Một dòng sông, một đời thơ...

Thứ Bảy, 31/05/2008, 13:45
Lần này, tôi trở lại Thạch Hãn, không phải để ngồi lại bên bờ hay để được hưởng niềm sảng khoái băng băng dọc quốc lộ 1 qua con sông giới tuyến, mà thực hiện một chuyến đi theo chiều ngang đất nước - ngược dòng sông lên phía thượng nguồn.

Điều đáng nói là chuyến đi lại do một người ở TP Hồ Chí Minh tổ chức - bác sĩ Nguyễn Lương Vân, người con của Quảng Trị. Từ sau ngày đất nước thống nhất, cô đã trở về quê mấy lần, nhưng đi ngược dòng Thạch Hãn là mơ ước cả đời, nay cô mới thực hiện được. Trong tâm tưởng cô, thượng nguồn Thạch Hãn với bến Trấm và chiến khu Ba Lòng là vùng đất thơ mơ mộng mà thiêng liêng. Nơi ấy, hơn nửa thế kỷ trước, nhà thơ Lương An - thân phụ của cô - đã viết bài thơ để đời của mình:

"Đò em lên xuống Ba Lòng/ Chở người cán bộ qua vùng chiến khu… Ai về bến Trấm thì lên/ Về cho sơm sớm mưa đêm khó chèo".  

Bài thơ viết bên Khe Su tại chiến khu Ba Lòng năm 1948. Hơn nửa thế kỷ đã qua và tác giả đã mất tại TP Hồ Chí Minh năm 2004. Chuyến "về nguồn" của Lương Vân cùng người em trai và mấy đứa cháu của nhà thơ như thế là muộn màng. Nhưng chính sự muộn màng này lại có ý nghĩa. Nó chứng tỏ THƠ không bị mai một qua thời gian và cuộc đời - dù con người luôn phải bận rộn lo toan vì cuộc mưu sinh - vẫn cần đến THƠ. Lâu nay thiên hạ thường tìm về "nguồn" là những thánh địa, những nơi "khai sinh" một sự kiện lịch sử…, nay có người con tìm về ngọn nguồn gợi cảm hứng một bài thơ của cha mình, không phải là điều thú vị sao?

Tôi và anh Nguyễn Khôn - một cán bộ ngoại giao đã về hưu, em trai nhà thơ Lương An, ra Quảng Trị thì chuyến "về nguồn" đã được Lương Vân sắp đặt chu đáo. Từ TP Hồ Chí Minh bay ra Huế, cô lên xe về Quảng Trị hôm trước để liên hệ xe, thuê thuyền, lo chuyện ăn uống… Quảng Trị chưa tính tới tuyến du lịch ngược sông Thạch Hãn, nên mọi chuyện phải tự xoay xở lấy.

Từ căn nhà người cháu của nhà thơ trong Thành cổ, xe đưa chúng tôi đi qua "Thánh địa" La Vang, lên đập chắn công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn chờ đò. Trong cái nắng Quảng Trị chưa trưa đã nóng, dưới những bóng cây bạch đàn lưa thưa mọc chen với cỏ dại trên sườn đồi khô cằn, khoảng trời mây nước mênh mông mát rượi phía thượng nguồn Thạch Hãn hiện ra trước mặt thật bất ngờ và càng có sức mời gọi.

Thạch Hãn - tôi không chỉ đi qua nhiều lần, mà đã từng sống nhiều ngày ở đây trong thời gian xây dựng cầu Thạch Hãn và công trình thuỷ lợi Nam Thạch Hãn. Sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, những công trình mới có sức hấp dẫn đặc biệt. Ngày lao cầu Thạch Hãn, nối thông tuyến đường sắt Thống nhất, tôi đã kéo cả đoàn văn nghệ sĩ từ Huế - trong đó có Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San… ra xem.

Khung sắt thép đồ sộ tựa trên những khối bê tông cắm sâu xuống lòng sông - vẻ đẹp nhân tạo thời đó đã làm chúng tôi như "quên" báu vật mà tạo hoá đã hào phóng ban cho vùng đất hẹp từng phải gánh chịu nhiều gian khó này. Chính tác giả của "Cô lái đò", mãi sau khi bom đạn thôi gầm thét và ông được "giải thoát" khỏi các chức vị trong làng văn nghệ mới để tâm đến báu vật của quê hương.

Ông dẫn chúng ta về tận ngọn nguồn dòng sông Thạch Hãn -  mà sách "Đại Nam nhất thống chí" đã viết: "Sông nguồn rất xa, nước rất trong và ngọt". Hơn thế, bảng nhãn Vũ Duy Thanh (quê Ninh Bình) trên đường vào Huế nhận chức Tế tửu Quốc Tử Giám (tương tự như Viện trưởng Đại học quốc gia ngày nay), trong bài thơ về Thạch Hãn, không chỉ ca ngợi "Ấy cảnh tự nhiên ai khéo vẽ/ Mà kho vô tận lúc nào khan", mà còn tôn vinh: "Đây phải Liêm tuyền chăng đó tá?/ Muốn đem rửa ruột khách quan san" - "Liêm tuyền" - suối Liêm, tức dòng sông của sự thanh liêm, một vẻ đẹp cao quý không còn thuần tuý là hình thức nữa.

Và những người con của Quảng Trị, xưa và nay, theo nhà thơ Lương An, "đã biết tắm rửa mình trong nước suối Liêm để lại bao tấm gương sáng về đạo đức. Đó là Nguyễn Quận ở làng An Chế, đánh tan giặc, đứng trước vàng lụa chất đầy vẫn không thèm lấy một mảnh, chỉ cầm một lá cờ chiến lợi phẩm; là Trương Thiện Thuật ở Triệu Phong, Nguyễn Tự Khiểm ở Gio Linh… bị giặc bắt, dụ dỗ mấy cũng không hàng, quyết chết trong hơn sống đục…". Và trong danh sách khó kể hết ấy, có "Cô lái đò" của nhà thơ:

"Tây lên mấy chuyến Ba Lòng/ Đò em nhận nước cũng chừng ấy phen/ Tây về em lại kéo lên/ Đêm đêm cứ ngược xuôi miền chiến khu…".

Hai mươi lăm năm sau (1972), trở lại quê hương giải phóng, nhà thơ gặp lại "Cô lái đò ngày xưa nay thành bà mẹ/ Mái tóc xanh đã ngả màu bông/ Giọng hát và tay chèo vẫn trẻ". Hơn ba chục năm nữa đã qua! "Cô lái đò" ấy chỉ còn trong thơ…

Ông chủ chiếc thuyền vận tải tạm sắm vai thuyền du lịch đã mời chúng tôi xuống bến tạm để đến với nguồn thơ.

Quả là "danh bất hư truyền". Trong nắng hè vàng óng và gió mát vừa đủ làm gợn sóng, giữa đôi bờ xanh mướt ngàn cây vươn lên từ những bàn tay cần cù và sức sống bền bỉ của vùng đất bao năm bị bom đạn huỷ diệt, dòng sông trong xanh lấp lánh in bóng mây trời và những đỉnh núi cao ngất trùng điệp phía xa có sức mời gọi con thuyền băng băng lướt tới.

Khắp mặt sông và cả hai sườn đồi núi bên sông hầu như không một bóng người, không một công trình xây dựng. Trong khi khắp nơi đua nhau tàn phá thiên nhiên, đến nước ngọt để uống cũng thiếu, mặt đất bị đào xới nham nhở, thì khung cảnh bình yên gần như nguyên sơ ở đây đúng là một báu vật còn ít người biết đến. Thật không ngờ thượng nguồn Thạch Hãn lại có đoạn rộng mênh mông như thế…

Và chợt nghĩ: Quảng Trị cũng như miền Trung đâu phải là dải đất hẹp. Đỉnh Trường Sơn phía Lao Bảo còn tít tắp kia. Và ngoài dải cát trắng ven biển còn đảo Cồn Cỏ, tàu cao tốc chạy mấy giờ mới tới. Tôi đã có dịp lên thuyền đánh cá với bà con ở Cửa Tùng, chỉ rợn ngợp trước sự mênh mông và ngỡ ngàng khi thưởng thức hương vị thơm ngon của cá hồng tươi nguyên giữa trùng khơi, chứ chẳng hề cảm thấy chật hẹp.

Chiếc thuyền đang rẽ sóng lướt tới, bỗng tiếng máy nổ dịu đi khi cháu nhà thơ Lương An trong vai người dẫn đường chợt kêu lên:

- Bến Trấm đó!... Qua bến Trấm rồi!

- Quay lại đi! Ghé vô bến Trấm đã…

Lương Vân cất chiếc kính râm, xoay người nói với chủ thuyền. Mũi thuyền đã đổi hướng và tiến gần bờ. Nhưng bến Trấm - nơi dập dìu bước chân cán bộ, chiến sĩ về vùng địch hậu hay lên chiến khu xưa là đâu?

- Bến Trấm đó!...--PageBreak--

Người dẫn đường đưa tay chỉ một lối mòn từ bờ sông ngược lên sườn đồi thoai thoải thẳng tắp những luống sắn và xa tít phía trong thấp thoáng một mái nhà tranh. Như để làm chứng rằng đây thực sự là một cái "bến", một chiếc đò tam bản bé nhỏ như thứ đồ chơi nhẹ lướt về phía lối mòn.

Vậy là cũng như "Cô lái đò", bến Trấm chỉ còn lại trong thơ. Chúng tôi ghé ngồi lại chốc lát dưới một bóng cây cách bến Trấm một quãng ngắn, nghe anh Khôn nhắc lại vài kỷ niệm theo ông anh nhà thơ đi kháng chiến… Nhiều người nhắc đến Lương An thường chỉ nhớ bài thơ "Cô lái đò" mà không biết cùng thời gian ấy, cũng bên dòng Thạch Hãn này, nhóm văn nghệ "Nguồn Hàn" (một tên gọi khác của sông Thạch Hãn) đã được khai sinh, mà ông và nhà thơ Dương Tường là hai nhân vật chủ chốt.

Hoạt động cho đến năm 1952, "Nguồn Hàn" không chỉ tập hợp những văn nghệ sĩ ở địa phương mà còn là nơi giao lưu, tổ chức đi thực tế chiến trường cho rất nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi thời đó như Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hồng Chương, Trần Hoàn, Vĩnh Mai, Bửu Tiến, Phạm Duy…

Chuyến đi tưởng là chỉ tìm đến ngọn nguồn một bài thơ, hoá ra đây còn là nơi khai sinh cả một dòng thi ca kháng chiến chân chất mà hào hùng có vị trí không nhỏ trong lịch sử văn nghệ Việt Nam

"Đêm Hoàng cung" trong Đại nội Huế, rực rỡ sắc màu, rộn ràng những lời ca điệu múa, náo nức bước chân du khách Ttây và ta. Trên sân Cung Diên Thọ, quanh những chiếc chiếu hoa có khay rượu và trà ngon theo kiểu các "chiếu thơ" ngày xưa, người yêu thơ, bạn bè văn nghệ, học sinh lớp chuyên văn Trường Quốc học quây quần bên nhau cùng dự "Đêm thơ Lương An". Đặc biệt, bà con, bạn bè nhà thơ - trong đó có bà lão trên 80 tuổi, đánh hẳn một chiếc xe từ làng Tài Lương quê hương Lương An, vào Huế dự đêm thơ. 

Không phải ngẫu nhiên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng với Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên - Huế lại đi rước nhà thơ của "Nguồn Hàn" về Hoàng cung giữa đêm hội lộng lẫy vàng son. Hơn sáu chục năm trước, chính vào những ngày tiền Cách mạng Tháng Tám này, tại Trại Công chức trong Đại nội này, quãng gần cửa Đông Ba, chàng trai quê làng Tài Lương vừa nhận chức thừa phái của Bộ Lại cùng thân phụ - một cụ Tú tài Hán học và từng là hội viên Hội Duy Tân - từ Quảng Trị vào thăm con, theo đề nghị của nhà cách mạng đồng hương Hồng Chương, đã cặm cụi ngày đêm chép lại "Thư gửi đồng bào" đoàn kết đánh đổ Pháp - Nhật của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bằng chữ Hán để chuyển cho các nhân sĩ, công chức Nam triều: "Do thử ngô dân than ngâm ư song trùng áp bức chi hạ, ký vi Pháp tặc chi mã ngựa…" (Vì thế dân ta rên xiết dưới hai tầng áp bức, đã làm ngựa trâu cho quân giặc Pháp, lại làm nô lệ cho quân cướp Nhật).

Thật là có ý nghĩa khi "Đêm thơ Lương An", một quan chức cuối cùng của Triều Nguyễn sớm đến với Cách mạng, từng viết kịch thơ Huyền Trân Công chúa, dịch thơ của ông Hoàng Tùng Thiện Vương và công chúa Mai Am, sưu tầm giới thiệu vè "Thất thủ kinh đô"… được tổ chức chính tại Hoàng cung Huế.

Chương trình không thể thiếu bài thơ "Cô lái đò" - tác phẩm được phổ biến nhiều nhất, được in trong các tuyển tập thơ quan trọng trong thời gian qua, đến mức có bạn văn nghệ đã gọi đùa ông là "nhà-thơ-một-bài". Trong văn học nghệ thuật, "quý hồ tinh bất quý hồ đa"…

Ngồi cùng chiếu với chồng và chú Nguyễn Khôn, bác sĩ Lương Vân thỉnh thoảng lại đưa khăn chấm nước mắt. Quá xúc động, cho đến phút chót, người con gái độc nhất của nhà thơ đã phải "uỷ quyền" cho chồng là anh Lê Văn Kinh nói đôi lời cảm tạ Ban tổ chức đêm thơ. Nhiều bà con của nhà thơ từ Quảng Trị vào thì tỏ ra ngơ ngác một cách thích thú, không ngờ ông già hom hem hiền lành như cục đất của quê mình lại được nhiều người yêu mến và kính trọng như thế. Cũng không ngờ ông còn có những bài thơ tình lãng mạn như thế.

Từ trước Cách mạng Tháng Tám, báo Tràng An ở Huế đã đăng nhiều bài thơ lãng mạn của ông, tiếc là chỉ mới tìm thấy một ít bài. Cung Diên Thọ nay chẳng còn quý bà của vương triều Nguyễn, nhưng qua giọng ngâm của Nghệ sĩ ưu tú Bạch Hạc trong khăn áo lóng lánh kim tuyến như một công chúa, với những câu thơ thật tình, thật lãng mạn trong bài "Bên dòng Hương" mà chàng thừa phái Lương An viết từ năm 1940, chúng ta tưởng như thấy lại vẻ đẹp của Huế xưa:

 "Xin mời nương nương/ Cùng nâng cao chén/ Trời đã lên sương/ Vắng người trên bến…/ Say đi nương nương/ Đây làn gối dịu/ Gió thoảng mùi hương/ Bờ run lệ liễu…/ Sao nhạt mây mờ/ Thuyền già ân ái/ Điệu hát ngày xưa/ Đâu còn nhớ mãi…".

Vì điều kiện đặc biệt của cuộc kháng chiến, cũng vì quan niệm ấu trĩ về văn nghệ một thời, mà mạch thơ lãng mạn thật sự là THƠ của Lương An không được phát triển. Nhưng bù lại chúng ta có thêm nhà nghiên cứu uyên thâm Lương An và người lãnh đạo văn nghệ giàu tình nhân ái ở một vùng đất thơ…

               Trường An - Huế, tháng 8/2007 - 4/2008

Nguyễn Khắc Phê
.
.