Không thể vãn hồi

Thứ Sáu, 09/04/2021, 10:29
"Vào ngày 19-3-2003, Tổng thống Mỹ George W.Bush ra lệnh không kích Baghdad, khởi đầu Chiến tranh Iraq, nhằm lật đổ chế độ độc tài của Saddam Hussein - người bị tin (một cách nhầm lẫn) rằng đang sản xuất vũ khí giết người hàng loạt".

Vài dòng ngắn ngủi ấy, trong mục “This day in history” (Ngày này năm xưa) của trang mạng uy tín Britanica, đủ để gợi lại những ký ức đầy bão lửa, và đủ để nghi ngờ bất cứ "lá cờ chính nghĩa" nào được phất lên từ phương Tây, trong hiện tại.

Sai một ly…

Năm 2004, Ủy ban 9/11 của Mỹ kết luận không có bằng chứng nào về mối quan hệ giữa chế độ Saddam Hussein và tổ chức khủng bố al-Qaeda;  cũng không tìm thấy kho dự trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt (hóa học, sinh học hay vũ khí hạt nhân) hoặc chương trình sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt nào đang hoạt động ở Iraq. Việc chính phủ Mỹ tin rằng Iraq đang sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được chứng minh là do thông tin tình báo bị sai lệch.

Những tuyên bố hùng hồn trước đó, về việc nước Mỹ nhất thiết cần phải hành động để tự bảo vệ chính mình trước những nguy cơ khủng khiếp, trở thành một câu chuyện đùa. Trong đó, bao gồm cả tuyên bố: "Nước Mỹ sẽ không cho phép các chế độ nguy hiểm nhất thế giới này đe dọa chúng ta bằng thứ vũ khí nguy hiểm nhất thế giới" của tổng thống Mỹ ngày ấy là George W.Bush, khi ông gom Iraq, Iran và CHDCND Triều Tiên vào thứ gọi là "Trục ma quỷ" (Axis of Evil), thẳng thừng và không mang một chút hơi hướng lịch lãm ngoại giao nào.

Chiếc ống nghiệm nổi tiếng của Colin Powell.

Thuật ngữ này lập tức trở nên "thời thượng". Nó liên tục xuất hiện trong những bài phát biểu của người đứng đầu nước Mỹ, kể cả trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (12-9-2002), lẫn ở những cuộc họp báo trong nước. Nó là sự kết tụ một ý chí chính trị không thể thay đổi: Tấn công Iraq, lật đổ Saddam Hussein, nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất hiện của những thứ vũ khí giết người hàng loạt.

Các công dân Mỹ tin vào lý do đó. Đến tháng 2-2003, theo kết quả một cuộc khảo sát dư luận xã hội, 64% số người Mỹ được hỏi ủng hộ một chiến dịch quân sự chống lại Iraq. Trước đó, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết Iraq, cho phép Tổng thống George W.Bush "sử dụng mọi biện pháp cần thiết".

Vào ngày 5-2-2003, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã có một bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đưa ra bằng chứng cho thấy chính quyền Iraq đang che giấu việc sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, các thông tin mà Powell nêu ra hầu hết đều dựa trên tuyên bố của Rafid Ahmed Alwan al-Janabi, mang biệt danh "Curveball ", là một người Iraq đang sống lưu vong ở Đức thời điểm đó. "Curveball" kể rằng anh ta từng là một kỹ sư hóa học làm việc tại một nhà máy sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt bí mật của Iraq, và CIA đã sử dụng lời khai của "Curveball" làm cơ sở để cáo buộc chính quyền Saddam vẫn chưa từ bỏ chương trình chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Colin Powell giơ cao một ống nghiệm trong phòng họp, mà theo ông, trong đó là bằng chứng không thể phủ nhận về việc Iraq có sản xuất vũ khí  giết người hàng loạt. Đó là một hình ảnh để lại rất nhiều dấu ấn, trong những năm đầu thế kỷ XXI. Thế giới khi đó - một thế giới đơn cực, với nước Mỹ thực sự là "thành phố trên đỉnh đồi" mà tất cả mọi người đều phải ngước nhìn, như cách ví von xưa cũ - thảy đều cúi đầu. Bão lửa dội lên một quốc gia độc lập và có chủ quyền. Một chính quyền (bị truyền thông phương Tây mô tả là thất nhân tâm, tàn bạo và độc tài) bị lật đổ bởi quân đội nước ngoài. Một chế độ mới được dựng lên, kéo theo sau đó là cả hai thập kỷ chưa từng yên ổn. Những guồng quay phát triển đình trệ. Tang tóc nối tang tóc, thù hận kéo theo thù hận, đặc biệt là thời điểm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy như một con quái vật.

Tất cả xuất phát từ một nguồn tin không chính xác, một bằng chứng không biết từ đâu xuất hiện.

Vấn đề là, đến ngày 30-12-2006, Saddam Hussein vẫn bị kết án tử hình, và bị treo cổ.

Saddam Hussein trong phiên tòa xử án mình.

Từ bạn đến thù

Vậy thì, "tội" lớn nhất của Saddam Hussein là gì? Không phải là sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, mà tội danh được tuyên bởi tòa án là tội danh "phạm tội ác chống lại loài người" - bản án được xác nhận bởi tòa án Iraq, dưới quyền một chính phủ lâm thời mới được liên quân Anh - Mỹ dựng lên, sau cuộc tấn công quân sự năm 2003. Dù đúng dù sai, bản án ấy và tội danh ấy cũng là chuyện nội bộ của người Iraq, cũng tương tự như các vấn đề đang liên quan tới hiện trạng dậy sóng ở Myanmar hiện tại. Và bởi vì đó là chuyện nội bộ, nên đúng ra, chẳng quốc gia nào, kể cả các cường quốc lãnh đạo thế giới, có quyền can thiệp.

Bên cạnh đó, những cáo buộc về chuyện Iraq có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, sau này, cũng được chứng minh là không có cơ sở xác thực. Mà thực ra, cho dù cùng thuộc hệ phái Hồi giáo Sunni, đảng Baath do Saddam Hussein lãnh đạo ở Iraq với Al- Qaeda của Osama bin Laden có tôn chỉ cũng như phương thức hoạt động hoàn toàn khác nhau. Nếu Iraq của Saddam Hussein thiên về khuynh hướng pha trộn giữa chủ nghĩa dân tộc Arab và chủ nghĩa xã hội, thì Osama bin Laden lại chống Liên Xô cũng như chủ nghĩa cộng sản, cũng cực đoan như chống Mỹ và phương Tây sau này.

Sau chiến dịch năm 2003, quân đội Mỹ vẫn còn phải quay lại Iraq, khi IS trỗi dậy từ thù hận và những khoảng trống quyền lực.

Saddam Hussein nắm quyền từ cuối thập niên 1970, bằng đảo chính, bằng trấn áp, bằng vũ lực - theo mô tả của truyền thông phương tây. Nhưng vì sao đến tận 30 năm sau, nước Mỹ cũng như phương Tây mới nhận ra rằng cần phải lật đổ chế độ của ông, bằng mọi giá? Câu trả lời, cuối cùng, vẫn không nằm ngoài hai chữ "lợi ích".

Năm 1973, thế giới trải qua một cuộc khủng hoảng dầu mỏ, và dĩ nhiên giới đại tài phiệt ở các nước tư bản không muốn thấy bất cứ một sự xáo trộn nào nữa. Bên cạnh đó, nước Pháp lại giữ quan hệ hết sức hữu hảo với Iraq, và có thể tin rằng Mỹ hay Anh chẳng dại gì mà làm mất lòng Paris. Không chỉ vậy, sau cuộc chiến tranh Iran - Iraq (năm 1980), mối hiềm khích giữa hai quốc gia láng giềng ấy lại tạo thêm nhiều cơ hội "ngư ông đắc lợi" cho những thế lực bên ngoài, đặc biệt là khi Iran trở thành một cái gai trong mắt Mỹ.

 Mọi sự chỉ thay đổi, khi Saddam Hussein xua quân tiến vào Kuwait năm 1990, khai màn cho cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Đó là điểm bùng nổ xung đột về lợi ích, khi phía Iraq cho rằng Kuwait (vốn chỉ là một tỉnh của mình, tách ra dưới những tác động của chủ nghĩa thực dân Anh) đã kiếm lợi và trở nên giàu có nhờ khai thác dầu mỏ trên những phần lãnh thổ đúng ra phải thuộc về Iraq.

Tuy nhiên, cổ phần của rất nhiều mỏ dầu ở Kuwait lại thuộc về những nhà đầu tư Mỹ. Cộng thêm chuyện Saddam Hussein đe dọa sẽ san phằng Israel nếu "có biến", ông đã tự chọn cho mình kết cục giống đại tá Gaddafi của Lybia sau này - những nhà độc tài ở vị thế kẻ thù của nước Mỹ, chứ không phải như chế độ hoàng gia Saudi Arabia, những người bạn của nước Mỹ.

12 năm kế tiếp, cho đến khi liên quân Anh - Mỹ tiến vào Baghdad dưới lá cờ "thảo phạt ma quỷ" và ngăn ngừa nguy cơ sản xuất vũ khí giết người hàng loạt, quốc lực của Iraq liên tục bị làm xói mòn và trở nên suy yếu dưới các lệnh cấm vận - trừng phạt. Ở chặng cuối cùng ấy, Mỹ cùng phương tây chỉ còn cần một cái cớ, để chính thức xóa sổ một chế độ không "thuận mắt" họ. Và cái cớ ấy là chiếc ống nghiệm trên tay Colin Powell.

* Vào thời điểm tấn công Kuwait, Iraq đang là nước nhận viện trợ lớn thứ ba từ Mỹ. Chính quyền tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã cấp cho Iraq tới 4 tỷ USD tín dụng nông nghiệp, như một cách hà hơi tiếp sức để Iraq chống lại Iran.

* Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng cơ quan tình báo CIA đã sai, và tôi cũng thất vọng như mọi người. Nhưng những điều không thể phủ nhận được là Saddam Hussein đã từng xâm lược một đất nước, ông ta đã từng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông ta có khả năng sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông ta bắn vào phi công của chúng ta. Ông ta là một nhà tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Tiêu diệt Saddam Hussein là điều đúng đắn để đảm bảo nền hòa bình thế giới và an ninh cho đất nước của chúng ta" - Tổng thống Mỹ George W. Bush.

Thiên Thư
.
.