Kiềm chế

Thứ Hai, 17/08/2020, 11:41
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo rằng ngày 27-7, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô đã chính thức đóng cửa và các quan chức nước này đã “đi bằng cửa trước” vào tiếp quản tòa nhà.

Không khó để nhận biết phía Trung Quốc muốn nêu hàm ý gì khi mô tả quan chức của họ “đi bằng cửa trước” bởi trước đó 3 ngày, khi các nhà ngoại giao Trung Quốc cuối cùng rời Tổng lãnh sự quán nước này ở Houston, bang Texas, Mỹ, một nhóm người được cho là đặc vụ Liên bang Mỹ đã dùng kìm phá khóa và tiến vào theo lối cửa sau tòa nhà Tổng lãnh sự Trung Quốc. Hành động này sau đó được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mỉa mai mô tả là “chẳng khác gì ăn trộm”.

Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô đã chính thức đóng cửa.

Quan hệ Trung-Mỹ đột ngột trở nên căng thẳng đến mức trong một bối cảnh rộng lớn của những hành động trả đũa lẫn nhau cứ tăng tiến theo hướng ngày càng nghiêm trọng, những tiểu tiết như vậy cũng được hai bên tận dụng để hạ uy thế của phía bên kia.

Câu hỏi đặt ra là vì sao bỗng dưng Mỹ lại có sự chuyển hướng đột ngột trong chính sách với Trung Quốc như vậy?

Mỹ muốn “kiềm chế” Trung Quốc

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, sau một thời gian dài đã rút ra kết luận phía Trung Quốc đánh giá Mỹ sẽ không sẵn sàng trong việc đáp trả những hành vi mà phía Mỹ cho là “khiêu khích”, đặc biệt là ở hai khu vực gần kề với Trung Quốc là Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Chẳng hạn như các hành động đòi hỏi chủ quyền vô lối bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Trung Quốc vạch ra đường 9 đoạn không tọa độ, không có cơ sở pháp lý nào ngoài những lý lẽ mơ hồ về “chủ quyền lịch sử”. Hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc đối với những nước láng giềng nhỏ hơn đã được minh chứng qua những vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm va làm chìm tàu cá của ngư dân các nước Việt Nam, Philippines (rồi sau đó Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẵn sàng trắng trợn nói rằng “do tàu cá của các nước này đâm vào tàu hải cảnh Trung Quốc nên bị chìm!”).

Trước những hành vi gây hấn được Trung Quốc lựa chọn cực kỳ cẩn thận và khéo léo, đảm bảo không để xảy ra xung đột lớn ở khu vực Biển Đông như xây dựng các thực thể nhân tạo và quân sự hóa chúng, phản ứng của Mỹ thường là “mồm miệng đỡ chân tay”, đưa ra những tuyên bố ngoại giao mang tính chiếu lệ hay những hoạt động “tự do hàng hải” mà tác dụng duy nhất của chúng là cung cấp cho Trung Quốc lý do để tăng cường quân sự hóa khu vực này.

Cũng trong lĩnh vực đối ngoại, Mỹ càng ngày càng nhận thấy rằng một số đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á ngày càng phải chịu những sức ép (kèm theo đó là nguy cơ rủi ro) lớn hơn từ phía Trung Quốc. Niềm tin mà những đồng minh này đặt vào sức mạnh răn đe của Mỹ ngày càng suy giảm và họ có lý của họ. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã hình thành một câu chuyện truyền kỳ ngày càng lan rộng về sự suy tàn của nước Mỹ và sự vượt trội không gì cản nổi của Trung Quốc (!).

Mỹ đưa ra học thuyết về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhưng lại từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, tranh cãi với Hàn Quốc về tiền thuê các căn cứ quân sự ở đây, bị Philippines hủy Thỏa thuận thăm viếng quân sự với nước này... Các chức vụ ngoại giao cao cấp của Mỹ ở châu Á chưa có người đảm nhiệm và Washington cũng thường xuyên không cử đại diện tham gia các diễn đàn lớn trong khu vực, đôi khi còn vắng mặt mà không thèm thông báo...

Washington rút ra kết luận rằng tất cả những động thái đó tạo cơ sở cho Trung Quốc càng tự tin vào khả năng của chính họ trong khi hoài nghi quyết tâm của Mỹ tiếp tục duy trì ảnh hưởng ở khu vực này trước những thách thức đến từ phía Trung Quốc.

Điều đó dẫn tới khả năng hai bên có những tính toán sai lầm ngày càng lớn, tạo ra nguy cơ một cuộc xung đột trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân, điều mà cả Mỹ và Trung Quốc đều không mong muốn.

Do vậy, Mỹ bắt buộc phải đi tới một quyết định chiến lược: kiềm chế Trung Quốc!

Những người ủng hộ ông Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở Tulsa, Oklahoma.

Mỹ có thể làm gì?

Ngoài tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp” cũng như đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc, Mỹ có thể làm gì để thực hiện chiến lược “kiềm chế” này?

Đại dịch COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán đã tạo điều kiện để Mỹ tìm cách cô lập kinh tế Trung Quốc, thông qua việc thúc đẩy quá trình giảm sự phụ thuộc vào chuỗi sản xuất-cung ứng ở Trung Quốc.

Hàng loạt chính sách về trợ cấp đầu tư, ưu đãi thuế đang được gấp rút chuẩn bị để thúc đẩy các doanh nghiệp đang hoạt động rời bỏ thị trường Trung Quốc, chuyển về Mỹ hoặc ít nhất cũng là sang các nước trong khu vực. Một quỹ chuyển dịch doanh nghiệp trị giá 25 tỷ USD đã được thiết lập để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung Quốc chuyển ngành sản xuất về nước.

Mỹ cũng tăng cường đầu tư vào nghiên cứu phát triển đối với các ngành công nghệ trong nước, xây dựng cơ sở đổi mới sáng tạo với bên ngoài, đẩy cuộc “chiến tranh lạnh” về công nghệ với Trung Quốc đi vào chiều sâu. Để đáp ứng mục tiêu này, các công ty, tập đoàn công nghệ của Trung Quốc sẽ phải chịu sức ép ngày càng lớn, đối mặt với những quy định kiểm soát xuất khẩu công nghệ Mỹ sang Trung Quốc ngày càng chặt chẽ.

Các doanh nghiệp của Trung Quốc tham gia chiến lược “hội nhập quân sự và dân sự”, theo đó mọi thành tựu công nghệ tiến tiến về dân sự bắt buộc phải được chia sẻ cho quốc phòng, sẽ bị liệt vào “danh sách các thực thể” có hoạt động đe dọa an ninh quốc gia hay lợi ích về chính sách ngoại giao của Mỹ. Các công nghệ của phương Tây đưa vào Trung Quốc sẽ bị ngăn chặn, còn những quốc gia từ bỏ sản phẩm công nghệ của Trung Quốc sẽ có các lựa chọn thay thế!

Mỹ cũng sẽ tiếp tục lôi kéo, tìm kiếm các đồng minh để hình thành những liên minh (có thể không cần ký kết văn bản nhưng có chung lợi ích) gây sức ép với Trung Quốc, hình thành “tứ giác kim cương” Mỹ-Úc-Nhật-Ấn để ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua các dự án mà “Vành đai và con đường” là một ví dụ điển hình.

Các chiến dịch truyền thông nhằm vào Trung Quốc xung quanh nguồn gốc cũng như việc xử lý dịch bệnh COVID-19, các sản phẩm công nghệ đáng ngờ của Trung Quốc cũng được đẩy mạnh.

Tất cả là để nhằm “kiềm chế” ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

“Kiềm chế” từ phía Trung Quốc

Để đối phó với chính sách “kiềm chế” này của Mỹ, Trung Quốc đã lựa chọn phương thức nào? Đó vẫn là một chữ “kiềm chế” nhưng với ý nghĩa hoàn toàn khác.

Xuất phát điểm của thái độ “kiềm chế” này từ phía Trung Quốc nằm ở chỗ Bắc Kinh đi tới kết luận rằng những động thái gây căng thẳng của Mỹ là một phần trong tổng thế chiến lược tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump (và cả đối thủ Joe Biden), trong bối cảnh những cuộc thăm dò dư luận xã hội gần đây cho thấy kết quả không khả quan lắm đối với khả năng ông Trump ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa.

Nói cách khác, phía Trung Quốc cho rằng nếu quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng thì điều đó càng có lợi cho Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử và đó cũng là sách lược tranh cử mà các cố vấn của ông Trump vạch ra.

Theo phía Trung Quốc, hàng loạt động thái mà Mỹ tung ra, như ra tuyên bố cứng rắn về Biển Đông, thông qua đạo luật tự trị Hong Kong quy định các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức liên quan đến Luật An ninh quốc gia đối với Hong Kong, tước bỏ quy chế đặc biệt về thương mại đối với thành phố này, hạn chế cấp thị thực cho một số quan chức Trung Quốc, buộc tội tin tặc Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston... đều nhằm mục tiêu tranh cử của Tổng thống Trump và cả đối thủ là ứng cử viên Joe Biden.

Do vậy, chiến lược của Trung Quốc là cảnh giác với “bẫy đối đầu” do phía Mỹ giăng ra, tránh không để trở thành công cụ để các ứng cử viên Mỹ chuyển dịch mâu thuẫn và tạo dựng tình huống cho bầu cử.

Thế nên mặc dù thực hiện các hành động “ăn miếng trả miếng” nhưng sự đáp trả của Trung Quốc vẫn mang tính kiềm chế, tránh khả năng gây ra sự đổ vỡ dây chuyền có thể dẫn tới quan hệ Trung-Mỹ bị phá hỏng hoàn toàn. Đơn cử như với hành động đóng cửa Tổng lãnh sự Trung Quốc ở Houston của Mỹ, Bắc Kinh đã lựa chọn đóng cửa Tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Đô, thay vì các lãnh sự quán lớn hơn ở những địa bàn quan trọng như Hong Kong, Thượng Hải hay Quảng Châu.

Các nhà ngoại giao “chiến lang” cũng như phương tiện truyền thông Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục công kích, chỉ trích Mỹ nhưng sẽ luôn có thông điệp hòa giải được đưa ra. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Mỹ “có nhận thức khách quan, đồng thời có một chính sách hợp lý và tỉnh táo hơn về Trung Quốc”, cam kết sẽ đối thoại về bất cứ vấn đề gì do Mỹ lựa chọn.

Tác dụng của chiến lược này đến đâu, có lẽ phải chờ đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, 3-11, mới có câu trả lời.

Yên Ba
.
.