Nghệ thuật "cha truyền con nối":

Nghệ sĩ múa Đặng Hùng: "Tôi cũng sợ... cho quyết định của mình"

Thứ Sáu, 04/12/2009, 15:47
10 năm đằng đẵng theo học ngành múa ở Trung Quốc, nhưng chưa lúc nào cô con gái bé nhỏ Linh Nga của cặp diễn viên múa nổi tiếng Đặng Hùng-Vương Linh bảo rằng mình sẽ không trở về Việt Nam. Và trong từng giây từng phút khó khăn, thăng trầm nhất của cuộc đời người nghệ sĩ trên sàn diễn, Linh Nga vẫn luôn nhìn vào mắt ba mẹ và nói câu nói tự đáy lòng: "Con luôn tự hào là con của ba mẹ!".

- Anh có thể diễn đạt về những gian truân, vất vả của nghề múa theo cách như thế nào?

- Mồ hôi và nước mắt. Ngày tôi bước chân vào nghề múa, thầy giáo dặn nghề này là phải chịu khó, phải kiên nhẫn… Thầy còn nhắc đi nhắc lại rằng trời cho mình thiên khiếu chỉ 10% với một đôi chân dài, đôi tay dài, một chút dẻo dai… nhưng 90% làm nên một diễn viên múa tài năng là đến từ khổ luyện. Tôi nghe lời thầy, nhưng đi qua những năm tháng trên sàn tập, tôi còn nghiệm ra thêm rằng những lời thầy tôi dặn thật ra mới chỉ "hành trang đầu tiên" của một hành trình khổ ải cả đời với những ai đã trót đam mê nghiệp múa.

- Biết rõ như vậy mà anh và gia đình vẫn cho Linh Nga đi cùng một con đường mình đã đi?

- Ngày xưa tôi cũng có quyền lựa chọn đâu. Tôi vào trường múa Hà Nội năm 1972, đó cũng là thời điểm tôi mê được làm vận động viên bơi lội hơn bao giờ hết, nhưng chị gái tôi sau một đợt tuyển sinh các diễn viên múa vào trường thì không tìm ra đủ các gương mặt cần thiết, vậy là chị "bốc" tôi và anh tôi luôn vào trường múa. Chị thay ba mẹ để lo cho mấy đứa em nên lời chị nói cũng giống như là lời ba mẹ thôi. Tôi không cãi được. Song cho đến ngày hôm nay, tôi phải thầm cảm ơn chị tôi, vì nhờ chị mà mới có được một Đặng Hùng, và Đặng Hùng thì có được Vương Linh để bây giờ có một Linh Nga như thế…

- Có những khoảnh khắc nào trong thời thơ ấu của con gái mà anh, với vị trí một người cha, nhận ra rằng con gái Linh Nga của mình có những tố chất của nghề?

- Tôi tin là tôi và Vương Linh đã truyền gen cho con mình, và bản năng múa của Linh Nga đến rất tự nhiên. Tôi còn nhớ lúc Vương Linh mang thai Linh Nga ở tháng thứ 4 (chúng tôi lúc đó đang học ở Đại học sân khấu Mátxcơva), thì cùng với các bạn học Thanh Bạch, Xuân Hương… chúng tôi đã có một buổi biểu diễn trên sân khấu rất đáng nhớ trước khán giả...

Có thể ví von rằng Linh Nga, ngay từ khi chưa ra đời, đã biết biểu diễn cùng mẹ. Và rồi những tiếng piano, những âm thanh, những bước chân, động tác hình thể… của Vương Linh trên sàn tập đã gieo vào trong vô thức cô con gái bé bỏng trong bụng mẹ những cảm giác đầu đời.

Ngày ấy tôi không phải là người dạy Linh Nga múa đầu tiên, mà tôi gửi Linh Nga đến lớp học của nghệ sĩ Kim Quy để cho con quen dần. Mà lúc đó Linh Nga cũng thích lớp múa này lắm, vì chủ yếu là được nhảy trong những giai điệu rộn ràng, tươi vui… Thế rồi tôi mở lớp dạy múa "Những ngôi sao nhỏ" dành cho con cháu của bạn bè, người quen. Linh Nga về lớp của tôi học. Chúng tôi phát hiện càng lúc Linh Nga càng giống ba nhiều hơn mẹ, tay dài, chân dài…ngay cả độ dẻo dai cũng thừa hưởng từ ba (nên hơi cứng một chút).

Rồi một ngày, vị hiệu trưởng của Trường Múa ở Quảng Đông (Trung Quốc) ghé thăm lớp học "Những ngôi sao nhỏ". Khi ra về, ông chỉ nói đơn giản, ông muốn mời học trò của tôi sang bên trường để đào tạo, và bảo tôi cứ chọn đi, học trò nào cũng được…

- Năm 1998, khi Linh Nga chính thức đi du học ở Trung Quốc, lúc đó Linh Nga chỉ mới học lớp 6 - tâm hồn như một tờ giấy trắng, thì phải chăng quyết định đó được Linh Nga chấp nhận trong miễn cưỡng?

- Là tôi và Vương Linh quyết định chứ Linh Nga lúc đó vẫn chưa thể hiểu được đây là bước ngoặt trong đời mình. Linh Nga chỉ thấy buồn khi phải xa bạn bè, xa lớp học, xa mọi người thân quen ở Sài Gòn… Chúng tôi cùng đi với Linh Nga sang tận ngôi trường ở Quảng Đông, cả nhà đi chơi chung với nhau vài ngày. Đến tận ngày cuối cùng, chúng tôi lên máy bay trở về, còn Linh Nga (cùng bạn học Thùy Chi) phải ở lại. Mọi thứ được chia cách rất đột ngột. Và Vương Linh thì khóc suốt trên chuyến bay trở về Việt Nam.

- Khoảnh khắc ấy, ngồi trên máy bay trở về, anh có sợ mình đã sai lầm?

- Tôi tin vào khả năng của Linh Nga, cũng tin và môi trường đào tạo của Trường Múa ở Quảng Đông, nhưng thú thật là tôi cũng sợ chứ… Nếu như sau này con gái không thích thì tôi sẽ ân hận cả đời, vì quyết định này là của ba mẹ nhưng người gánh chịu mọi hậu quả là đứa con gái nhỏ. Và trong nghề múa, một khi dấn thân rồi thì không còn có đường quay lại, sẽ ra sao nếu sau này Linh Nga bỏ nghề múa và mang mặc cảm mãi trong lòng mình với ý nghĩ không làm được nghề gì khác?… Nhưng lúc chia tay con, tôi chỉ nói mỗi một câu: "Rồi thời gian sẽ trả lời, là tại sao ba mẹ lại để con lại một mình ở nơi này…".

- Nỗi day dứt rằng mình có thể đã sai còn ám ảnh anh đến bao lâu?

- Suốt một năm học đầu tiên, Linh Nga chỉ có khóc và khóc sau những giờ học. Bất cứ chuyện vui buồn gì, từ chuyện ăn cơm nhiều đồ cay, đến chuyện đang tắm mà nước cúp đột ngột, rồi có chuột trong phòng… thì Linh Nga đều gọi về mách với gia đình. Nhưng bước qua năm học thứ 2, khi con gái gọi về nói với tôi: "Con có thể nhịn ăn, nhịn uống nhưng con không thể nghỉ múa được…", thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

- Từ tháng 8/2008, Linh Nga đã trở về để bắt đầu "hành trình của một thiên nga" ngay trên mảnh đất sinh thành ra mình. Mỗi lần được nhìn thấy con gái múa trên sân khấu, trong đầu một người cha như anh thường nghĩ ngợi về điều gì?

- Lúc nào cũng vậy, xem Linh Nga biểu diễn, "cuốn băng kí ức" cứ tua lại trong trí nhớ của tôi từ những ngày Linh Nga bắt đầu chập chững vào nghề… Giờ thấy con gặp khó khăn, tôi chỉ biết ôm con vào lòng  và khuyên con cố gắng. Vì cuộc đời của Linh Nga do Linh Nga quyết định rồi, gia đình chỉ đứng bên cạnh để chia sẻ khó khăn những lúc cần thiết mà thôi. Tôi vui vì Linh Nga đã được khán giả thừa nhận và sống được với nghề múa mà mình đam mê. Dự tính thì năm sau có thể Linh Nga sẽ trở lại Trung Quốc để học Cao học ngành múa, nhưng trước mắt Linh Nga phải mất thêm một khoảng thời gian nữa để hòa nhập trở lại với môi trường múa của Việt Nam, nên kế hoạch cũng có thể sẽ thay đổi…

- Cảm ơn anh!

Nguyễn Phong Việt (thực hiện)
.
.