Khuấy cho tan đường

Thứ Hai, 20/04/2015, 13:52
Người Việt thường hào phóng lời khen. Đó là thói quen do đặc tính ý nhị mà thành. Nhưng không phải lời khen nào cũng có ý nghĩa khích lệ một chách đúng nghĩa.

Khi không thể nói thật

Người Việt bảo nhau: “Sự thật mất lòng”. Người Việt lại bảo: “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Người Việt vẫn bảo: “Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Người Việt cố bảo: “Vai mang túi bạc kè kè/ Nói phải nói quấy người nghe ầm ầm”.

Trong chừng mực nào đó, người Việt rất sợ khi phải nói ra những quan điểm thật lòng. Có khi họ che giấu lời nói thật vì một mối quan hệ hữu hảo, có khi họ che giấu lời nói thật để đổi lại được một thứ gì đó mà họ mong muốn.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến làng giải trí Việt, biên độ của sự diễn giải chỉ nằm trong phạm vi đó.

1. Có cô gái xưa là ca sĩ tại Việt Nam, sang Mỹ nghe bảo là du học hay gì gì đó, thi thoảng thấy có hát hò cho vài trung tâm. Cô gái này về nước, tham gia một cuộc thi nửa vui nửa buồn. Truyền thông khen ngợi cứ như đúng rồi, không chỉ truyền thông khen ngợi mà cả các facebooker nổi tiếng cũng “khi vui thì vỗ tay vào”.

Tất nhiên, làm ca sĩ thì phải có một ê-kip, ca sĩ làm việc của ca sĩ, còn những người trong ê-kip thì làm cách nào không cần quan tâm miễn sao ca sĩ được khen là đã thành công.

Vì sao một số nhà báo và cả những người không là nhà báo đều khen ngợi ca sĩ?

Có người khen vì quan điểm cá nhân, có người khen vì mối quan hệ, có người khen vì tiếng âm báo cất lên từ điện thoại mỗi khi tài khoản ngân hàng được nạp thêm tiền.

Điều này, cũng giống như khi người ta lên đồng lúc chứng kiến cậu chàng nhại giọng người khác trong cuộc thi âm nhạc.

Người ta khen cậu chàng hết lời, người bình thường khen – nghệ sĩ cũng khen.

Cứ như nếu không có cậu thì một trăm năm trước không có âm nhạc, một trăm năm sau không có kịch nghệ.

Cứ như nếu không có cậu thì ba trăm sáu mươi lăm ngày làng giải trí Việt sẽ vắng như sân chùa sau thời kinh tối.

Cứ như nếu không có cậu thì giai nhân sẽ thôi thành mỹ nữ, còn quân tử thì biến thành phàm phu.

Sau cơn lên đồng ấy, mọi người mới vỡ lẽ ra rằng cậu chàng tài năng cũng vừa vừa thôi. Mọi người đã hiểu, rập khuôn như một nghệ sĩ khác thì dễ còn chứng minh mình là một nghệ sĩ thì khó.

2. Như một bộ phim Việt Nam ra rạp (trước đây, còn có cả sách. Sách dạo này đã bớt bớt chuyện khen cho nhau vui), thấy người ta khen nức tiếng, tò mò cũng mua vé vào rạp xem.

Xem được vài phút, thấy hơi ngơ ngác. Xem thêm mười phút nữa, thấy hơi hốt hoảng. Xem đến nửa phim, thì thấy mình thật sự là người vô cùng kiên nhẫn. Xem đến hết phim, tự mắng mình: “Rảnh thì ở nhà chơi với con, nhẽ đâu lại đi làm trò vô bổ như thế này”.

Trên đường chạy xe về nhà, cứ tự vấn mãi, phim vậy thì có gì mà người ta khen ầm ĩ thế. Tự vấn xong đâm ra lo lắng, hay là khả năng tư duy của mình có vấn đề, chứ thiên hạ đâu phải tự dưng mà khen cái này hay, cái kia đẹp. Lặng lẽ hỏi vài người quen cũng có xem:“Thấy hay không?”. Nhận được phản hồi:“Cũng bị lừa à?”, là đã hiểu.

Như cụ Trạng Quỳnh ngày xưa dựng nên chuyện “Trạng lột” vậy. Trạng đang lột, mả cha đứa nào nói ra.

Bị lừa thì tưng tức, nói ra thì nhùng nhục. Thôi.

3. Hẳn nhiên, cuộc sống không thể thiếu những ngợi khen. Khen để động viên, khen để khích lệ, khen để cho nhau một niềm tin tưởng…

Thế nhưng, cuộc sống rất chán nếu như người ta phân phát lời khen một cách vô tội vạ, kiểu tờ báo mạng gì gì đấy khen một cô gì gì đấy lên tới trời vì cô ấy đẹp. Cái đẹp rất kỳ lạ, lạ đến mức mà nhìn mãi không biết nhan sắc đang tìm ẩn nơi nào.

Chúng tôi không vô duyên đến mức phán sự khen ngợi lung tung làm cho làng giải trí thế này, khiến cho làng giải trí thế kia… Chuyện mình mình biết, chuyện người người làm.

Chỉ là, gắng nói thật càng nhiều bao nhiêu thì con đường tiến đến sự văn minh và sòng phẳng sẽ gần lại  bấy nhiêu.

Ca sĩ Phương Trinh Jolie: Coi chừng khen cho chết

- Có thể nói rằng, người quản lý hay “ông bầu” đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với tên tuổi và hình ảnh của người ca sĩ, nhất là những bạn trẻ. Nhưng quan sát thấy đang có sự thiếu vắng cái tâm, cái tài của một vài người. Điều đó dễ thấy qua những “sản phẩm bị lỗi” tức những ca sĩ scandal của họ. Phương Trinh nghĩ sao?

- Phương Trinh cũng xin chia sẻ thêm rằng, với mỗi người ca sỹ thì 60% thành bại của họ là do quản lý và cả êkip làm việc. 40% còn lại là khả năng và sự cố gắng của người ca sỹ ấy. Và riêng với bản thân tôi, đã làm việc với nhiều quản lý và cũng đã gặp phải nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi làm việc cùng một người quản lý làm mình bị dính vào những scandal không đáng có. Rất may mắn trong thời gian gần đây tôi đã và đang làm việc với một người quản lý mà đối với tôi, chị ấy như một người chị gái. Mặc dù làm việc chỉ thời gian ngắn nhưng ai gặp tôi cũng nói rằng thời gian này thấy hình ảnh của tôi tốt hơn trước.

Nói như thế để thấy, đối với tôi, ca sỹ giống như con tàu và người quản lý giống người thuyền trưởng, lèo lái và đưa con tàu ấy vượt qua sóng gió để về đến bờ bến thành công!

Những trường hợp ca sĩ scandal mà anh đề cập cũng rất có thể có liên quan đến trách nhiệm của người quản lý. Nhưng ở môi trường nào cũng vậy, cũng có người tốt, người không. Showbiz Việt không phải chỉ có những quản lý có đủ tâm và tài để cùng xây dựng nên một thần tượng ca sỹ ngôi sao thật sự. Nhất là trong thời buổi hiện tại, mọi thứ quá vội vàng, xô bồ thì con người càng dễ nôn nóng, hiếu thắng. Dẫu người quản lý đó có tài nhưng tâm không tĩnh thì cũng rất dễ tạo ra những “sản phẩm bị lỗi” như anh đã nói!

Ca sĩ Phương Trinh Jolie.

- Thú thật là áp lực phải nổi tiếng nhanh của ca sĩ - bầu show đang lấn át những nền tảng cơ bản nhất của người ca sĩ, đó là chất giọng, là quá trình rèn luyện. Đó cũng là lý do thế hệ ca sĩ trẻ bây giờ có nhiều bạn nổi tiếng rất nhanh, bằng những chiêu trò PR rồi sau đó cũng mất hút nhanh chóng. Phương Trinh nhận thấy điều này chứ?

- Tôi thấy điều đó là chuyện đương nhiên vì khi không tự trau dồi kiến thức và kĩ năng cho bản thân, đến lúc nào đó bạn sẽ bị mai một và mất đi cái bạn xây dựng từ cái ảo mà nên. Ngay cả bản thân tôi, hoạt động trong lĩnh vục này một thời gian rất dài nhưng lúc nào cũng cảm thấy mình luôn cần phải học hỏi và rèn luyện để có thể mang tới những sản phẩm có chất lượng tốt nhất cho khán giả.

Như tôi đã chia sẻ, áp lực là có thật trong cuộc sống vội vã thời nay. Nhưng đã đam mê ca hát, muốn sống với nghề ca sỹ thì bạn muốn “sớm nở, tối tàn” hay lâu bền, vững chắc? Lựa chọn thế nào là tùy vào tầm của mỗi người ca sĩ, quản lý. Nhưng với tôi, người ca sỹ, nghệ sĩ thực thụ họ luôn muốn sống mãi với nghề, họ muốn mọi người sẽ biết đến họ, yêu thương và ngưỡng vọng khi nghĩ về họ. Họ hoàn toàn khác với những người cố làm sao “hốt” đống tiền rồi “biến” khỏi nghề cũng được! Và bao giờ cũng vậy, gốc cây yếu, gặp giông gió sẽ dễ đổ!

- Phương Trinh nghĩ gì về cái được gọi là thành công của một người nghệ sỹ?

- Mỗi người khác nhau sẽ có thước đo về sự thành công không giống nhau. Với tôi, thành công lớn nhất của một người nghệ sỹ là khi thể hiện sản phẩm của mình được khán giả đón nhận, đồng cảm chứ không phải nằm ở độ nổi tiếng. Như tôi là một ca sỹ, tôi hạnh phúc khi mình hát và được khán giả hòa giọng cùng mình, mọi người hiểu được tâm tư tình cảm tôi dành cho ca khúc.

Ngược lại, với nhiều người thì cátsê cao, ồn ào trên các phương tiện báo chí… mới là thành công. Tuy nhiên muốn biết một người nghệ sĩ có thành công hay không thì hãy hỏi công chúng! Họ sẽ có câu trả lời chính xác nhất.

- Thời gian gần đây, tôi thấy có nhiều gương mặt trẻ bỗng nổi tiếng nhờ sự tung hô của một bộ phận truyền thông, nghệ sĩ, công chúng mà họ không cần phải có tài năng hay sản phẩm ấn tượng nào, bạn nghĩ gì về những trường hợp này?

- Họ được tung hô là cũng có lý do. Song, nếu như không dựa trên tài năng hay một sản phẩm ấn tượng nào như anh nói thì sự tung hô ấy là có vấn đề, dù nó có lý do rõ ràng! Nhưng cái gì đến nhanh thì đi cũng nhanh, giá trị ảo không bao giờ tồn tại vĩnh cửu trong nghệ thuật!

- Với những lời khen ngợi, ca tụng không xuất phát từ thực lực của người nghệ sĩ mà vì lý do nào khác thì những lời đó thật ra là đang hại nghệ sĩ đấy chứ?

- Đúng, nhưng không hoàn toàn như vậy! Cuộc sống là những sự chọn lựa, người nghệ sỹ cũng phải biết suy nghĩ chọn lựa. Nếu họ chọn việc được tung hê nổi tiếng không bằng thực lực thì kiếm lợi được từ nhất thời thì đó là kinh doanh chứ không phải đam mê với nghề. Vậy nên, quan trọng hơn hết không phải là hại hay lợi mà là người ta phải biết chọn lựa theo đúng nhu cầu của bản thân mà thôi!

- Nhưng tôi thấy một số bạn vẫn thích được “nổi tiếng ảo”, thậm chí còn cao ngạo vì sự nổi tiếng đó! Phải chăng cái “ảo” đang ngày càng xâm chiếm trong showbiz hiện nay?

- Vậy anh có thấy ai nổi tiếng ảo mà lâu dài không? Cái khắc nghiệt của nghề này là như vậy, có đam mê thật sự mới tồn tại được lâu dài. Còn cao ngạo vì cái ảo của bản thân mình thì đó là tự đào mồ chôn mình. Nếu nói về cái hại của những lời ca tụng sáo rỗng thì có thể nói đây là cái hại lớn nhất.

Nhưng suy cho cùng, tất cả là do mình thôi, bởi bản thân mình phải biết rõ nhất mình đang ở đâu, tài năng thế nào, kinh nghiệm, thực lực ra sao chứ! Còn cứ tự huyễn hoặc mình thì mình đã trở thành đồng lõa với những người hại mình bằng những lời khen. Khi đó thì trách ai!

- Và rõ ràng là không có gì đáng tự hào với những “hào quang” mà người khác dựng lên không phải từ thực lực của mình?

- Đối với tôi, bạn hãy làm với tất cả những gì mình có rồi tôi tin bạn sẽ được công nhận và đánh giá đúng. Còn nếu bạn chỉ được sống ảo với ánh hào quang đó, sẽ có lúc ánh hào quang sáng hơn bạn, và bạn bị lu mờ nhanh chóng bởi vì thật ra đó không phải là hào quang của bạn!

Với tôi, lời khen là một lời nhắc nhở và là động lực để tôi cố gắng. Tôi sợ ai khen nhiều, thứ nhất là thấy mình chưa đủ, thứ hai tôi sợ họ “khen cho chết”.

Ca sĩ Hải Yến: Đừng lạm dụng hay tiếp tay

- Hải Yến suy nghĩ gì về quá trình xây dựng tên tuổi một người nghệ sĩ?

- Với Hải Yến đó là một quá trình dài, bền bỉ và đầy mồ hôi, công sức, nước mắt cộng với những nỗ lực và cả tài năng của người nghệ sĩ, cho đến khi họ được công nhận! Đặc biệt là tại thời điểm bão hoà nghệ thuật hiện nay với sự xuất hiện của các nghệ sĩ mới, trẻ trong làng giải trí. Đồng thời bên cạnh những yếu tố đã nói thì may mắn không thể thiếu trong nghề là được Tổ đãi.

- Nhiều năm trước, để được công chúng đón nhận thì nghệ sĩ phải đổ biết bao mồ hôi, công sức và phải có thực lực thật sự. Nhưng ngày nay, đôi khi không cần như vậy mà chỉ cần được PR tốt?

- Yến phải thừa nhận những mặt lợi mà truyền thông mang lại cho người nghệ sĩ ngày nay! Họ sẽ đỡ vất vả hơn để tiếp cận với công chúng của mình! Thay vì phải đi đến từng ngõ ngách, thôn xóm mang tiếng hát, tài năng đến với khán giả thì ngày nay khán giả có thể ngồi ở nhà để tiếp nhận thông tin về nghệ sĩ! Đó là điều thực sự may mắn với nghệ sĩ.

Tuy nhiên, việc lạm dụng hay tiếp tay của một vài kênh truyền thông cho những nghệ sĩ trẻ mà tài năng và sự nỗ lực của họ chẳng có là bao thì theo Yến nghĩ đó là cái “chết non” được báo trước! Yến thấy tội nghiệp cho các nghệ sĩ trẻ khi bị cuốn vào “cơn lốc” của truyền thông.

Ca sĩ Hải Yến.

- Hiện tại, báo mạng điện tử ngày càng có ảnh hưởng với người nghệ sĩ. Có thể, vì có mối quan hệ hoặc vì nghệ sĩ cố tình dùng chiêu trò để PR mà họ được lên báo ồ ạt và thế là nổi tiếng. Hẳn đó không phải là điều tốt?

- Không phủ nhận sức mạnh truyền thông, không phủ nhận những mặt tốt truyền thông đã mang lại và hỗ trợ cho nghệ sĩ. Nhưng vì vài lý do như mối quan hệ, hay cố tình dùng “chiêu trò” mà truyền thông đăng tin không sàng lọc thì với Hải Yến nó như là ném thêm sạn bụi vào cái nơi vốn đã khó có thể gọn gàng, ngăn nắp! 

- Được truyền thông, công chúng ủng hộ là tốt, điều đó chắc chắn rồi! Song khi sự khen ngợi, sự ủng hộ không dựa trên những thực lực của người kia thì lời khen đó sẽ hại họ. Hải Yến đồng ý chứ!?

- Vâng! Yến đã nói rồi đó là “cái chết non” được báo trước! Bởi nếu không thật sự tỉnh táo để biết mình ở vị trí nào thì người nghệ sĩ được khen dễ rơi vào ảo tưởng về bản thân mình. Đó là chưa kể, đối với những người trẻ khi được khen còn dễ sinh ra tự kiêu, tự mãn. Thực tế đã xảy ra và đương nhiên đó là điều chẳng mang lại lợi ích hay điều gì tốt đẹp cho họ.

- Chuyện một số gương mặt trẻ mới hôm qua còn là nhân vật được tung hô, ca ngợi thì hôm sau trở thành người tai tiếng bởi những phát ngôn, hành động lệch chuẩn… đã không còn là chuyện xa lạ. Đó cũng là minh chứng cho sự “nổi tiếng ảo” đang ngày càng nhiều?

- Trong cuộc sống chuyện khen chê, yêu ghét ai đó là quyền cá nhân và là cảm nhận của mỗi người! Riêng Hải Yến cho rằng trước khi tung hô, ca ngợi, yêu mến ai đó thì khán giả hãy tìm hiểu, hãy theo dõi và hãy kiểm chứng tài năng cũng như lối sống của họ! Chớ để cảnh “nay khen, mai trách” hay “nay chạy theo người này, mai ủng hộ người khác” thì vô tình chúng ta tự biến mình thành con rối…

- Thiết nghĩ, không có gì đáng tự hào với những “hào quang” mà người tạo nên không phải từ thực lực của mình. Thế nhưng có một số trường hợp lại có xu hướng cao ngạo, thậm chí xấc xược với người lớn. Hẳn đây là điều khó có thể chấp nhận với người được gọi là nghệ sỹ?

- Không cần biết nghệ sỹ hay người thường nhưng từ nhỏ cha mẹ, ông bà luôn nhắc nhở, khuyên răn mỗi chúng ta với người lớn tuổi thì cần phải có thái độ như thế nào cho đúng mực!

Còn trong nghề này, hay bất cứ môi trường nào, sự cao ngạo đều là lưỡi dao tự giết mình. Đó là chưa kể, sự cao ngạo không dựa trên bất cứ cái gì của mình mà chỉ là những điều ảo tưởng do người khác dựng nên thì lại càng nhanh chóng đưa mình đến vực thẳm.

Nhạc sĩ Lương Bằng Quang: 90% số ông bầu chỉ vì tiền

- Thành công của một người nghệ sĩ được xây dựng bền chắc như thế nào, theo anh?

- Đã gắn với hai từ nghệ sĩ tức có nghĩa bạn phải có tài năng, sản phẩm và được công chúng biết đến. Tùy vào số lượng và chất lượng của sản phẩm, cộng thêm mức độ nổi tiếng của bạn thì đánh giá được mức độ thành công của người nghệ sĩ.

- Thời gian gần đây, thấy có nhiều gương mặt trẻ hiện nay bỗng nổi tiếng nhờ sự tung hô của một bộ phận truyền thông, nghệ sĩ, công chúng mà không cần phải có tài năng hay sản phẩm ấn tượng nào, anh nghĩ gì về những trường hợp này?

- Với câu hỏi này hoàn toàn không liên quan gì đến người nghệ sĩ vì chỉ nói về những người nổi tiếng. Và nếu dừng lại ở cụm từ “người nổi tiếng” thì các bạn ấy hoàn toàn được gọi là thành công vì nhận được sự quan tâm của truyền thông mà không cần sản phẩm nào hết!

Ca sĩ Lương Bằng Quang.

- Với những lời khen ngợi, ca tụng không căn cứ vào thực lực của người nghệ sĩ mà vì lý do nào khác thì những lời đó thật ra là đang hại nghệ sĩ, đúng không anh?

- Không thể trách những người có những lời ca tụng với những người được coi là “nghệ sĩ”, tức người nổi tiếng vì họ có lý do để nói điều đó. Họ đánh giá ở mặt hình ảnh, sự hài hước, những gì vui để mọi người đọc mà thôi. Thì khi người đọc cho ra lời khen tức là họ đang quan tâm ở một khía cạnh nào đó không nhất thiết là ở khía cạnh chuyên môn, âm nhạc, hội họa… họ đánh giá ở khía cạnh giải trí. Những bạn trẻ nổi tiếng đáp ứng được sự hài hước, màu sắc tươi mới cuộc sống nên họ nhận được những lời khen ngợi.

- Rõ ràng là không có gì đáng tự hào với những “hào quang” mà người khác tạo ra không phải từ thực lực của mình. Và điều đó cũng không bền, cũng không thể giúp nghệ sĩ đi đường dài được?

- Quang sẽ tiếp tục dùng từ nghệ sĩ trong ngoặc kép vì đối với Quang, người “nghệ sĩ” lúc này là những người nổi tiếng. Xét cho cùng thì cũng đáng tự hào vì họ tạo ra được sự hài hước, thu hút sự quan tâm của một bộ phận công chúng và dí dỏm, hoặc là những điều được cho là lố bịch thì đó cũng là sáng tạo, vì nếu họ duy trì sự sáng tạo ở khía cạnh đó thì họ có thể đi đường dài được, có thể tạo độ bền, độ hot cho tên tuổi họ.

Sự lố bịch, nói nhảm, giả gái.., thì tất cả đều xuất hiện trong 1 vở hài kịch mà trong đó tất cả nghệ sĩ biết tạo ra tình huống gây cười và chính những tình huống gây cười, nhảm nhí đó tạo ra tiếng cười. Vì thế, có thể xem tất cả những bạn đó như nghệ sĩ hài và độ hot của họ có thể duy trì nếu tiếp tục biết cách tạo ra những cái độc đáo đó.

- Người quản lý hay “ông bầu” đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với tên tuổi và hình ảnh của người ca sĩ, nhất là những bạn trẻ. Nhưng quan sát thấy cái tâm, cái tài đang có vẻ thiếu hụt từ vài “ông bầu”. Điều đó dễ thấy qua những “sản phẩm bị lỗi” tức những ca sĩ scandal của họ. Anh chia sẻ gì về điều này?

- Tôi nhận thấy có đến 80 - 90% số ông bầu có nhiệm vụ tìm ra được thật nhiều tiền cho họ và cho ca sĩ mà họ đang quản lý. Nếu ông bầu nằm ở khía cạnh là nhà sản xuất âm nhạc thì ông sẽ quan tâm đến việc làm sao cho những sản phẩm tốt, hấp dẫn hơn. Còn nếu ông bầu là người làm chiến lược hình ảnh thì sẽ bất chấp mọi thứ để làm sao cho ca sĩ mình quản lý càng nổi tiếng càng tốt.

Trong ngành nghệ thuật, những ông bầu lâu năm hiểu rõ sự đào thải cũng như tuổi thọ tên tuổi ca sĩ là rất ngắn. Nên trong thời điểm nào đó có thể tận dụng được tên tuổi, độ hot của ca sĩ thì ông bầu sẽ ra sức vắt cho cạn những scandal họ có thể nghĩ ra trong đầu. Nếu không làm điều đó nhanh, mạnh thì trong khoảng thời gian càng ngắn nào đó, tên tuổi người ca sĩ dù hot đến cỡ nào cũng sẽ vụt tắt trong thời gian sau này.

- Áp lực phải nổi tiếng nhanh của ca sĩ - bầu show đang lấn át những nền tảng cơ bản nhất của người ca sĩ, đó là chất giọng, là quá trình rèn luyện. Đó cũng là lý do thế hệ ca sĩ trẻ bây giờ có nhiều bạn nổi tiếng rất nhanh, bằng những chiêu trò PR rồi sau đó mất hút. Anh nhận thấy điều này chứ?

- Ông bầu lúc này đang đóng vai trò là một người làm kinh tế. Mà một người làm kinh tế giỏi là phải biết nắm bắt thời cơ, dùng tất cả mọi hình thức để kiếm tiền thật nhiều. Nếu ví ông bầu là người đầu tư kinh doanh thì ca sĩ chỉ là người đóng vai trò là một mảng kinh doanh nhỏ trên con đường sự nghiệp ông bầu. Cho nên sự quan tâm đến độ bền, đến sự mất hút của ca sĩ đóng vai trò rất thứ yếu với ông bầu mà thôi!

Những người bầu show có lương tâm thì chắc chắn họ sẽ quan tâm đến hình ảnh người ca sĩ của mình. Họ giữ thể diện cho ca sĩ của mình thật lâu dài. Tạo ra hình ảnh đẹp bền, dù cho tên tuổi ca sĩ có tàn lụi thì hình ảnh, uy tín vẫn còn trong lòng mọi người khi được nhắc đến.

Còn bầu show đánh giá ca sĩ như mảng đầu tư kinh doanh thức thời, lấy tiền nhanh chóng thì chắc chắn họ sẽ làm bằng mọi giá, tạo ra hàng tá những scandal mà không cần biết đến hậu quả sau này. Vì họ đã “hớt váng sữa” ở trên rồi!

Thực hiện: Hoàng Lãm – Nguyệt Lãng
.
.