Tiệc tùng... nhan sắc

Người mẫu Nathan Lee: “Có ranh giới mỏng manh giữa nghệ thuật và khiêu dâm”

Thứ Hai, 12/03/2012, 16:15
Đương nhiên, khi người ta muốn vui, người ta mới cần tổ chức tiệc tùng. Xưa, những tài chủ giàu mạnh, khoản đãi quan khách hay để mua chuộc người tài về quy dưới trướng, họ tiệc tùng theo cách ba ngày tiểu yến, năm ngày đại yến. Đại khái, ba ngày thì vui sơ sơ. Năm ngày thì vui hết cỡ.

Tiệc tùng nhiều đến mức, kẻ sĩ được khoản đãi ban đầu thì ngại, sau lại cảm kích mà cúi đầu bái tạ, về ngồi dưới ghế tài chủ chờ sai bảo.

Nay, người ta có thể tiệc tùng bất cứ lúc nào với người quen, người không quen. Thậm chí là kẻ đang có hiềm khích.

Tiệc tùng cần có người đứng ra khoản đãi, là tiệc tùng thông thường.

Còn tiệc tùng cần có người hy sinh phẩm hạnh là tiệc tùng nhan sắc.

Phẩm hạnh mất đi rất khó kiếm lại. Nhưng có sao đâu, vấn đề là họ muốn chiêu đãi và dư luận luôn ngong ngóng thụ hưởng.

- Mới đây, hoa khôi Khánh Hòa Mai Hải Anh đã được báo chí phong danh “Người đẹp nghiện nude” vì cô thường xuyên chủ động trút bỏ xiêm y trong những bộ hình “tặng” công chúng. Anh đánh giá sao về hiện tượng này?

- Bộ ảnh đó làm cho tôi cười rất nhiều và thấy tội nghiệp cho cô ấy. Tôi có bài phỏng vấn đầu tiên với Mai Hải Anh và cho thấy cô ấy là một người rất hồn nhiên, thật thà, vô tư đến bất ngờ. Khi đó tôi nghĩ: “À, chuẩn bị có chuyện đây”. Bộ ảnh đó có photoshop, ảnh gốc đánh ánh sáng không tốt, rất đều ở mọi vùng, điều này khác gì lấy Iphone ra chụp. Bộ hình đó tôi thấy không có gì… xấu hơn.

Mai Hải Anh rất xinh xắn, hình thể đẹp, nhưng bộ hình thì quá xấu, thật tiếc và đáng trách cho cô ấy vì đã chọn những người cộng sự không tốt, rõ ràng cô ấy đã đồng ý tung những hình ảnh của mình ra. Đối với tôi, nude không có gì kinh khủng cả, miễn là nó đẹp. Nhưng nude cũng không hề đơn giản, đâu phải bạn thoát y chụp hình thì gọi là nude nghệ thuật? Thực sự thì tôi không quan tâm chuyện này lắm, nếu Hải Anh thích như vậy và báo chí lại còn tạo điều kiện cho cô ấy làm vậy thì trách ai?

- Nathan Lee cũng làm báo, phụ trách sáng tạo cho chuyên san về thời trang, nên anh cũng hiểu độ thu hút của những cái tít sexy, lộ hàng. Vậy anh  xử  trí thế nào với tình huống một tờ báo của anh cần đến những yếu tố đó để câu khách?

- Không chỉ là người làm báo, tôi còn là người hay đọc báo rất nhiều, những chuyện thế này nó làm cho mình tò mò, mình có nhu cầu giải trí mà. Bạn biết đó, những cái gì đẹp đẽ nhiều khi lại không thu hút người ta bằng những thứ dung tục chút xíu, sẽ câu khách hơn.

Điều này không thể trách riêng nghệ sĩ, vẫn có nhiều người luôn cố gắng cống hiến, cho ra đời những sản phẩm nghệ thuật tốt, nhưng đôi khi sự cống hiến đó lại không bằng những chiêu trò lố bịch.

Nhu cầu giải trí về hình ảnh phải được xác định rõ ràng ra hai hướng khác nhau: những khán giả sâu sắc, am hiểu thì chắc chắn những thứ đó có bày ra trước mặt họ thì họ cũng chỉ xem lướt qua, không quan tâm nhiều mà tập trung vào những thứ khác đẹp đẽ, có giá trị, ý nghĩa; còn những người khác thì nhu cầu xem những cái đó thực sự.

Bây giờ tôi thấy khán giả hình như yêu ghét cũng có trào lưu, khi yêu thì nâng lên rất cao, khi ghét thì cùng nhau giẫm đạp.

- Làng showbiz quốc tế trước giờ thường ghi nhận xu hướng người nổi tiếng rồi mới nude, chứ hiếm khi như Việt Nam mình giờ là nude để nổi tiếng, anh nhỉ?

- Ở nước ngoài, ngoại trừ chuyện người mẫu chuyên nghiệp Naomi Cambell, Cindy Crawford, Claudia Schiffer, Laura Stone đều có những bộ hình nude thời trang trên các tạp chí nổi tiếng và được chấp nhận vì nó đang ở môi trường mà chuyện nude đã rất bình thường. Tuy nhiên, những gì quá khích, kích dục thì khán giả nhận ra ngay, kể cả môi trường hiện đại ở nước ngoài.

Những quảng cáo của Tom Ford rất gợi dục, trong một vài nước thì nó sẽ không được phát hành, kể cả những nước có tư tưởng thoáng về chuyện ăn mặc như ở Âu - Mỹ cũng bị đả kích. Có một ranh giới mỏng manh giữa nghệ thuật và khiêu dâm.

Tôi thấy ở nước ngoài đa số người ta nổi tiếng rồi mới nude, trong một môi trường mà tình dục là cả một nền văn hóa, băng đĩa sex là cả một ngành công nghiệp giải trí thì chuyện nude là bình thường, nên không thể nhờ nude mà trở thành nổi tiếng. Ở nước ngoài, người nổi tiếng chấp nhận nude vì một mục đích cụ thể nào đó, và họ cũng được trả rất nhiều tiền để nude, họ chọn chỗ để nude, không phải bạ tạp chí nào cũng nude, bậy nhiếp ảnh gia nào cũng nude, xuất hiện trên Playboy khác với trên V-Magazine.

Ở Việt Nam thì ngược lại, quá dễ dãi, vì làng giải trí của mình rất nhỏ, rất mới mẻ, làm sao so sánh với những quốc gia có ngành giải trí phát triển từ bao lâu nay, cũng không nên so sánh với họ. Nếu lọc lại thị trường bây giờ, nghệ sĩ biết quản lý hình ảnh của mình tốt hơn, nhiếp ảnh gia có tay nghề và đạo đức.

- Theo tôi, hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần, cách quãng nhất định và không thể kiểm soát được thì gọi là nghiện. Nghiện lúc này trở thành một căn bệnh thực sự chứ không còn phụ thuộc vào thói quen hay nhận thức thẩm mỹ. Tôi đọc đâu đó một số tài liệu y khoa nói rằng có một dạng bệnh như thế, gọi nôm na là “nghiện khoe thân”. Anh nghĩ sao?

- Nếu Mai Hải Anh mà nghiện nude như báo chí nói thì sẽ rất tốt cho cánh mày râu ở Việt Nam, không phải cô gái nào cũng chịu khó phơi bày cơ thể của mình ra cho mọi người chiêm ngưỡng một cách rất ngây thơ và hào phóng như vậy, nên đối với tôi thì tôi cũng cảm ơn Mai Hải Anh vì tự nhiên có người hiến dâng cho mình một cách vô cớ, vô điều kiện như vậy.

Tuy nhiên tôi thấy cần thiết có một sự sàng lọc lại tất cả thông tin hiện có để giới giải trí sạch hơn, bằng cách, thứ nhất, nghệ sĩ kiểm soát hình ảnh của mình tốt hơn, ý thức môi trường mình đang hoạt động, tôn trọng độc giả. Thứ hai, báo chí không tiếp tay cho những nghệ sĩ như vậy - nhất là những người chưa có cống hiến gì cho nghệ thuật nước nhà, sàng lọc thông tin, không chuyển tải những thứ ba lăng nhăng đó nữa

Thực hiện: Hoàng Thùy Yên - Nguyệt Lãng
.
.