Nam tính thời nay:

Mạnh hay yếu do…con mắt đàn bà

Thứ Hai, 22/12/2008, 15:15
Có một thực tế là, nhiều phụ nữ ngày nay đang mạnh mẽ lên thì đàn ông lại đi theo chiều hướng ngược lại. Người đàn ông tỏ ra thua phụ nữ trong nhiều lĩnh vực. Và phụ nữ hay nhận xét, đàn ông bây giờ kém nam tính. Thậm chí, nghiệt ngã như một nữ nhà văn, thì đàn ông Việt Nam không nam tính…

Tất nhiên, đàn ông nam tính hay không, còn phụ thuộc vào cách đánh giá của phụ nữ. Và với nhiều người phụ nữ, thì đàn ông hiện đang thiếu hụt nhiều thứ mà phụ nữ cần. Một người phụ nữ thì luôn muốn dựa vào người đàn ông. Nam tính là người đàn ông khiến người phụ nữ muốn dựa vào vai. Nó không phải là sức vóc to lớn, mà là ở sự tin cậy.

Thực sự trong quy định giới tính, ngay từ khi mới sinh ra, một đứa trẻ nam với một đứa trẻ nữ khác nhau rất nhiều. "Tôi làm mẹ, tôi nuôi con trai tôi, tôi nhận ra rất rõ điều ấy. Con tôi mới 9 tuổi thôi, nhưng mỗi buổi tối, hai mẹ con ngồi bên nhau, tôi dạy cho con học, nó đã có ý thức dang đôi tay ra và muốn tôi tựa đầu vào như một chỗ dựa.

Nó muốn được chứng tỏ mình là đàn ông.

Tôi biết con tôi phải chịu đựng cả cơ thể của mẹ lên đôi vai nhỏ bé của mình, nghĩa là nó đang cương lên để làm một chỗ dựa. Nhưng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhưng tại sao, những đứa con trai càng lớn lên càng không muốn là chỗ dựa cho mẹ, cho người phụ nữ của mình?

Đó là một câu hỏi mà chúng ta cần đi tìm lời giải. Tôi đang trong quá trình vừa quan sát, vừa nuôi dạy con mình và tôi vẫn chưa tìm được lời đáp. Tôi khẳng định đàn ông Việt Nam không nam tính.

Và nó có căn nguyên ở người phụ nữ. Vì người phụ nữ nhẫn nhịn, hy sinh và muốn bao bọc tất cả những người xung quanh mình. Trở lại với con trai tôi, trời sinh ra đã mang rõ nét sự nam tính, nhưng tôi đôi khi quên mất nó là con trai mà đánh đồng nó, nuôi dạy nó như nuôi dạy cô con gái lớn.

Từ bé chúng ta đã không có những bài học riêng cho con trai. Rồi khi lớn lên, người con gái mà cậu con trai yêu cũng sẵn sàng hy sinh.

Và người con trai cứ tự nhiên đón nhận sự hy sinh ấy và không biết mình đã làm sai. Thế nên, người phụ nữ đã làm thui chột cái nam tính của người đàn ông và đến một ngày nó bị suy thoái. Giống như một cái cây cớm nắng vậy.

Tôi dám chắc rằng, một người đàn ông rất nam tính ở Việt Nam vẫn có cái khiếm khuyết ở trong lòng, rằng họ không biết mình làm đúng hay sai, rằng mình làm thế có lụy phụ nữ quá không, rằng họ làm vậy có phải là bị "đàn bà tính" không…

Giữa hai khái niệm nam tính và khái niệm giúp đỡ phụ nữ đang bị nhập nhằng và đàn ông Việt Nam đang lấn cấn. Chúng ta cũng cần nói đến sự ảnh hưởng của xã hội nữa. Xã hội chúng ta chưa có khái niệm chuẩn về nam tính, nữ tính.

Bi kịch của gia đình nhiều khi xuất phát từ những tác động của xã hội về chuyện  nam tính, nữ tính" - Y Ban, nhà văn chuyên viết về những bi kịch của phụ nữ Việt Nam bộc bạch.

Nói rằng xã hội ngày nay đang thiên về "âm tính", phụ nữ mạnh mẽ hơn, đàn ông yếu ớt hơn, thì cũng phải nhìn nhận rằng, trong cái áp lực chung của đời sống hiện đại, người phụ nữ có lợi thế ở sức chịu đựng dẻo dai hơn.

Thực sự, đàn ông ở các nước phát triển, họ chịu áp lực rất tốt, và đó chính là cái nam tính nó thể hiện trong công việc và trong bình diện xã hội chung. Chẳng hạn họ là đàn ông họ buộc phải có những ràng buộc là phải đi làm, có gia đình là phải chăm sóc con cái chú đáo.

Gánh nặng trên vai họ cực kỳ lớn và hệ lụy của nó cũng không ít thứ. Và dù họ nam tính nhưng họ cũng không sung sướng gì. Chỉ có điều, ở các nước phát triển, đàn ông được dạy rất chi tiết để trở thành một người đàn ông thực sự, chịu được áp lực và gánh vác trên vai những trách nhiệm nặng nề.

Còn ở Việt Nam thì không, đàn ông buổi chiều lôi nhau ra quán nhậu, dạy nhau cách nói dối. Họ tự kéo nhau xuống. Vấn đề chính là môi trường xã hội đã tác động lên người đàn ông.

Nhưng đại đa số phụ nữ Việt Nam vẫn rất yêu và chung thủy với người đàn ông của mình và họ chấp nhận cả những thói hư tật xấu, những cái yếu ớt của nửa còn lại.

Những người phụ nữ vẫn thường nói với nhau rằng, liệu họ có đủ tốt đẹp đến mức đàn ông phải tôn thờ không? Và họ vẫn tâm niệm, dù đàn ông Việt Nam đầy những khuyết thiếu thì đàn bà vẫn yêu họ thành thật, hết lòng.

Nam tính, hay nói cách khác là đàn ông tính, là điều đang thiếu trong một số người đàn ông Việt Nam. Nhưng nam tính lại là cái luôn cần có ở trong gia đình và ngoài xã hội, bởi nó là một điểm tựa vững chắc. Nam tính như một điểm tựa cho những thành viên còn lại trong gia đình, nó chính là tính làm chủ, trách nhiệm và gánh vác của người đàn ông.

Nam tính cũng thể hiện sức lực và sự mạnh mẽ của một xã hội, nó cho  thấy sự nhanh nhạy và đặc biệt nó tạo nên sức bền của đời sống xã hội… Nam tính là chuyện của đàn ông, nhưng lại là vấn đề mà cả xã hội đang bàn tới.

Mà nói như một nhà văn, thì đàn ông hư hay không hư còn phụ thuộc nhiều vào người đàn bà. Chúng ta đòi hỏi ở người đàn ông của mình một chỗ dựa. Vậy chỗ dựa của họ sẽ là cái gì khi chưa có hành lang tốt cho nam tính phát triển? Đó là câu chuyện dài mà chúng ta chưa thể giải quyết xong trong một sớm một chiều!

Thiên Ý
.
.