Nghệ sỹ và truyền thông

Thứ Năm, 09/07/2015, 10:33
Báo mạng, đã phá vỡ hoàn toàn thế độc quyền của báo in, báo nói hay báo hình. Thế nhưng, khi mạng xã hội ra đời, nó đã làm đảo lộn toàn bộ truyền thông một cách trực diện. Nghệ sĩ, không nằm ngoài sự ảnh hưởng này.

Mỗi facebooker bằng một nhà báo

Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và nhà báo là mối quan hệ tương hỗ, một bên cần có thông tin, một bên cần được chuyển tải thông tin.

Mối quan hệ tương hỗ này có êm ấm hay không tùy thuộc vào những thời điểm khác nhau.

1. Làng giải trí ngoài những người làm nghề chân chính thì cũng có những cá nhân thích sự ầm ĩ. Tất nhiên một nền giải trí nếu chỉ toàn chuyện nghệ thuật hay cao đàm khoác luận về thứ gì tương tự như vậy sẽ rất tẻ nhạt. Chính sự ầm ĩ mang lại sức sống, sức cuốn hút cho làng giải trí.

Nghệ sĩ sẽ nhờ nhà báo trong những phi vụ ầm ĩ ấy, một phi vụ đôi bên cùng có lợi. Nhà báo có tin hay, biết đâu ngoài tin hay còn có quyền lợi nào đấy. Không nhất thiết phải là quyền lợi về mặt vật chất, mà đó là một quyền lợi về mối quan hệ thân tình với nghệ sĩ. Còn về phía nghệ sĩ, thích thú nhìn thấy trò chơi do mình sắp đặt khiến đám đông nhốn nháo.

Có những câu chuyện ầm ĩ được dàn xếp khéo đến mức mà ngoại trừ người tham gia không ai biết đó là dàn xếp. Còn lại, đều tin sái cả cổ, đơ cả cơ vai.

Ngoại trừ những câu chuyện dàn xếp này, còn có thêm chuyện ầm ĩ liên quan khác. Đó là chuyện nghệ sĩ nhờ nhà báo tung tin để đá đểu, mắng mỏ lẫn nhau. Dạng này cực nhiều. Như khi hai cô nàng tranh nhau quyền giành quản lý một nam ca sĩ vậy.

Có cả chuyện nhà báo là quản lý ca sĩ, sau khi không làm quản lý ca sĩ nữa, nhà báo bèn tìm cách viết bài đập ca sĩ.

Thêm nữa là chuyện nhà báo giúp chủ nợ của nghệ sĩ đòi tiền nghệ sĩ. Điều này, rất nhiều người đã được chứng kiến liên tiếp, từ vụ ông bầu phim ảnh cho đến ca sĩ núi rừng. Báo chí truy sát họ đến mức không thua kém gì dân xã hội nhận tiền để đòi nợ thuê.

Trong bối cảnh ấy, facebook xuất hiện.

2. Trước đây, nghệ sĩ muốn loan tin phải tìm đến nhà báo. Hiện tại, nghệ sĩ muốn loan tin chỉ cần quẳng tin lên mạng xã hội facebook.

Cá nhân tôi nghĩ, facebook rất thú vị. Tính năng của facebook cho phép người sử dụng tương tác cực nhanh với những người chơi facebook khác. Bản thân nghệ sĩ đã có sức hút, nên khi nghệ sĩ chơi facebook thì sức hút này lại càng lan tỏa hơn bao giờ hết.

Nghệ sĩ không cần phải tìm đến nhà báo mỗi lúc muốn thông tin nữa, nghệ sĩ chỉ cần ném thông tin ấy lên facebook cá nhân. Nhà báo có nhu cầu thì liên lạc lại, còn không có nhu cầu để phát triển thông tin, nhà báo chỉ cần trích dẫn lại nội dung của nghệ sĩ là có thể hoàn tất một bài báo.

Như khi cô ca sĩ gì đấy vướng vào nghi án yêu ngoài luồng với một đại gia đã có gia đình, thay vì phải trả lời báo chí như phương thức cổ điển này trước. Nay cô chỉ cần viết một status trên facebook và xem đó như là phát ngôn chính thức.

Tất nhiên, nhà báo cần xác định facebook nào của nghệ sĩ là thật, facebook nào là giả. Vì trên mạng xã hội, việc giả mạo facebook nghệ sĩ là việc vẫn thường xảy ra. Mặc cho nhà sáng lập facebook đã tốn rất nhiều công sức để hạn chế những facebook giả mạo.

3. Thế nhưng, facebook cũng là con dao hai lưỡi đối với nghệ sĩ. Một thông tin tố cáo về nghệ sĩ trên facebook thừa khả năng tạo nên một scandal nằm ngoài tầm kiểm soát của nghệ sĩ.

Cứ nhìn vào cách nghệ sĩ này bị tẩy chay hay nghệ sĩ kia bị phản ứng, rồi nghệ sĩ nọ bị bóc mẽ trên facebook sẽ thấy hết điều này.

Nghệ sĩ không còn bị “quản thúc” của nhà báo chính thống như xưa nữa, nghệ sĩ bị quản thúc bởi rất nhiều người sử dụng facebook khác.

Đúng nghĩa, mỗi facebooker chính là một nhà báo.

Sẽ rất cổ hủ nếu cho rằng nghệ sĩ càng phải cẩn thận trong thế giới mà mỗi bước chân có đến tám facebooker ngồi rình với điện thoại trên tay.

Chỉ là, có thêm sự nhộn nhịp thì làng giải trí càng có nhiều thứ hay ho để đám đông thưởng ngoạn.

Còn nghệ sĩ chân chính, thì vẫn đang cứ chân chính như chính họ đã từng.

Diễn viên Thái Hòa: Phải thông cảm cho nhau

- Là người hoạt động trong giới nghệ thuật nhiều năm, nhiều lần “va chạm” với truyền thông, anh có cảm nhận như thế nào về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và truyền thông?

- Diễn viên nói riêng như chúng tôi thực sự rất cần báo chí. Ví dụ như với những dự án phim ảnh làm ra mà được báo chí nhắc tới thì khán giả sẽ biết đến nhiều hơn. Những vai diễn, có báo chí bình luận, phê bình thì sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Do đó báo chí và diễn viên có mối quan hệ cộng sinh. Và không riêng gì với diễn viên mà cả giới nghệ thuật đều như vậy.

Hiện nay, báo chí không quan tâm tới tình hình tấu hài nữa. Ngày xưa, khi tôi còn làm tấu hài thì tuần nào cũng có những bài báo về các chương trình này. Có những bài khen nhưng cũng có những bài phản ánh, phê phán hài tục, hài bẩn… Anh em trong giới tấu hài khi đó rất hoang mang, bức xúc. Nhưng rõ ràng là báo chí còn quan tâm thì tấu hài còn đất sống. Đến thời điểm này, không còn bài báo nào nói về tấu hài nữa và tấu hài đã… chết.

Diễn viên Thái Hòa.

- Như vậy, rõ ràng là báo chí còn quan tâm là tín hiệu đáng mừng.

- Tuy vậy, không phải là mọi bài báo quan tâm đến nghệ sĩ đều mang lại sự dễ chịu. Có những bài báo chỉ trích thái quá, ví dụ như khi làm phim, nhà sản xuất nào cũng muốn có tác phẩm ăn khách, được giới phê bình đánh giá cao. Ai làm phim có tâm huyết thì đều có mong muốn đó. Nhưng có những bài báo không phải là phê bình, xây dựng mà mang tính cách trù dập. Tôi không thích chuyện đó, đã là người phê bình phim thì phải vì nghệ thuật chứ không phải vì những yếu tố cá nhân. Phê bình sao để người làm thấy đúng, thấy sai, từ đó mới có sự phấn đấu, sự thay đổi tích cực; chứ phê bình mà khiến cho người ta thấy mình đang bị ghét, bị trù dập là thất bại của phê bình.

- Phải chăng ngày nay một số báo đang quá khắc nghiệt với nghệ sĩ, thưa anh?

- Tôi thấy là tùy. Tôi có bạn bè hoạt động trong nhiều lĩnh vực, có những người mình có thể gửi gắm, chia sẻ mọi thứ, có người mình phải dè chừng thì với báo chí cũng vậy. Có những người mình có thể tin tưởng được, nhưng cũng có những người thì không có niềm tin. Có những người khi viết luôn nghĩ bài báo đó có ảnh hưởng đến người nghệ sĩ hay không, ảnh hưởng như thế nào!? Họ cân nhắc từng câu chữ của mình vì cái tâm, cái tình với người nghệ sĩ. Tôi sợ những bài báo hơi “lá cải”, có nhiều cái tít rất ác. Thái Hòa cũng đã từng bị giật tít rất ác ý như vậy!

- Nhưng báo chí cũng cần có sự phê phán nhất định đối với những nghệ sĩ sai trái, scandal?

- Nói gì thì nói, tôi nghĩ cũng phải cảm thông cho người viết. Làm được một phim doanh thu tốt, giải trí cao, lại được thêm sự đánh giá tốt của giới phê bình thì khó lắm. Viết báo cũng vậy. Viết được một bài báo đàng hoàng mà có lượng người đọc cao có lẽ cũng khó gần bằng làm một bộ phim. Chỉ khác là không phải tính chất ăn thua, sống còn như làm phim… Vai trò người đọc cũng rất quan trọng. Người đọc phải có nhu cầu thì mới có những bài báo về nội dung đó. Người viết - nhân vật - người đọc có mối quan hệ rất phức tạp! 

- Có ý kiến cho rằng, truyền thông mạng phát triển quá mạnh và đang sản sinh ra nhiều trang “lá cải”. Và giới nghệ sĩ chính là đối tượng để các trang đó thể hiện sự lá cải của mình bằng những tin bài “sốc”. Anh nghĩ sao?

- Như tôi đã chia sẻ, tôi thật sự rất sợ những báo “lá cải” đó. Nhưng thực sự là phải có người đọc thì mới có những bài báo, những tờ báo đó. Khi nào người đọc thấy những tin tức đó quá nhảm nhí và không đọc thì mới không còn tồn tại những trang tin, những bài báo đó. Còn hiện nay thì những bài báo kiểu như vậy vẫn có độc giả.

Nếu có những bài báo hấp dẫn, có nội dung, nhưng không quá khó đọc thì sẽ hay hơn và được nhiều người đọc hơn. Nhưng nó đòi hỏi sự sáng tạo, nắm bắt của người viết. Cũng như khi làm phim, nhà sản xuất sẽ PR qua các con đường nhưng chính thống là qua báo chí. Còn qua diễn viên với con đường hơi “tà đạo” tức là PR với những thứ mà báo chí không biết được, bởi diễn viên là người trong cuộc, đã lăn lộn, đi sâu sát với phim nên sẽ có nhiều tư liệu để PR khác với báo chí. Người làm báo phải có điều kiện sâu sát, lăn lộn thì mới có những sự độc đáo, để có thể chính thống, nhưng vẫn hấp dẫn hơn.

- Anh có thấy hiện nay báo chí đang dễ dãi, viết quá nhiều về những chiêu trò, scandal của những nhân vật trẻ và tạo điều kiện cho những nhân vật này trở nên nổi tiếng?

- Muốn cho người khác biết đến mình thông qua những chiêu trò, những scandal thì đó là tai tiếng, chứ không phải nổi tiếng. Và sự biết đến đó không có lợi ích gì, không có sự tôn trọng. Nhiều người thích được mọi người chú ý, thích được nhiều người biết đến kiểu đó nhưng nó không hay. Và những bạn đó cũng phải trả giá bao nhiêu thứ cho sự “nổi tiếng” đó. Với những người cầm bút viết về những người đó thì họ thừa biết thế nào; tôi thấy rằng là khi viết những bài đàng hoàng, chính thống, người ta sẽ để tên thật, còn những bài về những nhân vật đó thì chỉ để bút danh. Như vậy, rõ ràng là người viết thừa hiểu viết về những nhân vật như vậy sẽ ra sao. Nhưng vì có người muốn xem những tin đó thì người viết phải viết thôi. Đó là điều bắt buộc!

- Báo chí đối với nghệ sĩ giống như con dao hai lưỡi, anh có nghĩ vậy không?

- Điều này cũng đúng mà cũng sai. Có những người, tôi không thấy “con dao hai lưỡi” đó. Tôi có những người bạn làm báo mà hoàn toàn có thể nói chuyện đời tư thoải mái. Nhưng có những người mà mình hoàn toàn không gặp người ta mà người ta vẫn có thông tin để nói về mình. Mặc dù đã “va đập” nhiều lần với báo chí nhưng tôi không đến nỗi phải “né” báo chí như vậy. Trái lại, tôi thấy đó là bình thường. Làm nghề này thì đâu thể tránh né báo chí được, mình cần họ mà. Tôi vẫn thích tiếp xúc với báo chí những lúc có tác phẩm, khi đó có nhiều điều để nói hơn.

- Tôi thấy giới nghệ sĩ cũng hay lên tiếng khi báo chí nhắc đến đời tư nghệ sĩ, cá nhân anh thấy sao?

- Đời tư của nghệ sĩ lúc nào cũng được mọi người quan tâm. Nếu bình tĩnh nhìn nhận thì sẽ thấy khi có nhiều khán giả quan tâm đến mình thì đó là lúc sự nghiệp của mình đang tốt, mình đang có khán giả và đang được chú ý. Khi không được chú ý sẽ kéo theo đó sẽ là lúc mình không có nhiều việc làm, không có cát-sê cao và không có nhiều thứ khác nữa. Đó là điều bình thường thôi. Có người chia sẻ thì sẽ có bài đăng lên. Do đó chuyện có bài báo về đời tư nghệ sĩ hay không còn phụ thuộc vào tính cách người nghệ sĩ, có người không thích chia sẻ chuyện riêng tư, không thích nói đi nói lại nhiều nhưng có người lại thoải mái trong chuyện đó.

Cá nhân tôi thực sự không thích báo chí nói quá nhiều đến chuyện tình cảm riêng tư của mình và tôi cũng không thích chia sẻ chuyện đó. Đó là chuyện của 2 người, chỉ có 2 người biết. Vui nhất, sướng nhất vẫn là được nói về tác phẩm, về vai diễn, còn chuyện có tính xấu chẳng hạn và bị báo chí nói đến thì phải ráng chịu!

Là người của công chúng, khi đang làm việc tốt thì phải chấp nhận chuyện được báo chí quan tâm ở nhiều góc cạnh. Cái gì cũng có cái giá của nó. Mọi người rất thích sự nổi tiếng, đâu chỉ trong showbiz. Sự nổi tiếng cũng có nhiều cái hay, nhiều cái vui, nhưng cũng có biết bao sự phiền toái, mệt mỏi vì nó. Những người chưa có được sự nổi tiếng thì cho rằng điều đó sung sướng lắm, nhưng có rồi thì mới hiểu chẳng có gì sung sướng, mình phải sống chung với nó thôi.

- Như vậy, theo anh thì giữa nghệ sĩ và báo chí duy trì mối quan hệ ở mức như thế nào thì sẽ tốt đẹp?

- Chỉ cần đối xử với nhau như con người với con người và có sự cảm thông cho nhau thì chuyện gì cũng sẽ tốt đẹp. Người viết thấy bài viết như vậy là “kì” với người diễn viên này, người nghệ sĩ kia là được. Cũng như chúng tôi diễn mà thấy như vậy là “kì” với khán giả thì chắc chắn vai diễn đó sẽ không thể tệ!

Hoa khôi Lan Khuê: Nghệ sĩ phải biết giữ gìn

- Có nhiều nghệ sĩ cho rằng, truyền thông, báo chí ngày nay quá khắc nghiệt với người nghệ sĩ, chẳng hạn như một số trang mạng “vùi dập” một nhân vật đang vướng phải scandal nào đó. Cá nhân Lan Khuê nghĩ gì về điều này?

- Khuê nghĩ vấn đề này nên tham khảo câu trả lời từ chính người cầm bút. Riêng bản thân Khuê thì thấy rằng người nghệ sĩ cũng cần có văn hóa ứng xử đối với nhà báo, vì nhà báo không chỉ là cầu nối giữa công chúng và nghệ sĩ mà ngòi bút của nhà báo còn phản ánh tình cảm giữa nghệ sĩ và nhà báo. Mà về cơ bản, ở một khía cạnh nhất định thì nhà báo cũng là công chúng.

Hoa khôi Lan Khuê.

- Nghệ sĩ thường nghĩ báo chí chính là “con dao hai lưỡi”, cũng có nghệ sĩ “sợ”, không tiếp xúc báo chí… Cá nhân tôi nghĩ báo chí chỉ là tấm gương phản chiếu đời sống nghệ sĩ, showbiz. Bạn hay thì báo chí  khen, bạn dở hay nhố nhăng thì báo chí chỉ trích, đó cũng là điều đương nhiên, đúng không Khuê?

- Bất cứ sự khen, chê nào dựa trên sự công bằng, khách quan và có tính xây dựng, đóng góp thì sẽ không có gì để bàn cãi, bận lòng.

- Nhưng lại cũng có ý cho rằng, một số trang báo mạng đang quá dễ dãi với những gương mặt trẻ. Điển hình là việc tiếp tay cho những nhân vật scandal nổi tiếng hơn. Bạn nghĩ sao?

- Bản thân tôi và nhiều nghệ sĩ khác đôi khi cũng cảm thấy chạnh lòng khi bản thân mình luôn cố gắng giữ gìn hình ảnh và chuyên tâm vào công việc, nhưng sân chơi đôi khi lại dành phần nhiều cho những scandal dễ thu hút sự quan tâm và lôi kéo sự quan tâm của độc giả hơn. Có cung ắt có cầu.

Tuy nhiên, tôi biết các nhà báo cũng bận lòng vì điều này. Họ trân trọng nghệ sĩ chân chính, nhưng những tin giật gân mới là thứ đọc giả tò mò tìm đến. Tất cả chúng ta từ nghệ sĩ, người cầm bút và cả độc giả đều có trách nhiệm trong vấn đề này.

- Để đánh giá về mức độ hài lòng của bạn về những thông tin về nghệ sĩ truyền tải trên các phương tiện truyền thông, bạn sẽ nói gì? Và bạn không hài lòng ở điểm nào?

- Tôi rất vui khi đọc được những tin tốt lành về thành công của đồng nghiệp  và của chính mình. Tôi vui vì những việc làm, những đóng góp và cống hiến của những người như tôi và các bạn đồng nghiệp được ghi nhận và được báo chí yêu quý và làm cầu nối đưa những thông tin đó đến với khán giả.

- Ngày nay, chuyện đời tư của nghệ sĩ cũng xuất hiện khá nhiều trên báo chí, nhất là các trang báo mạng. Điều này cũng khiến nhiều nghệ sĩ cảm thấy khó chịu, phản ứng?

- Nghệ sĩ nổi tiếng sẽ được quan tâm và săn đón nên không thể trách được nếu rò rỉ những thông tin về đời tư. Vì là tâm điểm của sự chú ý nên bản thân người nghệ sĩ trước tiên phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ hình ảnh của mình.

- Hằng ngày, với hàng loạt các thông tin về nghệ sĩ xuất hiện, bạn chọn lọc thông tin cho mình như thế nào?

- Tôi lựa chọn thông tin cho mình theo tiêu chí không góp phần làm tăng lượng view cho những bài viết mang tính giật gân, bới móc, scandal…

- Nhiều người có quan điểm báo chí chỉ nên viết về những sản phẩm nghệ thuật, về hoạt động của người nghệ sĩ trên mặt báo. Tôi không cho đó là ý hay bởi báo chí không phải là nơi quảng cáo cho nghệ sĩ, mà còn có chức năng bình luận, khen chê nghệ sĩ. Bạn đồng ý chứ?

- Vâng, như tôi đã nói sự bình luận, nhận xét, khen chê nào về nghệ sĩ dựa trên tính công bằng, khách quan, có tính đóng góp và xây dựng thì đó là niềm hạnh phúc của bất kì người nghệ sĩ nào.

Ca sĩ Quang Hà: Truyền thông không phải là con dao hai lưỡi

- Quan sát cách báo chí đưa tin, viết bài về nghệ sĩ trong thời gian qua, anh có suy nghĩ gì?

- Tôi là ca sĩ và là người của công chúng, tuy nhiên tôi vẫn thích cuộc sống của riêng mình. Tôi không lên án, hay đưa ra ý kiến mang tính cá nhân về đồng nghiệp của mình. Tôi không biết mọi người thế nào, nhưng với riêng tôi thì tôi luôn mong muốn đưa đến cho khán giả những thông tin và hình ảnh kịp thời, đúng đắn và chân thực nhất về mình. Tôi cố gắng tránh xa những phiền toái, thị phi không đáng có, nhất là không để những chuyện ấy xuất hiện trên các trang báo.

Ca sĩ Quang Hà.

- Anh hài lòng và chưa hài lòng ở những điểm nào về cách báo chí viết về nghệ sĩ?

- Cuộc sống này không có điều gì hoàn hảo, và không phải điều gì chúng ta muốn là sẽ đạt được. Là nghệ sĩ tức là người được đông đảo công chúng biết đến, được nhiều người yêu thích nhưng đồng thời số người chưa hiểu mình cũng không ít. Tôi quan tâm tất cả những luồng nhận xét và dư luận nói về mình. Sau đó, tôi chắt lọc và suy nghĩ xem điều gì là tốt cho mình và điều gì không cần thiết để nhớ. Tôi luôn tôn trọng các phát ngôn của báo chí theo lý lẽ riêng của họ. Tuy nhiên, nếu họ đi quá sâu vào cuộc sống cá nhân thì tôi lại cảm thấy không vui bằng nói về chuyên môn của mình.

- Phải nói rằng, truyền thông, nhất là báo in cũng đang khá gay gắt với những chiêu trò, những scandal trong giới biểu diễn, anh ủng hộ điều này chứ?

- Xã hội luôn có quy luật đào thải của nó. Đương nhiên, những điều gì chưa tốt, chưa lành mạnh thì rất dễ bị lên án và không được chấp nhận. Đâu chỉ có nghệ sĩ, với giới nào cũng vậy thôi, có mặt phải thì cũng có mặt trái. Tôi ủng hộ những việc làm để giúp người nghệ sỹ như chúng tôi có thể cống hiến hết sức mình vì nghệ thuật.

- Anh nghĩ gì về những trường hợp một số nghệ sĩ trẻ cố tính tạo scandal để thu hút truyền thông chú ý, chỉ trích, rồi lấy đó làm đà tiến thân?

- Mỗi người đều có lý do của riêng họ để làm việc. Khi bước chân vào showbiz thì còn nhiều lý do hơn nữa để làm một điều gì đó, đôi khi chính bản thân cũng mất kiểm soát. Tôi chỉ mong sao, những người tham gia showbiz luôn có những suy nghĩ tích cực, sáng tạo và cống hiến sau những scandal. Vì chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ thông tin, rất khó để đánh giá hay phán xét một ai đó quá sớm.

- Phải thừa nhận rằng ngày nay, ngoài báo chí thì các trang mạng xã hội như facebook cũng tác động không nhỏ đến người nghệ sĩ. Điển hình là đã có rất nhiều vụ scandal bùng nổ trên facbook của sao, hay ồn ào nhất là vụ “Thánh cô cô bóc” vừa rồi. Điều này có nghĩa là áp lực của truyền thông, của mạng xã hội lên nghệ sĩ ngày càng lớn, đúng không anh?  

- Đúng! Không thể phủ nhận truyền thông, mạng xã hội đang ảnh hưởng rất lớn đối với nghệ sỹ. Nhưng, không phải mọi ảnh hưởng đều là tiêu cực. Hãy nhìn vào hướng tương hỗ tích cực để giải quyết các vấn đề sáng suốt và lành mạnh hơn.

- Nhiều nghệ sĩ cho rằng, truyền thông là “con dao hai lưỡi”. Anh nghĩ gì vấn đề này?

- Tôi không nghĩ vậy. Sẽ chỉ là một con dao hai lưỡi khi nào chúng ta thiếu sự cẩn trọng khi đưa ra thông tin. Có chăng phản ứng của khán giả mới là điều không thể lường trước được thôi.

- Là một nghệ sĩ, anh mong muốn điều gì ở truyền thông, báo chí hiện đại?

- Tôi vẫn luôn mong chúng ta có thể cùng phát triển, hỗ trợ qua lại hết sức để có thể để đưa nền nghệ thuật nước nhà ngày càng phát triển hơn nữa.

Thực hiện: Hoàng Lãm – Nguyệt Lãng
.
.