Đàn ông ngó gần, đàn ông nhìn xa

Khí phách đàn ông

Thứ Năm, 12/11/2015, 15:46
Tất nhiên khi bạn đọc đang cầm trên tay tờ Chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng này thì Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 đã trôi qua được vài hôm. Tôi nhằm đúng ngày này để nhìn vào những người đàn bà đáng yêu mà thương cảm ngồi xuống lạch cạch gõ về đàn ông chúng ta.


Tôi cũng giống vô vàn thành phần đàn ông rảnh việc khác, thường xuyên nhậu. Có lẽ do sự nuông chiều rơi xuống cuộc đời ngay sau ngày cưới khi vợ chỉ mặt bảo: “Gia đình muốn hạnh phúc thì chỉ một người kiếm tiền và người đó không phải là anh”.

Trong vô số lần đã ngà ngà say bên bàn nhậu, miệt mài nói năng nhăng nhít đóng vai một gã tử tế, có lúc ngừng lấy hơi, thi thoảng sẽ có một cô gái ngồi cùng mâm khe khẽ hỏi han đầy tin tưởng: “Anh xem bạn anh có ai tử tế giới thiệu em đi”.

Hẳn nhiên, tôi luôn cười và trả lời theo phản xạ: “À có, nhiều lắm, gần nhất thì có vài thằng em vừa về đợt mùng 2-9 theo diện ân xá, thằng ngoan nhất 12 năm nay chưa một lần đụng vào đàn bà, như vậy theo em đủ tử tế chưa?”.

Các em gái sẽ lại giãy lên: “Anh cứ trêu em”. Thậm chí đôi lần có bạn nữ tuổi ương dở sắp già còn ưu tư triết lý: “Dạy dỗ một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn dễ gấp vạn lần sửa chữa một gã đàn ông đã hư hỏng”.

Minh họa: Hữu Khoa.

Có lẽ khái niệm về đàn ông tử tế thời nay cực mong manh, khó định nghĩa và cận tuyệt chủng. Câu hỏi bỏ ngỏ đàn ông tử tế, đàn ông có khí phách họ đi đâu hết ấy luôn lơ lửng trên đầu. Tuy nhiên bù lại, theo tôi ở phương diện góc nhìn tân tiến đàn ông thành đạt lại cực nhiều, nhất là trên facebook.

Mỗi ngày trung bình tôi dành ra khoảng 25 phút để đi ấn nút “yêu thích” những sự thành đạt trên mạng xã hội của bạn bè nam giới quen biết. Đa số đều tuân thủ theo thủ pháp chuẩn của thành đạt thời hiện đại là than thở về sự bận rộn thường trực kèm bi kịch cá nhân.

“Ôi tôi chết mất, còn hơn 20 hợp đồng chưa ký mà đói đến quặn ruột không dám ra khỏi văn phòng”. Cảm thán từ một anh nhiếp ảnh gia. Tôi thích điều này !

 “Ôi dồi ôi bao nhiêu việc mà lại bị trễ chuyến bay hu hu”. Nội dung cảm thán được tung lên từ phòng chờ hạng thương gia tại một sân bay quốc tế nào đó. Tôi thích điều này!

Ngoài ra thực đơn của các quý ông được mô tả trên mạng bằng ảnh thường cũng toàn cao lương mỹ vị, tôm hùm bỏ lò, bào ngư vi cá, shushi sang chảnh… tại những nhà hàng tên tuổi hoành tráng.

Tôi thích điều này và thực sự rất chóng mặt.

Nôm na thế, biểu hiện cuộc sống trên mạng xã hội như một cái siêu thị tâm sự của toàn những việc nhìn thì tưởng đơn giản mà lại không hề phức tạp một tẹo nào. Đàn ông hiện đại khoe đồ hiệu ngày càng bị lấn lướt bởi đàn ông trang điểm bằng bi kịch.

Tôi nhiều lần rất thẳng thắn khuyên các em gái cô đơn rằng hay cứ mạnh dạn lên mạng mà tìm, toàn thành phần oách cả, việc gì phải tìm đâu xa.

Em nó cãi :”Anh bị làm sao, toàn tâm thần”. Không biết sự phản hồi cực đoan ấy là nói thật hay bông đùa nữa, hoặc giả cô ấy cũng liệt kê tôi trong thành phần đó hay không cũng chẳng rõ.

Tôi im lặng, không có nút “Tôi thích điều này” ở ngoài đời.

Đôi khi tôi cũng đặt địa vị mình vào các em gái ngấp nghé 30 chưa chồng mà tự thấy hoang mang phết. Đến chọn thằng bạn được cho là tử tế nhất của mình để yêu, cũng không đặng, hình như cũng bệ rạc lắm.

Theo nhiều nghiên cứu vô trách nhiệm, đàn ông tử tế trước hết phải là người hiền lành. Khi đột ngột bất hạnh buồn phiền, rủng rỉnh tiền bạc hay cực thịnh cảm xúc họ không mấy khi online kẻ cả tâm sự rất “uyên bác”. Họ không đi bar, họ không mua đồ hiệu mà thường lặng lẽ cô đơn hàng tối, ở nhà bật vô tuyến xem “The Voice Kids”.

Mô-típ này là trung hòa giữa hỗn mang đàn ông thời nay.

Cũng chỉ trước Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 độ hơn chục hôm. Cộng đồng mạng được phen xôn xao khi chứng kiến một màn trứ danh bắt quả tang vợ ngoại tình. Tất nhiên nó nằm ngoài mọi kịch bản suy luận của những kẻ háo hức bạo lực. Bởi anh ấy kê chiếc ghế nhựa bên hiện trường, thút thít khóc và nhờ quần chúng quay lại toàn bộ lời “đấu tố”. Ngay hôm sau anh lại đăng tải đoạn clip xin lỗi “nạn nhân” được cho là nhầm lẫn. Không sao cả, đàn ông là phải thế, biết sai biết sửa và thậm chí là biết xin lỗi luôn là của hiếm bất kỳ thời đại nào. Dư luận lại được phen xôn xao lần nữa, thế đấy. Tôi luôn cho rằng dư luận mà báo chí hay gọi là “cộng đồng mạng” như những đứa trẻ lên 8, chóng giận, chóng phẫn nộ và cực chóng quên. Nếu ngày mai có một anh đàn ông khóc lóc nào khác, chắc chắn đó là thứ đồ chơi mới cho đứa trẻ mang tên dư luận.

Mà khí phách đàn ông cũng chả hơi đâu phải đối thoại với dư luận, những kẻ vô hình, ai đánh giá mình thế nào, kệ. Có lẽ thị trường bán tấm che mặt cho đàn ông sẽ là một thị trường bổ béo đầy tiềm năng thời nay.

Trong các nhân vật văn học Việt Nam, tôi đặc biệt yêu quý nhân vật Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Tương lai, cuộc sống và hun hút đợi chờ, ông chả nhờ ai cả, sợ cả sự dằn vặt ân hận của con trai mà quyên sinh. Chả làm phiền cuộc đời này nữa. Tất nhiên cuộc sống giờ còn nhiều điều thú vị, lựa chọn con đường ấy không phải là điều hay nhưng chí ít nước mắt bi lụy nhan nhản từ xin việc cho đến ăn vạ xã hội, mè nheo bà xã…luôn là việc không nên làm.

Trong đằng đẵng tiến hóa, đàn ông tuột từ trên cây thời hái lượm xuống mặt đất và đi thẳng trên hai chân. Rất oai dũng và đáng yêu, thế nhưng đôi khi vì cuộc sống mà bỗng dưng cứ thế gù gập lưng như thời tiền sử quả là thật đáng buồn. Tôi bỗng rưng rưng nhớ lão Hạc, dù trong tưởng tượng.

Hoàng Minh Trí
.
.