Môi trường giá bao nhiêu?

Mức giá nào cho đủ?

Thứ Tư, 27/07/2016, 06:07
Tôi mới được xem video ngắn giới thiệu một sáng kiến mới, có tên là Wakar Water, của kiến trúc sư Arturo Vittory, và tôi cảm thấy ấn tượng hết mực với sáng kiến đó. Đó là một kết cấu được tạo thành bởi những sợi tre, sợi bẹ chuối, kết thành các màng lưới. 


Và mục đích của nó, rất đơn giản: thu thập sương trong không khí để lắng đọng thành nước dùng cho những cư dân ở các vùng hạn ở châu Phi. Một kết cấu Wakar Water như thế có thể được dựng lên chỉ trong một ngày, với kinh phí 1.000 USD và lượng nước thu lại mỗi ngày có thể lên tới 1.000 lít.

1 ngàn USD, đó là một mức tiền rất cao đối với những người nghèo. Nhưng 1.000 lít nước mỗi ngày cho họ: miễn phí, sạch sẽ, thân thiện với môi trường…, lại là hiệu quả đáng kinh ngạc. Tôi chợt nghĩ tới những ngày khô hạn của đồng bào miền Tây Nam bộ, cao nguyên trung phần hồi đầu mùa hè vừa rồi. Và tôi ước gì ông Arturo Vittory kia ở Việt Nam lúc ấy, để ông có thể dựng cho đồng bào tôi những kết cấu Wakar Water rải khắp nơi. 

Minh họa: Hữu Khoa.

Nếu điều đó xảy ra, sẽ không có những người phải bỏ 200 ngàn ra mua một mét khối nước, đục lờ nhờ, nhưng với họ thì quý hơn vàng. Và những người làm thiện nguyện đợt hạn hán đó cũng sẽ có thể dùng tiền mình làm thiện nguyện để tạo ra các Wakar Water thay vì bỏ tiền chở nước về miền hạn xa xôi. Chi phí họ bỏ ra, chắc chắn rẻ hơn nhiều.

Thân thiện với môi trường, thứ công nghệ được coi là hiện đại của hiện tại và tương lai, vốn dĩ bị nhìn nhận là yêu cầu đầu tư rất đắt đỏ. Nhưng cái đầu tư đắt đỏ đó mang lại thứ mà tất cả chúng ta đều cần: Chúng ta không phải trả giá đắt trong tương lai như việc đầu tư cho những thứ không thân thiện với môi trường.

Trong sách Huấn ca, nằm trong bộ kinh Tanakh của Do Thái giáo có một câu rất hay. Đó là: "Cái gì đã xảy ra, rồi sẽ quay lại. Việc gì đã hoàn thành, rồi sẽ lại được hoàn thành trở lại. Không có gì mới dưới mặt trời. Cái cũ, chính là cái mới, ở diện mạo mới".

Câu dụ ngôn của Huấn ca đang hợp với hướng phát triển của loài người. Đó là trở về với căn bản, trở về với cái gốc. Thân thiện với môi trường chính là cái gốc của sinh tồn, cái gốc mà chúng ta không bao giờ có thể rời bỏ.

Một ví dụ của việc trở lại với căn bản, thân thiện với môi trường chính là xu hướng sử dụng xe đạp ngày càng nhiều trên thế giới. Con người giam mình trong các building; ăn thức ăn nhanh; tiếp xúc với một đời sống không trong lành quá lâu và bởi thế, hoạt động thể chất là vô cùng quan trọng. Xe đạp giúp họ vận động. Và xe đạp cũng khiến họ không thả khói bụi ra môi trường như xe cơ giới. 

Bởi thế, các nước càng văn minh, càng phát triển, môi trường càng ngày càng trong lành hơn trong khi những nước nghèo và đang phát triển, vì nóng vội trong các bài toán kinh tế, dân sinh trước mắt, ngày một ô nhiễm hơn.

Khi ô nhiễm hơn, cái giá phải trả đắt hơn rất nhiều.

Chúng ta trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc, với những cánh rừng đầy thuốc diệt cỏ của người Mỹ. Và rất nhiều vùng đất bị thương tật ấy vẫn chưa lành lặn trở lại. Mỗi thương tật mà môi trường phải gánh chịu đều đòi hỏi thời gian rất dài để phục hồi, theo cơ chế tự nhiên của nó. Thậm chí, có những thương tật đòi hỏi thời gian phục hồi kéo dài hàng trăm năm.

Cái giá ấy đắt ở chỗ, không chỉ chúng ta, mà mấy thế hệ kế tiếp chúng ta, không thể sinh sống, không thể an toàn trong hoàn cảnh môi trường thương tật mức độ lớn như vậy. 

Cái giá phải trả nằm ở đó, chứ không phải ở con tính bồi thường thiệt hại dân cư bao nhiêu tiền; phục hồi cảnh quan, môi sinh bao nhiêu tiền. Nó là cơ hội của thế hệ kế tiếp. Giống như hôm nay, sau vụ Vũng Áng, mỗi người Việt mang một vết thương tinh thần với cá biển.

Khi được hỏi: "Môi trường giá bao nhiêu?", tôi đã sững người trước đồng nghiệp đã hỏi tôi câu đó. Tôi nhìn thấy trong mắt anh ta nỗi tuyệt vọng. Tôi thấy trong mắt anh ta nỗi buồn ghê gớm. 

Tôi biết anh ta có những đứa con, nhỏ như con tôi, và anh ta lo sợ rằng, con mình cũng như con của bạn bè mình, sẽ phải gánh những gánh nặng kinh khủng trong tương lai, mà người chất gánh lên lại chính là thế hệ cha ông chúng.

Tôi lặng im, không dám nói. Để rồi, khi suy nghĩ thật kỹ, tôi trả lời anh ta (hi vọng anh ta đọc được) bằng bài viết này.

Môi trường tức là mẹ thiên nhiên. Và có kẻ nào có thể định giá mẹ của mình hay không, kể cả đó là kẻ bất hiếu nhất trên cõi đời này?

Hà Quang Minh
.
.