Minh bạch cho ai

Minh bạch có khó không?

Thứ Hai, 28/08/2017, 16:12
Bất kỳ xã hội nào cũng vậy, để phát triển thì môi trường xã hội đó phải được minh bạch. Còn ngược lại, nếu môi trường xã hội mập mờ, gian dối thì những tiêu cực tất sẽ nảy sinh. 

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về những khuất tất trong BOT, những quyết định ẩn kín trong công tác bổ nhiệm, những khối thua lỗ nghìn tỷ… vẫn chưa có những lời giải như mong đợi. Thêm lần nữa, chúng tôi trở lại vấn đề minh bạch.

Câu chuyện về các dự án BOT giao thông, mà điển hình nhất là trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) là một tiêu cực điển hình như thế.

Tại trạm thu phí BOT Cai Lậy suốt nửa tháng qua, các tài xế cứ dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500, 1.000 đồng vo tròn bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm. Mục đích của việc làm này là để phản đối việc đặt trạm thu phí bất hợp lý ở quốc lộ 1. Họ yêu cầu dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh, vì đây mới là đường được đầu tư xây dựng. Việc trả tiền lẻ khi qua trạm này vào những khung giờ cao điểm khiến xe cộ bị ùn ứ cả giờ đồng hồ.

Đây không phải là một câu chuyện mới bởi trước trạm BOT Cai Lậy thì các tài xế cũng đã phản ứng gần như tương tự là trả tiền lẻ, diễu hành bằng ôtô tại hàng loạt trạm BOT khác, như: trạm BOT cầu Bến Thủy; BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh); trạm BOT Quán Hàu (Quảng Bình); BOT Tam Nông (Phú Thọ);...

Vậy ta nhìn thấy gì từ hành động này của các tài xế? Thông thường, ai cũng sợ cảnh kẹt xe, nhất là các bác tài xe tải chở hàng hóa. Mỗi lần ùn tắc giao thông kéo dài như thế, sự hư hại của hàng hóa, sự mất thời gian vô ích, hao tốn nhiên liệu, sức khỏe... có thể sẽ lớn hơn nhiều so với việc hằng ngày vài lần họ đi qua trạm thu phí.

Nhưng, các tài xế vẫn chọn cách trả tiền lẻ và tất nhiên vui vẻ chấp nhận chôn chân trên quốc lộ vì tắc đường. Và hàng ngàn người lại bày tỏ sự tán thưởng hành động đó. Điều đó có nghĩa là trong suy nghĩ của nhiều người, sự tồn tại của trạm thu phí này còn tệ hại hơn rất nhiều so với việc phải chấp nhận tắc đường.

Minh họa: Lê Phương.

Phản ứng bất cần này cho thấy nỗi ấm ức, ngưỡng chịu đựng đã bị vượt giới hạn; nó cũng cho thấy một điều rằng, niềm tin của họ vào sự minh bạch, đàng hoàng của bộ phận cơ quan công quyền đã bị đổ vỡ. Mà cụ thể hơn là những trạm thu phí BOT nhập nhèm chính là thứ đã cướp đi niền tin ấy của dân chúng! Mà thiệt hại về niềm tin, đó là thiệt hại không thể nào đong đếm được bằng tiền.

Song, dường như các nhà quản lý không nhìn hiện tượng ở BOT Cai Lậy theo khía cạnh đó, họ lại nhìn nhận ở một khía cạnh chưa được thỏa đáng khi cho rằng đó là những hành vi tiêu cực của tài xế và xem xét việc xử lý! Cũng chính vì thế mà hành động trả tiền lẻ cứ liên tục diễn ra thời qua như một sự phản ứng quyết liệt nhất.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, có quá nhiều khuất tất trong các dự án BOT giao thông. Điển hình là trong quá trình triển khai việc xây dựng kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ GTVT đã thực hiện không đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy định. Trong hơn 70 dự án BOT và BT tại Bộ GTVT đều không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% đều là chỉ định thầu.

Một khuất tất khác đó là hầu hết các dự án BT và BOT đều thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ tham gia giao thông lớn nhưng đặt các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, thời gian thu phí quá dài.

Còn nhớ vào năm 2012, khi Bộ GTVT đề xuất thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ, Bộ trưởng thời đó là ông Đinh La Thăng hứa sẽ loại bỏ dần các trạm thu phí đường. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại thì hầu như mọi tuyến quốc lộ huyết mạch đều có trạm thu phí như ở con đường vận tải huyết mạch của nước ta - quốc lộ 1 thì có tới hơn 20 trạm thu phí (!).

Và trạm thu phí không chỉ xuất hiện trên các tuyến đường được xây mới, như trường hợp trạm BOT Cai Lậy là một ví dụ. Kết luận vừa qua của Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ rõ rằng, phần lớn các dự án theo hình thức BOT là cải tạo tuyến đường cũ chứ không phải là xây đường mới. Có nghĩa là trên một đoạn đường quốc lộ cũ, nhà đầu tư trải lên lớp nhựa mới và có thể thản nhiên giáng xuống đó một trạm thu phí BOT!

Song, điều này lại trái với Nghị định của Chính phủ liên quan đến Quỹ Bảo trì đường bộ. Bởi theo Nghị định thì nguồn thu phí trên đầu phương tiện được chi cho việc bảo trì, quản lý, vận hành hệ thống quốc lộ và tỉnh lộ. 

Như vậy có nghĩa là người dân đã đóng phí bảo trì để được đảm bảo việc đi lại trên các tuyến đường này. Thế nhưng với cách thu phí tại các trạm BOT như hiện nay thì có nghĩa là họ vẫn phải trả thêm tiền để mua quyền được sử dụng đường từ các nhà đầu tư BOT, trên chính đường mà họ đã trả phí.

Bản chất của vấn đề là phí chồng thuế, các tài xế phản ứng với các trạm BOT cũng vì lý do đó!

Trong tiếng Anh, BOT tức là Build - Operate - Transfer có nghĩa là: "Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao". Nhưng khái niệm BOT này hoàn toàn khác với thực tế của đa số các tuyến đường BOT thu phí của dân hiện nay. Và như vậy thì rõ ràng là việc phát triển hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT đang đi ngược lại với lợi ích của người tham gia giao thông!

Sự thiếu minh bạch, sai sót từ nhiều dự án BOT giao thông thời gian qua đã ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích chính đáng của người dân. Từ "ngòi nổ" trạm BOT Cai Lậy, đã đến lúc Chính phủ cần vào cuộc thanh tra và quyết liệt xử lý để trả lại quyền lợi của người dân.

Với bất kỳ xã hội nào cũng vậy, để phát triển thì môi trường xã hội đó phải được minh bạch! Còn ngược lại, nếu môi trường xã hội mập mờ, tiêu cực, sai trái thì những hệ lụy tất yếu sẽ nảy sinh. 

Câu chuyện về các dự án BOT giao thông, mà điển hình nhất là trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) là một tiêu cực điển hình như thế. Những tiêu cực đó đang làm mất đi dần khả năng tin vào sự minh bạch, đàng hoàng của một bộ phận công quyền. Và đó là một điều vô cùng nguy hiểm.

Vậy câu hỏi đặt ra là để minh bạch có khó hay không?! Từ rất nhiều câu chuyện thiếu minh bạch trong BOT giao thông, trong quản lý điều hành, trong đề bạt cán bộ,... thì có thể nói rằng, minh bạch khó hay không tùy vào việc người ta nhìn nhận lợi ích ở góc độ nào, cho ai!?

Cuối cùng, xin kể lại một chuyện về BOT, đó là trạm BOT Tào Xuyên (Thanh Hóa) đã thu hồi được quá số vốn đầu tư dự án đường tránh TP Thanh Hóa sớm hơn 20 năm so với dự tính. Vậy mọi người đã hiểu lợi nhuận lớn thế nào từ dự án này!

Ấy chỉ mới là chuyện của BOT.

Hoàng Lãm
.
.