Người mẫu Việt xuất ngoại: Giấc mơ hoang đường?

Nhà thiết kế Hoàng Ngân: Chẳng có chút triển vọng nào

Thứ Ba, 29/03/2011, 14:16
Với tư cách là một nhà thiết kế trẻ đã tạo được danh tiếng và có cơ hội được đi nước ngoài học tập cũng như giao lưu với môi trường thời trang lớn như London, Hoàng Ngân chia sẻ những ý kiến thẳng thắn, thậm chí sẽ có những người không thích chị vì những quan điểm này nhưng ít ra nó cần thiết để người mẫu Việt biết họ là ai và thiếu điều gì, đặc biệt là nền tảng nghề.

- Chị đánh giá sao về chuyện đưa người mẫu Việt Nam ra nước ngoài? Theo chị có thực sự triển vọng?

- Theo tôi, ở thời điểm hiện tại chẳng có chút triển vọng nào. Ngành công nghiệp thời trang mới dừng lại ở việc gia công theo đơn đặt hàng từ những nước phát triển hơn, người tiêu dùng thì vô tư mặc hàng nhái, hàng nhập lậu, nhà nước không kiểm soát hết các cửa hàng và đầu mối bán lẻ, nhà thiết kế Việt có được ra nước ngoài chỉ dừng ở mức giao lưu hoặc là thí sinh của các cuộc thi.

Người mẫu là một phần không thể tách rời của ngành công nghiệp đang chập chững đó (ở Việt Nam), nên cũng sẽ chung số phận như vậy thôi. Nhìn lại những quốc gia gần chúng ta như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, tại sao họ có những gương mặt mà ngay cả những siêu mẫu quốc tế cũng phải nể như Devon Aoki, như Liu Wen, Shu Pei,… chính vì ngành công nghiệp thời trang của họ đã và đang trở thành đối thủ, thành đối tượng, mục tiêu của các ngành công nghiệp thời trang đại thụ kia.

- Với tư cách một nhà thiết kế đã có điều kiện được cộng tác với đối tác nước ngoài và cũng đã tiếp cận với ngành thời trang Anh quốc đã lâu, chị có so sánh gì giữa người mẫu Việt và nước ngoài? Bao nhiêu năm đã qua và chị có thấy thay đổi chút nào?

- Thời điểm này so sánh vẫn là khập khiễng. Dĩ nhiên thời gian trôi qua nhất định phải có những thay đổi. Chiều cao và thể hình người mẫu là sự thay đổi có phần nổi trội nhất, tuy nhiên, đó lại là sự thay đổi mang tính chất khách quan, còn hầu như  kiến thức về thời trang, nhận thức về nghề của người trong cuộc và cả ngoài cuộc, hay trình độ ngoại ngữ, kỹ năng trình diễn… thì rất ít tiến bộ.

- Có những tuyên bố của giới người mẫu trong nước như Vũ Thu Phương về chuyện sang Mỹ làm việc, Thanh Hằng chụp ảnh cho Bazzar Trung Quốc của Hồ Binh nhưng tất cả đều chưa thành hiện thực, chị nghĩ sao về điều này và cảm nhận cá nhân của chị về những tuyên bố đó?

- Việc tuyên bố là chuyện cá nhân, có thể họ cảm thấy hạnh phúc hay chắc chắn nên họ tuyên bố, cũng có những người ngay cả khi mọi việc thành hiện thực rồi họ cũng không muốn công bố, tôi không bình luận gì chuyện này.

- Nhìn vào hệ thống quản lí của người mẫu Việt thấy khá lỏng lẻo, những công ty hoạt động chồng chéo nhau và người mẫu tự do thì không có một mức giá cố định nào hết, đó có phải là điều chúng ta tự học được cũng như cung cách làm việc như thế thì khó mà nghĩ chuyện vươn xa hơn?

- Như tôi đã nói ở trên, lỗi không phải ở một vài người hay một vài đơn vị cá nhân, trong một ngành công nghiệp thời trang phát triển thì tự nhiên sẽ thấy những hệ thống quản lý rất chuyên nghiệp do họ phải nỗ lực để cạnh tranh, muốn ngành công nghiệp thời trang phát triển thì nhà nước phải quan tâm và đầu tư, các nhà thiết kế hay các nhãn hàng phải chú tâm sáng tạo, và từng người dân phải có ý thức trong việc tiêu dùng.

Ví dụ ít ai biết được rằng Italia là một nước mà ngành công nghiệp thời trang khởi điểm là gia công hàng thời trang cao cấp cho rất nhiều nước châu Âu. Sau nhiều năm nhận thấy lợi nhuận khổng lồ có được từ việc sở hữu thương hiệu, cộng với sự sáng tạo của một dân tộc có truyền thống nghệ thuật sâu sắc và việc quan tâm thúc đẩy của chính phủ, Italia đã bứt phá ngoạn mục và trở thành một trong 3 nước có nền thời trang đứng đầu thế giới.

Hoặc Trung Quốc đang là ví dụ điển hình của việc bứt phá này. Ngay cả Chanel và Christan Dior đã tiên phong mang bộ sưu tập sang Thượng Hải và Bắc Kinh để trình diễn, thì việc các người mẫu Trung Quốc bước chân ra thế giới là chuyện không còn gì để bàn luận.

- Có một điều nữa là, hình như chính bản thân người mẫu Việt Nam cũng không mặn mà chuyện phấn đấu vươn ra nước ngoài, trừ Bảo Hòa, lí do theo chị vì sao? Thiếu tự tin, thiếu tố chất và lo sợ không dám thử? Chúng ta đã cũng đã có những cô người mẫu cao 1,8m, vóc dáng thanh tú, gương mặt ưa nhìn nhưng điều chúng ta thiếu là rất ít cô người mẫu có thể nói được tiếng Anh, theo chị đó có phải trở ngại lớn?

- Tôi không nghĩ họ thiếu tự tin hay không dám thử, mà tôi nghĩ họ không thể tự tìm cho mình một con đường để đi ra. Lớp người mẫu sau này có chiều cao trung bình 1,75m, có nhiều người 1,8m hoặc hơn, tố chất ngoại hình như vậy là ổn, kỹ năng thì cần học hỏi và cọ xát thêm, dĩ nhiên, nếu cho họ những cơ hội. Lười học ngoại ngữ cũng là một trở ngại của ngành người mẫu nói riêng và ngành thời trang nói chung.

Tôi đã từng trò chuyện để nhấn mạnh rất nhiều với các em sinh viên ngành thời trang, những nhà thiết kế tương lai của đất nước, về việc quan trọng của công cụ ngoại ngữ như thế nào. Tất cả những gì liên quan tới thời trang hiện nay ở Việt Nam vẫn là đến từ nước ngoài, nên việc trang bị cho mình công cụ ngoại ngữ để tìm hiểu và học hỏi là chuyện rất cần.

- Là người làm nghề, chị có thấy người mẫu Việt Nam thiếu sự học hỏi và sáng tạo từ những sàn diễn quốc tế, điều đó tự đóng khung họ lại với thị trường trong trước?

- Tôi thấy rằng họ vẫn còn lười, vẫn coi rằng làm người mẫu chỉ là việc khoác lên mình những bộ cánh đẹp đẽ và được mọi người trầm trồ. Rất ít người mẫu hiểu hay cố gắng tìm hiểu về bản chất thời trang, phong cách hay thậm chí là nhãn hiệu, v.v…

Bạn thử hỏi một vài cô người mẫu đang được công chúng đặt tên là "siêu mẫu", có bao nhiêu phong cách thời trang, bao nhiêu cái xu hướng của năm nay, có bao nhiêu sự phân cấp của nhãn hàng, hay thậm chí kể tên các nhà thiết kế Việt, xem có bao nhiêu người trả lời bạn được rành mạch? Vấn đề tai hại là họ nghĩ: "Ôi, chẳng liên quan gì tới mình".

Họ đâu biết rằng nếu không hiểu về phong cách thời trang thì làm sao họ có thể làm tốt phong cách trình diễn, không biết về sự phân cấp nhãn hàng thì làm sao có được phong thái biểu lộ phù hợp nếu họ nhận được hợp đồng quảng cáo, không biết về xu hướng hiện hành thì bản thân họ sẽ là người tụt hậu… Đấy là chưa kể bao nhiêu hiểu biết khác cần có để hỗ trợ cho công việc của họ nữa..

- Những chuyến biểu diễn giao lưu hợp tác văn hóa nước ngoài, theo chị có đóng góp và giúp ích được gì cho việc đưa người mẫu Việt ra sàn thế giới?

- Theo tôi là rất ít, chính vì khuôn khổ của những cuộc trình diễn giao lưu này.

- Xin chân thành cảm ơn chị!

Du Miên (thực hiện)
.
.