Nếu như nhà Nguyễn…

Thứ Tư, 17/12/2008, 15:00
Nguyễn Ánh sau nhiều lần bị Tây Sơn truy lùng, đánh đuổi, đã kiệt sức rút về trú quân tại mảnh đất tận cùng ở phía Nam. Để tiếp tục đánh lại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh chạy sang cầu viện vua Xiêm, và được vua Xiêm chấp thuận, cấp cho 50.000 quân lính và 300 chiến thuyền, nhưng vẫn bị nhà Tây Sơn hành binh vào đánh cho tan tành ở thành Gia Định, và Nguyễn Ánh phải chạy ra đảo Phú Quốc ẩn mình.

Tuy thất bại nhiều phen như vậy, Nguyễn Ánh vẫn không từ bỏ mộng làm vua, nên đã nghĩ đến việc cầu viện những người phương Tây giúp đỡ. Giám mục Bá-Đa-Lộc (tên Pháp là Pierre Joseph Georges Pigncau de Béhaine) hứa sẽ tìm cách thương thuyết với người Pháp để giúp đỡ Nguyễn Ánh thực hiện những mộng ước của mình. Năm 1787, với sự dàn xếp, ngoại giao của Giám mục Bá-Đa-Lộc, hiệp ước Versailles đã ra đời. Nhưng bản hiệp ước này không thực hiện được, lý do chủ yếu là do nội bộ phía Pháp có những ý kiến bất đồng, không thống nhất.

Trên thực tế, hiệp ước Versailles không đưa vào thực thi, nhưng một số thế lực của Pháp vẫn giúp đỡ Nguyễn Ánh một cách tận tình, do vậy Nguyễn Ánh càng ngày càng lấy được thế mạnh, thế chủ động hơn.

Cuối cùng đã đánh bại được nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh bước lên ngôi vua tháng 5 năm 1802 và trị vì được 18 năm. Sau đó đến vua Minh Mạng lên ngôi từ năm 1820; tiếp đến là Thiệu Trị rồi Tự Đức lên ngôi từ năm 1847 trị vì tới năm 1883. Và năm 1858, tại bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng, thực dân Pháp đã bắn phát súng đầu tiên mở màn cho cuộc xâm lược Việt Nam. Nhà Nguyễn cứ cắt dần đất đai cho Pháp để cầu hoà và cuối cùng dẫn đến mất nước…

Để bàn rõ thêm điều ấy chúng ta nên có một cái nhìn bao quát hơn trong cuộc chiến Việt - Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Về cuộc chiến của nhà Nguyễn với thực dân Pháp không phải chỉ nhìn ở thực trạng, thực lực giữa sự chống đỡ, đối đầu của nhà Nguyễn Việt Nam với thực dân Pháp mà cần phải nhìn ở một tầm lớn hơn, tầm của thời đại trên phạm vi toàn cầu: đó là thời đại của chủ nghĩa tư bản đế quốc đang lên của phương Tây và của phương thức sản xuất châu Á với hạ tầng cơ sở và đặc biệt là thượng tầng kiến trúc đang đi xuống.

Hay nói cách khác (ở góc độ văn hoá văn minh) đây chính là một cuộc đụng độ, một cuộc đối chọi giữa hai nền văn hoá, hai nền văn minh: văn hóa, văn minh phương Tây của thời đại thực dân, thời kỳ chủ nghĩa tư bản đương phát triển, tìm mọi cách vươn dài những cánh tay thâu tóm các thuộc địa, với văn hoá văn minh phương Đông trong thời kỳ đang đi xuống, do không chịu năng động cởi mở vươn ra tìm cái mới…

Về lĩnh vực kinh tế, thì có thể nói rằng, đây là sự đụng độ giữa phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với phương thức sản xuất châu Á, giữa một nền kinh tế ngoại thương kinh tế hàng hoá, kinh tế thị trường, kinh tế công nghiệp với nền kinh tế nông nghiệp đóng cửa, tự cung tự cấp. Và tất nhiên một cuộc đụng độ, một cuộc đối chọi như vậy nhà Nguyễn của Nguyễn Ánh, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… không thể thắng nổi thực dân Pháp là một điều dễ hiểu.

Ngay cả với một giả thiết lịch sử: Nếu như nhà Tây Sơn có sức mạnh để thắng Nguyễn Ánh, thay triều Nguyễn trị vì suốt từng ấy năm hay lâu hơn nữa thì khi thực dân Pháp hoặc Anh, Tây Ban Nha… xâm lược Việt Nam thì cũng không chống đỡ nổi.

Chỉ có khác một điều triều Nguyễn của Nguyễn Ánh hèn đớn, cắt đất cầu hoà rồi cuối cùng hiến đất nước cho Pháp, còn nhà Tây Sơn có thể sẽ chiến đấu với thực dân Pháp với tinh thần "một mất một còn" với hào khí dũng mãnh, quật cường của ông cha ta xưa như đã từng đối mặt với các đội quân xâm lược của Tống - Nguyên - Minh - Thanh thuở trước, nhưng về mặt kỹ thuật, chiến thuật quân sự thì vẫn không có gì khác hơn cách mà nhà Nguyễn của Minh Mạng, Tự Đức… đã đưa ra đối chọi với quân Pháp.

Tức là với vẫn những binh pháp cũ kỹ rút đúc từ sách vở kinh điển của Tôn Tẫn, Ngô Khởi, Hàm Kỹ… đã được viết ra từ thời Đông Chu, vì trình độ kỹ thuật, chiến thuật quân sự của Việt Nam chúng ta thời kỳ ấy chỉ có vậy, và nhà Tây Sơn cũng sẽ thất bại trong cuộc đụng đầu lịch sử này.

Nói như vậy, chúng ta không sợ phạm huý dân tộc, phạm huý lịch sử, cũng như phạm huý những tư tưởng nào đó. Bởi lẽ ngay cả Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều quốc gia lớn mạnh của thời phong kiến trước đây ở châu Á, châu Mỹ… khi bị các đội quân của chủ nghĩa tư bản, đế quốc thực dân phương Tây xâm lược đều không chống đỡ được, trừ Nhật Bản, họ đã tìm ra được những cách thức khác để chống đỡ, để chiến thắng.

Năm 1847, khi hạm đội của Anh quốc nã những loạt đại bác vào thành Lộc Nhi Đảo ở Cửu Châu, người Nhật cũng phải đấu tranh giằng co giữa hai tư tưởng "chủ hòa" hay "chủ chiến" mất 11 năm và cuối cùng tư tưởng "chủ hoà" đã áp đảo tư tưởng "chủ chiến" trong triều đình Nhật.

Nhưng chủ hoà với một tinh thần tích cực: hoà để có thời gian, điều kiện thực hiện những cải cách, duy tân học tập Âu - Mỹ nhằm phát triển nhiều mặt của Nhật Bản (kinh tế, quân sự, khoa học…) còn rất lạc hậu, kém cỏi so với phương Tây. Hoà để có thời gian, điều kiện làm cho nước Nhật cường thịnh lên, mới tìm những đường đi nước bước đối đầu lại với những kẻ mạnh.

Cho nên bắt đầu từ năm 1858 (năm mà thực dân Pháp bắn phát súng đầu tiên ở Sơn Trà - Đà Nẵng mở màn cuộc xâm lược Việt Nam) triều đình Mạc Phủ của Nhật đã ký liên tiếp lần lượt các hiệp ước chính thức với Mỹ, sau đó là Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Nga cho phép các quốc gia tư bản đế quốc này mở lãnh sự quán, các thương điếm và nhiều công việc làm ăn buôn bán khác giữa hai phía. Nước Nhật cũng đồng ý để cho người Hà Lan truyền đạo Gia - Tô không ngăn cấm như trước nữa.

Tất nhiên không phải tất cả người Nhật hay tất cả những quan lại, chức sắc trong triều đình đều đồng ý với những chủ trương mở cửa, hợp tác như vậy, thế nhưng phái "chủ hòa" phái chủ trương mở cửa, hợp tác giao lưu này đã phê phán quyết liệt, mạnh mẽ những phái muốn đối đầu, không hợp tác với người phương Tây, cho những hành động này là sai lầm, không thức thời. --PageBreak--

Những tư tưởng hòa hoãn với các nước phương Tây để tiếp thu ảnh hưởng, gây dựng sức mạnh tự cường này đã trở thành một trong những đường lối quan trọng nhất để xây dựng mô hình Nhật Bản, được Y - Đằng - Bác - Văn (Ito Hirobumi 1841 - 1909, là nhà cách tân vĩ đại của Nhật, có chân trong Hội đồng bội trưởng thời Minh Trị) thực hiện xuất sắc, góp phần to lớn đưa Nhật Bản tới thực trạng như ngày nay.

Người Việt Nam có phải không có liên hệ gì, hiểu biết gì về những người phương Tây không? Ngay từ cuối thế kỷ thứ XVI và đến thế kỷ XVIII, những thương gia Bồ Đào Nha là những người phương Tây đầu tiên đã đặt chân đến Việt Nam, mở đầu cho những sự tiếp xúc giữa Đông và Tây trên bán đảo này.

Đi theo những thương thuyền của người Bồ Đào Nha, các giáo sĩ dòng Tên (Jésuites) đã đến truyền đạo ở đằng Trong năm 1596 và ở đằng ngoài năm 1615. Sau đó cố đạo người Pháp Alexandre de Robdes cũng đã có mặt tại Bắc Kỳ để truyền đạo trong khoảng 3 năm (1626 - 1629), rồi các nhà buôn phương Tây ngày một nhiều hơn lui qua, lui tới cửa biển Đà Nẵng làm cho trấn Hội An buôn bán, làm ăn tấp nập dần.

Và chính Nguyễn Ánh cũng phải chạy đi chạy lại nhờ người phương Tây giúp sức để lên ngôi vua năm 1802. Chỉ cần kể từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua đến năm 1858 khi thực dân Pháp bắn phát súng mở màn xâm lược Việt Nam, thì triều Nguyễn đã có hơn nửa thế kỷ để hiểu biết người phương Tây rồi. Vào thời kỳ này hãy nhìn lại cuộc sống, không khí làm ăn ở khu vực biển Thái Bình Dương gần với Việt Nam là như thế nào?

Vào thời kỳ này người ta đã thấy một sự tấp nập đi lại, làm ăn buôn bán, giao lưu trao đổi của nhiều quốc gia phương Tây trên mặt biển Thái Bình Dương. Trong lịch sử địa lý hàng hải của phương Tây, người ta đã nói nhiều đến con tàu Galion do người Tây Ban Nha thiết kế, vẽ kiểu đóng tại các xưởng đóng tàu của hãng Cavito ở vùng Tây Nam đảo Manila, đó là những con tàu nổi tiếng xuyên đại dương, xếp vào hàng đầu, rất thịnh hành trong suốt hơn nửa thế kỷ (từ 1750 đến 1810). Những con tàu này đóng bằng gỗ cứng của vùng nhiệt đới châu Á, và có sức rẽ nước tới 2.000 tấn.

Ngay từ những thời kỳ này, những con tàu Galion, cùng hàng nghìn con tàu của nhiều hãng đóng tầu nổi tiếng châu Âu lúc bấy giờ đã thường xuyên đi lại đều đặn nối liền ba lục địa châu Âu - châu Á - châu Mỹ làm thành một mạng lưới hàng hải quan trọng. Cảng Manila (thuộc quyền sở hữu của Tây Ban Nha hồi đó) trở thành trung tâm thương mại thế giới, nơi đây là chỗ tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc, Nhật Bản, Boocnêô, Java, Ấn Độ, Xiêm, Campuchia, Malaysia… đi các nước khác trên thế giới và ngược lại.

Khi Nguyễn Ánh quan hệ với phương Tây chỉ cốt lợi dụng sức mạnh quân sự của họ, để đánh nhau chiếm ngôi vị ở trong nước, chứ không hề có ý nghĩ quan hệ với các nước phương Tây để giao lưu kinh tế, văn hoá, chính trị, phát triển đất nước. Vì vậy, khi đạt được mục đích, Nguyễn Ánh vội vàng đóng cửa đất nước ngay.

Ngoài hai điều khoản: Cho người Pháp đi lại truyền đạo và đi lại buôn bán, thì nhà Nguyễn không muốn quan hệ gì khác với những người phương Tây nữa. Đến khi Minh Mạng lên ngôi, nhà Nguyễn đã thực hiện một chính sách mới, "Bế quan tỏa cảng" mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn. Minh Mạng đã đưa ra Dụ cấm Đạo năm 1825, và năm 1833 còn ra Sắc Dụ nghiêm khắc hơn, mà đương thời gọi là Dụ "Sát Tả" hay "Chiếu chỉ sát đạo".

Ở khía cạnh nào đó thì lịch sử triều Nguyễn là lịch sử của những vua quan "tham quyền cố vị" tranh giành vương triều. Thực tại thì các vua quan nhà Nguyễn sống cho cái ghế, cái ngai, cho ngôi vị, cho quyền hành, bổng lộc của mình, còn tương lai thì sống vì những công việc chuẩn bị cho cái chết của họ là nhiều, nên ra sức bắt dân chúng đóng thuế, phu phen, lao động khổ sai để xây những đền thờ, miếu mộ, lăng tẩm…

Trước khi mất nước, nhà Nguyễn với một thời gian dài trị vì có nhiều cơ hội, điều kiện để giao lưu, mở cửa ra bên ngoài, cải tiến, phát triển đất nước nhưng vẫn quẩn quanh bận tâm những công việc nội sự trong triều.

Sau khi mất nước mặc dù chưa phải đã mất tất cả, người Pháp vẫn cho vua quan triều Nguyễn một số quyền hành nhất định nhưng triều Nguyễn vẫn ngập chìm, sa đọa trong cơ chế vua quan, quan liêu, tham nhũng, xa rời dân chúng, không hòa nhập được với bên ngoài, dù cho có nhiều vị quan, các bậc nho sĩ có những nhận thức đúng đắn về tình thế, về cơ hội, về thời đại đã có những kiến nghị, tờ trình gửi cho triều đình đề nghị cải cách, đề nghị cải tổ, đề nghị giao lưu, mở cửa như Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản… và đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ, nhưng triều đình vẫn không nghe, thậm chí những người này còn bị trù úm, cách chức và cả đọa đầy nữa.

Những công trình mở mang, xây dựng những thành phố, đô thị, thị trấn như: Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Vũng Tàu, Đà Lạt, Tam Đảo, Sa Pa… còn để lại những dấu tích ngày nay là câu chuyện của người Pháp.

Còn câu chuyện của triều Nguyễn ở lĩnh vực này là cung đình Huế với những miếu mộ, lăng tẩm mà giờ đây được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới thì cũng đã phải trả một giá đắt, bằng biết bao mồ hôi, nước mắt, xương máu, tiền của, sức lực, trí tuệ rồi cả sự nghèo đói, trì trệ, lạc hậu kéo dài triền miên của người Việt.

Và để rồi mãi sau này Nguyễn Ái Quốc đã phải một mình bôn ba trong cuộc hành trình đến phương Tây nhằm tìm kiếm, học tập những cái hay, cái tốt, những cái văn minh, tiến bộ, những điều tích cực đem về cứu nước…

Nguyễn Hào Hải
.
.