Nam tính thời nay:

Lăng kính đa chiều: Cần những người đàn ông thực sự

Thứ Hai, 22/12/2008, 16:00

Hoàng Nhật Mai (Hoa hậu biển Việt Nam 1999):

Tôi không thể gạch đầu dòng những điều tôi nghĩ về nam tính. Nhưng tôi là một người đàn bà (và tôi thấy mình nữ tính). Vì vậy, tôi nghĩ rằng, những người nữ tính cần một người đàn ông mà họ có thể ngả đầu lên vai hay nằm gọn trong vòng tay và trở nên bé nhỏ hoặc khờ khạo.

Là người khiến cho phụ nữ thấy dù mình có làm đẹp mấy cũng khó khiến anh ta rung động. Nói tóm lại, một người đàn ông nam tính là người làm cho những người phụ nữ muốn mềm hơn theo mọi nghĩa.

Tôi cho rằng đàn ông Việt Nam xưa nay vẫn vậy, chỉ có phụ nữ Việt ngày càng "nam tính" hơn vì luôn phải đảm đương nhiều việc một lúc, mà áp lực công việc thì không phân giới tính.

Và theo cảm nhận của riêng tôi, có một sự bất công không biết đổ lỗi cho ai đang diễn ra mỗi ngày: mỗi người đàn ông đều nam tính (hoặc bỗng trở nên nam tính) với một hoặc nhiều người phụ nữ không phải vợ mình, và ngược lại.

Sự tỉnh táo và quyết đoán luôn cần thiết ở mọi người, mọi thời. Ngày càng nhiều người phụ nữ quyết đoán, nhưng họ cần một người đàn ông nam tính, đôi khi khiến họ mất tỉnh táo. Có như vậy, người đàn ông mới gìn giữ được mái ấm của mình.

Hoàng Phan Anh (biên tập viên, MC, kênh VTC1):

Rất lâu rồi khi được một cô gái khen rằng trông anh rất nam tính, tôi nghe vui vui mà cũng thấy buồn cười, tại sao lại đi khen một người đàn ông nam tính! Nghe chẳng khác gì khen muối mặn, gừng cay. Thế nhưng ngồi nghĩ thoáng thoáng ra một chút lại phải gật gù.

Hoàng Phan Anh

Đến bây giờ không thiếu đàn ông được đánh giá là trông nữ tính và cũng rất nhiều phụ nữ được khen là nam tính. Đó là một thực tế của xã hội! Những nguyên tắc cứng nhắc về người đàn ông hay phụ nữ cổ điển không còn phù hợp nữa: tại sao lại đàn ông là phải thế này, phụ nữ là phải thế kia? Điều quan trọng là sống có văn hóa, cư xử phù hợp đạo lý, tình huống và văn minh.

Hứa Vỹ Văn (diễn viên, ca sỹ, TP Hồ Chí Minh):

Theo tôi, đại bộ phận đàn ông Việt Nam ta quá nam tính đấy chứ, đôi khi bị dư thừa và trở nên gia trưởng, chính vì thế nó sẽ gây lạc hậu trong thời buổi bình đẳng nam nữ, vì nó sẽ trở nên thô lỗ và mất phong thái, vì đàn ông phương Tây, họ đã học được và thấm sâu từ mấy thế kỉ cách lịch lãm và ga lăng lâu rồi, ta bắt buộc phải chạy kịp theo họ, để ta trở nên văn hóa hơn và lịch sự hơn...

Từ đó đàn ông Việt Nam gọn gàng hơn, tự tin hơn trong cuộc sống, công việc và cả tình yêu hay gia đình, theo tôi nam tính là như thế... Còn ai nói đàn ông Việt thiếu nam tính thì chắc người đó không biết nam tính là gì cả!

Trịnh Đình Lê Minh (đạo diễn, kênh HTV3, Truyền hình TP Hồ Chí Minh):

Nam tính trong xã hội ngày nay có đôi phần sút giảm. Đàn ông Việt Nam không hẳn ngày càng thiếu nam tính mà biểu hiện thiếu nam tính thể hiện chủ yếu qua phong thái của giới trẻ.

Các bạn nam 8x, 9x đôi lúc quay ra trau chuốt bản thân mà dẫn đến lối sống hưởng thụ, ích kỷ. Trong khi đó, đối với riêng tôi, những con người biết chia sẻ, biết sống vì mọi người, thích khám phá, biết vượt qua nỗi sợ hãi... mới thực sự là nam tính. Khi một người đàn ông biết sống vì mọi người thì anh ta sẽ yêu thương vợ con, làm việc hăng say và cống hiến được nhiều hơn.

Lê Nguyệt Minh (biên tập viên, Tạp chí Thế giới ẩm thực):

Tôi dành nhiều thời gian để nghĩ về điều này. Tôi nghĩ không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới, chúng ta đang ở thời điểm bị... hỗn độn về vấn đề giới tính, đặc biệt với nam giới.

Bản thân tôi, đôi lúc cũng rất thất vọng về một số người đàn ông Việt Nam, cũng có lúc mất niềm tin về họ. Nhưng hơn cả, vẫn có những người đàn ông rất ga lăng, lịch sự, hấp dẫn và đầy lôi cuốn với tôi. Tôi nghĩ, nếu không có những chàng thiếu nam tính thì làm sao mình cảm nhận được sự tuyệt vời của những anh chàng đích thực?

 Nếu có một ông chồng đôi khi chẳng ra đàn ông, chẳng ra đàn bà ở cách cư xử hay những chuyện khác thì thật là bi kịch. Xét trên nhiều khía cạnh, tôi tự nghiệm, đàn ông nam tính của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30%.

Nguyễn Xuân Thủy (nhà văn, NXB Quân đội nhân dân):

Xã hội hiện đại vẫn đòi hỏi ở người đàn ông những áp lực nặng nề hơn về địa vị, về trụ cột trong gia đình thể hiện ở việc kiếm tiền, điều này thể hiện rõ trong các đô thị lớn. Một số đàn ông đã nản lòng trong việc "hoàn thành sứ mệnh" và buông trôi, phó mặc cho dòng đời xô đẩy.

Nguyễn Xuân Thủy
 

Điều này lý giải về "nam tính trong xã hội hiện đại" ngày càng đáng buồn. Thực ra không riêng gì đàn ông Việt Nam, nếu như những biểu hiện cho rằng "thiếu nam tính" như xu hướng thời trang, cách hành xử, trách nhiệm với gia đình… đôi khi lại bắt nguồn từ các yếu tố như thời trang, điện ảnh… của khu vực.

Với một cơ quan, một gia đình, một đất nước, thường thì theo quan niệm hiện đại mọi người vẫn đánh giá, nhìn nhận vấn đề đó được giải quyết như thế nào chứ không phải là có "nam tính hay không nam tính"

B.B. (thực hiện)
.
.