Hướng tới kỷ niệm 90 năm Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2007):

Mạnh vì đúng

Thứ Tư, 07/11/2007, 14:45
Lịch sử không bao giờ có những phương án hoàn hảo và thực tế luôn chỉ là một giải pháp tối ưu trong giai đoạn này hay giai đoạn khác. Chính vì thế nên khi xét đoán về quá khứ, cần tránh từ "nếu như" và các suy diễn chủ quan có thể phát sinh từ đó.

Nhìn lại cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga trên cơ sở những kinh nghiệm đã tích lũy được, nhân loại hoàn toàn có quyền tự hào. Cho tới hôm nay vẫn có thể nói rằng, học thuyết Mác-Lênin đã từng có sức mạnh vô địch trong những tình huống lịch sử nhất định của thế kỷ XX ở những nơi nó được áp dụng đúng.

Cách đây gần 90 năm, nhân loại đã được chứng kiến và trải nghiệm một cuộc cách mạng vĩ đại, lần đầu tiên cố gắng thay đổi những nguyên lý cầm quyền bất công ngàn đời nhằm xây dựng một xã hội thực sự công bằng, bình đẳng... Đó là cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga với 10 ngày rung chuyển thế giới năm 1917.

Dẫu rằng Liên Xô hiện nay đã bị tan rã, nhưng vẫn tiếp tục tồn tại một sự thật không gì có thể chối bỏ: Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lênin, những người cộng sản ở một phần sáu địa cầu từng lập nên được những kỳ tích có ảnh hưởng lớn lao không chỉ đến vận mệnh nước Nga, mà cả trên quy mô toàn cầu.

Chính sức mạnh do những ưu việt của CNXH đem lại đã giúp những người Xôviết đóng góp phần quyết định trong chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít trong thế chiến thứ hai. Chính sự tồn tại trong gần một trăm năm của hệ thống XHCN thế giới đã góp phần ngăn chặn không cho cái ác mang gương mặt đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa (TBCN) mặc sức hoành hành và đã làm nhân đạo hơn tiến trình phát triển của nhân loại trong thế kỷ XX. Chính những thành quả ban đầu của công cuộc xây dựng CNXH tại Liên Xô cũ đã góp phần cổ vũ những dân tộc khác, ở các châu lục khác, tự giải phóng mình, bước vào con đường mới.

Thậm chí, ngay cả những sai lệch trong mô hình xã hội XHCN thực tế từng tồn tại ở Liên Xô và Đông Âu trước đây cũng có tác dụng tạo nên những kinh nghiệm hữu ích cho phong trào cách mạng thế giới, cho những quốc gia hiện nay vẫn vững bước trên con đường tiến tới xã hội XHCN trên cơ sở nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp nhuần nhuyễn với những tư tưởng cách mạng đặc thù của đất nước, dân tộc mình.

Nhân loại giờ đây càng bình tĩnh nhìn lại và thấy rằng, sự tan rã của Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu hoàn toàn không có nghĩa là tư tưởng XHCN bị phá sản. Sự tồn tại và đi lên một cách tự tin, chắc chắn của một số các nước XHCN châu Á trong bối cảnh thế giới vô vàn biến động và khó khăn, là những thí dụ rõ ràng về sức sống của một tư tưởng vĩ đại, của một ước mơ có thể trở thành hiện thực.

Không phải ngẫu nhiên là ngay tại  phương Tây, việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Những năm gần đây đã diễn ra nhiều cuộc hội thảo quốc tế lớn về vận mệnh của chủ nghĩa Mác trong xã hội hiện đại ở Anh, Mỹ, Pháp...

Tượng đài Các Mác và Ăngghen tại Berlin. Trong ảnh là Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an cùng những người dân Đức tới đặt hoa tưởng niệm những nhà tư tưởng vĩ đại của chủ nghĩa Cộng sản Khoa học.

Trước tác của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn tiếp tục được ấn hành và nghiên cứu. Việc các phong trào và chính đảng tả khuynh hay thiên tả tại một loạt nước tư bản phát triển đang gia tăng vị thế xã hội của mình cho thấy, nhân loại vẫn rất cần những tư tưởng XHCN trên con đường gian nan tiến tới tương lai, tiến tới hạnh phúc thực sự của mình.

Người ta nhận thấy rằng, những luận điểm cơ bản của Mác, Ăngghen và Lênin về các mâu thuẫn của CNTB, về xã hội XHCN... đến nay vẫn còn nguyên giá trị, dù xã hội loài người trong hơn một trăm năm qua đã có rất nhiều thay đổi. Giai cấp công nhân thời hiện đại vẫn tiếp tục mang trong mình sức mạnh có thể cải tạo xã hội một cách căn bản như chủ nghĩa Mác-Lênin từng khẳng định.

Vấn đề mấu chốt hiện nay là phải biết kế thừa và vận dụng một cách đúng đắn di sản đồ sộ của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin vào tình hình cụ thể ở từng nước trong từng giai đoạn cụ thể của cuộc đấu tranh cách mạng và từ đó, đưa ra được những quyết sách hợp lý và hợp thời cho công cuộc xây dựng CNXH, nhằm tạo nên một xã hội XHCN thực sự bình đẳng và dân chủ, thực sự có sức mạnh để bảo đảm đời sống tinh thần và vật chất ngày càng đầy đủ hơn, ngày càng công bằng hơn cho các thành viên…

Cách nhìn nhận hiện nay về một xã hội XHCN coi trọng cả vai trò của việc điều tiết thị trường và phân phối thị trường đối với các nguồn lực sẽ góp phần làm lớn mạnh thêm các nền kinh tế XHCN. Suy cho cùng, chúng ta cần khẳng định sức mạnh XHCN của xã hội mình cả về mặt chính trị lẫn mặt kinh tế, nhất là trong điều kiện đa phần các nước trên thế giới vẫn phát triển ở cấp độ TBCN.

Những người cộng sản không chỉ lôi kéo quần chúng bằng các viễn cảnh xán lạn, mà cả ở cách tạo nên con đường đi tới tương lai với cái giá nhân bản nhất. Chúng ta cần chứng minh rằng, lại nói bằng lời của Lênin, chúng ta sẽ "thiết lập một chế độ xã hội cao hơn CNTB". Cái cao hơn ở đây không chỉ là năng suất lao động cao hơn như một số người trong chúng ta từ trước tới nay vẫn hiểu. Thực ra, có thể tạo nên một năng suất lao động rất cao trong nền sản xuất vị lợi nhuận bằng phương thức sản xuất TBCN.

Mục tiêu mà chế độ XHCN muốn vươn tới là một năng suất lao động cao trong các điều kiện nhân đạo nhất đối với người lao động! Chúng ta cần phải tổ chức sao cho xã hội vừa phát triển vừa công bằng, đó dường như là hai chân cân đối để mô hình xã hội XHCN đứng vững lâu dài và vĩnh viễn. --PageBreak--

Nếu sự thất vọng về những yếu kém từng tồn tại trong xã hội Xôviết trước kia là có thực, thì cũng là có thực sự bất mãn của quần chúng năm châu trước thực trạng xã hội tư bản.

Nói theo cách của nhà bác học vĩ đại Albert Einstein, CNTB luôn phạm một tội ác lớn là hủy hoại con người, biến con người trở thành nô lệ cho chủ nghĩa vị kỷ trong một công cuộc kiếm tìm vô vọng sự yên ổn cho tâm hồn mình. Vì không có khả năng cung cấp đầy đủ và công bằng phúc lợi cho mọi thành viên trong cộng đồng (và cũng không đặt việc này thành mục đích) nên CNTB luôn làm nảy sinh những xung đột xã hội.

Trong một xã hội bất công và bất bình đẳng thì không thể có một niềm hạnh phúc chung. Mác và Ăngghen cũng đã từng chỉ ra trong "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" rằng, giai cấp tư sản đã "biến phẩm giá con người thành một giá trị trao đổi đơn thuần, nó đem lại tự do buôn bán độc nhất thay cho nhiều tự do đã giành được bằng một giá rất đắt".

Một thời đại mới đã thực sự được mở ra trên thế giới sau ngày 7/11/1917. Những mơ ước cháy bỏng về một hình thái xã hội công bằng, bác ái đã có cơ hội được trở thành hiện thực lớn hơn bao giờ hết. Và thực sự là trong phần lớn thế kỷ XX, nhân loại đã có chỗ dựa vững chắc để thực hiện hành trình hướng thiện.

Những nguyên lý căn bản của xã hội Xôviết thực sự tốt đẹp và hấp dẫn, có thể khích lệ các tầng lớp nhân dân khác nhau cắn răng chịu đựng những gian khổ khó khăn nhất thời vì một lẽ đời cao đẹp lâu dài trong tương lai. Tính ưu việt của chế độ XHCN trong thời hoàng kim của mình đã hiển hiện rất rõ nét và tạo nên nguồn cảm hứng lớn cho nhân loại trên con đường tìm kiếm một mô hình phát triển sạch sẽ và ít bị sốc như chủ nghĩa tư bản.

Có những giai đoạn, Liên Xô đã là một lực lượng yêu chuộng hòa bình và tình đoàn kết quốc tế hùng hậu, đủ sức đánh bại mọi mưu ma chước quỷ của những kẻ thù hắc ám. Không chỉ tự cứu mình mà Moskva đã giúp nhân loại tránh được cuộc diệt chủng của chủ nghĩa phát xít và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở nhiều quốc gia, trong đó có các dân tộc phương Đông.

Đúng như Bác Hồ của chúng ta từng viết: "Đánh một đòn mạnh vào kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc, Cách mạng Tháng Mười đã đem đến cho các dân tộc phương Đông một sự giúp đỡ có tính chất quyết định; Cách mạng Tháng Mười lại còn nêu lên cho họ tấm gương đấu tranh giải phóng của các dân tộc trước kia bị chế độ Nga hoàng áp bức. Cách mạng Tháng Mười đã đem lại cho nhân dân tất cả các dân tộc quyền tự quyết và những phương tiện thực tế để thực hiện quyền đó"...

Liên bang Xôviết còn phát huy được ưu thế xã hội chủ nghĩa của mình trong những cuộc đụng độ một mất một còn với chủ nghĩa phát xít, cứu nhân loại khỏi thảm họa diệt vong. Cũng chính Liên bang Xôviết đã chí nghĩa chí tình nhường cơm xẻ áo cho nhiều dân tộc đứng lên làm những cuộc đấu tranh giải phóng mình khỏi chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành lại tự do, xây dựng nền độc lập, trong đó có Việt Nam.

Đó là sự thật không thể có gì xuyên tạc. Và không một ai có thể làm suy giảm giá trị lịch sử vĩ đại của những năm tháng còn tồn tại Liên bang Xôviết.

Thực tế cho thấy, tinh thần cách mạng sôi sục, duy ý chí theo kiểu thời chiến phát huy được sức mạnh lớn nhất trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng với nhiều biến động. Sống trong thời bình, khi cảm hứng xây dựng, bồi đắp là chủ đạo, tinh thần cách mạng phải trở nên tỉnh táo, duy lý và cần phải được điều hành trên cơ sở nhà nước pháp quyền, cân đối trách nhiệm và quyền lợi, cống hiến và hưởng thụ, tài năng và vị trí... Khác đi, nó sẽ tự đào thải mình trong những thử thách khắc nghiệt của lịch sử, vốn luôn bị chi phối bởi quy luật cạnh tranh sinh tồn giữa những hình thái xã hội khác nhau

Công Vương
.
.