Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8):

Mạnh trong thế giới yếu

Thứ Hai, 14/07/2008, 09:00
Trong ba ngày từ 7 tới 9/7 tại hòn đảo Hokkaido của Nhật Bản, nổi tiếng là đẹp và sạch nhất nhì thế giới, lãnh đạo các nước thuộc nhóm công nghiệp phát triển (bao gồm Hoa Kỳ, LB Nga, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Canada và Italia, gọi tắt là nhóm G-8) ngồi lại trong hội nghị thượng đỉnh thường niên để cùng nhau thảo luận những vấn đề trọng yếu nhất không chỉ riêng đối với các quốc gia này mà với cả phần thế giới còn lại.

Cũng trong những ngày đó, có mặt tại Hokkaido sẽ còn là lãnh đạo của Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Nam Phi, Australia, Indonesia, Hàn Quốc… Tất cả các nhà lãnh đạo quốc gia, khác với những lần tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-8 ở những nơi khác, tại Hokkaido sẽ cùng ở chung một khu khách sạn Windsor Hotel Toya, trong những căn phòng đặc biệt mà nếu những người khách thông thường thuê thì có giá từ 2.800 USD đến 13.000 USD một phòng (cho đến phút cuối cùng thì những thông tin về phòng ở cụ thể của từng nhà lãnh đạo quốc gia, vì lý do an ninh, vẫn được giữ kín nên các phóng viên không thế biết ai sẽ ở phòng giá nào trong những ngày tham dự hội nghị).

Lo âu muôn nỗi

Thế giới hôm nay đang yếu dần đi vì phải đối mặt với quá nhiều thách thức không chỉ trên lĩnh vực an ninh quân sự mà đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế xã hội. Theo báo cáo hằng năm của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), có trụ sở tại Basel (Thụy Sĩ), "đám mây đen bao phủ nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng lớn".

Bởi lẽ, giá dầu mỏ không ngừng leo thang và nạn lạm phát vẫn tiếp tục đe dọa nhiều nước với những hệ lụy ngày một hãi hùng hơn. BIS buộc phải thừa nhận rằng, kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ giảm sút "sâu hơn và dai dẳng hơn" so với những dự đoán trước đó, thậm chí đang ở thế "nghìn cân treo sợi tóc". Tình hình trên đặc biệt nguy hiểm đối với các nước đang phát triển, nhất là những nước đang ở các thang bậc cuối của sự phồn vinh quốc tế, làm trầm trọng thêm tình hình an ninh chính trị.

Theo báo cáo mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố  ngày 1/7, từ đầu năm nay, bão giá lương thực đã tiêu tốn của 33 nước nghèo phải nhập khẩu lương thực số tiền gần 2,3 tỷ USD, chiếm 0,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình. Trong khi đó, kinh phí mà 59 nước nghèo phải bỏ ra để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ trong thời gian này lên tới 35,8 tỷ USD, tương đương 2,2% GDP trung bình.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn  đã phải cảnh báo rằng: "Nếu giá lương thực tăng cao hơn nữa và giá dầu duy trì ở mức hiện nay, chính phủ nhiều nước sẽ không thể cung cấp đủ lương thực cho nhân dân cũng như duy trì ổn định kinh tế".

IMF mới đây nhất cũng dự báo rằng, nạn đói rất có thể sẽ diễn ra tại cả những quốc gia Mỹ La tinh, như Nicaragua, Honduras hay Haiti nếu những nước này không kịp thời đưa ra những chính sách hợp lý ổn định kinh tế vĩ mô và nếu cộng đồng quốc tế không giang tay ra trợ giúp. Tại Haiti thời gian qua đã diễn ra những làn sóng biểu tình và bạo lực làm nhiều người chết và bị thương chỉ vì "đói ăn vụng, túng làm liều"…

Và một khi những nước nghèo như thế lâm vào tình trạng bất an, hẳn những nước giàu cũng không thể bình chân như vại vì mọi sự trong thế giới hiện đại đang tồn tại trong những mối quan hệ quá tùy thuộc vào nhau.

Đã có không chỉ một nhận định rằng, những khó khăn về lương thực hay nhiên liệu đang ám ảnh thế giới hiện nay chủ yếu là do chính sách lắm khi chỉ hướng theo mục tiêu "dễ mình, khó người" của các nước lớn.

Không ngẫu nhiên mà ngày 1/7, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khối Thị trường chung Nam Mỹ (gồm 4 thành viên chính thức là Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay cùng 5 thành viên liên kết  là Chilê, Bolivia, Columbia, Ecuador và Peru, gọi tắt là MERCOSUR) tại thành phố Tucuman (Argentina) đã buộc phải lên tiếng công khai khẳng định, thủ phạm chính gây nên cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay là chính sách trợ giá nông sản của các nước phát triển.

Tham dự hội nghị trên, Tổng thống Brazil, ông Luiz Lula da Silva đã tuyên bố rằng, tại Hokkaido, ông sẽ yêu cầu các nước phát triển nhất thế giới thảo luận về trách nhiệm của mình trước việc giá dầu mỏ và lương thực tăng cao trong thời gian qua.

Ngay trong việc giá dầu không ngừng  phi mã hiện nay cũng có trách nhiệm không nhỏ của các nước công nghiệp phát triển, chứ không phải như những cáo buộc mang tính võ đoán, đổ hết trách nhiệm cho các nước sản xuất dầu mỏ.

Nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng, dẫn tới tình trạng giá dầu mỏ không ngừng tăng là  những  yếu tố mang tính căn bản hơn, như sự mất cân bằng cung cầu ngày càng bị nới rộng ra; đồng USD suy yếu; sự bất ổn về địa chính trị ở nhiều nơi như hệ lụy tất yếu của một chính sách chống khủng bố quốc tế không tối ưu, thậm chí sai lầm và cả nạn đầu cơ tại thị trường cùng những tin đồn thất thiệt nhằm trục lợi… --PageBreak--

Công việc bộn bề

Trong bối cảnh trên, chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G-8 năm nay (đây là hội nghị lần thứ 34 của nhóm các nước công nghiệp phát triển, trước đây có 7 thành viên và sau này có thêm LB Nga) sẽ không thể nào lảng tránh những vấn đề nóng bỏng chung đó.

Ngay từ đầu tháng 6, trong một cuộc họp để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Hokkaido, các Bộ trưởng Tài chính G-8 cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng, giá dầu và giá lương thực tăng cao đã tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với sự tăng trưởng toàn cầu, có thể làm tình trạng đói nghèo cũng như lạm phát nghiêm trọng hơn trên toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo các nước G-8 hiển nhiên là đã ý thức được những hiểm họa đó khi tới Hokkaido.

Theo dự kiến, tại đây, các nhà lãnh đạo G-8 sẽ bày tỏ sự nhất trí của mình đối với ý tưởng thành lập lực lượng đặc nhiệm nhằm đối phó hữu hiệu hơn với cuộc khủng hoảng lương thực đang đè nặng lên thế giới hiện nay. G-8 cũng sẽ thực hiện mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu lương thực tại các nước nghèo hơn và tìm biện pháp đối phó với những thách thức dài hạn như tăng sản lượng lương thực, thảo luận việc xóa bỏ những hạn chế xuất khẩu và dành kho dự trữ lương thực cho những đối tượng cần nhất…

Tình hình trên thị trường dầu mỏ quốc tế cũng sẽ là một chủ đề thảo luận của các nhà lãnh đạo G-8 tại Hokkaido. Do giá dầu không ngừng tăng cao nên tại Hokkaido sẽ đưa ra sáng kiến mở rộng sử dụng điện hạt nhân với mục tiêu đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng để đỡ phụ thuộc quá lớn vào "vàng đen"…  Hội nghị Thượng đỉnh G-8 năm nay cũng sẽ chính thức thảo luận để đi đến thống nhất việc ấn định các mục tiêu cho từng nước và soạn thảo kế hoạch hành động nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch.

Cũng tại Hokkaido, các nhà lãnh đạo G-8 sẽ đưa ra sáng kiến nhằm ngăn chặn tình trạng trái đất ấm dần, được nhất trí với ba nguyên tắc chính, gồm bảo đảm không phổ biến hạt nhân, đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân (cũng cần lưu ý là ngày 1/7 năm nay đúng là dịp kỷ niệm 40 năm ra đời Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT)…

Tổng thống Mỹ George Bush dự định tại Hokkaido sẽ nêu ra vấn đề kiểm điểm nghiêm túc việc thực hiện những quyết định đã được thông qua tại các hội nghị trước. Tự tin rằng mình đã làm tròn tất cả những gì đã hứa, Nhà Trắng muốn cải thiện tình hình trong vấn đề này đối với các thành viên khác của nhóm G-8, mặc dầu vẫn tuyên bố một cách rất ngoại giao rằng, Washington không muốn "cầm đèn chạy trước ôtô" với bất kỳ quốc gia nào. Tổng thống Mỹ mong muốn G-8 sẽ thành lập một bộ phận nào đấy để có thể theo dõi quá trình thực hiện các lời hứa và thống kê kịp thời tất cả những việc đã làm được…

Chương trình làm việc tại Hokkaido của Hội nghị Thượng đỉnh G-8 năm nay sẽ diễn ra như sau: Ngày 7/7, các nhà lãnh đạo G-8 sẽ cùng làm việc bên cạnh bàn ăn trưa với lãnh đạo một số quốc gia châu Phi như Algerie,  Ghana, Nigeria,  Senegal, Tanzania, Ethiopia và Nam Phi. Nội dung làm việc là các vấn đề toàn cầu và phát triển. Ngày 8/7 sẽ diễn ra cuộc gặp mặt riêng của lãnh đạo G-8.

Ngày 9/7 sẽ là cuộc gặp của lãnh đạo G-8 với lãnh đạo các nước Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, và Nam Phi. Tiếp theo đó sẽ có thêm những thành viên mới tham gia cuộc gặp là lãnh đạo Australia, Indonesia và Hàn Quốc. Chủ đề của những cuộc gặp này sẽ là hiện trạng nền kinh tế thế giới và các vấn đề liên quan tới an ninh lương thực…

An ninh trên hết

Để Hội nghị Thượng đỉnh G-8 có thể làm việc có hiệu quả thì trước hết cần phải đảm bảo an ninh tốt nhất cho nó. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các cơ quan an ninh và quân sự Nhật Bản. Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA) ngay từ trước khi khai mạc Hội nghị đã triển khai khoảng 20.000 nhân viên quanh khu vực diễn ra hội nghị và khoảng 20.000 nhân viên ở thủ đô Tokyo, chủ yếu tại các nhà ga và trung tâm giải trí…

Nhiệm vụ của họ là trong bất cứ tình huống nào cũng phải sẵn sàng đối phó với khả năng xảy ra bạo lực ở Hokkaido, cũng như ngăn chặn hành động quá khích của các nhóm tổ chức biểu tình ở thủ phủ Sapporo của hòn đảo này và ở một số nơi khác nữa. Còn Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) cũng đã siết chặt các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn hành động khủng bố, kể cả nguy cơ xảy ra bắt cóc máy bay tại khu vực hội nghị. Bộ

Giao thông và Lãnh thổ Nhật Bản đã thiết lập khu vực cấm bay trong phạm vi bán kính 46km kể từ khách sạn, nơi diễn ra hội nghị. Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) cũng triển khai một số tàu khu trục tại vùng biển gần Hokkaido, trong khi Lực lượng phòng vệ mặt đất (GSDF) sẽ huy động khoảng 20 máy bay trực thăng phục vụ hoạt động của các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị

Vũ Luân
.
.