Nhà báo, nhạc sĩ Nguyễn Lưu: Bản quyền không phải là lương hưu

Chủ Nhật, 11/12/2005, 10:00

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân "tiến cử" ông trả lời phỏng vấn vì ông có đủ mọi tiêu chuẩn của sự khách quan: Ông không nằm trong Ban Chấp hành Hội Nhạc sỹ, cũng không thuộc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Ông là nhà báo đồng thời là hội viên ngạch lý luận phê bình âm nhạc, từng được giải của Hội về phê bình.

Thuyết phục mãi, Nguyễn Lưu mới nhận lời trao đổi với phóng viên. Lý do của ông: Nói về bản quyền dễ đụng chạm mà nghệ sỹ thì lại dễ tổn thương.

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc thực thi quyền tác giả âm nhạc trong thời gian qua?

- Chúng ta đã tham gia Công ước Berne và 5 năm qua, Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc của nhạc sỹ Phó Đức Phương cũng đã làm được rất nhiều việc, điều đáng ghi nhận nhất là các tác giả âm nhạc đã được tôn trọng hơn. Một anh nông dân chế tạo ra máy tuốt lúa là được đăng ký bản quyền rất chi tiết, thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy dời nhà, chuyển cây cũng được bảo hộ quyền tác giả, vậy thì các nhạc sỹ không có lý gì lại không được bảo vệ quyền của mình.

- Nhưng thưa ông, đang có những bất đồng rất lớn về việc thu phí bản quyền trong âm nhạc, ông có thấy như vậy không?

- Trong quá trình lượng hóa những giá trị tinh thần, thì đôi khi chúng ta cũng phải chấp nhận như vậy. Tuy nhiên, vào thời điểm mà các phương tiện thông tin bùng nổ đến mức một bài hát có thể được sử dụng từ Lạng Sơn vào tới Cà Mau một cách đồng thời mà chúng ta cứ tính hai nhân hai là bốn để tính tần số phát sóng và nhân lên tính tiền bản quyền tác giả thì thật là khó khăn. Và nếu chúng ta cứ trao đổi theo cái cách đó thì có thể sẽ chẳng làm được gì cả. Nhưng cũng không phải vì thế mà chúng ta lại từ chối trách nhiệm của mình.

Tôi nghĩ cần phải có sự vào cuộc của trọng tài kinh tế chứ không chỉ để một trung tâm nhỏ như vậy tự hoạt động. Bởi vì chúng ta cần phải xem lại, vé gửi xe cũng cần phải có Bộ Tài chính thông qua mức thu là 500 hay 1.000 đồng, huống chi là âm nhạc, không thể tùy tiện được. Mới đây, Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin có nói tại diễn đàn Quốc hội về những bất cập trong bản quyền, theo tôi có thể đấy là cách nhìn của cơ quan quản lý trước vấn đề khá nan giải này, đồng thời Bộ Văn hóa - Thông tin nhìn nhận rằng một số địa phương đã hiểu và áp dụng chưa chính xác những luật mới.

Còn về việc thu phí ca khúc trên truyền hình thì tôi nghĩ là việc cần làm vì rõ ràng luật đã quy định thì phải thực hiện, quan trọng là thực hiện thế nào cho hiệu quả mà thôi. Tôi nghĩ, Trung tâm cần có ý thức cầu tiến hơn, quyền tác giả phải tính đến tầm cao, chứ không phải đem đong đo theo định lượng. Tôi thấy, hình như rất ít người chịu tìm hiểu xem các nước bạn đã thực hiện vấn đề này như thế nào. Nếu chịu khó tìm hiểu, tôi nghĩ sẽ có nhiều kinh nghiệm quý.

- Như ông vừa nói, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đã được quy định rõ trong luật. Vậy thì ông có nghĩ rằng, vì công tác xây dựng luật không theo kịp thực tế nên luôn bất cập trong thi hành?

- Có lẽ cũng cần phải có những thay đổi cho nó phù hợp. Tôi thí dụ thế này, nếu trung tâm họ làm đĩa nhạc đã trả tiền bản quyền rồi, bây giờ siêu thị người ta cũng mở nhạc để phát cho khách hàng tham quan nghe thôi, vậy mà lại đi thu phí nữa thì hơi bị khó đấy.

- Chúng ta đã có nhiều ca khúc góp sức cùng cách mạng đánh thắng giặc, điển hình như bài "Tiến quân ca", và việc tri ân các nhạc sỹ là việc phải làm. Ông có nghĩ rằng, với những trường hợp như thế nên có cách tính bản quyền khác cho phù hợp hơn?

- Có thể, vì đó là những tài sản quốc gia rồi. Sự đãi ngộ thiết thực chính là thứ bản quyền xứng đáng của Nhà nước dành cho các nhạc sỹ có công với đất nước. Chứ với tầm cỡ của những ca khúc ấy mà chúng ta lại biến chuyện bản quyền thành một thứ lương hưu hàng tháng thì cũng tầm thường quá.

- Ông có kiến giải nào cho hoàn thiện hơn công tác này?

- Tôi nghĩ rằng, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cần có một hội thảo để lắng nghe ý kiến của các bên và bàn thảo lại một cách kỹ lưỡng. Chứ nếu không, ngay như chuyện học phí tăng cũng đã biến thành một vấn đề ầm ĩ của dư luận và Bộ Giáo dục - Đào tạo phải bàn thảo để đưa ra lộ trình mới. Vấn đề này đang nhạy cảm càng cần phải như vậy. Mọi chuyện đều cần phải có sự bàn thảo. Không ai có thể một mình phát ra vấn đề và buộc mọi người theo mình

P.V. (thực hiện)
.
.