Nạn đói lại đe dọa

Thứ Sáu, 23/05/2008, 09:00
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, viết tắt là WHO), mỗi ngày trên hành tinh chúng ta có khoảng 24 nghìn người chết vì đói hoặc vì những căn bệnh liên quan tới đói ăn. WHO coi sự đói ăn là mối đe dọa chính đối với sức khỏe con người: nó chính là nguyên nhân gây nên một phần số vụ trẻ em bị chết và 10% số bệnh tật…

Hiện nay, thế giới thêm một lần đang đứng trước bờ vực của một nạn đói quy mô lớn. Tình trạng tăng giá phi mã của nhiều loại lương thực thực phẩm đang đe dọa an ninh trật tự của không chỉ một quốc gia.

Ngày càng đắt đỏ

Giá lương thực thực phẩm tăng đã gây nên những khó khăn lớn nhất đối với tất cả những ai chỉ có mức thu nhập thấp. Viện Nghiên cứu chính sách lương thực (International Food Policy Research Institute) của Mỹ nhận định, tới đầu năm 2008, có 37 quốc gia trên thế giới đang ở bên vực khủng hoảng lương thực và cần sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ở mỗi nước mỗi khác - đó có thể là thiên tai, những xung đột nội bộ, điều kiện thời tiết không thuận lợi… Phần lớn những nước đói kém nằm ở châu Phi.

Ngoài ra, trong nhóm quốc gia "phận bạc" này còn có Iraq, Afghanistan, Sri Lanka, Bolivia… Tại những quốc gia như Senegal, Cameroon, Burkina-Faso, Haiti, Ai Cập, Yemen, Mozambique, Indonesia, Thái Lan, Uzbekistan… thời gian gần đây đã liên tục diễn ra những vụ rối loạn vì đời sống ngày một thêm phần đắt đỏ…

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund, viết tắt là IMF), trong ba năm gần đây, giá lương thực thực phẩm trên thế giới đã tăng khoảng 60%; so với năm 2001, mức giá đã tăng gần gấp đôi. Còn theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank, viết tắt là WB), trong ba năm qua giá lương thực thực phẩm tăng thêm 83%.

Còn Tổ chức Liên hợp quốc về lương thực thực phẩm và nông nghiệp ((Food and Agriculture Organization, viết tắt là FAO) mới đây đã đưa ra số liệu sau: năm 2000, giá trung bình của 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chính ở mức 93 điểm (theo thang bậc đánh giá riêng của FAO). Tới năm 2001, chỉ số này đã tăng lên 95 điểm.

Năm 2002, nó giảm chút ít, xuống còn 94 điểm rồi lại leo thang không ngừng: ở mức 102 điểm năm 2003; 114 điểm năm 2004; 117 điểm năm 2005; 127 điểm năm 2006; 157 điểm năm 2007. Tới tháng 3 năm nay, mức giá đã bị nâng lên tới 220 điểm! Trong số các loại lương thực thực phẩm, tăng giá nhất là mỡ và gạo.

Theo số liệu của WB, gạo chiếm khoảng 40% lượng lương thực thực phẩm của nhân loại (thịt - khoảng 3%; rau quả - khoảng 17%). Theo số liệu của hãng Bloomberg, trong giai đoạn từ tháng 3/2007 tới tháng 3/2008 trên thị trường thế giới giá ngô đã tăng 31%, giá gạo tăng 74%...

Ngay tại Mỹ, theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội nước này, trong năm 2007, giá lương thực thực phẩm cũng đã tăng 4%. Năm nay, giá lương thực thực phẩm ở Mỹ có thể tăng ở mức từ 3,5 tới 4,5%.

Theo đánh giá của Bộ Lao động Mỹ, (Department of Labor), trong quý một năm 2008, giá bán lẻ các loại thực phẩm ở Mỹ đã tăng 5,1% (trong quý I năm 2007, mức tăng là 4,8%; trong năm 2006: 2,2%). Bộ Nông nghiệp (Department of Agriculture) thông báo rằng, trong một năm giá trứng gà ở Mỹ  đã đắt thêm 29,2%, dầu thực vật và mỡ đắt thêm 8%...

Nghèo nên đói

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu đói ở các quốc gia trên thế giới. Tại Mỹ, các chuyên gia cho rằng, những nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng tăng giá lương thực thực phẩm là:

- Việc sản xuất hàng loạt cồn để sử dụng làm nhiên liệu chạy ôtô;

- Những vụ mất mùa liên tiếp ở nhiều nước trên thế giới;

- Sự suy yếu của đồng USD, dẫn tới hiện tượng tăng giá lương thực thực phẩm nhập khẩu;

- Sự gia tăng thu nhập của công dân các quốc gia khác, dẫn tới việc thay đổi khẩu phần ăn theo hướng đa dạng hơn của họ (thí dụ, nếu như năm 1980, trung bình một người dân Trung Quốc ăn hết khoảng 20kg thịt một năm thì tới năm 2007, con số này lên tới 50kg);

- Sự gia tăng giá thành sản xuất lương thực thực phẩm do sự đắt đỏ của nhiên liệu chẳng hạn…

Viện Nghiên cứu chính sách lương thực khẳng định rằng, việc sản xuất "năng lượng xanh" từ lương thực chỉ một phần chịu trách nhiệm về việc tăng giá lương thực: trong giai đoạn từ năm 2000 tới năm 2007 lượng lương thực dùng cho mục đích này chỉ tăng hơn một phần tư chút ít.

Tại nhiều khu vực trên thế giới, sự xuất hiện của nạn đói được cho là hệ lụy trực tiếp của cảnh nghèo khổ trường niên gần như trở thành truyền thống. Có khoảng từ 5 tới 10% số trường hợp nguyên nhân gây ra nạn đói là thiên tai (thí dụ như hạn hán hay lụt lội), xung đột vũ trang, các cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội hay kinh tế.

Phần lớn các nạn nhân của nạn đói chết đi không phải bởi sự đứt quãng ngắn hạn của việc cung cấp lương thực (nảy sinh do hạn hán hay xung đột vũ trang…) mà vì sự thiếu ăn kéo dài vì nghèo khổ.

Đói thành kém

Chương trình Lương thực Toàn cầu của LHQ (United Nations' World Food Program) cho rằng, cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay sẽ gây tác động tiêu cực lớn nhất đến những ai phải bỏ ra hơn 80% thu nhập của mình cho việc ăn uống. Số lượng những người như thế trên thế giới là gần 100 triệu người.

Còn mới đây, Viện Gallup đã tiến hành một cuộc điều tra xã hội tại 134 quốc gia ở hầu khắp các châu lục. Câu hỏi được đặt ra là: Trong vòng 12 tháng gần đây có ngày nào mà bạn không đủ tiền để mua lương thực thực phẩm cho gia đình mình không? 10% số người châu Âu, 25% số người châu Á,  29% số người châu Mỹ Latin và 54% số người châu Phi đã trả lời là có.

Như vậy có nghĩa hiện nay đang có khoảng  26% số người trên thế giới (khoảng 1,3 tỉ người)  không thể làm việc nuôi sống đủ gia đình mình. Trong thực tế, số lượng người thường xuyên bị đói vẫn sẽ rất lớn.

Còn theo số liệu của WB (thông tin này vừa được công bố năm 2008 nhưng đánh giá tình hình ở năm 2004), trên thế giới có khoảng 982 triệu người sống ở mức dưới 1 USD một ngày đêm.

FAO thì cho rằng, trên thế giới có khoảng 850 triệu người thường xuyên thiếu ăn. Trong hơn một thập niên qua, số lượng những người cùng khổ đã giảm đáng kể (đầu những năm 90 của thế kỷ trước, con số này là hơn 1,2 tỉ người), nhưng số lượng những người đói ăn vẫn ở nguyên mức cũ (khoảng gần 824 triệu như năm 1992).

Viện Bánh mì cho thế giới (Bread for the World Institute) năm 2006  đã lập ra bản đồ thế giới phân chia các nước theo số lượng người bị đói. Trong số những quốc gia mà tình hình khả quan hơn cả (tức là chỉ có dưới 2,5% số dân gặp vấn đề với chuyện ăn uống) có Mỹ, Canada, Australia, Argentina, Lybia, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ và phần lớn các nước châu Âu…

Có từ 2,5 tới 4% số dân bị thiếu ăn là ở những nước như Arab Saudi, Ai Cập, Litva, Urugoay; từ 5 tới 19% ở Nga, Ukraina, Trung Quốc, Iran, Brazill, Mexico… Tình hình "Tương đối nặng" (có từ 20 tới 34% số dân bị đói và thiếu ăn) là ở Ấn Độ, Sudan, Thái Lan, Namibia, Tajikistan… Tình hình "rất nặng" (trên 35% số dân thiếu ăn) là ở Mông Cổ, Afghanistan và đại đa số các quốc gia châu Phi nằm ở  phía Nam sa mạc Sahara.

WB cũng đã công bố một tấm bản đồ tương tự mà trên đó có chỉ ra những nước mà việc tăng giá lương thực có lợi nhất cũng như các quốc gia gặp bất lợi lớn nhất trước việc tăng giá lương thực. Những nước chịu thua thiệt hơn cả (tức là cán cân buôn bán sẽ bị giảm 1% tổng sản phẩm quốc nội GDP) là ở Bắc Phi và Đông Phi, hàng loạt các quốc gia Trung Đông, Armenia, Ajerbaijan và Gruzia, Mông Cổ, Bangladesh…

Những "thiệt hại vừa phải" (ít hơn 1% GDP) sẽ tới với các quốc gia châu Phi còn lại, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, các quốc gia Trung Đông còn lại, phần lớn các nước châu Âu, các nước Đông Dương, New Zealand, các nước Trung Mỹ và một phần Nam Mỹ, Nhật Bản…

Những "lợi lộc vừa phải"  (ít hơn 1% GDP) sẽ tới với Nga, Ukraina, Pháp, Mỹ, Canada, Brazil, Australia, Thái Lan, Indonesia. Những quốc gia "chiến thắng" (cán cân tăng hơn 1 GDP) trong cuộc khủng hoảng này là Kazakhstan, Argentina, MalaysiaVenezuela

Cái đói là nguyên nhân chính dẫn tới các thảm họa nhân đạo ở nhiều nơi trên thế giới. Những người phụ nữ thiếu ăn thường xuyên tất yếu sẽ sinh ra những đứa con ốm yếu và điều này càng làm tăng số trẻ sơ sinh yểu mệnh (mỗi năm trên thế giới có tới gần 11 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì thiếu ăn và đói khát). Những người thường xuyên thiếu ăn dễ bị lây nhiễm cả các loại bệnh tật thông thường lẫn dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo số liệu của Tổ chức Nhi đồng LHQ (UNICEF), tại các nước nghèo trên thế giới có tới 37% số trẻ em bị thiếu cân mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu ăn. Những đứa trẻ thiếu ăn thì khó có thể học tốt và điều này góp phần tạo nên khúc luẩn quẩn khép kín của sự đói nghèo: những đứa trẻ này sẽ khó có cơ hội để được học hành tử tế và càng ít có cơ hội để lớn lên có thể kiếm sống được nhiều hơn các thế hệ đi trước. Rốt cuộc là "ông lão hôm nay đi bừa, là con ông lão năm xưa đi cày" và lại thêm một thế hệ mới những người nghèo đói.

Tình trạng đói ăn kéo dài là nguyên nhân dẫn tới sự chậm phát triển của nhiều quốc gia vì tại đấy thế hệ tiếp thế hệ chỉ là những người không có sức khỏe tốt và không được học hành tử tế…

Vương Khánh
.
.