Kịch “Đèn mờ”

Thứ Sáu, 11/03/2011, 15:34
Vài năm gần đây, hàng loạt tụ điểm kịch cà phê xuất hiện như một mô hình hoạt động sân khấu mới ở TP HCM. Với diện tích bục diễn rất tượng trưng, nhỏ bé đến khó ngờ, vậy loại kịch đèn mờ như hiện nay đã đem đến cho người xem, chủ yếu là lớp khán giả trẻ ngồi bệt dưới sàn kia, những điều gì mới lạ hay chỉ là nụ cười nhạt nhẽo, hoặc những tình huống ma quái, dị thường?

Cách làm không theo đuổi mục đích kinh doanh nghệ thuật, xem kịch miễn phí hoàn toàn, không phụ thu theo đồ uống, xem ra khá thu hút khách hàng đến với những quán cà phê này. Tuy nhiên có hẳn đó là cách làm văn hoá không vụ lợi?

Những nghệ sĩ chịu chơi (?!)

Trước hết phải kể đến cặp bài trùng Thiên Kim và Đỗ Thanh Lâm, chủ quán cà phê Bệt, tại phố Tú Xương, Q3. Hai người đều là nghệ sĩ đã chuyển sang kinh doanh, nhưng vẫn nặng trĩu duyên nợ với sân khấu, và đi tiên phong khai thác loại hình hoạt động này.

Tuy không lấy sân khấu kịch là mục đích kinh doanh, nhưng hai người đã đầu tư không ít tiền của và thời gian để làm những vở kịch mới và sẵn sàng mời những diễn viên có tài từ các điểm diễn chuyên nghiệp như 5B Võ Văn Tần, hoặc Hoàng Thái Thanh đến cộng tác, dù cho có thể phải bù lỗ vào những đêm không đủ khách vì lý do nào đó.

Nhiều người thắc mắc về sự vô tư không tính thêm phụ phí vào đồ uống, cà phê, hỏi lấy đâu ra lãi để dựng những vở mới, thì ông chủ Thanh Lâm bày tỏ:

- Chúng tôi không thu phụ phí bởi điều chúng tôi muốn là nuôi dưỡng tình yêu sân khấu kịch đối với khán giả. Đồng thời đây cũng là sân chơi của những nghệ sĩ trẻ. Họ đã đồng hành cùng chúng tôi mặc dù có thiệt thòi về quyền lợi.

Vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" tại sân khấu Bệt.

Nếu nhẩm tính mỗi suất từ 50.000 đến 70.000đ/người, khi vào uống cà phê và xem kịch thì quả là khá rẻ so với các giá vé bán ở các tụ điểm diễn kịch ở thành phố hiện nay, với mức gấp hai, ba lần. Trong khi đó, quán  Bệt chỉ có khoảng 100 chỗ là tối đa, mà không phải tối nào cũng kín chỗ, thì quả sau chi phí trừ vốn liếng và cátxê diễn viên, cũng chẳng dư được là bao. Còn những đêm mưa gió, hẳn ông chủ phải bù lỗ là cái chắc.

Dù lỗ vẫn chơi! Đó cũng là khẩu hiệu của những hàng cà phê kịch khác lần lượt ra đời như cà phê Lit, cà phê Nhện, ở Phú Nhuận, hay quán Q2 ở Gò Vấp, hoặc cà phê Romance ở Tân Bình. Rồi nữa, nào cà phê Chị Như, cà phê hài kịch Nhiệt Đới, cà phê kịch Vọng Các… Ấy là chưa kể đến một số quán cà phê kịch ở các quận, huyện ở xa như Thủ Đức, Q12, Hoóc Môn…

Quả là một hiện tượng lạ, vì khảo sát giá cả ở những nơi này còn rẻ hơn ở cà phê Bệt, thì ắt hẳn họ không hề tính toán, miễn sao thu hút người yêu kịch đến với quán cà phê của mình, càng nhiều càng tốt. Đó là những sân chơi nghệ thuật đích thực, không vụ lợi. Hẳn thế chăng?

Họ diễn những gì?

Qua hơn hai năm hoạt động, cà phê kịch Bệt đã phủ kín lịch diễn bằng các vở hay như: "Nghêu, Sò, Ốc, Hến", "Đoạn tuyệt", "Tình sống, tình chết", "Sau một cơn giông"… và mới đây nhất là "Thám tử bất đắc dĩ". Sàn diễn này đã gắn liền với những cái tên như Quốc Thịnh, Lương Duyên, Nguyễn Long, Quốc Tuấn. Đó là những diễn viên trẻ có tài, có duyên thu hút được nhiều người xem đến với cà phê Bệt.

Ra đời sau, nhiều hàng cà phê khác phải tìm ra chiêu riêng về thể loại kịch, mới có thể đứng vững được trong thị trường. Nếu ở cà phê Lit chuyên dựng lại các vở cũ nổi tiếng, đã được thu gọn như "Tiếng chim vườn ngọc lan" chẳng hạn, thì cà phê Nhện lại thu hút khán giả bằng các vở mang yếu tố ma quái, kinh dị như "Yêu sói", "Con ma tóc rối"…

Còn đa phần các quán khác đều xen kẽ tấu hài và những tiểu phẩm vui nhộn, với mục đích giải trí thuần tuý. Riêng nghệ thuật dàn dựng thì mỗi nơi một phong cách. Chủ quán hàng nào là nghệ sĩ đích thực hay có nghề, thì có thể tự mình dàn dựng, hoặc mời được một số đạo diễn trẻ thể hiện tay nghề, đúng với nghĩa là sân chơi, thực hành cho họ.

Thêm nữa, ở nhiều tụ điểm này, lực lượng diễn viên chủ yếu là những người không được vào các vai chính ở các tụ điểm lớn, hoặc đa phần là các sinh viên Cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh thành phố, nên họ rất nhiệt tình tham gia diễn ở nhà hàng cà phê kịch, ở bất cứ đâu, không tính đến chuyện cátxê ít hay nhiều. Họ còn rất trẻ và có duyên sân khấu, diễn hết mình nên đã đem lại hiệu quả tốt cho những đêm diễn và cũng có sức thu hút người xem ở một số nơi. Đó là sự gặp gỡ của nhà hàng kinh doanh và nghệ sĩ trẻ.

Diễn chay, ngồi bệt

Tuy nhiên, hầu hết các sàn diễn này đều không có những trang thiết bị gì đáng kể, ngoài những trang trí sơ đẳng, như bàn ghế hoặc những đạo cụ tượng trưng cho có, hoặc đôi khi sân khấu chống chếnh không bày biện gì cả. Dường như diễn viên chỉ đứng thoại, đi lại, nói chay không cần mic, dưới ánh sáng yếu ớt soi không rõ mặt người.

Thậm chí với diện tích sân khấu nhỏ, chỉ khoảng 2 mét vuông, như ở quán cà phê Lit tại Phú Nhuận, thì diễn viên chỉ việc đứng thoại lời mà thôi, chứ nói gì đến diễn xuất. Cùng với đó là khoảng cách giữa người xem và diễn viên chẳng là bao nên sự giao lưu gần gũi như cưỡng bức ấy cũng làm phân tán mọi thứ gọi là tập trung cho nghệ thuật thể hiện trên sân khấu.

Còn khán giả với chỗ ngồi là một tấm thảm nhỏ, ngồi bệt dưới sàn nhà, vây quanh bàn nước, kề ngay bên bục diễn, hoặc không có giới hạn rõ ràng, nên đã làm trở ngại cho việc diễn viên phải đi lại khi diễn xuất. Mà khán giả trẻ đâu có chịu ngồi yên, nếu chỉ một chi tiết làm họ mất tập trung là dễ dẫn đến chuyện trò ồn ào, dán đoạn tiết mục.

Bởi lẽ ngay từ đầu khán giả đã nghĩ đến đây là xem kịch miễn phí, nên việc uống nước quan trọng hơn. Do đó việc họ đứng dậy, đi lại như trên sân khấu, hoặc có thể nói chuyện hay tâm sự với nhau bên bàn nước là chuyện bình thường. Họ đã trả tiền cho việc đó để vào đây.

Hoặc có nơi đã tổ chức giao lưu giữa người xem và diễn viên như ở quán cà phê Lit, sau đêm diễn, nhưng cũng khó đem lại hiệu quả về nghệ thuật, mà chỉ là những câu chuyện vui giao đãi, bởi mọi cái diễn ra trên sân khấu trống rỗng như vậy, đâu có gì để bàn luận.

Hơn nữa kịch mục nhiều điểm diễn còn sơ lược hoặc chỉ là những tiểu phẩm hài vui là chính. Ấy là chưa nói đến trình độ diễn xuất ở nhiều nơi còn ở mức độ nghiệp dư, vì kiểu chơi tự biên tự diễn không hề có đầu tư gì về kịch bản và kỹ thuật dàn dựng, thật khó tìm được sự đồng hành với người xem. 

Ai cho phép?

Đây là dấu hỏi đã được đặt ra ngay từ khi manh nha xuất hiện loại hình hoạt động này. Bởi lẽ bất cứ kịch mục nào của các tụ điểm sân khấu nhà nghề luôn phải đem ra trình duyệt, rồi mới được phép trình làng. Thậm chí có vở còn bị cấm hoặc phải sửa đi sửa lại nhiều lần mới được xuất hiện trước công chúng. Vậy mà, giờ đây cà phê kịch phát triển một cách tự phát, nở rộ bất thường, bao điều nảy sinh.

Ngoài chất lượng đêm diễn và quan hệ khán giả đã nêu trên, còn vấn đề quản lý vở diễn và nghệ sĩ được đặt ra khá bức xúc. Ai sẽ cấp phép cho họ biểu diễn? Đơn vị nào duyệt vở, xem xét tiết mục hay tiểu phẩm, cũng như việc những đơn vị diễn này có được phép ra đời hay không, khi gắn với kinh doanh, dù chỉ là dưới hình thức nhóm hay câu lạc bộ? Ấy là chưa nói đến quyền lợi diễn viên được bảo vệ ra sao…

Nghĩa là chưa đơn vị hữu trách nào nhòm ngó đến chốn kịch đèn mờ này cả.

Thị trường sân khấu TP HCM hiện phát triển khá mạnh, ngoài hàng chục nhà hát và các trung tâm sân khấu diễn hàng đêm, thì việc hiện diện các hàng cà phê kịch này đã trở thành tác nhân làm nghiệp dư hoá kịch nghệ của thành phố.

Hơn nữa, mặc dù các quán cà phê này luôn nêu khẩu hiệu "xem kịch miễn phí", nghĩa là họ không có mục đích kinh doanh loại hình sân khấu này, nhưng thực chất các nghệ sĩ đã là mồi ngon của họ để thu hút khách đến uống nước, càng nhiều họ càng có lãi. Màu sắc bán kinh doanh này đem đến chất lượng các đêm diễn bị huỷ hoại, bởi thường phải chiều theo thị hiếu của người xem.

Có thể đó là những tấu hài rẻ tiền, nhàm chán hay những pha câu khách như kinh dị ma quái pha yếu tố sex, đem lại thẩm mỹ nghệ thuật hạn chế khó lường. Do đó thị trường sân khấu kịch TP HCM không thể tiếp tục theo chiều hướng ngày một lộn xộn và khó kiểm soát như kịch đèn mờ hiện nay

Vương Tâm
.
.