Người mẫu Việt xuất ngoại: Giấc mơ hoang đường?

Người mẫu Việt xuất ngoại: Chuyện "ao làng" và "biển lớn"

Thứ Ba, 29/03/2011, 14:07
Tham vọng tiến thân bất kỳ ai ở bên ngoài dải chữ S nhỏ hẹp là một tham vọng tốt cho bất cứ ngành nghệ thuật nào. Nhưng, hãy đạt được tham vọng đó bằng khả năng của bản thân chứ đừng là những "trái bom" ném ra để những "miểng văng" tứ tung và sát thương ngay chính cả người trong cuộc.

Có hay không chuyện người mẫu Việt thành công ở nước ngoài?

Xin thưa rằng có, nhưng đó lại là một Việt kiều - người mẫu Navia Nguyễn. Navia sinh năm 1973 tại Sài Gòn, sau đó cô cùng gia đình di cư sang Mỹ, lớn lên tại New York và chuyển tới London để học Trường Cao đẳng nghệ thuật Saint Martin - một trong những trường tư danh giá nhất thế giới về đào tạo nghệ thuật với những tài năng thời trang đã ra đời từ đó như Alexander McQueen, Marc Jacob.

Navia bắt đầu nổi tiếng từ khoảng giữa những năm 90 của thế kỉ trước, đặc biệt là việc được xuất hiện trong bộ lịch của Pirelli năm 1996 và ấn phẩm áo tắm của tạp chí Sports Illustrated và được tạp chí People bình chọn là một trong 50 gương mặt đẹp nhất thế giới cùng năm đó. Navia Nguyễn là người mẫu châu Á đầu tiên làm được điều này.

Navia Nguyen-người mẫu gốc Việt hiếm hoi thành công trên sàn thời trang quốc tế.

Nhắc đến trường hợp của Navia Nguyễn để thấy rằng, những định kiến rằng người mẫu Việt không thể làm nên chuyện tại sàn diễn thời trang quốc tế là điều không thực sự chính xác. Nhưng để thực hiện được điều đó là không dễ và nhìn vào ngành người mẫu tại Việt Nam hiện nay thì điều đó càng không thể.

Vóc dáng của người mẫu Việt Nam nếu so với người mẫu hạng A của thế giới dường như vẫn hơi quá…béo. Nhìn những bộ ngực đồ sộ chứa đầy silicon hàng ngày vẫn sàng qua sàng lại trên những sàn diễn nhỏ hẹp mới thấy mức độ cách biệt với thế giới nhiều như thế nào.

Ở nước ngoài, rất hiếm khi gặp những người mẫu với bộ ngực đồ sộ như vậy mà chúng ta sẽ thấy những người mẫu thân gầy, với những bộ ngực gần như phẳng lì và một lối biểu diễn nhanh - gọn - nhẹ. Về chiều cao, chúng ta không thua kém nhưng về chuyện trình diễn thì xem ra còn quá nghiệp dư.

Những người mẫu của chúng ta, ví dụ như Vũ Thu Phương, mỗi lần trình diễn phải mất đến vài phút, lượn qua bên này, đánh võng qua bên kia, quất khăn lên, vẩy khăn xuống, xem đến mỏi mắt mà chưa thấy kết thúc, có lúc còn làm quá cuốn luôn cả khăn vào cổ của ca sĩ - ví dụ như show diễn Lâm Phong sang Việt Nam chẳng hạn.

Tư duy xuất hiện nhiều trên sân khấu, làm dáng "điên đảo" để nhiếp ảnh gia chụp hình, để phóng viên báo mạng giật những cái tít ấn tượng cho ngày hôm sau như siêu mẫu A nóng bỏng ngực đầy; siêu mẫu B hóa thân Dương Vân Nga sang trọng quyền quý. Có một thực tế là báo chí (đặc biệt là báo mạng) chỉ đưa tin về người mẫu chứ ít khi có bài viết nào về trang phục đúng nghĩa. Thế nên việc "lấn chiếm" thời gian của các cô người mẫu và tung chiêu trò để gây ấn tượng trên sàn diễn cũng từ đó mà ra.

Những "trái bom" ngớ ngẩn

Việc những cái tên như Nathan Lee, Hà Anh, Tommy Trần trở về nước với danh xưng "siêu mẫu quốc tế" càng làm cho những người tiếp xúc lần đầu cảm thấy hãnh diện vì sự góp sức của người mẫu Việt trong thời trang thế giới.

Ngớ ngẩn một điều là trong thời buổi mà mọi thông tin tìm kiếm chỉ trong vòng vài phần trăm giây có kết quả chính xác như hiện nay thì việc kiểm định không khó. Thử gõ những cái tên đó tìm kiếm với những kết quả từ những trang web tiếng Anh (tiếng Việt thì nhiều quá rồi) sẽ thấy số kết quả không quá số ngón trên bàn tay.

Và những kết quả cho như sau: Nathan Lee có tên trong trang web giới thiệu người mẫu jurgita.com (cũng lạ là không có tên của Agency quản lý). Hà Anh cho 2 kết quả. Một là, với clip trên youtube về show diễn của thương hiệu đồ lót Lingerie (thực chất ra đây là một show giới thiệu bộ sưu tập đồ lót mới của thương hiệu và khách được mời thường là các đại lí, một dạng tương tự như vậy thường được La Perla trình diễn tại Việt Nam).

Hai là, một clip ngắn quay cô diễn đồ nội y trong phòng kín có gắn mác tờ báo The Sun. Nhưng khi vào trang web của tờ báo này để search đoạn clip trên lại không có kết quả(?!).

Tommy Trần không có kết quả. Còn một cái tên nữa là Elizabeth Thủy Tiên - cựu giám khảo của Vietnam Next Top Model - cũng mang danh xưng là siêu mẫu quốc tế nhưng không ai biết tới cô. Nhiều người trong giới báo chí đều biết chuyện cô gửi thư cho hàng loạt các tạp chí để yêu cầu chụp hình bìa và đó cũng là lí do vì sao báo chí Việt Nam không mặn mà với việc chụp ảnh cô người mẫu này.

Chuyện ra nước ngoài biểu diễn là điều đáng tự hào. Đó không chỉ là mơ ước của riêng người trong cuộc nhưng đừng vì những thứ "làm sang" như vậy để đánh bóng tên tuổi của mình. Những người từ nước ngoài trở về bao giờ cũng có chữ chuyên nghiệp và họ hay chê người mẫu Việt Nam quá nghiệp dư, kiểu như Hà Anh trả lời báo chí không biết Trang Nhung là ai, dù thực tế thì ai cũng biết hai cô thường xuyên diễn chung với nhau.

Có một câu chuyện hậu trường của một show trình diễn thời trang gần đây do Ngô Quang Hải đạo diễn. Cô người mẫu chỉ đi ghi hình trước (một dạng quay phóng sự hậu trường) một buổi, buổi còn lại bỏ về vì…chê đồ xấu. Tệ hơn, cô người mẫu đó không đi tập buổi nào bởi sân khấu thiết kế đặc biệt và rất khó diễn.

Các người mẫu thay đồ ngay trong hai chiếc hộp được dựng trên sân khâu. Đến khi trình diễn không biết vô tình hay hữu ý mà cô gái trở về từ nước ngoài luôn miệng nói mình chuyên nghiệp đi sai tuyến. Cụ thể là cô mặc đồ của nhà thiết kế Kelly Bùi nhưng lại lao ra trình diễn sau cùng trong bộ sưu tập của Hoàng Ngân, tranh vị trí vedette của siêu mẫu Hoàng Yến.

Kết cục câu chuyện là Hoàng Yến tức giận và đòi bỏ về. Điều quan trọng không phải là vị trí vedette mà là thái độ làm việc và sự "mở mồm là chuyên nghiệp" được "tây học" và làm việc trong môi trường quốc tế mà vẫn ứng xử rất…quê mùa

Du Miên (thực hiện)
.
.