Bên kia đỉnh hoàng kim:

NSƯT Mỹ Dung: Mũi hếch môi cong… một thuở

Thứ Năm, 20/08/2009, 16:07
Đã mười năm nay, NSƯT Mỹ Dung nghỉ hưu. Nhưng nếu tính chính xác thì đã tròn 6 năm nay rồi, sau vở kịch cuối cùng "Trăng soi sân nhỏ" (năm 2003) của đạo diễn Đặng Tú Mai, NSƯT Mỹ Dung đã im lìm với sân khấu, im lìm sau đỉnh vinh quang, im lìm với một thế giới riêng đầy hoài niệm với người chồng quá cố.

Nghệ sỹ Ưu tú Mỹ Dung nổi tiếng bởi nhiều lẽ. Trước hết, bà là diễn viên sân khấu đã từng vào các vở kịch kinh điển của sân khấu Việt Nam. Trong đó bà đã thể hiện rất xuất sắc các vai diễn của mình trong: "Âm mưu và hậu quả", "Âm mưu và tình yêu", "Vết thương ngày cũ", "Nhân danh công lý", "Nguyễn Trãi ở Đông Quan", "Vua Lia", "Nghêu Sò Ốc Hến", "Trăng soi sân nhỏ", và đặc biệt là vở diễn nổi tiếng một thời của sân khấu Việt Nam là vở "Hồn Trương Ba da hàng thịt". 

Thứ nữa, khi lấy chồng, bà về làm dâu trong một gia đình mà cả ba thế hệ cùng làm nghệ thuật. Cả ba thế hệ đều là những cây đại thụ trong làng sân khấu kịch nghệ từ bấy cho đến giờ. Bố chồng bà là NSND Thế Lữ, mẹ chồng bà là NSND Song Kim, chồng bà là NSND Nguyễn Đình Nghi, vì thế bà còn nổi tiếng bởi là vợ của một đạo diễn sân khấu lừng danh.

Khán giả mộ điệu sân khấu thuở ấy có thể đã từng hồi hộp đợi chờ, khóc cười, hạnh phúc và đau đớn bên cánh màn nhung lộng lẫy của sân khấu với từng vở diễn, từng vai diễn. Những vở diễn đã đóng đinh vào khán giả yêu sân khấu bởi sự chuẩn mực của nghệ thuật, sự thăng hoa cộng hưởng của những tài năng để tạo nên những vở diễn kinh điển của sân khấu Việt Nam.

Khán giả hâm mộ có thể không quên những khoảnh khắc làm nên những dấu ấn lịch sử trong thời hoàng kim của sân khấu nước nhà, nhưng nhân vật chính trong các vở kịch trên đã sống và cống hiến cho nghệ thuật lặng lẽ cả một đời, có thể khán giả sẽ không nhớ.

Thời gian không dừng lại, thời gian phủ lên ngày hôm qua những lớp bụi quên lãng. Lớp diễn viên cũ, những người như bà, đã lập nên những đỉnh cao vinh quang trong nghệ thuật biểu diễn, họ đã đi qua những đỉnh vinh quang ấy theo một lẽ tự nhiên và có phần nghiệt ngã nhất của thời gian, của nghệ thuật để nhường chỗ cho những gương mặt mới, tài năng mới.

Khán giả có thể quên bà, như lãng quên những người cũ, nhưng lịch sử sân khấu Việt Nam đã ghi danh tên tuổi của bà, cũng như những lớp diễn viên lứa đầu tiên của Trường Đại học Sân Khấu - Điện ảnh Việt Nam.

Trong căn hộ nhỏ xíu và xinh xắn tại khu tập thể Nhà hát Kịch Việt Nam, Nghệ sỹ Ưu tú Mỹ Dung đã sắp bước vào tuổi thất thập, ngày ngày sống bằng những hoài niệm xưa cũ. Bà là người Hà Nội gốc, bởi thế mà nếp sống, phong cách, tâm tư vẫn giữ nếp cũ của người Hà Nội xưa.

Đã mười năm nay, bà nghỉ hưu, buộc phải nói lời từ biệt với ánh đèn sân khấu, với những vở diễn đã sống trọn cùng cuộc đời bà qua bao nhiêu năm tháng. Nhưng nếu tính một cách chính xác thì từ năm 2003 sau vở kịch cuối cùng "Trăng soi sân nhỏ" của đạo diễn Đặng Tú Mai, bà để lại cho khán giả yêu sân khấu một khắc khoải nhớ hình ảnh bà ngoại Phương Á Nam với lối diễn sâu lắng, đầy ắp nội tâm và giọng nói truyền cảm, nối tiếp từ những vai diễn ấn tượng.

Nếu tính từ ngày đó, chính xác, đã tròn 6 năm nay rồi, NSƯT Mỹ Dung im lìm với sân khấu, im lìm sau đỉnh vinh quang, im lìm với một thế giới riêng đầy hoài niệm với người chồng quá cố.

Trong cuốn "Sân khấu và Những miền ký ức" của NSƯT Ngọc Hiền, người bạn gái thân thiết nhất của bà từ tuổi ấu thơ đã viết về Mỹ Dung những dòng này: "Tại mái trường Điện ảnh và Sân khấu Việt Nam, Mỹ Dung đã tìm thấy hạnh phúc của mình. Trước đó, chị đã có một tình yêu đầu tiên bị đổ vỡ… Vốn là người con gái hiền lành và dung dị, sự đổ vỡ ấy đã làm cho chị mất thăng bằng. Đến khi gặp anh Nguyễn Đình Nghi, Mỹ Dung đã được sưởi ấm, được an ủi, được yêu! Chị như được tình yêu chắp cánh, được trở lại vẹn nguyên là một thiếu nữ Hà Nội tinh khôi và yêu đời. Số phận đã mỉm cười với chị, đã đem lại cho chị tình yêu và hạnh phúc mà chị xứng đáng được nhận. Năm 2001, chồng chị, NSND Nguyễn Đình Nghi, đã vĩnh viễn ra đi… Mỹ Dung sống trong nỗi buồn đơn lẻ. Mặc dù các con chị, cả dâu, rể và các cháu nội ngoại luôn quây quần bên cạnh, nhưng nỗi trống vắng không thể một lúc nguôi ngoai".

Ba năm đầu sau khi chồng bà mất, một lần nữa, Mỹ Dung lại mất thăng bằng, bà gần như suy sụp trong nỗi héo mon, sầu muộn. Nhớ chồng, trước mặt các con cháu thì bà giữ sự bình thản. Mỗi khi đêm xuống, hay một mình đối diện với chính mình trong căn phòng, bà để cho nước mắt lặng chảy hàng giờ. Bà để bức ảnh chồng bên gối, để mở mắt ra là có thể nhìn thấy chồng, trò chuyện cùng chồng.

Ngày xưa khi vào vai một người mẹ có con hy sinh ở chiến trường, bà phải đóng vai trò chuyện với linh hồn con trai qua bức ảnh. Vai diễn đó đã làm cho bà không cắt nghĩa nổi tại sao lại phải nói chuyện với bức ảnh, và bà cho rằng, nghệ thuật sân khấu là sự cường điệu so với đời thực. Đến lúc chính bà mất đi người chồng mà bà nhất mực yêu thương, tôn thờ, đêm đêm bà lặp lại hành động vô thức ngày bà diễn kịch là trò chuyện cùng chồng qua bức ảnh.

Đến lúc này, khi đã giã từ sân khấu rồi, bà mới biết nghệ thuật đích thực luôn bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Giờ, bà mới hiểu vì sao người mẹ ấy đã nói chuyện hằng giờ liền trước di ảnh con trai. Mỹ Dung kể đến đây, nước mắt bà lại giàn giụa. Bà không thể nào ngăn nổi những giọt nước mắt vẫn còn đầy ắp trong nỗi nhớ khôn nguôi về người chồng của bà, mặc dù ông đã ra đi 10 năm nay.

Ba năm đầu sau khi ông mất, ngày nào mưa cũng như nắng, bà đội dù đi bộ ra Bờ hồ. Nhất là những ngày mưa, bà đi ra và ngồi trên ghế đá. Nước mắt trộn lẫn với mưa, chảy dầm dề trên gương mặt. Bà ngồi ở chỗ quen thuộc nơi có một cây liễu mới trồng, thân mảnh như ngón tay út. Bà ngồi đó và khóc mãi với nỗi nhớ chồng, cho đến lúc bà nguôi ngoai dần. Khi bà biết mình đã vượt qua được cú sốc tinh thần lớn, giật mình nhìn lại thì cây liễu đã xanh um tươi tốt cả một góc hồ.

Ngày đó, một buổi sáng mờ sương, bà đã mang máy ảnh ra và chụp lại cây liễu nơi góc Bờ hồ đã im lặng an ủi bà những lúc đau khổ tột cùng. Bức ảnh ấy bà vẫn đặt trên bàn đầu giường ngủ. Bạn gái thân của bà, NSƯT Ngọc Hiền đã lấy câu thơ Xuân Diệu làm đề từ cho bức ảnh để chỉ tâm trạng của bà trong những ngày chịu đựng nỗi đau khủng khiếp nhất của đời mình: "Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng"

Khánh Thi
.
.