Giải thưởng âm nhạc: Ai cống hiến, ai hưởng lợi?:

"Hữu xạ" có còn "tự nhiên hương"?

Thứ Tư, 13/04/2011, 14:40
Âm nhạc vẫn luôn là lĩnh vực được quan tâm nhiều trong đời sống văn hóa văn nghệ nước nhà. Bởi thế, nhất cử nhất động của các ca sĩ đình đám bao giờ cũng nhận được sự quan tâm của số đông, của những "tín đồ" cuồng tín.

Tất nhiên, giải thưởng âm nhạc cũng nằm trong quy luật đó. Vậy nhưng, "hữu xạ" này có "tự nhiên hương" không? Hay lại là một thứ "hương nhân tạo" đầy mùi tiền bạc mua bán và là trò của những kẻ thích "phô trương thanh thế"?

Những tiêu chí… lùng bùng

Nói về hệ thống giải thưởng âm nhạc thì chúng ta có cũng không ít những giải thưởng được trao từ hàng tháng cho tới hàng năm. Thể loại thì cũng phong phú từ online cho tới sự kiện rầm rộ. Hình thức thì cũng đa dạng từ bình chọn tin nhắn cho tới ban giám khảo ngồi xét nét chấm từng li từng tí một.

Nhưng buồn một nỗi, tất cả những "sắp đặt và trình diễn" đó như những món "tráng miệng" đôi khi lại nhạt nhẽo, đôi khi lại quá thừa mứa trong một mâm cỗ âm nhạc mà món nào cũng đòi làm chính, từ cao lương mỹ vị cho tới… bún đậu mắm tôm. Mọi thứ được quăng, được ném ra và cái nào cũng đáng được tôn vinh ngang hàng nhau. Xôn xao là đây, mà bất hạnh cũng là đây!

Chuyện lùm xùm ở giải Cống hiến năm nay cũng theo chiều đó mà càng phức tạp hơn. Nhìn vào tổng thể thì thấy có vẻ như những con người đó "cống hiến thật" nhưng xét kĩ thì sự cống hiến của những cá nhân đó không mới.

Giải cống hiến 2010 đã gây ra nhiều tranh cãi.

Thanh Lam "ăn mòn" chính bản thân mình bằng cách hát đi hát lại những ca khúc cũ, một show diễn rất cũ và nói như nhiều người là "phòng trà mở rộng" mà thôi. Đức Tuấn thì vẫn lại là album nhạc sĩ, có chăng là Dương Thụ với Bây giờ biển mùa đông. Người yêu thì nói xứng đáng, kẻ ghét thì nói Đức Tuấn được đề cử Cống hiến là vì Dương Thụ là "người nhà" của giải thưởng này (!?).

Ngọn lửa cao nguyên của Y Moan lại là một dấu kết cho một "phong trào" thương tiếc, ca tụng những con người sắp đi xa, điều mà khi họ sống khỏe thì chẳng ai đoái hoài tới. Chính bởi thế, trong buổi họp báo tại phía Nam của giải thưởng Cống hiến có ý kiến cho rằng Ngọn lửa cao nguyên chỉ là một chương trình gợi nhớ, ôn lại và tri ân công lao của người nghệ sĩ đó và đặt dấu hỏi về chuyện show diễn đó cống hiến điều gì?

Tất nhiên, đó là điều nhạy cảm, chẳng ai muốn nói nhiều, nhưng nếu thẳng băng ra thì show diễn đó cống hiến cho chính những người thích/muốn/cần được tô vẽ cái gọi là "tình thương đám đông" và "truy tặng tài năng", điều chúng ta thấy rất nhiều ở những… đám ma các nghệ sĩ đã qua.

Có chăng cái mới là những gương mặt như Mai Khôi, Huy Tuấn và Uyên Linh. Mai Khôi có một năm rực rỡ, một thành quả của một hành trình dài, đầy kiên định từ nhiều năm nay cho một chiến lược "hai chân hai hàng" từ khi bắt đầu: nhạc - ca sỹ. Huy Tuấn quá thành công khi "định nghĩa" một vai trò mới: Đạo diễn âm nhạc cho một cuộc thi.

Chức danh đó mới tại Việt Nam chứ với thế giới đã quá cũ, nhưng điều Huy Tuấn làm được là "nâng tầm" cho một cuộc thi vốn luôn bị xếp vào hàng "chiếu dưới" so với một cuộc thi khác do VTV tổ chức là "Sao Mai - Điểm hẹn" (mà năm qua tổ chức rất…tệ hại).  Uyên Linh thì thôi khỏi nói, tranh cãi quá nhiều.

Với những tiêu chí lùng bùng như thế, Cống hiến không tranh cãi mới gọi là…lạ! Đến giải thưởng Cống hiến còn như thế thì những giải thưởng khác thiên về bình chọn của khán giả (số đông chưa chắc đã luôn đúng) thì chuyện tranh cãi còn kinh dị hơn nữa.

Có bao nhiêu xài bấy nhiêu (hoặc cũng cố tìm ra để xài)

Như đã nói ở trên, may mắn cho giải thưởng Cống hiến là năm qua có một đời sống âm nhạc khá đồng đều ở các gương mặt đề cử (chứ không như năm Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà đoạt giải). Nhưng, sự đồng đều đó, cũng giống như đa phần các đề cử của các giải thưởng khác, kéo theo đó là sự tẻ nhạt và nhàm chán khi từng đó gương mặt, từng đó sự kiện lặp đi lặp lại hoài mà chưa có dấu ấn nào mới.

Nó cũ và thiếu yếu tố mới đến độ một cô bé thí sinh chân ướt chân ráo bước ra từ một cuộc thi cũng được lôi vào để tạo…sự kiện. Nói Uyên Linh làm "sống dậy" một đời sống âm nhạc của một bộ phận khán giả nghe nhạc có gu thưởng thức, làm "sống dậy" một sân chơi đã cũ và đã thiếu sự quan tâm của khán giả, làm mới những ca khúc cũ là đúng và cô xứng đáng được xét vào diện Cống hiến.

 Điều đó không sai. Nhưng, nếu nói, Uyên Linh là "cứu tinh" của giải Cống hiến thì có sai không? Cũng chẳng sai. Vì mọi thứ đều tương đối và ai cũng có thể bảo vệ quan điểm của mình.

Việc sử dụng tốt "hiệu ứng đám đông" đang điên cuồng vì Uyên Linh là một "chiêu" khá đắc dụng của ban tổ chức giải Cống hiến nhưng cũng cho thấy BTC đang "bí" trong việc sử dụng những cái tên để câu kéo khán giả quan tâm sự kiện.

Có một điều ít ai biết là Uyên Linh và người quản lí của cô đã từng đến tòa soạn của Báo Thể thao & Văn hóa xin rút tên ngay sau khi nhận được đề cử. Nhưng, cô nhận được sự từ chối và cũng chính bởi thế mà Uyên Linh tiếp tục bị đem ra "thế thân", khiến nhiều người vùi dập cô nhiều hơn.

Nói một cách rất vui theo kiểu "mạng xã hội", thì đến những cái tên như Thanh Lam, Tùng Dương, Lê Minh Sơn, Đức Tuấn còn phải "đeo bám" vào quán quân Idol nữa thì một giải thưởng đeo bám cũng là chuyện bình thường thôi.

Cũng giống như các hệ thống giải thưởng khác, các giải thưởng âm nhạc của chúng ta vẫn luôn bị mắc bệnh "lộng ngôn". Những vàng, bạc, đá quý, kim cương, cống hiến, tận hiến đâu ra mà lắm thế. Đâu ra mà sẵn thế khi cứ hở ra là trao giải vàng, giải kim cương. Đừng thần thánh hóa các giải thưởng, bởi đơn giản một điều "chiếc áo không làm nên thầy tu". 

Việc gắn những mỹ từ vào những giải thưởng cũng chẳng thể làm nó sang hơn, giá trị hơn, cao quý hơn bởi suy cho cùng, đến bây giờ, có mấy ai nhớ ai đã từng đoạt giải A, đề cử giải B, ẵm giải C. Những cuộc vui cũng sẽ hòa cả làng, nhưng hòa như thế nào, vui đến đâu, buồn "sâu sắc" hay buồn "nông cạn" cũng chỉ là cách mà BTC đề ra mà thôi

Du Miên
.
.