoáng hơn một chút. Công chúng lúc nào cũng đòi hỏi khi nào âm nhạc mình mới vươn ra thế giới, mà trong đó văn hóa ăn mặc cũng là một yếu tố trong sự phát triển đó. Các ca sĩ Việt Nam mình trong quá trình học hỏi, tiếp thu cái mới thì cũng có đôi khi đi quá ranh giới, trừ trường hợp ai đó muốn tự đánh bóng bản thân bằng những hình ảnh như thế, mặc đồ khiêu khích công chúng thì đáng trách. Nhưng cũng phải ghi nhận những nỗ lực của các ca sĩ trong việc thay đổi hình ảnh, làm mới vẻ ngoài của mình.

Tôi nói ví dụ như ca sĩ Hồng Nhung, tôi thấy chị ấy đã rất cố gắng trong việc thay đổi hình ảnh của mình, nếu không thì công chúng lại bảo sao Hồng Nhung suốt ngày cứ kiểu tóc đó, trang phục đó, phong cách đó, chả bao giờ thay đổi. Vậy mà khi Hồng Nhung cài một chiếc nơ lên đầu thì lại nói chị ấy “cưa sừng làm nghé”(?!).

- Những năm gần đây, báo chí và công chúng hay nhắc nhiều đến từ “phản cảm”, thực chất sự tồn tại và nghĩa gốc của từ này vẫn còn đang được các nhà ngôn ngữ học bàn luận. Nói vậy để thấy, ngay cả “thước đo” để đánh giá cái chưa đẹp trong ăn mặc của một người vẫn chưa hoàn thiện, thì dựa vào đâu để xác định thế nào là đẹp. Dưới con mắt của một nhà thiết kế, nghệ sĩ nên gợi cảm thế nào để vừa đủ đẹp?

- Đấy cũng vẫn là một điều khó. Nếu dễ thì người ta đã bàn luận xong rồi. Tôi nghĩ dùng từ “phản cảm” cho cách ăn mặc là hơi nặng nề, nó chỉ dùng cho những hành động mang nghĩa xấu hoàn toàn, tiêu cực rõ ràng, như chửi bậy, văng tục chẳng hạn. Ranh giới giữa gợi cảm và gợi dục là rất mong manh, nhưng không thể vì một nghệ sĩ ăn mặc quá sexy thì mình lại cho rằng đó là phản cảm

Thực hiện: Hoàng Thùy Yên - Nguyệt Lãng
.
.