Nếu muốn nói ngoa

Thứ Sáu, 15/05/2015, 17:48
Muốn nói ngoa, đi xa về mà nói. Vì sao phải đi xa về mới có thể nói ngoa? Đơn giản chỉ là bởi, Mấy ai rảnh để kiểm tra lại thông tin, dẫu rằng hiện tại có đi xa nói ngoa cũng không dễ.

Ai cũng có quà

Sẽ rất bình thường nếu một sớm mai thức dậy, người quan tâm đến tin tức trong làng giải trí đón nhận một gương mặt lạ hoắc lạ huơ nào đó với giải thưởng rình rang từ nước ngoài.

Sẽ cũng rất bình thường khi sau giải thưởng là những trò như Sơn Đông mãi võ khác.

Cũng như, sẽ rất bình thường khi người ta phát hiện chuyện nói dối của một cá nhân nào đó lúc vừa từ nước ngoài trở về.

1. Cô da trắng mắt tròn hay chụp ảnh với tư thế khiêu khích vừa sang Hàn Quốc, cô không đi một mình, cô đi cả một băng nhóm. Cô bảo, cô sang Hàn Quốc để nhận giải thưởng vinh danh cô.

Cô mới nói xong thì hàng loạt facebooker tung bằng chứng cô nói xạo. Facebooker bảo cô qua đó đong đưa rồi về chứ có giải thưởng gì đâu. Băng nhóm của cô phất cờ đứng lên, cãi nhau lại rất dữ dội.

Thật ra, là băng nhóm của cô sốt ruột thôi, chứ trước đây cô cũng đã từng đoạt một rổ giải thưởng từ nước ngoài đấy, có gì đâu mà ầm ĩ.

Đó là những giải thưởng của ông bầu show người Việt đang sinh sống ở nước ngoài với sự nhạy cảm của một cá nhân biết thứ mua bán. Đó là thứ mà mua với giá rẻ nhất, bán với giá cao nhất, một vốn hàng đồng lời.

Bán gì?

Là bán cái danh cho người háo danh.

Người ta háo danh để làm gì?

Bỏ tiền ra để đầu tư mua danh thì phải cố kiếm cách mà sinh lợi chứ làm gì. Không nhẽ có ai thiếu khôn ngoan đến độ quẳng hàng đống tiền mua cái danh hiệu về treo trong phòng ngủ chơi.

2. Mấy lâu, có mấy anh chàng với mấy cô nàng trốn ra nước ngoài thi chui một cuộc thi nào đấy, truyền thông nước mình cũng rộ lên một hồi như thanh la xua quân tấn công.

Mắc cười lắm à nha.

Thi thì thi, mắc gì chui với không chui? Thời đại nào rồi mà còn áp đặt cơ chế xin cho như trẻ con trong lớp học muốn ra ngoài trong giờ học phải xin phép giáo viên ấy.

Tuy nhiên, ở bầu thì tròn ở ống thì dài, sống ở đâu thì phải tuân thủ theo pháp luật đã được quy định của nước đấy. Giống như, con nhà gia giáo thì phải đi thưa về trình. Con nhà phóng khoáng thì muốn đi là đi, muốn nằm là nằm, muốn ngồi là ngồi, sao cũng được. Có điều, thứ danh hiệu phù phiếm từ những cuộc thi mà không cần một cơ quan có chức năng cử đi thi thì có chính danh hay không?

Chắc chắn là không chính danh rồi, nhưng chính danh hay không chính danh thì có gì là quan trọng đâu. Miễn sao: “Tay cầm danh hiệu hồi hương/ Truyền thông đi trước, nước đường theo sau” là đã đủ đầy.

Lắm khi tôi tự hỏi, có gì ở cái danh hiệu tào lao từ những cuộc thi vô thanh vô ảnh ở nước ngoài mà từ gái cho đến trai, già cho đến trẻ của nước mình lại tranh nhau, lại giẫm đạp để nháo nhào lên thế nhỉ?.

3. Hết chuyện danh hiệu, nam thanh nữ tú của làng giải trí ra nước ngoài sẽ chế những câu chuyện khác để đưa lên truyền thông.

Có chị nói đóng vai chính trong phim của Hollywood.

Có anh nói suýt bị bắn chết ở Mỹ.

Có người đàn ông trung niên than suýt mất đồ ở Nhật.

Có cô nàng bị sàm sỡ trên máy bay trong chuyến bay đến Nga.

Thật ra, những chuyện này không có gì là lớn lao, ở nước mình vẫn xảy ra được mà.

Giống như, không được đóng vai chính trong phim của Hollywood thì đóng vai phụ của phim nhảm chiếu rạp.

Giống như, suýt bị bắn chết ở Mỹ thì đổi thành từng bị ném chai rượu vỡ đầu trong bar.

Giống như, suýt bị mất đồ ở Nhật thì bị mất đồ thật ở khách sạn.

Giống như, bị sàm sỡ trên máy bay trong chuyến bay đến Nga thì bị quấy rối trên xe buýt trong nội thành.

Nghĩa là, chuyện gì ở nước ngoài có thể diễn ra thì vẫn diễn ra được ở nước mình.

Nhưng mà, vì nam thanh nữ tú nên nếu nói chuyện này ở nước mình nó không có sang. Với lại, chẳng may bịa chuyện ở Việt Nam rồi bị tố cáo là nói xạo thì mắc cỡ lắm.

4. Quan trọng hơn, đi xa mà không có chuyện gì kể thì buồn lắm. Hơn nữa, chuyện của nghệ sĩ phải khác người, phải hoành tráng, phải vi diệu thì mới đúng đẳng cấp.

Vậy là, đua nhau nói xạo thôi.

Hoa hậu Diệu Hân: Nổ quá cũng rất buồn cười

- Dư luận lên án các người đẹp thi chui thời gian qua là háo danh, bởi rõ ràng là họ đã bất chấp luật lệ nhà nước để đi thi, để tên mình được gắn cạnh một danh hiệu cao quý. Song rõ ràng danh hiệu ấy không phải là sự vinh danh, thậm chí ngược lại đấy chứ, phải không Diệu Hân?

- Bất kì cô gái trẻ, có sắc đẹp nào khi bước chân vào showbiz cũng muốn có một danh hiệu. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng nếu có một danh hiệu thì khi đi diễn sẽ được trả cát sê cao hơn, hoặc sẽ được nhiều người biết đến hơn. Do đó không phải bằng mọi cách, nhưng nếu có cơ hội thì không ai muốn bỏ qua, ai cũng muốn được dự thi các cuộc thi sắc đẹp. Thực ra, có được danh hiệu ở trong nước hay nước ngoài cũng đáng được khuyến khích.

Còn có trường hợp một số người đi thi khi chưa được cấp phép là phạm luật, nhưng thiết nghĩ cũng không nên đào bới chuyện đó quá nhiều. Họ vi phạm thì đã bị cơ quan chức năng khiển trách.

Hoa hậu Diệu Hân.

- Mà không riêng gì các người đẹp, showbiz Việt cũng có không ít người hay nói ngoa, nhất là mấy người trẻ tuổi, có dịp đi xa, va chạm với nền nghệ thuật nước này, nước kia. Kiểu: tôi đóng phim Hollywood rất hoành tráng, kiểu tôi đạt giải thưởng đệ nhất mỹ nhân nơi xứ người… Song, sau đó bị người ta “bóc mẽ” thì hóa ra toàn bịa! Diệu Hân nghĩ gì khi biết những trường hợp này?

- Hân nghĩ đôi khi bản thân những cô gái đó có khi không phải là người phát ngôn, mà là những người đứng đằng sau họ như ông bầu, người quản lý… Những người đó luôn muốn phát triển công việc của mình hơn nữa nên mới phải nói quá những gì đã đạt được ở nước ngoài mà thôi. Diệu Hân không lên án điều này. Hân nghĩ đơn giản cùng là người Việt Nam, nếu các bạn đi thi và có một danh hiệu thì mình nên cổ vũ và đáng tự hào. Còn những chuyện như thi chui thì đã có các cơ quan quản lý xử lý, còn nói ngoa thì công chúng tẩy chai.

- Theo Diệu Hân, vì sao các bạn trẻ thích nói ngoa về mình? Chắc ngoài bản tính thì cũng không gì ngoài mục đích PR để tìm danh vọng, phải không?

- Hầu hết nghệ sĩ trong giới showbiz phải luôn luôn PR hình ảnh của mình. Tất nhiên là có những người nói sự thật, và cũng có những người nói hơi quá. Đơn giản như chuyện tài sản, do việc làm hình ảnh đại diện cho một nhãn hiệu nào đó hoặc một lý do cá nhân nào khác mà có những người dù không có khối tài sản lớn, nhưng vẫn thấy được lên báo “khoe” những tài sản có giá trị. Nhiều khi mọi người ở ngoài không hiểu nên nói rằng cô đó, anh chàng đó “nổ”. Nhưng thực ra, theo Hân, khi làm như vậy, người đó chắc chắn đã phải suy nghĩ rất nhiều. Có khi “nổ” như vậy sẽ giúp cho tên tuổi, hình ảnh của họ, hoặc cũng có khi đó là do công việc làm ăn nên phải hỗ trợ qua lại mà thôi. Tất nhiên, nếu nổ quá thì cũng rất buồn cười!

Và việc nói ngoa hay không còn tùy thuộc vào tính cách mỗi người. Có những người thích chơi trội. Hoặc bản thân họ không thích nhưng theo xu hướng độc giả báo mạng chú ý nhiều hơn, thích hơn với những thứ sốc.

Còn vấn đề PR thì khi làm nghệ thuật, ai cũng mong muốn tên tuổi của mình được nổi tiếng hơn nên phải luôn luôn PR hình ảnh của mình. Trong số đó cũng có những người có tài năng thực sự, có những người chỉ là PR theo phong trào, muốn “hot” bằng mọi cách. Tùy từng đối tượng và cách thức mà việc PR là đáng ủng hộ hay không.

- Nói một cách công bằng thì việc PR bản thân không có gì đáng trách trong thời buổi hiện nay đối với người nghệ sĩ. Song, cái gì cũng có giới hạn, chuyện không nói có, một nói thành mười thì xem ra đó là lừa bịp và chuyện bị lên án là tất nhiên, đúng không Diệu Hân?

- Không biết có quá nặng lời không, nhưng lừa dối những người hâm mộ, những người kỳ vọng ở mình thì cũng nên xem xét lại. Những bạn trẻ luôn mang hình ảnh thần tượng để noi theo, nếu thần tượng đó lại làm quá thì sẽ ảnh hưởng rất tới tâm lý của những bạn trẻ. Như vậy, người nghệ sĩ không trực tiếp, nhưng đã gián tiếp ảnh hưởng không tốt tới người hâm mộ. Nếu là người nghệ sĩ thực sự thì nên có suy nghĩ xa như vậy và tránh những điều sai trái.

- Rõ ràng, người nghệ sĩ muốn được công nhận thì phải có tài năng, thực lực và khán giả yêu mến chứ không phải từ sự hô hào, tự phong. Diệu Hân đồng ý chứ?

- Điều đó chính xác, song Hân xin bổ sung thêm một yếu tố nữa đó là người nghệ sĩ còn phải thông minh, ngoài tài năng, ngoại hình. Thông minh nghĩa là phải khéo léo trong ứng xử, biết lúc nào nên và không nên làm việc này, việc kia thì danh tiếng họ mới bền vững được. Nếu hành động nông nổi, không quan tâm tới hậu quả về sau thì có khi sẽ làm tên tuổi của người nghệ sĩ đi xuống.

- Làm nghệ sĩ, nghĩa là áp lực chuyện danh vọng rất lớn?

- Ở đời là vậy, khi người này đã được chú ý, lại muốn được chú ý hơn nữa, “hot” hơn nữa. Do đó họ mới phải chịu áp lực, phải suy nghĩ rằng hôm qua đã nổi như thế này rồi, hôm nay phải làm gì, mặc gì để nổi hơn nữa. Hiện tại có thể họ còn chiêu trò để làm, chứ không hiểu sau này, không còn trò nữa thì họ sẽ làm gì, sẽ cảm thấy như thế nào. Có khi họ sẽ không chỉ nói quá, nói dối nữa, mà còn nói bậy, làm bậy. Nói chung, muốn đi đường dài thì cần có tài năng! n

Ca sĩ Thanh Duy: Nghệ sĩ thực thụ, ai lại thế

- Có một số ý kiến cho rằng, nghệ sĩ thường hay thích nói quá về mình, như một cách để tô hồng cho bản thân. Thanh Duy nghĩ sao?

- Tính Duy thường không nhận xét về những vấn đề này, bởi trước tiên đó là điều tùy vào tính cách của mỗi người. Người thì quá khiêm tốn, trong khi người thì lại thích nói quá về bản thân. Thứ hai, nếu không qua kiểm chứng thì chúng ta đâu có thể biết được một người nói thật hay nói dối, hay nói quá điều gì?! Nhiều khi là họ nói thật, nhưng người khác lại nghĩ là nói quá thì sao? Nhất là đối với người nổi tiếng nhiều khi họ phát ngôn thế nào đó làm người viết hiểu lầm ý nên dẫn đến chuyện thành ra họ nói quá! Nói chung là, chúng ta cần phải xác định rõ nguồn thông tin, chứ chỉ nghe qua rồi nghĩ xấu cho người khác thì cũng không nên!

Ca sĩ Thanh Duy.

- Thật ra thì trước đây cũng có những trường hợp nghệ sĩ nói ngoa và nhanh chóng bị truyền thông bóc mẽ. Mà cũng dễ hiểu là, do người nghệ sĩ thường sống bằng danh tiếng nên chuyện thích nói quá như là một cách để PR mình?

- Thanh Duy thấy nói thêm như vậy thì rất nguy hiểm cho chính bản thân mình chứ không lợi ích gì. Bởi thời bây giờ khác hoàn toàn ngày xưa, mọi thông tin đều có trên Internet nên muốn tìm ra sự thật rất dễ. Nếu nói sai hoặc thậm chí chỉ nói quá thôi cũng rất dễ bị bóc mẽ. Mỗi người đều có sự lựa chọn nói thật hay phóng đại sự thật. Nhưng sự thật thì mãi mãi là sự thật, còn lời nói dối thì rất dễ bị phát hiện và khi đó người nghệ sĩ sẽ bị ảnh hưởng đến uy tính, danh tiếng.

Riêng với Thanh Duy, việc đánh giá còn phụ thuộc người đó là ai. Với những người mà Duy biết trong giới thì những người nghệ sĩ thực thụ chẳng bao giờ phải nói quá hay nói dối. Có những người làm từ thiện rất giản dị, âm thầm, không gọi báo chí đến chụp hình, đưa tin. Chính điều đó càng làm cho họ càng đẹp hơn trong lòng khán giả.

Còn chuyện nói quá, nói thêm nhiều khi đó không phải là từ một nghệ sĩ thực thụ mà là những người chỉ có “cái áo” nghệ sĩ mà thôi. Công chúng phải phân biệt được đâu là người nghệ sĩ thực thụ, còn với những nghệ sĩ trẻ như Duy thì phải phân biệt được đâu là hình mẫu người nghệ sĩ mà những người đi sau phải học hỏi và làm theo.

- Làm nghệ sĩ rất áp lực về vấn đề danh vọng, tên tuổi phải không Thanh Duy?

- Những người nghệ sĩ trực tiếp biểu diễn như ca sĩ, diễn viên, MC… những người phải thể hiện tài năng của mình trên sân khấu, thì đặc thù của những người này rất cần được nổi tiếng và được khán giả công nhận. Điển hình như ca sĩ, họ hát mà không có khán giả nghe thì rất tủi thân. Khán giả và nghệ sĩ là 2 mắt xích không thể thiếu để tạo ra thế giới giải trí, là một mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Nghệ sĩ cần khán giả để có động lực cống hiến và phấn đấu. Ngược lại, khán giả cũng cần nghệ sĩ với những bài hát, những bộ phim để giúp họ giải tỏa những cảm xúc của họ.

Trong giới nghệ thuật thì nghệ sĩ nào có thể chạm được tới trái tim khán giả, nghệ sĩ nào tìm được điểm chung với khán giả, rồi phát triển và nhân rộng những điểm chung đó được thì người nghệ sĩ đó sẽ thành công và nổi tiếng. Nổi tiếng là kết quả của việc người nghệ sĩ cố gắng thể hiện mình qua những bài hát, vai diễn chạm được đến trái tim của khán giả.

- Có một số người có cơ hội va chạm với các nền nghệ thuật nước ngoài, họ tham gia biểu diễn, đóng phim hay thi thố gì đó nhưng khi về nước thì thổi phồng điều đó lên. Kiểu: Tôi đóng phim Hollywood rất hoành tráng hay tôi đạt giải thưởng đệ nhất… Song, sau đó bị người ta bóc mẽ là hóa ra toàn bịa! Thanh Duy thấy sao?

- Duy không đánh giá gì về điều này vì mỗi người mỗi quan niệm. Còn như đã chia sẻ, sự thật thì mãi là sự thật và sự thật ngày nay thì rất dễ để kiểm chứng. Ai không nói thật thì sẽ bị phát hiện, và hẳn là khán giả thì không ai vui khi biết rằng mình như đã bị lừa! Hơn nữa, những người nghệ sĩ thực thụ sẽ không chọn cách nói quá, thổi phòng như vậy về mình. Họ được trân trọng vì chính khả năng, thực lực của họ, trong đó có cả sự khiêm nhường đáng quý!

- Có ý kiến là Thanh Duy cũng đang trên con đường tìm kiếm danh vọng hơn nữa cho mình khi tham gia các gameshow truyền hình?

- Tùy theo quan điểm mà có thể việc tìm kiếm danh vọng này được hiểu khá tiêu cực, tức là phải làm mọi thứ để đạt được danh vọng. Còn với Duy, với chương trình “Gương mặt thân quen”, đó là cơ hội để Duy thỏa mãn đam mê với ca hát. Thanh Duy đến với chương trình này từ một sự đam mê rất lớn, bắt nguồn từ câu chuyện thuở nhỏ của Duy. Ngày đó, xem các chương trình ca nhạc trên tivi và ở ngoài, Duy rất thần tượng những ca sĩ, nghệ sĩ đứng trên sân khấu. Duy mong muốn một ngày nào đó mình sẽ được trải nghiệm cảm giác đó, sẽ được giống như họ…

Đến bây giờ, Thanh Duy đã trở thành một ca sĩ, lại có một chương trình mà Duy được hóa thân thành những nghệ sĩ, những người Duy đã từng thần tượng, từng là nguồn cảm hứng cho Duy đi theo con đường nghệ thuật, với Duy đó là một cơ hội rất đáng quý và thú vị. Và đây cũng là một cơ hội để Thanh Duy đến gần với khán giả hơn. Thanh Duy muốn tham gia chương trình này đơn giản là như vậy!

Ngoài ra, Thanh Duy nghĩ chuyện danh tiếng của một người nghệ sĩ là do khán giả công nhận qua tài năng của họ, qua những cống hiến của họ cho nghệ thuật chứ hoàn toàn không phải do tự phong!

Ca sĩ Giang Hồng Ngọc: Có người chỉ thích nói ngoa

- Showbiz hay xuất hiện một số gương mặt hay nói quá về bản thân, về những thành tích mà họ đạt được. Từ chuyện đi nước ngoài đóng phim, đến chuyện đạt giải thưởng này khác. Giang Hồng Ngọc nghĩ sao?

- Ngọc không tiếp xúc với showbiz nhiều, nhưng vẫn cập nhật thông tin trên mạng. Ngọc nhận ra rằng chính những thông tin trên mạng, và sự bùng nổ của mạng facebook, fanpage tràn ngập đã tạo ra những giá trị ảo. Những giá trị ảo đó không bao giờ có thể thành thật. Ví dụ như hàng chục ngàn lượt like đó chưa chắc đã là toàn bộ người thật sự thích mình. Chính vì  những giá trị ảo đó đã làm cho con người chúng ta cũng trở nên sống ảo. Họ thích nói ngoa, có lẽ vì điều đó làm cho họ vui, thích thú.

Ca sĩ Giang Hồng Ngọc.

Và việc nói ngoa, nói quá hay thổi phồng về bản thân còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người cũng như ai đó trở nên ảo, rồi có nhận ra và có biết dừng lại hay không thì cũng tùy. Với riêng Ngọc, việc sống, cư xử như thế nào là do bản thân Ngọc, chứ không bị ảnh hưởng, bị tác động bởi xã hội. Mọi người sẽ đánh giá mình từ chính cách sống của mình, chứ đâu phải bất kỳ một khía cạnh đơn lẻ nào khác. Và với Ngọc, việc nói ngoa, việc sống ảo không làm Ngọc vui.

- Việc một số gương mặt hay nói ngoa, thổi phồng về mình cũng là một cách PR để họ tạo danh tiếng?

- Khi một ai đó cảm thấy mình có năng lực, thì sẽ tự nói hay, nói tốt về bản thân mình. Bản thân Ngọc cũng hay nói về những thứ liên quan đến khả năng của Ngọc mà Ngọc có thể làm được, nhưng tất nhiên chỉ ở mức độ mà mọi người có thể chấp nhận và tin tưởng được. Ngọc không muốn từ miệng mình mà ra một sự giả dối. Giới trẻ rất dễ mắc phải điều này và hiện nay, nó đang rộ lên như một mốt thời trang. Đã có người nói, ngày mai chắc chắn sẽ có người bắt chước theo. Tránh khỏi điều đó hay không là do bản lĩnh của mỗi người có dễ dàng để bị mắc bẫy hay không. Ngọc là người sống khá khép kín nên chỉ nhìn thấy ranh giới đó, mà không bước qua nó.

- Người ta nói, áp lực danh vọng với người nghệ sĩ là quá lớn, cũng là người đang đau đầu về chuyện tìm ca khúc hit, chắc Ngọc đồng cảm!?

- Có thể nói là từ cuối năm 2014, sau cuộc thi “Nhân tố bí ẩn” thì mọi người mới thực sự biết đến Giang Hồng Ngọc, dù Ngọc đã có “thành thích” khoảng 10 năm đi hát. Trong mấy tháng sau chương trình mà tìm được một bài đúng giọng mình và tạo nên hit thì rất khó. Ngọc đã có dự trữ một số bài và rất hy vọng sắp tới một trong số đó sẽ ghi được dấu ấn của riêng Giang Hồng Ngọc. Ngọc vẫn đi theo lựa chọn âm nhạc của Ngọc, nhưng cân bằng giữa hai yếu tố khán giả trẻ và trung niên. Ngọc hy vọng những dự án sắp tới sẽ tạo được dấu ấn, một làn sóng để khi nhắc tới Giang Hồng Ngọc là mọi người nhớ ngay đến bài hát đó.

Trở lại chuyện áp lực danh vọng, người nghệ sĩ sống bằng danh tiếng và sự công nhận, đón nhận của khán giả. Không có danh tiếng thì không ai biết đến để quan tâm, theo dõi, mà làm nghệ sĩ như vậy thì rất tủi thân. Song danh vọng từ đâu mà có mới là quan trọng. Ngày nay để nổi tiếng xem ra khá dễ dàng, đôi khi không cần nhiều thực lực mà chủ yếu là “chiêu trò”. Song danh vọng thật sự phải đến từ năng lực, tài năng thật sự. Và danh vọng đó mới khiến người nghệ sĩ sống lâu với nghề, mới khiến người nghệ sĩ được tất thảy công chúng yêu mến, quý trọng. Danh vọng “ảo” từ scandal thì cũng coi như phi danh vọng!

- Rất đồng ý với Ngọc là danh tiếng của người nghệ sĩ là do năng lực và khán giả công nhận, chứ không phải do tạo scandal hay hô hào, nói ngoa!

- Chắc chắn là như vậy! Ngọc nhận thấy, những người nghệ sĩ lớn, đã có vị trí nhất định trong lòng khán giả luôn rất điềm tĩnh, làm là chính, nói thì ít. Hành động là điều quan trọng nhất, cụ thể nhất. Người ta chỉ nhìn vào những gì mình làm, chứ đâu nghe những gì mình nói ra!

Thực hiện: Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng
.
.