Kỷ niệm 60 năm lực lượng CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy

Lòng sáng tựa sao khuê

Thứ Bảy, 31/05/2008, 15:45
Hơn 500 năm trước đây, vua Lê Thánh Tông đã từng có câu thơ tuyệt bút viết về danh nhân Nguyễn Trãi: "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo" (Ức Trai lòng sáng tựa sao khuê). Trong thời đại hiện nay, con người Việt Nam vĩ đại có thể được ca ngợi bằng câu "tâm thượng quang khuê tảo" chính là Bác Hồ của chúng ta, một vĩ nhân nhưng luôn gần dân và suốt đời luôn tận tụy với lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc.

Giăng Lacutuya, một tác giả người Pháp từng có những nghiên cứu sâu sắc về Bác Hồ, đã nhận xét: "Không một vị lãnh tụ nào trong thế giới hiện đại đối với quần chúng của mình lại là người sáng lập và người bảo vệ, là người mở đường và người chỉ đạo, là tư tưởng và thực tiễn, là dân tộc, là cách mạng, là nhà hiền triết và là người chính uỷ, là người bạn hiền và là người chỉ huy chiến đấu…".

Bác Hồ luôn được trân trọng nhắc tới như một tấm gương sáng của thời đại: một con người  có công lao lớn trong việc giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc mình và gìn giữ được những tinh hoa đạo lý truyền thống của Việt Nam và phương Đông, tạo nên một căn bản tư tưởng ích nước, lợi dân.

Giữa bề bộn các trào lưu tư tưởng và chủ nghĩa chính trị hồi đầu thế kỷ, bằng sự nhạy cảm thiên bẩm của một trái tim yêu nước thương nòi hơn hết cả, anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã linh cảm đúng con đường mà nước Việt cần đi, không bị lóa mắt bởi bất cứ một lý thuyết nào dù hấp dẫn đến mấy nhưng không đặt sự giải phóng dân tộc lên trên hết.

Ngay từ ngày còn trẻ, Bác Hồ đã tập hợp được trong những tinh hoa phẩm giá của một con người vĩ đại, từng trải và  biết liên kết những điều tốt đẹp nhất của nhiều nền văn hóa và nhiều thời đại khác nhau: "Đã từng đi chu du thiên hạ, phân giải được những nguồn gốc thực sự  của quyền lực và mang trong máu mình những nỗi thống khổ của người dân thuộc địa, Cụ Hồ đã từng bước trau dồi cho mình có một đầu óc chính trị và một khả năng phân tích, suy xét phi thường. Là người yêu nước nhưng không ngừng gắn liền đất nước mình trong bối cảnh quốc tế." (Giăng Lacutuya, Pháp). Một tác giả người Pháp khác cũng nhận xét:

"Cái vĩ đại của Hồ Chí Minh có lẽ chính là cái bình thường của ông… Cụ Hồ đúng là tiêu biểu kiểu người Việt Nam: gắn bó với quê hương, mang nặng tinh thần gia đình, quan tâm đến mùa màng và hết lòng vì tập thể.

Ông chỉ bình thường là người tiêu biểu nhất, linh lợi nhất, sáng suốt nhất trong những người dân nước ông, - những người ngang hàng chứ không phải là thần dân của ông…

Cụ Hồ nổi lên như là một người Á châu nhất của châu Á, nhưng lại là người dễ dàng tiếp xúc nhất với tinh thần của châu Âu…".

Sự lựa chọn con đường cứu nước của Bác Hồ cũng chính là sự lựa chọn của nhân dân các dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh là danh nhân đi từ lũy tre Kim Liên tới hội nhập cùng đại dương nhân loại, không những không đánh mất bản thân mình mà còn làm giàu có thêm kho báu tinh thần nhân loại. Từ Làng Sen, Bác đã tới được cùng thế giới.

Là một người Mácxít-Lêninít, Bác Hồ có cái nhìn anh minh về các hệ tư tưởng khác nhau. Người biết chắt lọc tinh hoa trong kho tàng trí tuệ nhân loại để đúc kết nên những hạt mầm nhân bản mang tính vĩnh cửu.

Người viết: "Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm ở sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng bác ái. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện của chúng tôi. Khổng Tử, Giêsu, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao?

Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu họ còn sống trên đời này và họp lại một chỗ, tôi tin rằng nhất định họ chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi nguyện làm người học trò nhỏ của các vị ấy".

Điều trọng đại phải nhìn ra mới thấu, lịch sử đang dần đà làm rõ hơn sự thật: Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người học trò nhỏ của các danh nhân, mà chính Người cũng là một danh nhân có giá trị dài lâu và vĩnh cửu. Sự nghiệp của Người vĩ đại không chỉ riêng với dân tộc Việt Nam hay đất nước Việt Nam mà còn với cả châu Á nói riêng và thế giới nói chung. --PageBreak--

Có ngẫu nhiên đâu mà khi nghe tin Bác Hồ qua đời, những người chiến sĩ giải phóng dân tộc từ nước Algérie ở châu Phi xa xôi đã cất lên tiếng khóc và ca ngợi:

"Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà cách mạng đầu tiên đã chiến đấu chống những hình thức khác nhau của chủ nghhĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc và là một trong những người làm bằng lời nói và hành động của mình đã đập tan những cơ cấu của sự bạo tàn và đã góp phần vào sự nghiệp chính nghĩa của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, đã giành lại nhân cách của mình trên lĩnh vực tinh thần, ngôn ngữ và kinh tế để làm cho các dân tộc đoàn kết lại với nhau, tiến tới một nền hòa bình mà đặc điểm của nó là tự do, phẩm cách và đoàn kết, thống nhất…".

Điều đặc biệt là Bác Hồ không chỉ lập nên được kỳ tích chính trị, mà còn là tấm gương sáng trong không bợn chút bụi trần về nhân cách và nếp sống. Bác gần gụi với lo toan của người đời, mà lại có cốt cách thánh nhân. Cho tới những phút cuối cùng của cuộc đời mình, Bác vẫn dành hết mọi tâm huyết cho dân, cho nước.

Người đã viết trong Di chúc: "Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa... Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân".

Là một con người có tâm hồn cũng "quang khuê tảo" như thế nên tư tưởng và hành động của Bác Hồ luôn rất có sức thuyết phục đối với mọi người. Dù đứng ở bất cứ hệ tư tưởng nào cũng đều không thể phủ nhận được vai trò kiệt xuất của Bác Hồ trong lịch sử Việt Nam, châu Á và thế giới.

Thượng nghị sĩ K.N. Xinh, đại diện đảng Quốc Đại (I) của Ấn Độ năm 1986 khi phát biểu tại Đại hội Đảng ta lần thứ VI ở Hà Nội đã nhận xét: "Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ của các bạn mà còn là người khởi xướng những cuộc đấu tranh cho tự do trong thế giới thuộc địa. Người đã kết hợp những lý tưởng cao đẹp giải phóng nhân dân lao động với quan điểm đạo đức và đạo lý. Người là một Găngđi Mácxít".

Bác Hồ đã không nói và viết nhiều về lực lượng Công an nhân dân nhưng những lời dạy bảo không nhiều đó lại ẩn chứa rất nhiều những suy tư và tâm huyết về một lực lượng phải gánh vác những "công việc âm thầm nhưng rất quan trọng" (chữ Bác đã dùng trong bài nói chuyện tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1/1956).

Bác Hồ muốn lực lượng Công an nhân dân phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của những công bộc của dân trong một lĩnh vực hoạt động hết sức đặc thù liên quan tới sự an nguy của cả xã hội, cả  chế độ. Công an phải luôn gần gụi với người dân, phải học cách ứng xử với nhân dân sao cho lễ phép, chân thành.

Trong bài nói chuyện với Hội nghị tổng kết công tác Cảnh vệ tháng 2/1962, Bác đã nhắc nhở: "Bác nói một điểm nữa là thái độ đối với nhân dân. Cũng vì mục đích bảo vệ Bác nên các chú không muốn để đồng bào đến gần, cho nên đã xô đẩy đồng bào. Thái độ thế là không tốt. Đồng bào và các cháu nhi đồng muốn đến gần Bác. Nhưng các chú thì lại không muốn. Nó có mâu thuẫn, nhưng phải làm thế nào?

Mình là dân chủ. Bác cũng như các chú, đều nói là phục vụ nhân dân. Cho nên phải khéo tổ chức, nếu không khéo tổ chức thì xô đẩy cũng không được; cho nên, phải làm thế nào để vừa bảo vệ được Bác, vừa không xô đẩy đồng bào". Người Cha già của dân tộc vừa thông tuệ cổ kim vừa nắm rất rõ và tinh tế cả những chi tiết dù nhỏ nhặt  nhất của đời thường

Phong Ba
.
.