Internet và nửa cái bánh mì

Thứ Tư, 30/07/2008, 08:15
Nhà báo ngày hôm nay đã không thể chỉ là những kẻ chăm đi, chăm viết và tự hào về quyền năng của mình. Họ buộc phải trở thành những người đứng đầu nguồn thông tin và sàng lọc được những thông tin có giá trị nhất.

Họ đã trở thành những người phục vụ bạn đọc mẫn cán và tận tình. Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt của báo chí, nơi nào phục vụ bạn đọc đầy đủ, chu đáo và chính xác, nơi đó sẽ giành ưu thế. Không thể ngồi tưởng tượng, cắt ghép và suy đoán rồi đem đến cho bạn đọc một nửa sự thật.

Với tốc độ sống quá nhanh, sự đòi hỏi thông tin chính xác là đòi hỏi về một cái bánh mì hoàn hảo cho cuộc sống của người dân. Áp lực về sự trung thực, về sự cập nhật và áp lực về cái mới luôn là nỗi ám ảnh thường nhật với những người làm báo trẻ. Và họ đã tìm những lối đi riêng để tồn tại với nghề.

Không phải ngẫu nhiên mà nghề báo được coi là nghề nguy hiểm. Nguy hiểm không chỉ bởi họ luôn là những người có mặt sớm nhất ở những điểm nóng, giáp mặt với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Mà nguy hiểm còn bởi cám dỗ của nghề ngày càng lớn.

Cái giá phải trả cho những ai không thắng được cám dỗ ngày càng lớn. Làm nghề bằng một cái tâm sáng trong thời buổi mọi giá trị đều ở mức tương đối và đời sống bị biến dạng nhiều lần bởi giá cả leo thang là việc khó hơn vạn đường khó của thời hiện đại.

Đã có những người vì yêu nghề, dám xả thân, nhưng vì không chống lại được sức cám dỗ của những thông tin chưa kiểm chứng đã phải trả giá. Đó cũng là một góc khác của nghề nguy hiểm.

Nói gì đi nữa, nói về sự đổi thay hay những khiếm khuyết thì báo chí Việt Nam cũng đang có được một thế hệ nhà báo trẻ có nhu cầu được làm báo thực sự, được làm những việc mà họ cho là có ích.

Họ làm báo không vì giải thưởng, cũng không vì những danh vọng nào đó. Họ làm báo vì có nhu cầu được mang đến cho bạn đọc những thông tin sạch. Họ mang tới cho bạn đọc một niềm tin. Và đó chính là một bước đi thực sự của báo chí trong lòng công chúng

PV
.
.